Kinh nghiệm thi CDFresh – Sales Fresher – Sales Trainee từ anh Anh Tú

0
902

chuong khoi diem next management trainee kinh nghiem thi CDFresh Sales Fresher Sales Trainee Unilever FCV Anh Tu

Bạn nào chưa biết Management Trainee là gì thì xem lại trọn bộ chia sẻ kinh nghiệm thi tất cả các vòng từ các Management Trainee/Fresher/Intern ở đây nhé: Kinh nghiệm thi Management Trainee – Trọn bộ hơn 150 bài viết chi tiết và đừng quên tham gia group Next Management Trainee: fb.com/groups/thenextmt để nhận được cập nhật những bài chia sẻ kinh nghiệm thi tuyển sớm nhất nha!

—————————

Hành trình từ sinh viên khối Kỹ Thuật đến với Ngành FMCG với chương trình CDFresh – Sales Fresher – Sales Trainee của anh Anh Tú

Cảm ơn Tú đã đồng ý chia sẻ với chị Thư và các bạn trẻ của Chương Khởi Điểm – Next Management Trainee nghen. Các bạn cũng có thể liên hệ chính chủ ở Facebook này nha: https://www.facebook.com/nguyenle.a.tu.

————-

Chào các bạn, mình là Nguyễn Lê Anh Tú- 24 tuổi. Xuất phát điểm trước đây mình tốt nghiệp ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Vậy nên câu chuyện của mình khi đến với các chương trình MT/Fresher của các Công ty/Tập đoàn Đa quốc gia với riêng bản thân cũng là một chặng đường với thật nhiều điều.

Hai chương trình mà mình đã từng ứng tuyển và may mắn đậu đó là Giám sát Kinh doanh Tài năng (CD Fresh) của Unilever Vietnam và Sales Trainee Program của FCV- FrieslandCampina Vietnam. Cả hai cuộc thi này mình đều thi vào thời điểm cuối năm 2019 khi đang là sinh viên năm cuối ĐH. Và có thể nói, đây cũng chính là bước khởi đầu trong chặng hành trình sự nghiệp của bản thân mình.

Hiện tại thì mình đang là Giám sát Kinh doanh của FCV phụ trách kênh Truyền thống – General Trade (GT).

Một chút Hành trang của mình thời Đại Học trước khi tham gia chương trình CDFresh – Sales Fresher – Sales Trainee

Mỗi chúng ta sẽ có một hành trang riêng cho mình trong 4-5 năm Đại Học. Không ai là giống nhau. Với một thế hệ ngày càng năng động và được tiếp cận với nhiều cơ hội, mình tin rằng các bạn rồi cũng sẽ có được một sự chuẩn bị và sẵn sàng cần thiết cho chính mỗi người ngay từ khi là sinh viên. Còn đây là hành trang của mình khi ứng tuyển:

  • GPA: Mức điểm của mình thật sự không cao nhưng vừa đủ điều kiện mà các chương trình yêu cầu. Vẫn khuyên các bạn nên dành tối thiểu ở mức 7.0-7.5 trở lên.
  • Hoạt động CLB-Đội nhóm: Từng có thời gian mình giữ vai trò Chủ nhiệm của 1 CLB trong trường với quy mô hơn 200 thành viên.
  • Học bổng trao đổi: Có 2 lần mình là một trong những đại diện sinh viên trường tham gia trao đổi tại Hàn Quốc/Singapore trong khuôn khổ các chương trình giao lưu sinh viên quốc tế.
  • Cuộc thi: Mình có tham gia 2-3 cuộc thi liên quan đến Business Case/Event/Leadership… và cũng đạt được một số giải thưởng nho nhỏ. Nhờ thế mà được gặp gỡ, kết nối với các bạn ở hai đầu cầu SG/HN.
  • Ngoại khóa: Hơn 30 sự kiện mình tham gia với vai trò là Điều phối viên/Trưởng nhóm tình nguyện viên. Đây cũng là một trong những “part-time job” của mình trong mấy năm ĐH.

Nhờ vào các hoạt động trên nên dù tốt nghiệp khối Kỹ Thuật nhưng mình cũng dần tìm thấy bản thân muốn thử sức với công việc của khối phòng ban Sales nên đã bắt đầu tìm hiểu các kì tuyển dụng Fresher của các Công ty Đa quốc gia. Nếu bạn cũng thuộc kiểu người năng nổ tham gia hoạt động ngoại khóa, lanh lẹ khi giao tiếp, làm việc nhóm và tích lũy được nhiều Kỹ năng mềm từ khi còn là sinh viên thì có thể bạn cũng đã có sẵn những tố chất phù hợp với Sales rồi đấy, cứ thử xem sao. Đừng trông đợi bản thân mình sẽ thật sự phù hợp ngay từ khi mới ra trường vì hợp hay không thì bạn sẽ khám phá kỹ hơn khi chính thức làm việc, gắn bó và trải qua những khó khăn thử thách cũng như những trái ngọt với nghề.

Mình đã vượt qua các Vòng thi của CDFresh – Sales Fresher – Sales Trainee nhờ điều gì?

Đã có nhiều bài viết chia sẻ từng Vòng thi một cách rất cụ thể và chi tiết rồi nên mình nghĩ các bạn cũng đã phần nào có được những hình dung nhất định. Về phần mình, xin phép chia sẻ một số câu chuyện nho nhỏ cho các bạn mà mình cảm thấy thú vị trong quá trình trước/trong lúc thi các Vòng.

Vòng Application Form của CDFresh – Sales Fresher – Sales Trainee

Thời Đại Học mình rất thích tìm hiểu cách viết CV với suy nghĩ rằng phải viết để làm sao “apply gì cũng phải đậu”. Mình từng “lục lọi” xem đi xem lại gần cả trăm CV với đủ mọi đối tượng. Từ việc tò mò không biết sinh viên nước ngoài (Oxford, Havard, v.v…) viết CV như thế nào, sử dụng template ra sao cho đến thói quen lên Linkedin để nghía thử những anh chị đi làm thì cách trình bày của họ có điểm gì để từ đó bản thân mình có thể rút ra những kinh nghiệm cho bản thân hay không. Thật sự việc quan sát không chỉ giúp mình học được cách viết CV cho chỉn chu và phù hợp hơn mà còn giúp mình khám phá ra được khá nhiều điều hay ho từ việc nhìn thấy Career Path (con đường sự nghiệp) của các anh chị. Chính điều này đã giúp mình có được sự chuẩn bị cho những cơ hội của bản thân khi còn là sinh viên và bây giờ là vượt qua vòng CV ở các cuộc thi Management Trainee.

Vòng AptitudeTest của CDFresh – Sales Fresher – Sales Trainee

Mình vốn thường xem “Đường lên đỉnh Olympia” vào mỗi cuối tuần, đó cũng là sở thích từ nhỏ và cho đến bây giờ cũng vậy. Mình không biết có phải nhờ thế mà việc hoàn thành các câu hỏi của vòng Test (IQ/EQ/…) đối với mình thật ra không phải là một thử thách quá lớn. Thi thoảng, để có cơ hội rèn luyện trí óc, thay vì phải vò đầu bức tai ngồi luyện giải đề, mình hay cùng bạn bè tụ tập lại để đi boardgame hay chơi mấy trò giải đố, vừa vui mà lại có những phút giây đáng nhớ cùng bạn bè nữa.

Vòng Initial Interview của CDFresh – Sales Fresher – Sales Trainee

Bản thân mình luôn xem đây là một buổi trò chuyện. Vì thế nên tâm lý của mình nhìn chung là thoải mái, thậm chí có đôi chút hào hứng vì không dễ gì có cơ hội được gặp các anh chị xịn xò của Công ty nơi mà mình đang ứng tuyển. Vì thế nên thời gian 30-45 phút trôi qua rất nhanh.

Mình vẫn nhớ, có một lần, khi gần đến cuối buổi phỏng vấn, chị HR có hỏi mình một câu:

“Em có muốn hỏi hay nói thêm điều gì nữa không?”

Không hiểu sao, thay vì trả lời là “Dạ không”, mình đã đáp lại theo một cách nửa đùa nửa thật:

“Dạ, em không biết sau buổi này mọi người có còn nhớ em không nhưng em muốn nói với các anh chị là em thật sự rất thích Sữa. Từ nhỏ và cho đến bây giờ dù đã gần 22 tuổi nhưng mỗi ngày em vẫn uống đều đặn 2-3 hộp đó ạ. Và đặc biệt hơn, em có thể đoán được tên tất cả các loại sữa mà không cần nhìn ạ, chỉ cần uống một chút và cảm nhận thôi là sẽ nhận ra ngay”.

Sau này khi đã vào Công ty và được nghe kể lại, mình mới biết lúc nghe mình trả lời như thế, các anh chị đã bật cười và khá ấn tượng, thế là nhớ ngay mình tên Tú.

Trong thời gian phỏng vấn, các anh chị cũng đặt thêm câu hỏi để kiểm tra độ phù hợp của mình với phòng ban Sales, đặc biệt khi thấy mình tốt nghiệp khối ngành Kỹ thuật. Mình cũng thành thật kể lại những gì mình trải qua – tự nhiên và chính xác để chứng minh mình thích và có tố chất mà công việc yêu cầu, ví dụ như:

  • Mình có tham gia làm part-time ở một số triển lãm,hội chợ thương mại,.. liên quan đến ngành dịch vụ, nhờ đó mình đã có dịp gặp gỡ tiếp xúc với khách hàng, hỗ trợ và giới thiệu dịch vụ nhiệt tình cho khách hàng và nhận được sự tin tưởng cũng như đánh giá tốt từ các đơn vị tham gia ngày hội.
  • Mình cũng kể thêm trải nghiệm từng tham gia những Cuộc thi sinh viên liên quan đến Business Case/Event và Leadership giúp bản thân có thêm kiến thức kinh tế như thế nào, đã vượt qua các vòng thi ra sao và đạt được thành tích gì.

Vòng Field Sales của CDFresh – Sales Fresher – Sales Trainee

Cả hai cuộc thi của Unilever và FCV cơ bản khá giống nhau về format và nội dung đề bài đi Field thực tế (quan sát thị trường và đưa ra vấn đề, cách giải quyết). Vì mình từng tham gia cuộc thi của Unilever trước nên khi đến với FCV thì tâm lý có phần nhẹ nhàng hơn vì đã có dịp làm quen với hình thức thi. Vì vậy, nếu bạn có thời gian và cơ hội, mình vẫn khuyến khích các bạn nên thử sức ở một số cuộc thi để bản thân có thêm kinh nghiệm, thay vì luyện đề lý thuyết thì bạn sẽ có trải nghiệm thực tế và nhìn nhận lại mình sau mỗi lần thi.

Đợt đi Field Sales cũng là lần đầu tiên mình được trực tiếp tiếp cận thị trường, làm quen với sản phẩm của công ty nên với mình, mọi thứ đều rất mới mẻ và đầy hào hứng với trải nghiệm này.

Buổi sáng ngày đi thị trường đầu tiên mình đi một mình để tìm hiểu, quan sát thị trường nhưng gặp một số khó khăn khi chủ cửa hàng không nhiệt tình cung cấp thông tin. Ngay khi thấy cách tiếp cận của mình không hiệu quả, buổi chiều mình đã đề xuất với anh quản lý địa bàn để được đi thị trường cùng với một anh Nhân viên bán hàng (NVBH) vào ngày hôm sau. Nhờ đó, mình nhận ra được vấn đề của mình vả cải thiện, làm việc năng suất hơn. Ví dụ như ngay ngày đầu tiên khi gặp chủ cửa hàng mình đã vội đề cập đến những gì mình cần trong khi đó đây không phải là nhu cầu của họ. Hôm sau, khi học được cách mở đầu cầu chuyện từ anh NVBH, mình đã có thể tiếp cận cửa hàng và lấy thông tin suôn sẻ hơn. Mình cũng quan sát được những thao tác anh làm từ lúc bước vào cửa hàng đến khi kết thúc.

Song song, ngày đầu tiên mình cũng học hỏi thêm từ các bạn cùng nhóm qua cách các bạn khảo sát thị trường, cách các bạn xây dựng bộ câu hỏi khảo sát và làm việc. Những ngày sau mình làm việc độc lập để tìm ra vấn đề thị trường và hướng đề xuất với công ty.

Vòng này tuy gặp một số khó khăn nhưng mình thấy cũng khá may mắn khi bước ra từ khối Kỹ Thuật vì mình cũng đã rất quen với nhiều thử thách và áp lực từ khi còn đi học – như vượt qua nhiều môn học khó nhằn, khối lượng môn học và đồ án lớn, thích nghi với những  yêu cầu chi tiết và khó tính của thầy cô. Nhờ vậy mà mình không hề thấy nản mà vẫn giữ được sự hào hứng khi thi.

Vòng Assessment Center của CDFresh – Sales Fresher – Sales Trainee

Đợt ấy trước ngày thuyết trình Hội đồng một hôm, mặc dù đã chuẩn bị xong nội dung phần trình bày cũng như PowerPoint nhưng dường như vẫn có gì đó khiến mình chưa hoàn toàn ưng ý, thế là mình có đi dạo lại một vòng siêu thị dù trước đó đã đi khảo sát không biết bao nhiêu lần. Thế mà trong lúc lang thang lại vô tình phát hiện ra một ý tưởng bất ngờ, vậy là mình mua ngay sản phẩm của Công ty và một sản phẩm của bên đối thủ để hôm sau mang trực tiếp lên trước Hội đồng và trình bày giải pháp mà mình mới nghĩ ra. Mặc dù buổi hôm ấy bị các anh trong Hội đồng phản biện và “dập” te tua nhưng mới đây thôi, trong một lần đi siêu thị, mình hơi bất ngờ khi giải pháp mà mình đã từng đề cập năm nào hiện đang được áp dụng trên từng sản phẩm ở các quầy trưng bày sản phẩm khuyến mãi và kệ hàng. Thế là nhận ra rằng:

  • Nếu trong lúc trình bày mà các anh chị có đang “hơi làm khó” với mình thì không hẳn là do ý tưởng của bạn chưa tốt đâu, mà đấy là lúc mọi người đang muốn thử thách khả năng của bạn đấy, nên hãy tự tin thể hiện nhé! Chứ về bản thân thì thật sự lúc bị “dập” xong mình đã từng có suy nghĩ rằng “Ý tưởng của mình đúng là có vấn đề thật” cho đến một ngày khi mình thấy nó xuất hiện một cách vô cùng oách (Tất nhiên có thể mình không phải là người đầu tiên nghĩ ra điều này rồi :D, nhưng cũng thật vui vì mình cùng tư tưởng với những người làm ra thành quả nhỉ?).
  • Một giải pháp được trình bày nếu đi kèm với số liệu và minh họa thực tế thì sẽ luôn là một điểm cộng vô cùng lớn. Vì không gì bằng “Mắt thấy, tai nghe, tay sờ” mà, có phải thế không?

Vòng Final Interview của CDFresh – Sales Fresher – Sales Trainee

Nếu đã bước vào Vòng này rồi thì mình nghĩ việc bạn cần làm chỉ là khẳng định lại một lần nữa quyết tâm và mức độ sẵn sàng của mình đối với công việc này thôi. Các Anh/Chị chỉ cần nhận ra sự quyết tâm đó của bạn thì cơ hội của bạn đã gần như khả quan hơn rất nhiều rồi đó.

 “Đậu rồi”- Tiếp theo nên làm gì ?

Vui – tâm trạng chung của hầu hết chúng ta khi đậu vào các chương trình Management Trainee và Fresher là vậy. Kể cả mình khi ấy cũng thế. Vì cơ hội được làm ở các Công ty, Tập đoàn Đa quốc gia đâu phải ai cũng có được. Nhưng sau những giây phút đầy phấn khởi thì bước kế tiếp nên như thế nào đây?

Trước hết mình nghĩ chúng ta nên giữ một đôi chân ở ngay mặt đất cùng một tinh thần tràn đầy năng lượng cũng như sự tập trung để cháy hết mình với lộ trình mà Công ty sắp dành cho chúng ta. Có những thời điểm mà mình tin rằng bạn sẽ cảm thấy hơi khó khăn và không toàn màu hồng như những gì chúng ta đã từng nghĩ trước lúc thi tuyển. Chắc chắn sẽ có. Nhưng sau đó thì cách mà chúng ta lựa chọn là gì? Ngồi soạn ngay một mail gửi cho Line Manager (sếp làm việc trực tiếp), các anh chị phòng Nhân Sự xin dừng lại hay sẽ tiếp tục lựa chọn việc đi tiếp? Mình nghĩ rằng bỏ cuộc thì rất dễ và ai cũng làm được, vậy thì sao chúng ta không phải là những người “lì” nhất để xem thử liệu điều gì đang chờ đợi ta ở phía trước?

Đặc biệt ở thời điểm mà Covid vẫn đang là một mối quan ngại với tất cả mọi người, bạn nên lường trước những khó khăn và thử thách để có thể vững lòng vượt qua, chẳng hạn như:

  • Sẽ có những điểm khác nhau giữa lý thuyết và thực tế: nếu bạn được học về quy trình chào hàng bao gồm các bước như trò chuyện với chủ cửa hàng, sắp xếp trưng bày, kiểm hàng tồn,bán hàng, v.v… thì thời Covid để thực hiện được hết tất cả các thao tác kể trên cũng sẽ là một thử thách với chúng ta khi các cửa hàng đều giữ khoảng cách, giới hạn phạm vi tiếp xúc.
  • Dù hoàn cảnh có thế nào thì chúng ta vẫn luôn chịu trách nhiệm với những chỉ số KPIs mà Công ty đã giao – mà đa phần thì KPIs chỉ có tăng chứ không giảm, kì này cao hơn kì sau, năm này cao hơn năm sau. Đây cũng là thách thức kể cả với những anh chị có kinh nghiệm chứ không chỉ riêng bạn.

Với những thử thách đó, hãy bình tĩnh phân tích để tìm ra hướng giải quyết thay vì lựa chọn từ bỏ dễ dàng. Chẳng hạn như bên cạnh chỉ tiêu Doanh số là quan trọng, nhưng nếu vì một vài lý do nào đó chưa thể có kết quả tốt nhất thì hãy đảm bảo những chỉ tiêu khác mà Công ty đặt ra như thời gian thăm viếng, trưng bày sản phẩm, số sản phẩm trên một đơn hàng, độ phủ sản phẩm mới và sản phẩm chủ lực, v.v…

Vượt qua được những thử thách ở giai đoạn làm NVBH thì mình tin là các bạn sẽ mạnh mẽ để bước tiếp vững vàng ở giai đoạn trở thành Giám Sát Kinh Doanh vì bạn đã hiểu rõ được cốt lõi vấn đề, thực tế thị trường và có kinh nghiệm để xử lý cũng như quản lý đội ngũ Nhà phân phối.

Và quan trọng hơn, dù không thể nói trước tương lai bất cứ điều gì nhưng mình nghĩ rằng cả mình và bạn cũng nên thử suy nghĩ xem sau 2 năm, 5 năm, 10 năm nữa, mình và bạn muốn làm gì và trở thành một người như thế nào để từ đó chúng ta có thể vạch ra sơ bộ một kế hoạch cho chính bản thân và nghiêm túc bắt tay vào việc thực hiện ngay từ bây giờ. Management Trainee và Fresher là những bước khởi đầu vô cùng tốt. Nhưng đi được bao xa và đi tới đâu thì còn phụ thuộc rất nhiều vào chính bản thân bạn. Đừng bao giờ chủ quan và tự hài lòng sớm với những gì mình đang có.

Bản thân mình là một người học trái ngành. Hơn ai hết, mình cũng sẽ rất cân nhắc trong mọi bước đi của mình để làm sao, mọi thứ sẽ đều có những ý nghĩa nhất định.

Kết

Hi vọng những chia sẻ vừa rồi của mình đã giúp các bạn phần nào đó có thêm những góc nhìn để chuẩn bị tốt hơn cho hành trình ứng tuyển Managemnet Trainee và Fresher. Dù có điều này hẳn đã được gửi gắm rất nhiều nhưng chắc mình cũng xin phép nhắc lại thêm lần nữa, rằng mỗi chúng ta hãy cố gắng trở thành phiên bản tốt nhất của mình, đừng áp lực trong việc so sánh với bất cứ ai mà hãy xem đó như là động lực cho chúng ta mỗi ngày một tốt hơn. Và chỉ khi như thế, chúng ta mới thật sự là chúng ta, là những gì tốt nhất mà chúng ta cảm thấy tự hào.

Anh Tú

Bài viết tổng hợp trọn bộ kinh nghiệm thi Management Trainee (Quản trị viên tập sự): Kinh nghiệm thi Management Trainee – Trọn bộ hơn 150 bài viết chi tiết

Cập nhật thông tin về công việc đầu đời tại

Disclaimer: Article includes photos created by Freepik.com

Lưu ý: Tất cả các bài viết thuộc bản quyền của Chương Khởi Điểm, hoặc đã được Chương Khởi Điểm xin phép tác giả. Vui lòng không đăng tải lại hoặc sao chép dưới bất kỳ mọi hình thức trước khi được sự đồng ý của Chương Khởi Điểm.

 

- Advertisement -

FACEBOOK COMMENTS

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here