Trải nghiệm thi FrieslandCampina Việt Nam – FCV Management Trainee của từ anh Diệp Đỉnh Khang

0
1938

18. chuong khoi diem next management trainee kinh nghiem thi Management Trainee FrieslandCampina FCV Dinh Khang Marketing

Bạn nào chưa biết Management Trainee là gì thì xem lại trọn bộ chia sẻ kinh nghiệm thi tất cả các vòng từ các Management Trainee/Fresher/Intern ở đây nhé: Kinh nghiệm thi Management Trainee – Trọn bộ hơn 150 bài viết chi tiết và đừng quên tham gia group Next Management Trainee: fb.com/groups/thenextmt để nhận được cập nhật những bài chia sẻ kinh nghiệm thi tuyển sớm nhất nha!

—————————


Chào các bạn, mình là Đỉnh Khang. Nhận được lời mời từ chị Thư, mình chia sẻ lại chút trải nghiệm khi thi chương trình Management Trainee của FrieslandCampina Việt Nam (FCV), nếu bạn muốn trao đổi thêm thì có thể kết nối với mình ở đây nha: https://www.facebook.com/diepdinhkhang1999, để lại đôi lời giới thiệu để mình làm quen với nhau dễ hơn nhé!

Đôi nét về mình

Mình vừa tốt nghiệp tháng 4/2021 tại Đại Học Ngoại Thương với loại Xuất Sắc. Từ đầu năm 1 đến giữa năm 3, mình định hướng tập trung vào việc học – đậu các bài kiểm tra nên có thể nói mọi việc diễn ra vẫn đang nằm trong “vòng an toàn”.

Khi còn học năm 1, năm 2, mình đăng ký tham gia chương trình Doanh Nhân Tập Sự của Action Club và lọt top 40 của ngành Marketing. Lúc đó mình không đặt quá nặng về cuộc thi, mình cũng làm mọi thứ khá ổn nhưng vẫn còn “play safe” nên không có bứt phá nhất định. Vì không kỳ vọng nên mình cũng không quá nặng nề khi nhận kết quả.

Giữa năm 3, được truyền cảm hứng từ những bài viết của các anh chị Management Trainee các cuộc thi lớn như các bài chia sẻ trên kênh Next Management Trainee và Chương Khởi Điểm của chị Thư, mình bắt đầu tìm hiểu thêm về chương trình. Song song, mình cũng đã từng nghe đâu đó là mọi người hay có định kiến ai học quá giỏi thì kỹ năng sẽ không tốt, chỉ biết tính toán công thức cao siêu nhưng vận hành công ty sẽ không giỏi bằng. Hay được biết đến như là “chàng trai vàng trong làng 4.0” nên mình cũng suy nghĩ khá nhiều khi nghe thông tin trên và muốn chứng minh cho mọi người thấy đó là suy nghĩ không chính xác.

Vì vậy, song song với việc học mình cũng bắt đầu công việc thực tập tại phòng Nhân Sự ở một công ty Agency. Thời gian làm việc, mình lại thấy không hợp HR lắm và quyết định chuyển ngành. Sau đó mình trúng tuyển vào chương trình Samsung Fresh Graduate Program 2020 và làm việc trong khoảng 8 tháng trước khi gia nhập FCV với vai trò là Management Trainee.

Đọc bài chia sẻ của các anh chị, nhìn lại thời gian thi Action Club đã giúp mình phát triển thế nào, mình nhận thấy cuộc thi này là bước đệm quan trọng để tiến thân vào chương trình Management Trainee nên mình đặt quyết tâm thi lại với mong muốn có kết quả tốt hơn và tối đa hóa được các quyền lợi mà cuộc thi mang lại cho ứng viên – bao gồm shortcut cho các kì thi Management Trainee của các công ty bảo trợ ngành. Mình xác định lựa chọn con đường này để đến với Management Trainee trong số nhiều ngã rẽ khác.

Lần thi lại của năm sau, mình dành thời gian xem lại những gì mình làm tốt và chưa tốt, lí do vì sao mình dừng chân ở vòng Top 40. Đây là một hành trình giúp tìm hiểu bản thân rõ nét hơn. Sau đó, mình luyện tập về kỹ năng liên quan đến tính toán cũng như những yếu tố khác của các vòng thi và cuộc thi. Trước thời điểm tham gia Doanh Nhân Tập Sự, CV của mình chỉ có chủ yếu thành tích học tập vì mình không tham gia hoạt động ngoại khóa, Câu Lạc Bộ nhiều. Và lần này mình may mắn nhận được giải thưởng Quán Quân, nhờ đó được short cut tới vòng 3 – Initial Interview. Vì FCV là doanh nghiệp bảo trợ ngành Marketing, mình có dịp được lên văn phòng công ty ở Sonatus. Văn hóa công ty phần nào cũng được truyền tải, mình thấy những điểm đổi mới thú vị của công ty, có những slogan và tagline rất hợp với mình. Có thể nói cuộc thi cũng giúp mình có “Love at first sight” với FCV, bản thân mình cũng rất thích làm cho những công ty trong lĩnh vực ăn uống và sữa cũng là một nguồn dinh dưỡng không thể thiếu cho mỗi người nên càng tìm hiểu càng thấy thích công ty.

Hiện tại mình đã trải qua 6 tháng với công ty và đang làm phòng Marketing – nhãn hàng Friso, vị trí Shopper Marketing. Cho đến hiện tại, mình có những trải nghiệm khá tốt với chương trình và cũng học hỏi được rất nhiều.

Trải nghiệm thi vòng Initial interview của FrieslandCampina Việt Nam – FCV Management Trainee

Lần đầu thi Initial Interview của mình là khi tham gia Doanh Nhân Tập Sự. Năm đó mình nhận được 2 câu hỏi khiến mình nhớ nhất:

“Em muốn làm ở cty nào và lĩnh vực nào?”

Khi đó mình chọn một công ty FMCG khác, câu trả lời không quá đặc sắc và chung chung như vì công ty có những nhãn hàng lớn. Nhưng khi nói về phòng ban, mình rất rõ ràng với lựa chọn của mình, đó là muốn theo đuổi Marketing, muốn hiểu hơn insight về người tiêu dùng, về business và muốn tận dụng thế mạnh của mình về làm việc với số, data để thật sự mang lại được giá trị (business value) cho công ty. Câu trả lời đó không phải là bất chợt mà là kết quả mình đã reflect, nhìn nhận lại xem những điểm mạnh của bản thân là gì và có thể mang lại được những gì cho công ty.

Cách tiếp cận của mình cho những buổi phỏng vấn khác cũng vậy, luôn khởi nguồn từ việc hiểu rõ bản thân mình – điểm mạnh, điểm yếu, lợi thế mà mình có thể tận dụng, v.v…

Khi thi FCV mình nhận được nhiều câu hỏi và chi tiết hơn­, không giới hạn thời gian như khi thi Doanh Nhân Tập Sự. Các anh chị cũng dẫn dắt từ những câu hỏi về bản thân mình, câu hỏi về hành vi (behavioral questions), về độ phù hợp với công ty, v.v…  Nên tóm lại, quan trọng nhất là hiểu chính mình.  Hôm đó mình đã nỗ lực hết mình nên giả sử có không đậu cũng không nuối tiếc.

Mình cũng từng thi và từng tiếp xúc với các công ty và nhãn hàng khác nhưng cảm giác như thiếu sự kết nối với sản phẩm, cảm giác như không hợp với personal taste của mình dù có thể mình dùng sản phẩm khá nhiều. Nhưng khi trả lời với FCV,  mình lại thấy sản phẩm và công ty giúp khơi gợi được cảm xúc của mình, phù hợp với mình nên trả lời cũng sốt sắng và chi tiết.

Các anh chị cũng đặt nhiều tình huống về kỹ năng để mình giải quyết.

Ví dụ như nếu deadline đã đến gần mà bạn chưa hoàn thành thì bạn sẽ chọn nộp trước để đảm bảo tiến độ hay chọn làm trễ một chút nhưng đảm bảo chất lượng. Mình trả lời là mình chọn delay deadline công việc một chút với chất lượng tốt nhưng phải có kế hoạch thời gian delay tối đa là bao lâu, tránh tình trạng dời deadline liên tục. Công ty cũng hỏi thêm mình về khả năng làm việc với áp lực deadline và mức độ thích nghi trong công việc.

Thật ra, đến bây giờ khi đi làm mình vẫn cảm thấy sự linh hoạt và thích nghi là rất cần thiết. Tại các công ty FMCG sẽ có nhiều thay đổi liên quan đến sản phẩm và business, mình phải ứng biến được với những thay đổi đó. Trong thời gian mình làm Samsung, mình cũng được chứng kiến sự chuyển mình rất nhanh của business, như môt dòng sản phẩm hoặc thiết bị điện tử một năm có thể đổi mới vài lần.  Càng đi làm càng thấy khác với đi học. Nếu đi học, 1 bài toán chỉ có 1 đáp số thì khi đi làm, 1 bài toán có thể có nhiều đáp số, đề bài có thể thay đổi và đáp số cũng có thể được cập nhật. Chính vì vậy, công ty đòi hỏi mọi người phải bền bỉ (resilient) để có thể chạy đường dài và thích nghi với những đổi thay đó. Ngay cả trong lúc đi làm, cũng sẽ có thời gian mình chật vật và gặp khó khăn vì phải thích nghi liên tục, nhưng sau một quá trình sẽ thấy mình đã trưởng thành hơn rất nhiều từ lúc nào. Bản thân công việc của Management Trainee cũng sẽ được tham dự vào nhiều dự án, mỗi dự án cũng có tính chất khác nhau nên sẽ không ổn định như các công việc làm theo thông lệ, vì vậy sự bền bỉ càng quan trọng hơn bao giờ hết.

Trải nghiệm thi vòng Business Challenge của FrieslandCampina Việt Nam – FCV Management Trainee

Tất cả ứng viên tập trung trong 2 ngày để thi. Mình cảm thấy rất may mắn vì đây là một trong những chương trình hiếm hoi trong năm 2021 (năm mà dịch Covid hoành hành) được thi offline, giúp mình và các bạn thấy gần gũi và hiểu nhau hơn, và cảm giác như như dù mình thi không đậu thì đây vẫn là trải nghiệm quý giá.

Ngày đầu tiên, công ty giúp các ứng viên chuẩn bị kiến thức về công ty, sản phẩm cho ngày thi hôm sau và giới thiệu văn hóa công ty với mọi người thông qua những workshop với diễn giả là các anh chị ở FCV. Hôm đó có những hoạt động tương tác thú vị khác nhau, có sân khấu, vật phẩm trang trí, có các anh chị công ty hóa thân thành Cô Gái Hà Lan với background là đồng cỏ quen thuộc của công ty. Đặc biệt mình rất ấn tượng với buổi workshop giới thiệu sản phẩm công ty – thay vì đứng nói về Yomost thì các anh chị tổ chức một buổi demo cooking show và chia nhóm ứng viên thực hiện thử thách lấy Yomost chế biến thức uống. Đây là hình thức rất sáng tạo giúp chạm tới mọi người qua cả 5 giác quan, đem sản phẩm của công ty đến gần với từng ứng viên hơn.

Buổi trưa mình và các bạn được mời đi ăn trưa, được lắng nghe câu chuyện đến từ các anh chị Senior Manager trong công ty về những trải nghiệm làm việc ở FCV, các kỳ vọng của các anh chị với các bạn Management Trainee.

Buổi chiều là một Business Simulation Challenge nhỏ nhỏ mà các anh chị chuẩn bị rất kỹ lưỡng dạng trò chơi giúp mình và các bạn học được những bài học khác nhau như cách làm business, cách hợp tác với các phòng ban như thế nào.

Những hoạt động ở ngày đầu tiên giúp mình hiểu hơn về FCV và có sự gắn kết không chỉ với công ty mà còn là với các bạn cùng thi.

Ngày thứ 2 là ngày thi chính thức.

Buổi sáng là vòng đầu tiên, trong phòng sẽ có các anh chị HR chia sẻ tổng quan các thử thách của vòng thi và các anh chị ban giám khảo. Ứng viên được chia vào các nhóm gồm 4 người và dẫn tới các phòng họp khác nhau. Mình cảm thấy khá hồi hộp vì vào group có những bạn có background rất “khủng” và cảm giác như để chiến thắng trong “cuộc chiến” đó mình cần phải làm rất nhiều, cần rất nhiều sự nhanh nhẹn, nhạy bén và khôn khéo khi giải quyết đề bài cũng như trả lời BGK.

Nhóm gồm 6 người. Vòng này có khá nhiều “đất diễn” nên mọi người tôn trọng lời nói của nhau và đóng góp xây dựng nhẹ nhàng. Đề bài là về 1 công ty giả định gồm nhiều phòng ban khác nhau, với các chiến lược, data cho từng phòng ban. Đối với mình đề bài khá dài, slide tuy đã được hình ảnh hóa không quá nhiều chữ nhưng rất nhiều data và thời gian áp lực chỉ trong 1 tiếng phải vừa thảo luận, vừa tổng kết, vừa thuyết trình nên khá căng thẳng.

Kết thúc vòng thi, BGK sẽ gọi từng bạn để đến với vòng tiếp theo. Vòng này cho mình trải nghiệm cảm giác như được thi hoa hậu khi lần lượt từng ứng viên được gọi tên :D. Ban đầu mình cũng cực kì hoang mang khi không biết được gọi tên có ý nghĩa gì, cuối cùng may mắn được lựa chọn cho vòng sau – sang thử thách Mini Case Challenge thiên về Marketing và Communication – tái định vị (re-positioning) sản phẩm. Nhóm được chia nhỏ hơn gồm 3 người.

Mình hơi chật vật vì đây không phải lĩnh vực mình mạnh và hơi trừu tượng. Vòng này mọi người cũng aggressive hơn nên mình chọn cách là sẽ nhường đồng đội khi cần vì thái độ tinh thần hợp tác tốt sẽ tạo nên tổng thể một buổi làm việc hiệu quả.

Một vài kinh nghiệm của mình ở 2 vòng này

Mindset khi thi: Đề thi nói về Business chung nhiều hơn và là điều không chỉ công ty mà cả bản thân mình cũng hướng đến. Dù làm Marketing nhưng nếu tương lai được tin tưởng giao cho nhiệm vụ làm Brand Guardian, Brand Manager thì con đường mình định hướng vẫn sẽ là hiểu hơn về Business, vừa làm Marketing vừa Sales và quản lý được tổng quan cho nhãn hàng chứ không chỉ tập trung vào mảng truyền thông, quảng cáo. Vì vậy, mình cũng sẵn sàng tinh thần và mindset này khi giải đề và thảo luận.

Time management: Ở vòng này, với mình time management là yếu tố quan trọng nhất, cần lập rõ các công việc cần làm: thời gian nào thảo luận, chốt ý tưởng, thuyết trình, v.v… Có thể nếu có thêm thời gian, nhóm sẽ có ý tưởng tốt hơn nhưng BGK lại chỉ đánh giá được khả năng ứng viên trong khung thời gian đó nên mình nghĩ đảm bảo time management là cách tiếp cận phù hợp. Nhóm mình không làm slide mà có bảng trắng để viết và vẽ lên rồi tập thuyết trình, sau đó nhận nhiều câu hỏi từ BGK.

Kỹ năng phân tích và sự chuẩn bị: vì thời gian ngắn và cần đọc, phân tích nhiều số liệu nên nếu không có kỹ năng thì sẽ rất khó khăn để vượt qua. Do đó, luyện tập từ trước là rất cần thiết để bạn có thể chọn được những key takeaway của đề và phân tích, kết nối được các ý với nhau (connect the dots), khái quát hóa lên được insight chứ không chỉ dừng lại ở mức độ diễn giải lại fact. Ví dụ nhìn biểu đồ có thông tin về số lượng cửa hàng, weighted contribution, v.v… qua mỗi năm, mình sẽ cần khái quát hóa được là công ty đang gặp vấn đề nào như đang mất cửa hàng lớn hay cửa hàng nhỏ. Mình cũng phải có sẵn một số kỹ năng kiến thức chuyên ngành để đọc hiểu biểu đồ mà không quá bỡ ngỡ. Khi đã chuẩn bị sẵn sàng, trong lúc những bạn khác chỉ nói được những facts mà mình có thể nói được insight, gom lại thành một câu chuyện hẳn hoi thì sẽ ấn tượng hơn trong mắt BGK.

Nói có chất lượng: Mình nghĩ hôm đó mình là một người nói ít nhưng đã nói được những gì cần nói. Với mình, vòng Assessment Center này cũng là mô phỏng một cuộc họp, một buổi làm việc trong công ty. Mình đặt mình vào tâm lý một người đi làm, tự hỏi BGK có muốn chọn những người aggressive – hiếu thắng và chỉ chăm chăm chỉ đạo trong cuộc họp không. Vì vậy, mình vừa nói có chất lượng, vừa nghe chủ động, đưa ra quan điểm của mình và đóng góp thêm cho ý kiến của người khác.

Tố chất và thần thái: Mình nghĩ là chương trình Management Trainee sẽ không chỉ tuyển người giỏi, người có chuyên môn mà đào tạo Management Trainee là tuyển Future Leaders nên công ty cần những bạn có tố chất của một người leader. Nhiều bạn giỏi nhưng 1 số bạn sẽ toát lên được thần thái Leader. Ví dụ có những khoảnh khắc nhỏ như khi mọi người trình bày và thảo luận lan man, mình biết kéo team về lại vấn đề chính, hoặc cách mình trình bày diễn giải thêm khía cạnh khác vấn đề tự tin thuyết phục, hoặc phong thái khi thuyết trình, có khả năng đứng trước lượng lớn khán giả và truyền cảm hứng được cho những người khác. Đã đến được vòng này thì mình nghĩ khả năng của mọi người đều ngang nhau nên thần thái càng quan trọng.

Sau khi kết thúc vòng 2, nhóm được đưa vào phòng ăn trưa. Lúc đó có 2 người bước ra khỏi phòng, mình chuẩn bị tâm lý sẵn là mình rớt, Nhưng không ngờ các anh chị quay lại chúc mừng mình vì đậu vào vòng Final Interview – đúng nghĩa là “expect the unexpected”.

Trải nghiệm thi vòng Final Interview của FrieslandCampina Việt Nam – FCV Management Trainee

Sau khi kết thúc Business Challenge, chiều hôm đó là vòng Final interview gồm 1 panel các anh chị Director phỏng vấn ứng viên.

Có một kỉ niệm vui là do cũng khá bất ngờ với kết quả và có chút hồi hộp, câu đầu tiên của mình tạo được ấn tượng với BGK nhưng theo chiều bối rối :D. Lẽ ra phải giới thiệu bản thân và nói lên mong muốn gia nhập FCV nhưng mình lại “nhầm nhọt” sang là muốn ứng tuyển vào Samsung – công ty trước đây của mình, thiếu điều muốn hát bài “Quê hương là chùm nhãn nhục” vì quá xấu hổ. Nhưng cũng may là không khí thoải mái nên mọi người cũng vui vẻ.

Câu hỏi mà mình nhớ nhất là: “Định hướng nghề nghiệp sau này của em là gì”. Mình trả lời là mình thích làm Marketing và muốn trở thành 1 Brand Manager. Khi được hỏi sâu hơn về những tố chất cần có của một Brand Manager, mình nêu bật thế mạnh của mình về data, phân tích số liệu và dựa vào đó để hiểu người tiêu dùng, hiểu business để đưa ra recommendations giúp business có thể phát triển. Chị Director cũng diễn giải thêm cho mình là Marketing không chỉ là về data mà còn liên quan đến innovation (phát triển sản phẩm, dự án mới), brand management (quản lý nhãn hàng) nên các chị kỳ vọng mình cũng sẽ có Innovative Mindset (tâm thế sáng tạo). Thật ra mà nói, đây không phải là những điểm mình có thế mạnh nên mình cũng ghi nhận là sẽ tập trung để hoàn thiện hơn.

BGK cũng đặt câu hỏi là nếu không được chọn cho Marketing thì mình có sẵn sàng chuyển sang Sales không. Nhưng mình nghĩ “phóng lao theo lao”, mình thích Marketing nên thắng thắn về lựa chọn duy nhất này của mình. Và thật may mắn là mình được offer vào Marketing của Sữa Bột sau khi kết thúc.

Luyện tập thế nào khi ứng tuyển trái ngành?

Dưới đây là 3 nguồn chính của mình:

  • 20%: học qua sách vở. Tuy học trái ngành nhưng mình cũng được tiếp xúc Marketing qua 1 số môn học trong trường như International Marketing, Marketing Principle nên cũng lồng ghép được kiến thức marketing cơ bản khi thi. Nhưng việc học ở trường, học qua sách vở chỉ giúp mình biết về khái niệm mà thiếu những kiến thức chi tiết cụ thể về Business cũng như Marketing có vai trò thế nào với Business nên mình học thêm 2 nguồn khác như bên dưới.
  • 20%: đọc thêm những Data Analysis qua các trang web khác nhau, học cách đọc biểu đồ của Nielsen, học từ các bài báo, bài viết liên quan
  • 40%: học từ các cuộc thi như Doanh Nhân Tập Sự – xem video các bạn khi thi và chủ động tự ứng tuyển thực tế.

Xuyên suốt các vòng thi, với mình mindset – sự chủ động chính là điều quan trọng nhất, là “điều kiện cần”. Nhiều bạn thường hỏi mình kinh nghiệm cực chi tiết như là đọc article/ bài báo nào, ở đâu, v.v… nhưng thực ra bạn có thể học qua nhiều cách khác nhau mà không phải rập khuôn theo bất cứ ai. Mindset muốn thi, sự chủ động, kiên định mới giúp mình tìm ra hướng đi và gặt hái được một số thành tích nhất định.

Vì vậy, mình muốn nhắn gửi là: trước khi thi Manaagement Trainee – hãy đặt mindset là mình muốn thi thật tốt và làm mọi thứ để đạt được kết quả đó chứ không phải là tìm 1 nơi để chơi – đậu thì tốt, không đậu thì thôi. Có mindset rõ ràng thì mình sẽ phân tích và lập ra kế hoạch thực hiện từng bước và không dễ dàng từ bỏ.

Phần chia sẻ trên cũng đã khép lại bài viết của mình, mong là có thể giúp các bạn một phần để chuẩn bị cho những kì tuyển dụng sắp tới nhé. Hẹn gặp bạn tại FrieslandCampina Việt Nam nha!

Đỉnh Khang.

Bài viết tổng hợp trọn bộ kinh nghiệm thi Management Trainee (Quản trị viên tập sự): Kinh nghiệm thi Management Trainee – Trọn bộ hơn 150 bài viết chi tiết

Cập nhật thông tin về công việc đầu đời tại

Disclaimer: Article includes photos created by Freepik.com

Lưu ý: Tất cả các bài viết thuộc bản quyền của Chương Khởi Điểm, hoặc đã được Chương Khởi Điểm xin phép tác giả. Vui lòng không đăng tải lại hoặc sao chép dưới bất kỳ mọi hình thức trước khi được sự đồng ý của Chương Khởi Điểm.

 

- Advertisement -

FACEBOOK COMMENTS

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here