Những điều nên biết khi tham gia cuộc thi Marketing dành cho sinh viên

0
5070

👉 Chị biên ra vài điều nhỏ nhỏ mà chị note lại sau một vài lần tham dự các chương trình chung kết cuộc thi phân tích kinh doanh/ Marketing dành cho sinh viên nghen. Do mấy nay chị lu bu quá nên nhớ tới đâu viết tới đó nghen ^^. Chị không dám múa rìu qua mắt thợ, chỉ dám viết vài dòng chia sẻ với các bạn trẻ còn đang ngồi trên ghế nhà trường thôi hà. Ngôn ngữ dân dã, đơn giản cho dễ hiểu nghen 

🌿 NHỮNG CÂU HỎI NÊN TỰ TRẢ LỜI TRƯỚC KHI NỘP BÀI CHO CUỘC THI MARKETING/ PHÂN TÍCH KINH DOANH

 Định vị thương hiệu của bạn là gì?

Nhiều khi sau khi nghe các bạn phân tích, hình ảnh, số liệu chán chê nhưng lại không cô đọng và súc tích nên Ban giám khảo hay hỏi chốt một câu là “Định vị thương hiệu của bạn là gì, có gì khác với những đối thủ, hoặc giống và khác so với bạn của quá khứ?”. Chuẩn bị trước câu này là không bao giờ thừa nhé! Và sẵn tiện tủ luôn lí do vì sao bạn chọn định vị này và vì sao hướng bạn đi phù hợp với thương hiệu.

 Bạn đã làm research kĩ càng trước khi bắt tay vào giải quyết vấn đề chưa?

🔹 Nhiều nhóm thường nói phần research cực kì qua loa sơ sài, thậm chí là không có luôn vì sợ … hết giờ. Nên nhớ, chẩn bệnh đúng thì chữa bệnh mới chính xác! Vậy nên cần thực sự đầu tư cho phần nghiên cứu này. Các bạn cần hiểu rõ về sản phẩm, những hoạt động trước đây, hiểu rõ đối thủ, điểm mạnh, yếu của mình và đối thủ, hiểu về thị trường, v.v….Phần này mà làm chắc tay thì ban giám khảo sẽ thấy rất thuyết phục để lắng nghe cách bạn làm chiến dịch ở phần sau.
🔹 Mà đã làm thì phải làm cho kĩ nhé. Ví dụ như có nhóm làm đề bài là giải quyết về tăng trưởng của nhãn hàng phở ăn liền, cơ mà khi nghiên cứu thì lại không hề có phân tịch cụ thể trên đối tượng người dùng phở ăn liền, mà chỉ phân tích mảng rộng là thực phẩm đóng gói ăn liền nói chung. Thậm chí bạn còn không trả lời được câu hỏi là “phở của bạn vì sao sales đi xuống, người tiêu dùng thích cái gì, không thích cái gì, còn nhận xét của người tiêu dùng với mặt hàng đối thủ thì sao?”. Nhớ là thị trường rộng thì cũng cần thiết, nhưng không thể nào thiếu thị trường chi tiết và cụ thể của chính sản phẩm được nhe!

 Bạn đã hiểu thật kỹ về sản phẩm chưa?

🔹 Sản phẩm là cốt lõi của chiến dịch, nhưng đôi khi chị thấy các bạn tìm hiểu còn rất sơ sài. Chẳng hạn như có bạn làm về phở nhưng không biêt phở của nhãn hàng đó có điểm gì hay, hàm lượng dinh dưỡng ra sao, khác gì với những sản phẩm khác, ăn ngon dở thế nào, v.v.. (Thậm chí chưa chắc là bạn đã ăn thử món phở đó!) Tìm hiểu kĩ sản phẩm không khó tí nào, chỉ cần bạn để tâm và thực sự đầu tư thời gian là được

 Lí do vì sao nhãn hàng gặp vấn đề kinh doanh (business problem) đó? Đừng chỉ chăm chăm vào xu hướng thị trường

🔹 Có nhiều nhóm sẽ vô thẳng đề là “Tụi em đã nghiên cứu thị trường, hiện giờ xu hướng là thế này, thế kia, tụi em sẽ làm ý tưởng này nọ và triển khai A B C”. Chẳng hạn như các bạn sẽ bỏ qua việc phân tích sản phẩm mình có gì hay, có gì tốt (ví dụ như dù là phở ăn liền nhưng hàm lượng dinh dưỡng cao hơn các đối thủ, v.v..) mà bay thẳng vào việc “bây giờ là xu hướng organic, thị phần ở đây đang lên, nên mình cần tấn công vào thị trường này” thì rõ ràng là không đủ tính thuyết phục.

🔹 Hoặc như lần vừa rồi chị có tham dự một cuộc thi Marketing do một nhãn hàng phở ăn liền tài trợ, có không ít nhóm không hề phân tích vì sao thị trường của nhãn hàng đang sụt giảm, tại sao người ta không chọn loại mì đó (như vị không vừa ăn nữa, hay do giá tăng quá nhiều, hay vì hàng đối thủ ngon quá đi, v.v..) mà chỉ chăm chăm vào việc làm sao để bắt kịp xu hướng thị trường.

 Đối tượng của bạn là ai?

🔹 Phần đối tượng này rất quan trọng nè, mà lại một lần nữa, rất nhiều nhóm nói phần này thoáng qua như một cơn gió. Cưa cẩm người iu thì cũng phải hiểu người ta, quan tâm người ta mới cưa được chứ đúng không nè? Làm marketing cũng vậy, phải thật đầu tư tìm hiểu người tiêu dùng. Hiểu sai người tiêu dùng cái là phần sau tiêu luôn nha.
🔹 Bạn cần hiểu rõ người tiêu dùng của bạn là ai, họ hay đi đâu, làm gì, thường theo dõi truyền thông qua những kênh nào, xu hướng của họ ra sao, v.v…
🔹 Quan trọng hơn là cần phải đảm bảo đối tượng của bạn đúng với đối tượng nhãn hàng đang hướng tới. Một vài lỗi các bạn hay mắc phải ở phần này như sau:
– Đối tượng chung chung, các bạn chưa tìm hiểu được một điểm nào thật đặc biệt để tấn công vào thị trường đó
– Tự động thu hẹp đối tượng lại so với đề bài. Ví dụ, nhãn hàng cho đề bài là sản phẩm ăn liền của họ muốn tiếp cận đối tượng sinh viên và gia đình, nhưng sau đó các bạn thấy đối tượng rộng quá nên tự động thu hẹp lại chỉ còn là đối tượng sinh viên. Điều này dẫn đến hệ quả dễ hiểu là các bạn bị ban giám khảo hỏi vặn ngay: “Với đối tượng rộng như hiện tại mà nhãn hàng còn đang gặp khó khăn tăng trường, bạn thu hẹp lại như vậy thì khả năng bị mất thị phần rất lớn, chưa nói đến tăng trưởng như thế nào?”. Nên phải hết sức cẩn trọng nhé.
– Đối tượng một đằng, insight một nẻo: phải đảm bảo insight bạn đưa ra là của đối tượng đó, chứ không phải là chỉ của riêng bạn tự “phán”

 Kế hoạch của bạn có giải quyết được business challenge không?

🔹Chị biết là khi làm plan sẽ rất dễ bị cám dỗ bởi những xu hướng, những điều sáng tạo, hoành tráng, những ước mơ ấp ủ và ý tưởng bạn nung nấu xưa giờ. Nhưng mà có sáng tạo thế nào thì cũng nhớ điều cốt lõi là phải giải quyết được business challenge của nhãn hàng. Chứ không là sáng tạo cỡ nào cũng sẽ thành công cốc thôi nè ^^

🔹 Vậy nên cần phải check lại thật kĩ kế hoạch của bạn có giải quyết được business challenge không, bao gồm một vài câu hỏi gợi ý như sau:
– Bạn có đáp ứng được bài toán của nhãn hàng không (như tăng trưởng, mở rộng thị trường, hay chuyển hướng sang đối tượng mới, đổi định vị thương hiệu, v,v…)
– Định vị của bạn có đúng định hướng thương hiệu mà nhãn hàng hướng tới không
– Kế hoạch của bạn có đáp ứng đúng đối tượng mà nhãn hàng yêu cầu không
– Kế hoạch của bạn có khả thi không (sáng tạo là một chuyện nhưng sáng tạo, bay bổng đến mức vô thực và không khả thi thì cũng tiêu nghen)
– V.v…

 Insight bạn đưa ra có thống nhất với hướng triển khai của bạn không?

🔹 Ví dụ có nhóm khi làm đề bài về phát triển dòng laptop của công ty thì đề cập insight là “Người thành công không thích nói nhiều và khoe khoang về chính mình”, insight này rất hay luôn đó ^^. Cơ mà đến khi triển khai, với tiêu chí của bạn là “Hãy để chiếc laptop bạn dùng thay lời nói cho sự thành công của bạn” (Voiceless success) thì lại một trời một vực khi bạn quyết định sẽ làm một triển lãm về sự thành công của những người chọn dùng laptop đó, rồi đại lộ danh vọng… (không phải là của KOL mà là của người dùng luôn nhé ). Thành ra cách triển khai hơi bị ngược với idea. Thiệt chị tiếc ơi là tiếc luôn, vì insight của các bạn rất hay mà 

🔹 Vậy nên phải thật sự xem kỹ sự thống nhất giữa insight bạn đưa ra –ý tưởng chiến dịch để giải quyết insight đó – và cách triển khai cụ thể của chiến dịch. Nếu không thì sẽ làm người nghe ngơ ngác đó!

 Nên luôn chuẩn bị những case đã sẵn sàng với framework hoặc ý tưởng tương tự để tranh luận khi bị ban giám khảo thách thức

🔹 Đa phần khi các bạn làm các bạn sẽ dễ lường trước được phần nào ban giám khảo sẽ thách thức. Vì vậy bên cạnh việc chuẩn bị lập luận riêng của mình thì một trong những cách khá hay các bạn có thể dùng là chuẩn bị sẵn case study thành công tương tự của quá khứ – “Đứng trên vai người khổng lồ” để bảo vệ mình.
🔹 Ví dụ như chiến dịch của bạn thiên về hướng emotional nhiều hơn functional (và nhớ là làm emotional lúc nào cũng thường bị challenge nhiều hơn vì dễ đi xa rời sản phẩm nghen), vậy thì làm sao bạn chắc là chiến dịch của bạn sẽ gắn liền với thương hiệu, gây tiếng vang cho thương hiệu và sản phẩm? Ngoài việc có một “hook” thật hay thì bạn nên lấy một vài ví dụ của case study thành công trong quá khứ để chứng minh là nếu triển khai đúng hướng thì một chiến dịch emotional vẫn hoàn toàn để lại dấu ấn thương hiệu tốt. Ví dụ như chiến dịch của Neptune “Về nhà đến Tết, gia đình trên hết” có một quảng cáo về một em bé câm điếc nói chuyện với bố và muốn bố về nhà vào dịp Tết. Dù là emotional nhưng cực kì thành công và đã làm Neptune ấn tượng rất nhiều trong tâm trí người tiêu dùng. Rồi bạn có thể phân tích kĩ hơn thành công của chiến dịch đó, kết quả được chứng minh như thế nào, vì sao thành công và liên tưởng vì sao của bạn cũng có khả năng tạo được thành công như vậy, v.v.. Bạn sẽ liên kết phần functional của sản phẩm ở đâu, v.v..

 Điểm khác biệt và ấn tượng của chiến dịch của bạn là gì?

🔹 Các bạn hay thường làm 360 độ, kênh nào cũng có mặt. Nhưng mà thực ra đôi khi bạn không cần phải đặc sắc hết tất cả mọi thứ mà chỉ cần một vài điểm ấn tượng và thu hút là đủ làm “hook” và sáng cả chiến dịch rồi. Ví dụ như Strongbow có music video của Đen Vâu và Min cực hợp lòng giới trẻ, đó là điểm sáng để mọi người nhớ đến Strongbow và liên kết xuyên suốt với những hoạt động khác của toàn chiến dịch (Và dĩ nhiên bên cạnh đó cũng là những nỗ lực ở những kênh khác như concert với Đen Vâu ở các tỉnh thành dạng hoạt náo, hay các clip ngắn digital cắt từ music video tập trung về sản phẩm, v.v..). Và quan trọng hơn hết là đặc sắc cỡ nào cũng phải gắn với linh hồn của nhãn hàng nha.

 Từng hoạt động từ lớn đến nhỏ của bạn trong chiến dịch, nếu yêu cầu sự tương tác từ người tiêu dùng thì hãy đặt câu hỏi “Why they care – why they share?”

🔹 Đã nói là chiến dịch hay hoạt động tương tác thì đừng chỉ propose bởi vì mình thấy thiếu hoạt động nên bỏ vào cho nó đầy. Hãy propose nếu bạn thực sự nghĩ bạn sẽ thu hút được sự chú ý của đối tượng và người ta thực sự hứng thú để tương tác. Chẳng hạn như chị có nghe các bạn propose một chiến dịch cosplay các anh hùng quá khứ của Việt Nam – có demo hẳn hoi, nhưng cái chị và ban giám khảo chưa hiểu được là vì sao chiến dịch đó sẽ thu hút giới trẻ tại Việt Nam? Vì sao giới trẻ phải quan tâm, và họ tự động tham gia và chia sẻ hoạt động đó?

 Nếu với chiến dịch của bạn, thay sản phẩm bạn đang làm bằng sản phẩm khác thì có còn dùng được không?

🔹 Câu hỏi này kinh điển mà rất hiệu quả nha. Vì chị đã nghe hơi bị nhiều bài làm campaign hoành tráng, ba trăm sáu mươi độ, ý tưởng này nọ kia, thiết kế quy mô các kiểu. Nhưng khổ nỗi là không hề thấy bóng dáng và linh hồn của thương hiệu trong ý tưởng đó, hay nói cách khác giờ đổi thương hiệu bạn làm thành thương hiệu khác cũng được luôn, không ảnh hưởng gì hết trơn. Mà nếu vậy là bạn đang không hề customize cho thương hiệu, vậy thì làm sao để thương hiệu bạn nổi bật và đậm nét?

🔹 Ví dụ nhé, bài hát “Bài này chill phết” quảng cáo cho Strongbow, nếu bạn thay thử thương hiệu bia khác vào thì sẽ không hợp vì “Chill” là linh hồn và ý tưởng xuyên suốt của Strongbow, đã được thương hiệu xây dựng từ trước đó. Hoặc chiến dịch “Nhà là nơi…” của sữa đậu nành Fami có dấp dáng thương hiệu vì Fami gắn liền với tình thương và sự đầm ấm của gia đình.

 Bạn chọn channel (kênh truyền thông, tiếp cận người tiêu dùng) có đúng đối tượng không?

🔹 Lại có nhiều nhóm phân tích và ý tưởng hay, nhưng đến khi triển khai channel thì lại… trớt quớt. Hãy đặt câu hỏi nếu bạn là đối tượng bạn đang nhắm tới, liệu bạn có đến/ dùng những channel mà bạn đang làm chiến dịch không?
🔹 Vì vậy phần phân tích research ban đầu về “Audience” – đối tượng của chương trình lại càng quan trọng như chị nói ở trên. Phần này làm kĩ thì phần channel triển khai sẽ đảm bảo rất chắc tay.

Thiệt, đúng là chị ít khi post bài chứ mỗi lần hứng lên post thì viết dài cả thước thật
). Thôi kệ, chút tâm tình chia sẻ, vì đói bụng và biên nhanh nên bài viết có nhiêu xài nhiêu đỡ nha các bạn. Mong giúp các bạn trẻ của chị phần xíu xiu nào là chị vui rồi!

Chúc các bạn thành công chinh phục công việc đầu đời mơ ước, đặc biệt là Management Trainee nhé!

Yêu thương,
Chị Thư 

Các bạn có thể xem phần 2 và phần 3 của loạt bài viết này tại:

  • Phần 2 – 20 Gợi ý khi review và trình bày Marketing Plan: tại đây
  • Phần 3 – 11 Cách rèn luyện kỹ năng Marketing khi còn là sinh viên: tại đây

Bài viết tổng hợp trọn bộ kinh nghiệm thi Management Trainee (Quản trị viên tập sự): Kinh nghiệm thi Management Trainee – Trọn bộ hơn 150 bài viết chi tiết

Cập nhật thông tin về công việc đầu đời tại

Disclaimer: Article includes photos created by Freepik.com

Lưu ý: Tất cả các bài viết thuộc bản quyền của Chương Khởi Điểm, hoặc đã được Chương Khởi Điểm xin phép tác giả. Vui lòng không đăng tải lại hoặc sao chép dưới bất kỳ mọi hình thức trước khi được sự đồng ý của Chương Khởi Điểm.

 

- Advertisement -

FACEBOOK COMMENTS

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here