Trải nghiệm thi Management Trainee Suntory Pepsico (SPVB) từ anh Minh Khoa Phần 1

0
6229

chuong khoi diem next management trainee generali management trainee suntory pepsico minh khoa p1

Cảm ơn Minh Khoa đã đồng ý chia sẻ với chị Thư và các bạn trẻ của Chương Khởi Điểm – Next Management Trainee nghen, một bài viết chi tiết, có tâm lại duyên dáng dễ thương hết sức ^o^. Các bạn cũng có thể liên hệ chính chủ ở FaceBook này nha: https://www.facebook.com/techman.khoa 

—————

Lời mở đầu

Chào các bạn,

Trước khi bắt đầu bài viết thì xin phép được xưng là anh trong bài nhe (mình nghĩ tuổi sinh học của mình cũng lớn hơn hầu hết những bạn đang có nhu cầu đọc bài này á).

Anh xin tự giới thiệu một chút về bản thân thì anh hiện đang là Management Trainee năm 2020 phòng nhân sự, sub-function là về Total Reward của công ty Suntory Pepsico Việt Nam, tên đầy đủ là Suntory Pepsico Vietnam Beverage nên từ giờ anh sẽ gọi là SPVB cho tiện nha. Anh là sinh viên Bách Khoa, chuyên ngành Quản lý công nghiệp, một chuyên ngành về việc quản trị các mảng về kỹ thuật. Trước khi tham gia chương trình Management Trainee thì anh có hơn 2 năm tham gia hoạt động trong tổ chức sinh viên quốc tế AIESEC và 1 năm đi làm về mảng nhân sự tại 2 công ty là Intel Việt Nam (Learning & Development Intern) và PYCOGroup Vietnam (Associate HR Executive). Nếu đọc tới đây các bạn có thắc mắc là “Tại sao học Bách Khoa mà lại đi làm về nhân sự?” thì lại là 1 câu chuyện dài, hẹn mọi người cơ hội khác. Còn nội dung dưới đây xoay quanh chủ đề “Trải nghiệm thi MT tại SPVB”.

Trước khi vô nội dung chính thì anh xin có điểm lưu ý là mục đích của bài viết không phải là để hướng dẫn mọi người cách thức thi, các lời khuyên, “kỹ thuật” thi đậu Management Trainee của SPVB. Nếu như mọi người muốn biết những kiến thức đó có thể search khá nhiều trên mạng, thậm chí bây giờ anh thấy có những nơi họ đào tạo thi Management Trainee nữa đấy (nhưng khuyên chân thật là đừng tham gia nhé, đọc cho biết thôi :P). Mục tiêu của anh khi sharing cho các bạn là muốn giúp đưa ra thêm một số góc nhìn mới về chương trình Management Trainee, giúp các bạn hiểu rõ hơn và xác định xem mức độ phù hợp của mình là như thế nào. Có thể những trải nghiệm của anh sẽ không giống với các bạn, vì mỗi người mỗi cảnh mà, nhưng hi vọng có thể đưa ra những mô hình chung giúp mọi người link với thực tế cá nhân.

Bài viết dưới đây anh sẽ trả lời 2 câu hỏi sau:

  • Các vòng thi của SPVB diễn ra như thế nào?
  • Thực tế anh đã làm gì tại trong những vòng đó?

Rồi, Objective đã có, bắt đầu nhé!

Hành trình thi Management Trainee Suntory Pepsico Vietnam Beverage (SPVB)

“Một chiều cuối thu, nghe nắng trong tâm hồn…” thì anh đã quyết định nộp đơn vào Management Trainee của SPVB, sau 6 tháng thất nghiệp nằm nhà vì đã ngu ngơ nghỉ việc trước khi COVID-19 diễn ra, và một quá trình rải CV khắp các mặt trận. Trước giờ anh cũng chưa có kinh nghiệm thi MT và cũng không có tìm hiểu về nó, kiểu nghĩ “CV mình nhìn thế này thì sao thi Management Trainee”. Ý nói CV nhìn bình thường thì tức bản thân cũng bình thường, còn Management Trainee thì như vé máy bay hạng Thương Gia rồi, dân đen thì chủ yếu chờ săn vé khuyến mãi thôi. Nhưng giờ thất nghiệp thì áp lực từ mác “Bách Khoa”, áp lực từ thất nghiệp, kinh tế, tương lai, vợ con nheo nhóc… nên đánh liều nộp đại.

Như một thói quen từ hồi thất nghiệp, anh rải CV cho 4 chương trình Management Trainee khác nhau là Unilever, Nestle, FCV và Prudential (anh tới được vòng làm việc nhóm của FCV và Nestle nhưng đã từ chối sau khi nhận offer của SPVB). Từ đó, anh mới tìm hiểu về chương trình Management Trainee kĩ hơn và cũng thấy rằng, các công ty anh nộp đơn có cơ cấu thi giống nhau. Anh sẽ đi qua từng vòng chi tiết như bên dưới nhé!

1. Vòng loại CV – Trước giờ làm gì thì giờ nói lại thôi

Vòng này không có gì đáng nói tại anh thấy cứ nộp CV rồi ở nhà thắp nhang cầu cho ông bà, à nhầm, công ty họ duyệt cho qua vòng tiếp theo thôi :D. Đó là những gì anh làm khi nộp Management Trainee nhưng trước đó cần làm gì để cái CV mình nó gọi là “hấp dẫn” thì mọi người tự tìm hiểu nhe

2. Vòng test online – Như kiểm tra sức khỏe đầu vào thôi, bác sĩ dặn xét nghiệm gì thì làm cái nấy

Ở vòng này thì anh thấy các công ty sử dụng dịch vụ của bên thứ 3 chuyên về test đánh giá năng lực. Bản chất thì họ đánh giá dựa trên 1 hệ thống riêng, có chỗ giống chỗ khác, nên chỗ thì khó chỗ thì dễ. Đợt SPVB anh thấy cũng hơi khó, tính toán khá nhiều và bị áp lực về thời gian, thấy làm sai khá nhiều mà hông hiểu sao vẫn đậu. Còn đợt của Unilever thì đề nhớ cũng dễ, thi xong tự tin nhất so với mấy công ty khác mà hông hiểu sao vẫn rớt. Nói chung là hông có hiểu được vòng này. Thì ra kết quả bác sĩ nói sao thì nghe vậy thôi, cần biết chi tiết làm gì phải không? 😉

3. Vòng phỏng vấn sơ bộ – Trước khi đi phỏng vấn, tự trả lời trước: “Tại sao mình lại ở đây?”

Do dịch COVID nên các cty đều làm vòng này Online. Đợt đó dính ngay camera (gọi tắt là cam) của máy tính anh hư, nên anh phải ra tiệm net đặt phòng riêng ngồi. Nhưng thế nào vẫn bị hư cam. Lúc mở máy lên thì mấy chị phỏng vấn bảo “Không cam cũng không sao, nhưng nhìn mặt em sẽ dễ phỏng vấn hơn.” Cái đó anh xác nhận là đúng, phỏng vấn mà không nhìn mặt thì cả người nói lẫn người nghe đều dễ ngủ. Loay hoay hồi nữa thì cam bật được.

Vòng này thì các chị muốn hiểu hơn về bản thân anh và lí do anh chọn theo ngành này, chắc một phần cũng vì thắc mắc dân Bách Khoa mà đi làm Human Resources (HR) như tụi em. Vì đó là một câu chuyện dài nên anh kể theo mô hình S-T-A-R, chia ra từng phần nhỏ để kể, trong khi vẫn giữ mục tiêu trong đầu là “mình đã tìm đến HR như thế nào?”. Nghĩ vậy nên anh lọc được những ý có liên quan, ảnh hưởng trực tiếp tới câu hỏi của các chị, và sau mỗi một giai đoạn anh có thêm là ý nghĩa của giai đoạn đó trong toàn bộ quá trình là gì. Lúc trả lời vẫn bị thiếu ý dù đã soạn trước câu trả lời ở nhà rồi (do anh nghĩ câu này khả năng cao sẽ hỏi), một phần cũng do ham trả lời nhiều ý đồng nghĩa với nhiều điểm cộng. Nhưng vì câu chuyện có mô hình và rành mạch nên các chị đặt thêm những câu hỏi gợi mở hơn để giúp mình hoàn thiện câu chuyện. Việc các em kể một câu chuyện theo trình tự, có cấu trúc rõ ràng sẽ giúp người nghe nắm dễ hơn và đặt câu hỏi tốt hơn.

Sau đó, các chị phỏng vấn còn hỏi anh thêm một câu là “Tại sao em lại chọn chương trình Management Trainee”, anh đã nói là “Do lộ trình của em là muốn làm abc, nhưng nếu đi cách truyền thống thì mất nhiều thời gian, MT cho em luân chuyển qua các phòng ban để có thêm những kiến thức xyz. Những cái xyz đó sẽ hỗ trợ cho lộ trình làm abc đó của em như thế này blah bloh…” Anh không nhấn mạnh vào các phúc lợi của MT so với chương trình thường và những câu “Em hứa sẽ…” vì anh nghĩ việc xoáy vào lộ trình của bản thân cũng như cách mình nhìn nhận về chương trình Management Trainee sẽ giúp cho nhà tuyển dụng thấy được sự phù hợp của mình với chương trình. Vì thật ra nói là chung mác Management Trainee nhưng mỗi cty sẽ có một lộ trình khác nhau, không Management Trainee của cty nào giống cty nào. Người phỏng vấn sẽ hiểu được nội dung chương trình cty mình ra sao, có thể có những cơ hội học hỏi gì, phù hợp với người có định hướng gì… từ đó xem thử bạn này có phù hợp hay không. Anh không chứng minh “Tôi là người phù hợp, hãy chọn tôi” mà anh cho họ thấy “Tôi là người như thế này, bạn thấy sao?”.

4. Vòng làm việc nhóm (AC) – Dù ai nói ngả nói nghiêng, mình thấy gì mình cứ nói thẳng

Năm nay do dính dịch bệnh nên vòng này của Pepsico được tổ chức Online trong 1 ngày. Theo như anh biết thì SPVB mọi năm sẽ tổ chức vòng này trong vòng 2 ngày lận.

Mặc dù thời gian năm nay làm ngắn hơn, nhưng có một số mặt lợi và hại cho cả thí sinh lẫn giám khảo:

  • Do làm online nên mình có thể tự chủ trong việc chọn địa điểm thi: là nơi yên tĩnh và khiến mình cảm thấy thoải mái nhất. Tuy nhiên do kéo dài tận 1 ngày nên anh phải chuẩn bị những thứ như nhắc người nhà không làm phiền, tự chuẩn bị đồ ăn trưa trước (do nghĩ thời gian break không dài lắm), ăn mặc chỉnh tề như đi thi tạo sự tự tin, mua thêm 4G phòng trường hợp nhà cúp điện, kiểm tra kỹ thuật và test trước phần mềm…(do cam máy anh bị hư nên anh phải dùng phần mềm kết nối với điện thoại, dùng cam điện thoại thay thế).
  • Mình không thấy được trực tiếp các thi sinh thi cùng, nên cảm giác làm việc nhóm khá là khó khăn. Mọi người chắc cũng hiểu cảm giác meeting online, đặc biệt là thi MT thì bạn nào cũng muốn nói nhiều, nó rất dễ loạn nếu kiểm soát không tốt. Việc này cũng là một mặt hại cho mình vì người phỏng vấn sẽ khó thấy được những biểu cảm, hành động, ngôn ngữ cơ thể để đánh giá (đây cũng là một hạng mục khá quan trọng trong việc đánh giá nha).
  • Cũng còn một số vấn đề nữa như đường truyền không ổn định, sự cố kỹ thuật… nên anh vẫn thấy rằng thi Offline sẽ tốt hơn, cho cả các bạn và người đánh giá.

Tâm lý khi thi

  • Một trải nghiệm khá thú vị là trước khi thi thì anh khá là thoải mái (từ vòng CV rồi), vì đã làm tư tưởng bản thân là đằng nào cũng thi liều nên cứ cố hết sức thôi, may mắn thì sẽ phù hợp, không đậu thì cũng do không hợp nên thế cũng tốt. Tới lúc tất cả những bạn vào AC meeting online để công ty phổ biến thể lệ thi, thì các bạn cũng chat chit với nhau làm quen trong khung chat. Đột nhiên 1 bạn nói là “Ôi mình thấy nhiều gương mặt quen ghê, có quán quân á quân các cuộc thi abc, xyz… trong này run ghê”. Rồi sau đó càng nhiều người xác nhận là vậy. Tới lúc đó tự nhiên anh lại thấy mình quay về trạng thái “dân đen mà đòi đi vé hạng Thương Gia” :P. Lúc đó “rét run”, mình không chỉ không có giải gì trong suốt thời gian đi làm đi học, mà thậm chí mình còn không biết tới mấy cuộc thi đó nữa. “Trời ơi, một người giỏi thì ít nhất họ cũng phải biết tên mấy cuộc thi đó chứ! Một đứa chỉ có đi học đại học rồi xin đi làm bình thường như mình làm gì có cơ hội ở đây!”.
  • Nên khuyên các bạn là mốt đi thi khoan hỏi thăm profile các bạn khác nhé. Dễ sốt rét lắm nhé.(À anh vẫn bị tâm lí sợ sệt đó tới bây giờ, khi kể lại nó vẫn còn nên nếu hỏi làm sao vượt qua thì anh cũng không biết đâu mấy đứa, ai biết chỉ anh với :D)

Nội dung thi

Quay lại về nội dung, vòng AC được chia làm 2 phần, cá nhân và làm việc nhóm.

  • Vòng cá nhân:
    • Đề đưa ra một business case và giải trong vòng 45 phút
    • Mới đọc lướt qua thì anh ngộp về mặt nội dung vì đề dài hơn 70 slide (PDF) chữ chiếm 60-70% slide, toàn bộ bằng tiếng Anh, gồm những thông tin về công ty và vấn đề hiện có.
    • Ở vòng này, anh giải trên quan điểm của một người làm nhân sự. Và đối với anh, vấn đề của nhân sự không chỉ gói gọn trong nhân sự mà trước tiên phải hiểu bối cảnh chung của doanh nghiệp là gì. Vì thế nên anh dành gần hết thời gian đọc qua đề để hiểu rõ được tình hình hiện tại của doanh nghiệp đang như thế nào, từ đó đứng dưới vai trò là quản lý nhân sự sẽ có những đề xuất gì. Kết quả là anh mất 35 phút đọc đề, 5 phút suy nghĩ và đúng 5 phút ghi lời giải. Tay anh gõ muốn mỏi rụi. Và đúng như dự đoán, kết quả bài cá nhân của anh bị đánh giá là “tệ” vì lời giải ngắn gọn, không đủ chi tiết (5 phút không đủ để anh ghi hết những gì anh nghĩ). Một phần cũng do lúc đó anh hơi dại, ghi nháp ra giấy trước để hệ thống hóa lại ý rồi mới đánh vào máy nên hơi lâu. Tuy nhiên phần này cũng có cái hay, lát nữa khúc dưới anh sẽ quay lại ;).
  • Vòng thi nhóm:
    • Đi vào phần làm việc nhóm, phòng anh gồm 6 người. Ngay khi ban giám khảo nói là “Bắt đầu” và anh chưa định hình được gì thì một bạn đã lên tiếng. Nếu mấy em có tìm hiểu các bài viết về “Những điều nên làm khi thi vòng AC”, thì các em sẽ biết là gồm có những bước như xác định vấn đề, phân việc trong nhóm, nhớ chia cả time keeper, quy định nhường nhau khi nói… (hồi đó anh cũng có tìm hiểu). Nó gồm 1 check-list á, và cái bạn anh nói lúc đầu đã check hết list đó trong vòng 1 nốt nhạc! Lúc đó anh mới thấy “Ủa sao giống y như “template” mẫu vậy ta?”. Vì thế nên hầu hết thời gian là bạn đó nói. Một số bạn khác cũng có nhiều ý kiến và thay nhau như vậy. Vì biết là online nên các bạn cũng đợi nhau nói xong mới nói nên không loạn. Có anh thì ngồi 5 phút đầu vẫn bị tư tưởng “Tại sao mình không nói gì? Các bạn nói nhiều quá mình chen vào có kì không? Sao vé Thương Gia khó quá vậy trời?”.
    • Sau khi định hình lại thì anh quyết định là mình sẽ …..”
Tới đây thì bài viết đã khá dài rồi, nên các bạn xem phần 2 hấp dẫn còn lại ở đây nghen ^^: https://chuongkhoidiem.com/trai-nghiem-thi-management-trainee-pepsi-tu-anh-minh-khoa-p2/
 
Một lần nữa cảm ơn bạn Minh Khoa dễ thương đã chia sẻ nhé!
 
Chúc các bạn thành công chinh phục công việc đầu đời mơ ước, đặc biệt là Management Trainee nhé!

Bài viết tổng hợp trọn bộ kinh nghiệm thi Management Trainee (Quản trị viên tập sự): Kinh nghiệm thi Management Trainee – Trọn bộ hơn 150 bài viết chi tiết

Cập nhật thông tin về công việc đầu đời tại

Disclaimer: Article includes photos created by Freepik.com

Lưu ý: Tất cả các bài viết thuộc bản quyền của Chương Khởi Điểm, hoặc đã được Chương Khởi Điểm xin phép tác giả. Vui lòng không đăng tải lại hoặc sao chép dưới bất kỳ mọi hình thức trước khi được sự đồng ý của Chương Khởi Điểm.

 

- Advertisement -

FACEBOOK COMMENTS

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here