Nguyễn Bá Phương Thư – 15 năm Sài Gòn Tiến

0
1066

nguyễn bá phương thư chuong khoi diem next management trainee 15 nam sai gon tien

Cùng nghe chị Nguyễn Bá Phương Thư chia sẻ về hành trình 15 năm “Sài Gòn tiến” qua bài tâm sự dưới đây nhé!

15 NĂM “SÀI GÒN TIẾN” (Nguyễn Bá Phương Thư)

6h chiều trời buông nắng, chị Thư lật đật bước vội xuống xe khách thả dọc đường ở Hàng Xanh. Chỉ cách gần 2 tiếng đồng hồ nhưng sao cảm giác không gian và thời gian như khác nhau quá đỗi.

Mới đó thôi, chị còn ngồi lắc lư ở chiếc xích đu trắng dưới gốc cây si, lâu lâu buông tầm mắt ra xa thấy cổng hoa giấy, hồ nước trong xanh, ngôi nhà nhỏ, nơi đó có 4 chú chó đang trêu đùa nhau và me Hồng đang tỉ mẩn nhặt cánh hoa mong manh để chưng cất. Bình yên và nhẹ nhàng thế thôi.

Rồi thoáng chốc, chị đã được thả xuống giữa đất Sài Gòn. Chiều chập choạng buông, dòng người tấp nập, trước mắt là tòa nhà Landmark sừng sững, xung quanh là tiếng xe, tiếng người, tiếng những chú xe ôm mời khách… Gió chiều và gió từ dòng người táp vào như thôi thúc cảm xúc dâng trào, chị chợt thấy mình bé lại và những kí ức của chị Thư mười mấy tuổi lại tuôn về như dòng chảy chẳng dừng… Bỗng thấy khung cảnh sao lại quen quen…

Những chuyến xe chở đầy mộng mơ

Từ thuở học Cấp 2, chị đã được quen thuộc với những chuyến xe Sài Gòn – Long Khánh của ba me đưa học sinh đi thi – khi thi thi bằng A, B, C Tiếng Anh, lúc lại là thi lấy bằng Tin Học. Thích nhất là lúc đợi các anh chị đi thi, chị được có thời gian vẫy vùng ở nhà sách Nguyễn Văn Cừ, xem biết bao nhiêu là thứ từ sách, truyện, đến những bước tượng tô màu và tranh cát, và nhiều nhiều những thứ lấp lánh khác mà trong đôi mắt trẻ con nhà sách như một công viên rộng lớn với đủ thứ để khám phá.

Rồi nhớ những lúc ba me tổ chức cho học trò đi chơi Đầm Sen, lúc mà giấy khen học sinh giỏi đã đủ để chị “tự lực cánh sinh” được miễn vé vào cổng và vui chơi tơi bời. Và rồi thì hình ảnh của những xe nước dừa Sài Gòn thơm thơm ngọt ngọt, rồi hình ảnh những bạn học sinh mặc đồng phục của trường siêu xinh cười đùa rôm rả lúc tan học về, rồi mùi bò lá lốt thơm nồng ở khu đường Tôn Đức Thắng với những dãy cây cao to lạ thường tự bao giờ in sâu trong lòng chị.

Ba cũng hay chở chị – “út cưng” lên Sài Gòn chơi vào những dịp lễ để thăm người quen, chỉ cho chị những vòng xoay ở đại lộ đèn sáng trưng như ban ngày, hay hai ba con ghé vào tiệm sách cũ mua vài quyển sách hay ho cho ba và cả chồng truyện cũ Luky Luke cho mấy chị em về nhà ngấu nghiến.

Rồi những lần qua nhà cô Huệ chơi, cô hay pha sữa hay nước ngon ngon cho hai ba con uống, thương nhất là lúc dì hàng xóm khoe đứa con bằng tuổi vẽ đẹp hơn chị (làm chị ghen tị quá trời :P) thì cô chỉ dịu dàng ôm chị vào lòng và nói: “Với cô là tranh con vẽ đẹp nhất, có phong cách của con nhất, Nhã giỏi nhất” (ở nhà chị tên Nhã). Chị biết chị chẳng bằng đâu, nhưng nghe cô nói thế đứa nhỏ này cũng thấy vui như hội….

Để rồi cứ thế, chị luôn ao ước được mặc “đồng phục của dân Sài Gòn” xinh xắn, được sống riết ở Sài Gòn luôn để được uống nước dừa mỗi ngày, được vô nhà sách thỏa thích, được mua báo Khăn Quàng Đỏ và Hoa Học Trò sớm hơn 1 tí, được vào Thảo Cầm Viên chơi, được thăm cô và anh chị … Và cô bé nhỏ xíu xìu xiu ngày ấy – theo những chuyến xe mà miên man tưởng tượng về ngày được đặt chân và cắm rễ ở đất Sài Gòn.

Trưởng thành với Sài Gòn

Năm 15 tuổi, Sài Gòn đón chào chị với tấm vé vào trường Lê Hồng Phong. Cũng may vì đã có hai chị gái học ở Sài Gòn, ba me chị yên tâm “thả xích” đứa con gái bé bỏng. Cả nhà hay nhắc mãi về câu chuyện chị lần đầu đi học bằng xe buýt – lên xe rồi mà hoài không tới nhà, thì ra chị đón xe ngược chiều nên càng đi càng xa, lúc phát hiện cũng vừa kịp bắt chuyến ngược lại và về tới nhà khi trời đã tối hẳn. Với chị câu chuyện chỉ có thế thôi mà ba me cứ có cô chú nào tới là lại lôi ra kể. Sau này chị mới hiểu, vì với ba me đó là lúc ba me thấy chị đã “lớn”, đã trưởng thành, đã quen với những sự cố nho nhỏ ở vùng đất lạ.

Ấy vậy mà cũng có lúc chị bệnh nặng, sốt liên miên mấy ngày trời không hết, có lẽ một phần vì áp lực học hành, thi cử vì năm đó Nhã sợ mất học sinh giỏi. Hai chị gái của chị đành phải “dùng quyền trợ giúp” gọi ngay cho ba me. Chẳng biết ba me sắp xếp công việc thế nào mà ngay hôm sau cả hai đã lên Sài Gòn với chị và đón chị qua nhà cô Huệ để tiện bề săn sóc. Trong lúc thiu thiu ngủ trong vòng tay của me, chị nghe loáng thoáng me tâm sự với cô: “Biết vậy em để nó ở nhà với em luôn, lên đây mà vất vả vầy, mà bệnh vầy….”

Nhớ lúc học lớp 10 (hay 11 nhỉ), chị thích có điện thoại di động lắm vì bạn bè trong lớp hầu như đứa nào cũng có một cái để liên lạc, không thì cũng có điện thoại bàn ở nhà. Chị thì ở trọ suốt, điện thoại làm gì có mà gọi. Lại mang danh lớp phó học tập nên hay được bạn bè “xúi” là ráng sắm cái điện thoại dởm dởm thôi cũng được, đặng có cái tụi nó còn gọi… hỏi bài (nói vậy thôi chứ khi có điện thoại thì tỉ lệ hỏi bài – rủ đi chơi ngang ngửa nhau chứ cũng không siêng đến mức đó ). Thế mà chị làm thiệt, tự nhín nhịn để dành tiền tiêu vặt được cho mỗi tháng để mua lại một cái citiphone của nhỏ bạn trong lớp bán (citiphone là điện thoại chỉ dùng được ở Sài Gòn nên giá rẻ hơn di động). Xài mới đâu được vài tháng thì trong một lần đi chợ đêm cùng các chị, chị bị móc túi lúc nào không hay. Đêm về chị khóc tu tu như một đứa con nít, phần vì tiếc đồ, phần vì sợ bị gia đình la vì làm mất đồ vật có giá trị. Ai dè ba không la tiếng nào, ba còn nhắn tin vào số điện thoại bị mất để…xin chuộc điện thoại đó (và dĩ nhiên là không có phản hồi ^^). Vài ngày sau ba gọi điện bảo “có chú người quen cho ba cái điện thoại, con về lấy mà xài, ba có cái của ba rồi”. Nhận điện thoại mà vui ngỡ ngàng, ba không những không la mà chị còn được có điện thoại mới để dùng. Đến tận bây giờ chị vẫn nghi hoặc không biết có thật là điện thoại được tặng hay không hay ba tự mua cho chị.

Và cũng chợt nhớ lại cả những lần đi thi học bổng du học, được vài học bổng bán phần be bé đem về khoe ba mẹ với ước mơ “được cho đi học nước ngoài, khỏi phải thi Đại học”. Nhưng mà, nhà mình làm gì có đủ tiền như thế. Chừng chục năm sau ba me mới tiết lộ là ba me cứ tiếc mãi, vì không đủ tiền lo nốt phần còn lại cho con đi học… Mà chị không buồn, không tiếc đâu vì ngoài chuyện ghét thi Đại Học ra, chị vẫn rất muốn được ở bên bạn bè và gia đình. Mỗi ngã rẽ là một con đường, và chị vui, chị hạnh phúc với Thư của bây giờ ^^

Cũng là Sài Gòn cho chị những câu chuyện thanh xuân khó quên, những bạn bè cấp 3 chưa bao giờ làm chị phải cảm giác thiệt thòi vì mình là “dân tỉnh lẻ”, những cơ hội tự mình nắm bắt. Sài Gòn của những năm cấp 3 là cả một trời kí ức, là lúc chị biết được mình chỉ là “ếch ngồi đáy giếng”, được có một khởi đầu hoàn toàn mới, tập khiêm nhường và học hỏi, và được tìm ra một Thư rất khác. Sài Gòn của những năm cấp 3 cũng giúp chị hiểu tường tận hơn bao giờ hết những hi sinh và yêu thương của gia đình, được lớn khôn mỗi ngày.

Sài Gòn Sài Gòn

Rồi thoáng vèo một cái, chị đã ở Sài Gòn được ngót nghét 15 năm. Khoảng thời gian Đại Học có quá nhiều thứ để nói, quá nhiều điều để kể nên đành hẹn khi khác tỏ bày.

15 năm nhìn lại, Sài Gòn đã trở thành ngôi nhà thứ 2 của chị…

  • Là nơi mà hơn nửa cuộc đời mình chị đã gắn bó,
  • Là nơi mà chị đã khóc, đã cười, đã vấp ngã, và đã trưởng thành,
  • Là nơi chị được hiện thực hóa những ước mơ thời thơ bé, để hòa vào bức tranh mà cô bé năm nào hằng ao ước và ngưỡng mộ,
  • Là nơi mà chị đã thực sự “cắm rễ”.

Hơn bao giờ hết, chị thật may mắn vì trên hành trình này chị chưa bao giờ phải một mình lẻ loi. Chị luôn có ba mẹ yêu thương và sẵn sàng bỏ công bỏ việc để chăm lo cho chị, có những người chị gái dành phần lớn tháng lương cho chị tiền ăn học và sử dụng hàng ngày. Chị có các cô chú cậu dì họ hàng ủng hộ chị trên từng bước đi, có bạn bè thân thiết ở cả Sài Gòn và Long Khánh.

Cảm ơn Sài Gòn – ngôi nhà của chị…
Cảm ơn Sài Gòn – những người chị thương yêu….

Lại cùng bên nhau cho những năm sắp tới, vẫn dễ thương và bao dung cho “Thư mãi non trẻ”, Sài Gòn nhé!

17.06.2020 – biên lại những cảm xúc của ngày 26.05.2020

Hình minh họa: Sài Gòn chiều cảm xúc ùa về – Chị Thư năm 2005 – Chị Thư năm 2011 – Chị Thư năm 2019 (những góc chụp lừa tình :”>)

Bài viết tổng hợp trọn bộ kinh nghiệm thi Management Trainee (Quản trị viên tập sự): Kinh nghiệm thi Management Trainee – Trọn bộ hơn 150 bài viết chi tiết

Cập nhật thông tin về công việc đầu đời tại

Disclaimer: Article includes photos created by Freepik.com

Lưu ý: Tất cả các bài viết thuộc bản quyền của Chương Khởi Điểm, hoặc đã được Chương Khởi Điểm xin phép tác giả. Vui lòng không đăng tải lại hoặc sao chép dưới bất kỳ mọi hình thức trước khi được sự đồng ý của Chương Khởi Điểm.

 

- Advertisement -

FACEBOOK COMMENTS

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here