4 lí do vì sao bạn vẫn chưa tìm được mentor

0
2518

Vì sao mãi mà bạn chưa tìm được mentor phù hợp? Xem bài viết này để biết mình có đang mắc phải những sai lầm sau không nhé!

1. Vì bạn tiếp cận quá đường đột

Mỗi lần kết thúc sự kiện chia sẻ với sinh viên, không ít diễn giả nhận được câu hỏi khá bất ngờ như là từ trên trời rớt xuống từ các bạn “Anh chị ơi, em thích anh chị quá, anh chị làm mentor của em được không?”

Hãy đặt mình vào vị trí của người khác – nếu các bạn là các anh chị diễn giả, liệu bạn sẽ đồng ý chăng? Thực tế là các anh chị đều làm việc full-time và khá là bận, họ còn gia đình và nhiều thứ xung quanh nên quỹ thời gian rất hạn hẹp. Thời gian đã ít mà lại còn không biết bạn là ai, bạn từ đâu, bạn cần gì, họ có thể giúp bạn được gì, v.v… thì làm sao có thể gật đầu chỉ qua một câu hỏi được đúng không?

Mentor không phải là một công việc mà là một mối giao tình – vậy nên cần lắm sự thấu hiểu và “hợp cạ” của hai bên nữa! Nếu bạn muốn tìm một người mentor, hãy thay đổi cách tiếp cận, làm sao để mentor biết bạn là ai, có ấn tượng tốt với bạn, cảm thấy thích và muốn chia sẻ với bạn thay vì đường đột ngỏ lời nhé!

2. Vì bạn xem mentor là nơi để “xả”

Có bạn đã tìm được mentor cho mình, nhưng vì sao sau hai ba lần gặp lại thấy mentor không tha thiết gặp gỡ nữa?

Một trong những lí do khá lớn đó là bởi vì bạn chỉ hẹn gặp mentor mỗi khi có rắc rối xảy ra và xem mentor như là nơi vừa để xả những vấn đề của bạn, hay có khi là “cuốn sách giải” di động cho mọi vấn đề bạn gặp phải. Vậy nên mỗi lần gặp bạn là mentor sẽ cảm thấy “một trời ưu tư”, lúc nào cũng khó khăn và mệt mỏi.

Nếu bạn không muốn làm mentor ngán gặp bạn thì đừng để tình trạng này xảy ra nhé! Đừng hẹn gặp chỉ vì bạn có khó khăn. Nếu có tin vui, hãy hẹn gặp để chia sẻ và ăn mừng. Hay mỗi lần gặp hãy cho mentor thấy là bạn thực sự đã phát triển và tiến bộ hơn lần trước, hãy kể cho mentor nghe những gì bạn đã thay đổi tích cực, những gì bạn cảm thấy vui trong công việc và cuộc sống. Còn nếu bạn muốn nhờ mentor tư vấn, giúp đỡ cho những trăn trở và khó khăn của bạn thì hãy chuẩn bị sẵn tâm lý cho cả bạn và mentor – đó là bạn không trông đợi một giải pháp rõ ràng từ mentor mà bạn muốn nghe những chia sẻ, những trải nghiệm của mentor về hoàn cảnh tương tự. Và dĩ nhiên, người có giải pháp và hướng đi cuối cùng chính là bạn chứ không phải ai khác!

Một trong những tip nhỏ khác là đừng chỉ để buổi nói chuyện xoay quanh chính bạn mà có thể mở rộng câu chuyện về những hoạt động của mentor – bạn có thể làm được điều này bằng cách thật sự quan tâm đến họ, kết bạn và theo dõi những câu chuyện họ chia sẻ trên trang cá nhân để trò chuyện thêm. Nhưng nhớ, yếu tố quan trọng nhất vẫn là “Thật sự quan tâm” chứ không phải giả vờ quan tâm nhé. Chỉ có chân tình mới được đáp lại bằng chân tình nghen 😊

Ngoài ra, có một tips khá hay để giữ được mối quan hệ mentor – mentee khắng khít hơn đó là bạn hỗ trợ mentor và nhận được sự hướng dẫn (coaching) trong quá trình hỗ trợ đó. Một bạn sinh viên chia sẻ với chị là nhận được sự hướng dẫn rất tận tình từ một đàn anh trong ngành khi bạn giúp anh làm một số công việc liên quan – cả hai bên đều được nhận, quá hay đúng không?

3. Vì bạn giận dỗi không được mentor quan tâm nên chủ động xa rời họ

Và buồn thay là có rất nhiều bạn mất đi những mối quan hệ mentor đáng quý bới vì bạn cảm thấy mình “bị bỏ rơi”. Nhiều khi bạn suy nghĩ sao 1 tháng rồi, mình không hẹn mentor thì mentor cũng không “thèm” hẹn mình? Sao mentor mấy nay không comment Facebook của mình? Sao mentor lại nhận thêm mấy bạn mentee mới nữa rồi? Sao mình không còn là duy nhất, v.v… Để rồi bạn kết luận là – mentor không đủ có tâm với bạn. Thành ra bạn lựa chọn ra đi và tìm người khác.

Nhưng mà các bạn ơi, bạn bận 1 thì mentor cũng bận ít nhất là 2,3 lần bạn. Vậy nên đừng buồn nếu mentor không chủ động hẹn bạn mà hãy cứ tiếp tục chủ động làm người ta nhớ đến bạn. Và hãy hiểu rằng để sắp xếp gặp bạn là họ cũng đã cố gắng điều chỉnh lịch trình của mình để thực sự ở bên và chia sẻ cùng bạn. Hãy trân trọng thời gian quý giá họ dành cho bạn thay vì trách móc vì sao họ không nhớ đến bạn nhé!

4. Vì bạn chưa đủ sẵn sàng cho buổi gặp gỡ và sử dụng thời gian của mentor hiệu quả

Bản thân chị khi làm mentor, có những lúc vẫn chấp nhận nghe những cuộc gọi 10h, 11h đểm của các bạn vì chị biết các bạn đang thực sự cần chị, dù cho lúc đó chị cũng đang phải “chinh chiến” với deadline của dự án. Điều duy nhất chị cần ở các bạn là sự sẵn sàng và trân trọng thời gian đó. Đừng gọi điện chỉ vì để yên tâm là mình có người chia sẻ mà không biết mình sẽ tính nói điều gì, cần chia sẻ điều gì, hay cứ lặp đi lặp lại những vấn đề mà đã được nói ở những lần trước. Và cũng đừng gọi điện hỏi mentor những vấn đề hết sức chi tiết của công việc như “em mới nhận dự án marketing này, chị chỉ em các kênh truyền thông phù hợp đi, v.v…” Hãy nhớ mentor là người định hướng và chia sẻ lời khuyên – hướng dẫn cách làm cho bạn – là cho “Cần câu” chứ không phải “con cá”. Mentor chứ không phải là sếp để hiểu rõ bản chất công việc của bạn là gì và cách giải quyết ra sao nhé! Và quan trọng hơn nữa là – khi đưa vấn đề hãy luôn nói ra hướng suy nghĩ của bạn để mentor có thể góp ý dựa trên đó thay vì phải giải một bài tập trắng tinh từ đề bài nhé!

Mong rằng bạn sẽ tìm được mentor thực sự “hợp cạ” với mình và dùng tấm lòng của bạn để duy trì mối quan hệ đáng quý đó nhé!

Yêu thương,

Chị Thư

P/s: Còn bạn nào chưa biết vì sao bạn nên có ngay một người mentor thì xem bài này nghen: https://chuongkhoidiem.com/mentor-la-gi-vi-sao-ban-nen-co-mentor/

Bài viết tổng hợp trọn bộ kinh nghiệm thi Management Trainee (Quản trị viên tập sự): Kinh nghiệm thi Management Trainee – Trọn bộ hơn 150 bài viết chi tiết

Cập nhật thông tin về công việc đầu đời tại

Disclaimer: Article includes photos created by Freepik.com

Lưu ý: Tất cả các bài viết thuộc bản quyền của Chương Khởi Điểm, hoặc đã được Chương Khởi Điểm xin phép tác giả. Vui lòng không đăng tải lại hoặc sao chép dưới bất kỳ mọi hình thức trước khi được sự đồng ý của Chương Khởi Điểm.

 

- Advertisement -

FACEBOOK COMMENTS

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here