Chỉ có Leader mới có Leadership Skill (Kỹ năng lãnh đạo)?

0
3052

chuong khoi diem next management trainee Chỉ có Leader mới có Leadership Skill (Kỹ năng lãnh đạo)?

Chương trình Management Trainee hoặc một số chương trình học bổng, tình nguyện, tuyển dụng sinh viên mới ra trường, v.v.. đều nhấn mạnh kỹ năng Lãnh Đạo – Leadership Skill. Nhưng có phải chỉ có Leader mới có Leadership Skill (Kỹ năng Lãnh đạo)? Cùng nghe chia sẻ của chị Thư dưới đây nhé!

Trước hết, chị muốn khẳng định rằng Bạn có thể phát triển Kỹ năng lãnh đạo (Leadership Skill) mà không cần chức danh Leader.

Để phân tích kỹ hơn thì mình cùng tìm hiểu Kỹ năng Lãnh Đạo (Leadership Skill) là gì đã nhé! Thật ra, nếu google trên mạng về Leadership các bạn sẽ thấy hàng trăm định nghĩa khác biệt và hàng tá yêu cầu cũng như phương pháp. Ví dụ nhé, để có leadership skill – tức kĩ năng lãnh đạo, bạn phải có ti tỉ những kĩ năng liên quan như kĩ năng làm việc nhóm, tự động viên bản thân, động viên người khác, kĩ năng giao tiếp, giải quyết vấn đề, hướng dẫn người khác, v.v…

Ai cha, nếu giải thích với các bạn như vậy chị sợ là các bạn sẽ hoảng loạn mà chạy biến đi mất vì thấy thế giới sao phức tạp quá hà ?

Chị quyết định là sẽ chia sẻ khái niệm đơn giản theo cách chị hiểu để các bạn sẽ cảm thấy dễ hiểu và dễ áp dụng. Và thật ra, tìm hiểu kĩ thì chính các bạn biết đâu đó cũng sẽ có cách định nghĩa cho riêng mình!

Vậy rốt cuộc leadership là gì?

Trước hết, Leadership không phải là Chức danh mà là một thái độ, tư tưởng

Kể chuyện ha, lần gần đây nhất khi chị phỏng vấn học bổng, một trong những tiêu chí quan trọng là lựa chọn những bạn có kĩ năng lãnh đạo tốt. Trong 2 bạn cuối cùng các chị phỏng vấn, bạn ứng viên hiếm hoi được chọn để trao học bổng không phải là bạn là trưởng ban phát triển kế hoạch và chiến lược của một câu lạc bộ khá nổi mà là một bạn chỉ là thành viên của ban truyền thông. Vì sao ư?

Khi được chị đặt câu hỏi: “Em hãy chia sẻ về một ví dụ em đã thể hiện được kỹ năng lãnh đạo của mình nhé!

  • Bạn có chức danh Leader phòng Phát Triển Kế Hoạch và Chiến Lược của một Câu Lạc Bộ: dạ đó là khi em được làm leader của phòng này. Chị Thư: “Vậy em đã làm được những gì khi là leader, đã xây dựng được kế hoạch và chiến lược thế nào?” – “Dạ em mời được 2 diễn giả cho workshop của CLB…” Sau đó bạn không biết nói gì hơn nên im re
  • Bạn không có chức danh Leader – chỉ là thành viên bộ phận truyền thông của một Câu Lạc Bộ: “Dạ mặc dù em không phải là leader nhưng em nghĩ là kỹ năng lãnh đạo không cần chức danh. Ví dụ như vừa rồi em đã tự lead dược công việc của mình và mang lại kết quả vượt trội cho một cuộc thi sinh viên của CLB. Cụ thể là em được phân công mảng PR, công việc rất mới phải làm việc với nhiều báo đài mà em không có network cũng như kinh nghiệm. Nhưng sau đó em đã chủ động liên hệ với các anh chị có kinh nghiệm năm trước, tìm network, và cũng sau nhiều lần thất bại thì đã có được kha khá các báo chấp nhận đăng tin về cuộc thi. Hơn nữa, em còn kết nối với thêm vài bạn ở team content để viết nội dung PR phù hợp. Kết quả là có đến xx bài báo đăng tải, so với mục tiêu đề ra chỉ có yy, và vui hơn nữa là cuộc thi cũng thu hút số lượng đăng ký vượt trội. Em cũng được các anh chị đánh giá là chủ động, tích cực, làm việc có kết quả và và biết kết nối mọi người.”

Bạn thấy sự khác biệt chứ? Vì bạn thành viên phòng truyền thông không có chức danh là lãnh đạo, nhưng những gì bạn chia sẻ, thể hiện và hành động đã hoàn toàn chứng minh được khả năng dẫn dắt công việc và dẫn dắt người khác để cùng mình đạt đến hiệu quả cuối cùng với sự nhiệt tình, trách nhiệm và cũng như khả năng xử lý tình huống rất tốt. Trong khi bạn có chức danh là trưởng nhóm, trưởng ban lại không thể hiện được những hoạt động, suy nghĩ , dẫn dắt nhóm của bạn ở vị trí quan trọng đó… (hoặc bạn có làm được nhưng không nói được thì chị cũng chịu thôi, vì nhiệm vụ của bạn là cần phải LÀM ĐƯỢC – VÀ DIỄN ĐẠT ĐƯỢC cho người khác hiểu những gì mình làm trong quá trình phỏng vấn ^^)

Vậy nên, bất chấp bạn là ai, vị thế nào, bạn hoàn toàn có thể trau dồi, phát triển và thể hiện kĩ năng lãnh đạo cho chính mình.

Rốt cuộc, lãnh đạo là lãnh đạo ai?

  • Không chỉ là lãnh đạo người khác
  • Mà quan trọng hơn hết là phải lãnh đạo chính bản thân mình
  • Và lãnh đạo những thứ to tác hơn như một tổ chức, một quốc gia, v.v….

Vậy nên, để hiểu cho đơn giản, chị chỉ cần các bạn nhớ Leadership = UNDERSTAND + MAKE CHANGE – Hiểu & thay đổi – cho bản thân, cho người khác, và cho tổ chức.

Lãnh đạo bản thân

  • Nếu bạn không HIỂU BẢN THÂN, bạn cũng giống như một con cá đang cố gắng leo trèo cho bằng con sóc, con chim và con gấu koala đang nhởn nhơ gặm lá trên cây. Trong khi rõ ràng nếu bạn hiểu mình, bạn sẽ không bắt bản thân làm một việc không phù hợp như vậy.
  • HIỂU thôi chưa đủ, mà phải tạo nên sự THAY ĐỔI. Thay vì leo cây, bạn sẽ quăng mình xuống biển và biết đâu được, bạn chính là con cá cờ – “ông vua tốc độ vùng biển lớn” với vận tốc 112 km/h mà không ai bì kịp.
    • Chả trách mà có nhiều người họp lớp sau mấy chục năm trời không gặp nhau, họ lại thấy những cô cậu bạn mà khi xưa học không giỏi, bạn bè không kiêng nể nhưng giờ đang rất thành công khi là một chủ nhà hàng lớn, một thợ may tiếng tăm. Bởi vì những người đó, họ hiểu thế mạnh của mình là ở đâu. Như cô bạn kia, thay vì chịu đựng sức ép của xã hội để học thật giỏi, thì cô ấy dành thời gian nấu nướng cho thật tốt theo đúng sở thích của mình, rồi cô nhận nấu tiệc, ban đầu làm 5 bàn, có chút tiếng tăm, cô lại nhận 10 bàn cho các tiệc lớn, lại thêm nhiều người biết đến, rồi cô nhận nấu đám cưới, tích góp dần dà cô đã có thể mua và quản lý nhà hàng tiệc cưới của riêng mình.
    • Họ phát triển là vì họ HIỂU VÀ TẠO NÊN SỰ THAY ĐỔI, để có những lựa chọn phù hợp cho chính mình.
    • Nếu bạn không thích làm việc suốt ngày bên những số liệu, những thống kế, những tính toán excel, tại sao phải ép bản thân ra trường làm kế toán, vất vả quăng hồ sơ cho hàng chục công ty để rồi nhận lại những tín hiệu kém khả quan, trong khi bạn có thể là một designer với gu thẩm mỹ và kĩ năng thiết kế mà sẽ có rất nhiều nhà tuyển dụng sẵn sàng săn đón?
  • Hãy HIỂU bản thân, càng sớm càng tốt, để TẠO NÊN SỰ THAY ĐỔI đúng lúc, để chính bạn là người chủ động, là người LÃNH ĐẠO được bản thân mình!

Lãnh đạo người khác

  • Nếu bạn không HIỂU NGƯỜI KHÁC thì sao? Phải chăng sẽ có lúc bạn bắt con cá leo cây? (Vì bạn hãy còn chưa biết người ta là con cá!)
  • Hiểu rồi thì phải TẠO NÊN SỰ THAY ĐỔI, biết người ta là con cá rồi, thì thay vì bắt nó leo cây, hãy thảy con cá xuống biển!
    • Nhìn lại xem, có khi nào chính bạn đang ép một cô bạn cùng khóa làm công việc nhân sự ở câu lạc bộ của mình trong khi cô bé ấy thích mê việc tổ chức sự kiện? Hay bạn có bắt một cậu bé khác ngập trong những con số và hóa đơn của phòng tài chính trong khi cậu bé ấy là một người cực sáng tạo và giỏi ở việc lên ý tưởng quảng bá chương trình
    • Còn nếu bạn hãy còn chưa hiểu người khác thì phải bắt đầu hiểu ngay từ bây giờ thôi! Nhìn ra được từng điểm mạnh, điểm yếu của mỗi người để bạn đặt để người ấy ở một vị trí, vai trò phù hợp nhất thì không chỉ có lợi cho chính những người đó mà còn tác động tích cực và đem lại hiệu quả tốt không ngờ cho phòng ban, cho câu lạc bộ và đội nhóm của chính bạn.
    • Người giỏi không phải là người làm tất cả, mà là người biết đặt đúng người ở đúng nơi một cách đúng lúc. Vậy nên nếu bạn đa HIỂU người khác vào TẠO SỰ THAY ĐỔI phù hợp, chúc mừng, bạn đã dần trau dồi được kĩ năng lãnh đạo rồi đó!

To to hơn là lãnh đạo tổ chức

Nếu bạn không HIỂU được TỔ CHỨC (Câu lạc bộ, công ty, môi trường xung quanh, v.v…) chẳng khác nào bạn đang để những con cá chiến nhất của mình vào một vũng bùn chứ chẳng phải biển xanh mà cho con cá vùng vẫy. Để rồi vùng biển mơ ước mãi mãi chỉ là mơ ước.

HIỂU được tổ chức, mong muốn THAY ĐỔI tích cực, bạn mới có thể cùng những con cá của bạn cải thiện vùng biển, để tất cả được sống trong nước biển trong lành mộng mơ chẳng khác nào Maldives, đúng không?

Khi đã hiểu được mình, hiểu được người, bạn hãy hiểu xem tổ chức, câu lạc bộ… của mình đang có những điểm gì tốt và chưa tốt, đâu là điểm mà bạn có thể thay đổi để tốt đẹp và tiến bộ hơn!

Tóm lại…

Tóm lại, LEADERSHIP = UNDERSTAND + MAKE CHANGE. Nghe đơn giản và dễ hiểu vậy đó, nhưng 2 chữ này cũng có một quyền năng vô cùng ghê gớm, đó là khi bạn thật sự cố gắng để làm được thì những kỹ năng con của kỹ năng lãnh đạo sẽ tới với bạn một cách hết sức tự nhiên! Ví dụ như để hiểu người khác, bạn cần phải biết cách quan sát, lắng nghe người ta, giao tiếp, động viên người ta, và thậm chí là phải biết làm việc nhóm thật tốt; để tạo nên sự thay đổi, bạn sẽ phải học cách giải quyết và xử lý vấn đề, học cách sáng tạo, học cách hướng dẫn cho người khác, học cách trách nhiệm với bản thân, với công việc, v.v..

Hay nhỉ, vừa khéo những điều đó lại chính là cách mà người ta định nghĩa kĩ năng lãnh đạo đó thôi?

Vậy, hãy bắt đầu sẵn sàng HIỂU & TẠO SỰ THAY ĐỔI ngay hôm nay nhé!

Yêu thương,
Chị Thư 

Bài viết tổng hợp trọn bộ kinh nghiệm thi Management Trainee (Quản trị viên tập sự): Kinh nghiệm thi Management Trainee – Trọn bộ hơn 150 bài viết chi tiết

Cập nhật thông tin về công việc đầu đời tại

Disclaimer: Article includes photos created by Freepik.com

Lưu ý: Tất cả các bài viết thuộc bản quyền của Chương Khởi Điểm, hoặc đã được Chương Khởi Điểm xin phép tác giả. Vui lòng không đăng tải lại hoặc sao chép dưới bất kỳ mọi hình thức trước khi được sự đồng ý của Chương Khởi Điểm.

 

- Advertisement -

FACEBOOK COMMENTS

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here