Cách viết CV sinh viên – Phần quá trình học tập và kĩ năng

2
33562

Cách viết CV sinh viên - Phần quá trình học tập và kĩ năng

Ai nói mục “Kĩ năng” không quan trọng trong CV sinh viên? Thật là dở nếu bạn chỉ điền những từ ngữ về kĩ năng sáo rỗng, mơ hồ cho tất cả mọi công việc mà bạn ứng tuyển. Nên nhớ là mỗi công việc sẽ có những yêu cầu riêng về kĩ năng. Tham khảo cách viết siêu hiệu quả cho phần này để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng nhé!

Trước khi đọc bài này, hãy chắc chắn là các bạn đã đọc 4 phần trước:

  1. 4 nguyên tắc vàng khi xin việc THÀNH THẬT – TỰ TIN – TÌM HIỂU – THỰC HÀNH: https://chuongkhoidiem.com/4-nguyen-tac-vang-khi-xin-viec-phong-van-sinh-vien-can-biet/
  2. 5 giai đoạn viết CV sinh viên thường bỏ sót: https://chuongkhoidiem.com/5-giai-doan-viet-cv-sinh-vien-thuong-bo-sot/
  3. Những lưu ý về hình thức khi viết và gửi CV: https://chuongkhoidiem.com/nhung-luu-y-ve-hinh-thuc-khi-viet-va-gui-cv-sinh-vien-can-nho/
  4. Cách viết CV sinh viên – Phần Thông tin cá nhân & Về bản thân: https://chuongkhoidiem.com/cach-viet-cv-sinh-vien-phan-thong-tin-ca-nhan-ve-ban-than/

Nếu bạn đã đọc rồi thì hãy cùng xem một số lưu ý khi viết CV ở 2 phần “Quá trình Học tập” và “Kỹ năng” nhé!

Lưu ý khi viết “Quá trình Học tập” trong chiếc CV sinh viên của bạn

Cùng tiếp tục nghiền ngẫm 2 mẫu CV như bên dưới, chị đã che mờ những phần không liên quan, bạn chỉ cần tập trung vào cách viết ở phần quá trình học tập của 2 mẫu thôi nhé!

Đầu tiên hãy xem mẫu số 1 bên dưới có gì cần chỉnh sửa nào?

Ở mẫu số 1 này, ngoài những lỗi về định dạng hết sức cơ bản như in đậm, in nghiêng vô tội vạ, font chữ lỗi và lệch, trong CV này sinh viên ở trên còn gặp một số vấn đề khác:

  1. Khi viết CV, các dòng thời gian luôn phải để ở thời điểm gần nhất trước cho đến xa nhất. Mẫu này thì dùng ngược lại, liệt kê từ khi nhỏ xíu: cấp 1- cấp 2 cho đến hiện tại là đại học.
  2. Bạn nghĩ nhà tuyển dụng có quan tâm bạn học cấp 1, cấp 2 ở đâu không? Không đúng không, vậy thì đừng tốn giấy mực để ghi thông tin trường học cấp 1, cấp 2 không cần thiết ở đây nhé. (Chị đã đọc một số CV của các bạn ghi siêu chi tiết một cách hơi bị thừa như vậy rồi đó!) Còn cấp 3 thì trừ trường hợp bạn có những thông tin ấn tượng muốn chia sẻ, còn không thì khỏi ghi nhé!
  3. Ngoài ra một lỗi mà hầu như khá nhiều bạn sinh viên mắc phải là không ghi thành tích học tập. Nếu bạn có một kết quả học tập đáng nể với điểm số cao, học bổng, hay đạt những giải thưởng về học tập, tại sao lại không ghi vào để “ghi điểm” với nhà tuyển dụng?
  4. Phần này ở mẫu số 1 trên chỉ đơn thuần ghi lại quá trình học tập chính thống mà không ghi thêm những khóa học khác hoặc mà bạn tham gia hoặc bằng cấp tiếng Anh mà bạn có. Bạn hoàn toàn có thể thêm vào những khóa học kĩ năng, các lớp đào tạo ngoài lề khác như lớp học photoshop, lớp đào tạo kĩ năng thuyết trình, chứng chỉ Anh văn như điểm IELTS, v.v…

Nếu khắc phục những điểm này, chúng ta sẽ có 1 CV mới như sau:

Mẫu này đã ghi đầy đủ những thông mà mẫu trước không có và sắp xếp đúng thứ tự thời gian từ gần nhất tới xa nhất một cách khá gọn gàng. Chỉ có 1 lưu ý nhỏ là để cho những khóa học mà bạn đã học đáng tin cậy, bạn có thể thêm vào tên học viện mà bạn đã tham gia. Ví dụ thay vì ghi “Khóa học PR”, bạn có thể ghi thêm “Khóa học PR – Marketing Academy HCM”. Tương tự với những khóa học khác.

Chà, phần “Quá trình học tập” tưởng đơn giản mà cũng nhiêu khê quá nhỉ! Không sao, có chút sai sót nhưng sửa chữa liền thì bạn sẽ mau tiến bộ thôi. Cùng đến với phần tiếp theo nhé!

u ý khi viết phần “Kĩ năng” trong CV sinh viên

Phần này thường để nhấn mạnh những kĩ năng của bạn. Trước khi nhắc nhở các bạn những điểm cần lưu ý, hãy xem 1 phần mà chị đã nhận được trong CV sinh viên của 1 bạn xin việc làm marketing intern – mà chị mong là các bạn sẽ không gặp những lỗi như thế này.

Thực ra, các bạn đều nghĩ phần kĩ năng này đơn giản mà, cứ quăng hết hầm bà lằng đủ thứ linh tinh vào và cuối cùng sẽ ra những thông tin như ở trên. Ai da, phải thay đổi suy nghĩ nhé, vì nhà tuyển dụng sẽ rất chú trọng phần này đó!

Lưu ý những điều sau:

✏ Đầu tiên, trong CV sinh viên nào cũng hầu như chỉ ưu tiên ghi kĩ năng microsoft win word, excel, powerpoint và để ở đầu phần kĩ năng. Thực ra, trong thời buổi hiện đại như bây giờ, đây là những kĩ năng mà bạn mặc nhiên cần phải có để có một công việc tốt. Và, khi viết CV thì luôn làm theo nguyên tắc cái nào quan trọng đưa lên đầu. Vậy thì những kĩ năng văn phòng cơ bản này nếu bạn ghi vui lòng để xuống ở cuối cùng.

✏ Nhiều bạn có thói quen để kĩ năng đính kèm với mức độ. Điều này không sai nhưng nếu nhìn vào bản kĩ năng tên với đầy rẫy những kĩ năng nhưng cái nào cũng ở mức độ “cơ bản” thì ấn tượng của bạn với nhà tuyển dụng chẳng thể tốt hơn được bao nhiêu. Hãy chọn lọc và ghi những kĩ năng bạn làm tốt nhất thay vì ghi quá nhiều kĩ năng mà mức độ chỉ nằm ở “cơ bản”

✏ Nhắc đến phần kĩ năng, các bạn sẽ thường hoang mang không biết nên ghi gì dẫn đến tình trạng ghi tràn lan. Các bạn hãy còn nhớ những gì chị ghi trong bài viết “5 giai đoạn viết CV sinh viên không nên bỏ sót” chứ? Đây là lúc mà bạn thực hiện giai đoạn thứ 3 – HÒA TRỘN đó! Thay vì ghi quá nhiều kĩ năng không liên quan đến nhau, hãy chọn lọc những kĩ năng công việc cần có và bạn cũng làm rất tốt.

Ví dụ như marketing yêu cầu sự sáng tạo, tài chính yêu cầu khả năng làm việc với con số, sales yêu cầu khả năng giao tiếp tốt, sức bền, khả năng thuyết phục, chú trọng tới khách hàng… thì hãy chắc chắn là bạn đã rèn luyện những kĩ năng này thông qua các công việc cụ thể để tự tin ghi vào phần kĩ năng CV sinh viên nhé!

Để biết mỗi công việc cần những kĩ năng gì, bạn có thể xem tiêu chí tuyển chọn của công việc trên website công ty hoặc tìm kiếm trên google với từ khóa phù hợp, ví dụ “Skills for marketing executive” , “Skills for accounting assistant, etc.” hoặc tìm các CV của vị trí tương ứng của mình trên mạng để tham khảo.

✏ Một điều nữa là các bạn hãy tránh dùng những kĩ năng quá to tát và chung chung, mơ hồ. Thường trong CV sinh viên chỉ ghi vài chữ ngắn gọn ở phần này như “Teamwork, leadership, presentation, communication, v.v..” Ghi vậy rất sáo rỗng và không rõ ràng. Thay vì ghi “Presentation”, bạn có thể ghi tỉ mỉ hơn “Kĩ năng thuyết trình, đặc biệt làm tốt cả Tiếng Anh và Tiếng Việt – khả năng làm slide chuyên nghiệp”. Thay vì ghi “Teamwork”, bạn có thể lựa chọn những điểm nổi bật mình làm tốt ở kĩ năng này, ví dụ như “Kĩ năng kết nối và dung hòa các bạn cùng nhóm với những cá tính và ý tưởng khác nhau; kĩ năng thúc đẩy và động viên bạn cùng nhóm để cùng đạt được kết quả cuối cùng; kĩ năng thuyết phục, v.v…”. Hay thay vì ghi chung chung “Design” – Bạn có thể ghi rõ “Thiết kế banner, poster quảng cáo, tạp chí v.v..” Ghi tỉ mỉ vừa thể hiện được những gì bạn làm tốt, vừa giúp cho phần “kĩ năng” này của bạn không bị xem nhẹ và lướt qua như một cơn gió thoảng.

✏ Nhưng, cũng lưu ý là bạn phải có bằng chứng cho những kĩ năng bạn ghi ở phần này, nếu bạn nói dối thì sẽ lộ ra hết ở vòng phỏng vấn mà thôi. Tốt nhất, nếu bạn liệt kê kĩ năng nào thì phần mô tả công việc cụ thể ở phần “kinh nghiệm làm việc/Hoạt động ngoại khóa” phải thể hiện được những vai trò của bạn giúp bạn rèn luyện được kĩ năng đó.

Ví dụ như các bạn đang nộp cho vị trí quản trị viên tập sự, yêu cầu thường là phải có kĩ năng lãnh đạo. Vì vậy nên để kĩ năng này vào, dĩ nhiên là bên dưới phần ngoại khóa phải có những bằng chứng cho thấy là bạn đã được giao những công việc mang tính chất lãnh đạo và thể hiện được kĩ năng này thông qua mô tả công việc bạn làm và thành quả so với KPI (chỉ tiêu) nhé.

✏ Ngoài những kĩ năng mà bạn đã HÒA TRỘN này ra, trong CV sinh viên cũng có thể để thêm những kĩ năng nổi bật khác của mình sau quá trình đánh giá lại bản thân . Ví dụ bạn Lê Hồng như mẫu số 2 ở trên thấy được điểm mạnh của mình là thích nghi tốt với môi trường mới và học hỏi nhanh thì bạn cũng có thể ghi thêm vào.

❓ Câu hỏi được một số bạn đặt ra là: Như vậy một CV tốt phải thể hiện được là ứng viên kĩ năng công việc cần, có những kinh nghiệm thực tiễn chứng minh được kĩ năng đó. Vậy lỡ em không có kĩ năng phù hợp thì sao chị ơi?? ?

👉Trả lời:

  • Các bạn có nhớ nguyên tắc số 4 trong 4 nguyên tắc vàng khi xin việc không? Đó là THỰC HÀNH. Những kĩ năng này không phải từ trên trời rớt xuống, mà bạn cũng không thể bịa ra được vì thế nào ở vòng phỏng vấn cũng sẽ “lòi đuôi”. Cho nên câu trả lời là chỉ có chuẩn bị từ trước mới giúp cho bạn có kinh nghiệm thực tế  phù hợp với công việc để tự tin ghi vào CV. Vì vậy đừng nghĩ là năm 4 mới lật đật tham gia hoạt động này nọ còn năm 1 cứ phà phà chơi bời xả ga thì bạn đang phí đi thời gian quý báu của mình đó. Hãy chuẩn bị sớm nhất khi có thể để có được công việc đầu đời mơ ước các bạn nhé!

Còn nếu trường hợp xấu nhất, thật sự là bạn đang học năm 4 và vẫn chưa có kĩ năng nào phù hợp với công việc thì cách duy nhất là hãy lựa chọn những kĩ năng mà bạn đã rèn luyện được và cảm thấy tự tin nhất, theo thứ tự từ kĩ năng bạn thấy là quan trọng nhất lên trước – bạn có thể tham khảo list những kĩ năng mềm ở link này . Tóm lại dù làm gì đi nữa, tuyệt đối tránh bịa đặt và nói dối về chính mình, dù là ở bất cứ phần nào đi nữa. Cũng giống như có lần chị đi phỏng vấn, bạn sinh viên viết kĩ năng bạn làm tốt là “kĩ năng giao tiếp” nhưng suốt buổi không nhìn trực diện vào mắt chị để nói chuyện và luôn nhút nhát, e rè. Không nên tí nào các bạn nhé, vì ghi sai thì lại càng làm phản tác dụng đó! Hãy cứ là chính mình!

Ukie, vậy là chúng ta đã khép lại bài viết khá dài của ngày hôm nay rồi. Hướng dẫn viết phần “Kinh nghiệm làm việc/hoạt động ngoại khóa” và “Thành tựu” sẽ được chia sẻ ở những bài viết tiếp theo nhé!

Chúc các bạn thành công chinh phục công việc đầu đời mơ ước, đặc biệt là với chương trình Management Trainee (Quản trị viên tập sự) nhé!

Yêu thương,

Chị Thư

———

Bài viết tổng hợp trọn bộ kinh nghiệm thi Management Trainee (Quản trị viên tập sự): Kinh nghiệm thi Management Trainee – Trọn bộ hơn 150 bài viết chi tiết

Cập nhật thông tin về công việc đầu đời tại

Disclaimer: Article includes photos created by Freepik.com

Lưu ý: Tất cả các bài viết thuộc bản quyền của Chương Khởi Điểm, hoặc đã được Chương Khởi Điểm xin phép tác giả. Vui lòng không đăng tải lại hoặc sao chép dưới bất kỳ mọi hình thức trước khi được sự đồng ý của Chương Khởi Điểm.

 

Nguồn hình minh họa: Freepik

- Advertisement -

FACEBOOK COMMENTS

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here