Trải nghiệm thi Vinamilk Management Trainee từ chị Anh Phương

0
2450

16. chuong khoi diem next management trainee kinh nghiem thi Vinamilk Management Trainee Anh Phuong

Bạn nào chưa biết Management Trainee là gì thì xem lại trọn bộ chia sẻ kinh nghiệm thi tất cả các vòng từ các Management Trainee/Fresher/Intern ở đây nhé: Kinh nghiệm thi Management Trainee – Trọn bộ hơn 150 bài viết chi tiết và đừng quên tham gia group Next Management Trainee: fb.com/groups/thenextmt để nhận được cập nhật những bài chia sẻ kinh nghiệm thi tuyển sớm nhất nha!

—————————


Chào các bạn, mình là Nguyễn Lê Anh Phương, nhận được lời mời từ chị Thư, mình rất vui khi có thể chia sẻ những trải nghiệm của mình khi thi chương trình Vinamilk Management Trainee, mong rằng chia sẻ này sẽ giúp các bạn có thêm thông tin tham khảo khi ứng tuyển các chương trình tuyển dụng, đặc biệt là các chương trình Management Trainee của các công ty lớn, tập đoàn đa quốc gia. Mình cũng rất sẵn lòng kết nối chia sẻ với những bạn đang mong muốn tìm hiểu nhiều hơn, qua Facebook: https://www.facebook.com/anhphuong.nguyenle0104. Khi inbox bạn nhớ nhắn vài lời để mình làm quen mà không bỡ ngỡ nha!

Disclaimer trước khi bạn đọc bài này

Mình không trải qua quá nhiều chương trình Management Trainee của nhiều công ty và cũng chưa từng đi thực tập. Vinamilk là công ty đầu tiên mình làm việc chính thức sau khi ra trường nên có thể góc nhìn của mình bị giới hạn ở một khía cạnh nào đó, hoặc chỉ phù hợp với bản thân mình chứ không phải cho tất cả mọi người. Vì vậy, các bạn hãy xem đây là một bài viết để tham khảo, nếu thấy những chia sẻ này phù hợp với bạn, bạn có thể cân nhắc áp dụng, còn nếu không hãy xem đây là một góc nhìn khác mà bạn vô tình biết được nhé :).

Sơ lược về mình

Mình đã làm những gì trước khi tham gia Vinamilk Management Trainee?

Mình tốt nghiệp trường Asian University for Women (AUW) tại Bangladesh, chuyên ngành Kinh Tế Học và chuyên ngành phụ là Tài Chính. Trong 4 năm sinh viên mình cũng tham gia một số các hoạt động ngoại khóa, trong đó có 2 dự án tâm đắc giúp mình trưởng thành và học hỏi nhiều nhất:

  • Project Leader của Think On International Summer Camp 2018: Trại hè Quốc tế Think On (năm 2018) là dự án nhằm thúc đẩy giáo dục khai phóng (Liberal Art Education) và tư duy phản biện (Critical Thinking) cho học sinh Trung học Phổ thông tại khu vực Tây Nguyên thông qua môi trường trại hè quốc tế – với sự tham gia của các mentors đến từ nhiều quốc gia và mang đến các buổi workshop với nhiều lĩnh vực khác nhau như Kinh tế, Văn hóa, Công nghệ, Giáo dục, Vấn đề xã hội,…
  • Sáng lập AP Project – Always helps People, Always for People (1 phút PR bắt đầu ^^): là dự án phi lợi nhuận được thành lập với sứ mệnh: “Khai phá tiềm năng và phát triển năng lực giới trẻ Việt” đặc biệt tập trung vào các bạn trẻ từ 15 – 22 tuổi. Tất cả các hoạt động trong AP được xây dựng và phát triển nhằm giúp các bạn trẻ Việt “Phát triển bản thân” và “Học cách trở thành người tử tế”, thông qua 3 hướng phát triển chính: Phát triển tư duy (Growth Mindset); Phát triển kỹ năng mềm (Soft Skills); Biết xác định, thiết lập và thực hiện hóa mục tiêu bản thân (Goal Setting Skills). AP Project hiện đang phát triển 2 hoạt động chính: Be My Mentee Online Mentorship Program ( phạm vi toàn quốc) và Rocket Program (tại thành phố Hồ Chí Minh).
  • Bên cạnh đó mình cũng tham gia các hoạt động của các CLB trong trường và các chương trình, sự kiện, diễn đàn, hội nghị khác.

Thi Management Trainee có cần Tiếng Anh thật giỏi?

Chắc bạn nghĩ rằng để đạt được học bổng đi du học thì khởi điểm Tiếng Anh của người đó phải xuất sắc lắm đúng không? Ừm, điều này không những không sai mà còn hoàn toàn hợp lý.

Nhưng cuộc đời luôn có chữ “nhưng”, luôn có ngoại lệ và luôn có những trường hợp đặc biệt, nhờ đó cuộc sống mới trở nên thú vị hơn, không theo một quy chuẩn, khuôn mẫu nào cả, không có gì là không thể xảy ra, không có điều gì là tuyệt đối. Hãy để mình kể bạn nghe câu chuyện về trường hợp đặc biệt này. Có một cô bé, thời cấp 3 nếu nói môn Hóa là môn dở nhất thì Tiếng Anh là môn dở thứ 2 của cô bé ấy, bằng một sự nỗ lực và may mắn vi diệu nào đó, cô bé ấy đã nhận được học bổng toàn phần cho 4 năm du học. Không nhân vật nào khác trong bài viết từ nãy giờ, chính xác bạn đoán đúng rồi, cô bé ấy chính là mình ^^. Còn nhớ ngày đầu tiên hạ cánh tới sân bay Bangladesh, mình chỉ có một mong ước là muốn bản thân có thể nghe hiểu và giao tiếp tiếng anh thành thạo với mọi người xung quanh. Nghe có vẻ hơi mắc cười đối với một du học sinh, nhưng đó là sự thật về mình. Năm đầu tiên du học, Tiếng Anh thật sự là một rào cản để mình có thể thể hiện năng lực và phát triển tiềm năng của bản thân. Nhờ môi trường bắt buộc phải thường xuyên nghe giảng, đọc bài, viết luận, giao tiếp và sử dụng tiếng anh hằng ngày nên kỹ năng tiếng anh cùng vốn từ vựng của mình dần cải thiện và phát triển hơn.  Sau năm đầu tiên, mình mới thật sự nghe hiểu nhiều hơn, giao tiếp tốt hơn và tự tin hơn về Tiếng Anh của mình, đặc biệt là khả năng nghe hiểu được “accent” của nhiều bạn từ các đất nước, khu vực khác nhau chứ không chỉ là giọng Anh, giọng Mỹ. Cho tới thời điểm hiện tại, mình không nghĩ là mình rất giỏi Tiếng Anh đâu vì nếu có thể tùy chọn giữa Tiếng Anh và Tiếng Việt cho một hoạt động nào đó thì chắc chắn mình sẽ luôn ưu tiên chọn Tiếng Việt vì mình có thể thoải mái “bay nhảy” và vận dụng tối đa “sức mạnh ngôn từ” của Tiếng Việt tốt hơn so với Tiếng Anh. Mình cũng không nghĩ là mình muốn thay đổi điều này. Với mình Tiếng Anh chỉ là một ngôn ngữ để giao tiếp, nếu bạn không theo những ngành đặc thù phải sử dụng Tiếng Anh “chuẩn chỉnh” như Phiên dịch viên, MC, Biên tập viên, Giáo viên Tiếng Anh,… thì bạn chỉ cần từ vựng đủ để giúp bạn diễn tả suy nghĩ muốn nói, phát âm đủ rõ, người đối diện hiểu được điều bạn nói và không để Tiếng Anh trở thành rào cản giới hạn bạn trước những cơ hội, công việc, cuộc sống là được.

Bản thân mình nghĩ không nhất thiết phải có bằng cấp Tiếng Anh hay Tiếng Anh phải rất siêu thì mới thi Management Trainee được. Như mình có chia sẻ, điều quan trọng là các bạn có thể sử dụng, nghe hiểu, giao tiếp bằng Tiếng Anh là được. Bạn cũng có thể yên tâm rằng trình độ Tiếng Anh của bạn sẽ được kiểm tra xuyên suốt các vòng thi nên khi bạn có thể qua được các vòng và đậu Management Trainee thì khả năng Tiếng Anh của bạn đã phù hợp với yêu cầu của Nhà tuyển dụng rồi nhé. Khi thi Management Trainee, bạn cũng không cần áp lực bản thân bằng việc mình phải phát âm chuẩn như người nước ngoài. Ngôn ngữ là để giao tiếp, bạn sẽ không chỉ gặp người Anh, người Mỹ nói Tiếng Anh mà sẽ còn tiếp xúc với Tiếng Anh của nhiều vùng miền như Anh Úc, Anh Singapore, Anh Ấn Độ, v.v… Hiểu và diễn đạt được suy nghĩ trong đầu bạn đã là rất tốt rồi, bạn không cần giấy chứng nhận để làm việc chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, các bạn cũng đừng lo khi vào công ty sẽ không hiểu những thuật ngữ Tiếng Anh chuyên ngành, đặc biệt là với những bạn học trái ngành. Việc học ngôn ngữ là một quá trình, và khi bạn tiếp xúc nhiều, sử dụng nhiều thì tự nhiên sẽ trở nên quen thuộc và thành thạo hơn. Tương tự như vậy, trong quá trình làm việc, các bạn sẽ phải tiếp xúc nhiều, gặp nhiều thuật ngữ thì tự nhiên sẽ “lên trình” thôi, bạn sẽ dần quen và xây dựng được vốn từ vựng chuyên nghiệp cho mình.

Vì vậy, đừng vì rào cản Tiếng Anh mà giới hạn bản thân không thử sức và từ bỏ cơ hội, vì biết đâu Tiếng Anh hiện tại của bạn đã đáp ứng yêu cầu đầu vào của công ty rồi. Còn việc thành thạo hơn, sử dụng tốt hơn cho công việc thì mình tin trong quá trình làm việc bạn sẽ dần cải thiện hơn thôi và khi đó bạn cũng sẽ biết rõ hơn mình cần rèn luyện thêm ở những điểm nào. Ngôn ngữ cần một quá trình luyện tập và sử dụng, hãy cho bản thân thời gian nhé!

Quy trình tuyển dụng Vinamilk Management Trainee

Sau tốt nghiệp, bản thân mình cũng chưa biết mình nên làm ở phòng ban nào, mảng nào vì chưa có nhiều trải nghiệm thực tập hay đi làm thực tế. Cũng vì vậy mà mình muốn cho bản thân cơ hội để được trải nghiệm ở các phòng ban khác nhau từ đó tìm ra một mảng mà mình yêu thích và giỏi nhất để theo đuổi lâu dài. Đây cũng sẽ là cơ hội để mình có thể hiểu rõ hơn về trách nghiệm của từng bộ phận và cách vận hành của một business. Khi đó, chương trình Management Trainee là một lựa chọn phù hợp với định hướng này của mình. Đây là chương trình tập trung tìm kiếm kỹ năng Leadership ở ứng viên thay vì chuyên môn nên lại càng phù hợp hơn với xuất phát điểm của mình khi đó.  Ngoài ra, chương trình được thiết kế và đầu tư đặc biệt dành cho các bạn sinh viên mới ra trường (hoặc đi làm ít hơn 2 năm kinh nghiệm), với mình nó như một cuộc chơi lớn thú vị, thách thức hơn và giúp mình đi nhanh hơn.

Chương trình Vinamilk Management Trainee có một điểm khá khác so với các chương trình của các công ty FMCG, đó là hầu như các công ty FMCG đều tuyển Management Trainee mỗi năm, còn riêng Vinamilk chỉ tuyển một vài đợt khi có nhu cầu. Năm mình tham gia là mùa Management Trainee thứ 3.

Mỗi năm chương trình sẽ có những sự thay đổi dựa trên nhu cầu của công ty, những điểm cần khai phá, tìm hiểu từ các bạn ứng viên. Tuy nhiên, thường chương trình sẽ gồm 5-6 vòng, bao gồm:

  • Vòng 1 – Hồ sơ ứng tuyển – CV/vòng Application form
  • Vòng 2 – Kiểm tra tố chất lãnh đạo, tính sáng tạo, khả năng gây ảnh hưởng và thuyết phục
  • Vòng 3 – Test năng lực (Cognitive Ability and Behavioral Competency Assessments): Bài test bao gồm 4 phần (Logical, Numerical, Verbal and Competency) và kéo dài khoảng 90 phút. Khác với các công ty khác thực hiện bài test online tại nhà, Vinamilk tổ chức vòng test này trực tiếp tại văn phòng công ty ở quận 7 hoặc ở chi nhánh Hà Nội để đảm bảo tính trung thực.
  • Vòng 4 – Tình Huống Kinh Doanh – Case Study
  • Vòng 5 – Final Presentation & Interview – bao gồm 2 vòng nhỏ:
  • Bài test kiểm tra tính cách – Traits & Drivers Assessments
  • Final Presentation & Interview: từ bảng kết quả tính cách (Candidate Feedback Report) bạn sẽ thuyết trình giới thiệu về bản thân và tính cách của chính mình (dựa theo các câu hỏi yêu cầu) trong 20 phút. 40 phút tiếp theo cho phần trả lời câu hỏi và phỏng vấn từ các anh/chị HR và cấp quản lý.

Trải nghiệm thi vòng hồ sơ – Vòng CV/Application Form của Vinamilk Management Trainee

Nếu các bạn ứng tuyển công việc nào thì CV của bạn nên tập trung thể hiện những điểm mạnh, kinh nghiệm mà công ty và vị trí đó đang tìm kiếm. Riêng với chương trình Management Trainee, mình nhận thấy chương trình không đòi hỏi kỹ năng chuyên môn quá sâu mà thường quan trọng kỹ năng mềm và leadership nên mình sẽ tập trung nhấn mạnh:

  • Những hoạt động thể hiện Leadership như hoạt động ngoại khóa mình đã thực hiện Think On International Summer Camp 2018 và AP Project mà mình có giới thiệu ở trên. Trong đó mình nêu rõ mình lead team nào, bao nhiêu người, project quy mô ra sao, kết quả thế nào.
  • Những kỹ năng mềm mình đã học và phát triển khi thực hiện các dự án như khả năng teamwork, lên chiến lược, time management, v.v…

Phần “Interest” thay vì để những sở thích chung của nhiều người, mình để thêm một điểm khá thú vị và khác biệt của bản thân là “đam mê tốc độ” để mọi người có thể nhớ mình dễ hơn.

Với phần Technical Skill, ngoài những chương trình phổ thông như MS Office thì thời sinh viên mình có tự mày mò một số phần mềm để chỉnh sửa hình ảnh, video nên cũng thêm vào như một điểm thú vị.

Mình biết những bạn sinh viên Việt Nam tham gia rất nhiều hoạt động không chỉ các CLB trong trường mà còn rất nhiều các dự án cộng đồng khác bên ngoài, nhưng các bạn không nên viết quá nhiều và lan man. Thay vì liệt kê hết tất cả, bạn chỉ nên chọn lọc những project lớn và bạn có đóng góp đáng kể cho dự án. Còn với những chương trình, diễn đàn, hội thảo, cuộc thi mà bạn tham gia thì chỉ cần tập trung lại và ghi ngắn gọn ở mục “Other Activities, v.v…” để không bỏ sót nhưng vẫn thể hiện có chọn lọc.

Trải nghiệm vòng Kiểm tra tố chất lãnh đạo, tính sáng tạo, khả năng gây ảnh hưởng và thuyết phục của Vinamilk Management Trainee

Vòng này các bạn được lựa chọn dùng Tiếng Anh hoặc Tiếng Việt. Mình lựa chọn Tiếng Việt vì mình cảm thấy thoải mái hơn, làm nhanh hơn và vì thời điểm đó mình không có quá nhiều thời gian để chỉnh sửa.

Đề bài là kể/minh họa một tình huống (trong thời điểm hiện tại hoặc quá khứ) mà bạn là nhân vật chính và những suy nghĩ, phân tích và hành động của bạn tác động vào tình huống này, qua đó thể hiện được tố chất lãnh đạo, tính sáng tạo, khả năng gây ảnh hưởng và thuyết phục của bạn. Hình thức: tự do sáng tạo trên Word (tối đa 2 trang A4) hoặc Powerpoint, khuyến khích sử dụng hình ảnh, số liệu, biểu đồ… để minh họa và các hình thức sáng tạo khác. Bạn có thể chọn ngôn ngữ Tiếng Việt hoặc Tiếng Anh.

Trong quá trình còn là sinh viên, nhờ tham gia các dự án, hoạt động ngoại khóa nên mình cũng tích lũy được kha khá các câu chuyện, tình huống giúp mình phát triển và thể hiện được khả năng Leadership, giờ lấy nó ra làm “vốn liếng” cho vòng thi này.

Hãy dấn thân, khám phá thật nhiều khi còn đi học để  có cho mình thật nhiều trải nghiệm và những câu chuyện thú vị của riêng mình!

Không chỉ kể về trải nghiệm, mình cũng chia sẻ thêm về bài học mình rút ra được từ trải nghiệm này – mình tin đây là phần đắt giá nhất và cũng là cái mà người ta quan tầm và muốn biết nhất. Tiện tay mình cũng “bóc vỏ” bật mí với các bạn về 4 bài học mà mình đã rút ra và thể hiện trong bài viết dự thi lần đó:

  • Khó khăn, thách thức là điều không thể tránh khỏi, hãy luôn sẵn sàng để đối diện với nó. Đừng nên suy nghĩ quá tiêu cực, hoặc quá tích cực, hãy suy nghĩ đúng thực tế cộng với sự lạc quan, tìm giải pháp cho vấn đề, không gì là không thể vượt qua.
  • HÃY ĐI ĐẾN CÙNG. Nó giống như quá trình đào kim cương vậy, dù ta có cố gắng thế nào trong hành trình này, nhưng dừng lại ở giữa đường, thì tất cả chỉ là con số 0 mà thôi. Món quà chỉ có ở phía cuối con đường và nó dành cho người có đủ sức bền, khả năng để vượt qua tất cả thử thách. Và mình cũng rất thấm một điều, đôi khi, lúc chúng ta gặp phải khó khăn lớn nhất cũng chính là lúc ta chỉ còn cách thành công lớn nhất chỉ 1 bước chân mà thôi, nhưng nó thường là lúc mà đa số mọi người dễ dàng chọn cách từ bỏ nhất. Đó cũng chính là lý do tại sao trên thế giới, số người thành công chỉ chiếm dưới 5% tổng dân số.
  • Sức mạnh của sự đoàn kết và truyền động lực là hai nhân tố vô cùng quan trọng và nó sẽ tạo ra hiệu suất kinh khủng và những thành quả không tưởng.
  • Nếu bạn là leader, bạn có thể không giỏi nhiều thứ, nhưng nhất định phải bình tĩnh hơn người khác, cứng (tough) hơn các thành viên khác vì bạn chính là niềm tin, là chỗ dựa cho những thành viên còn lại. Nếu bạn lung lay và gục ngã, các thành viên sẽ từ từ rời bỏ và mọi thứ cũng sẽ từ từ mà ngã theo bạn. Bạn phải nhìn rõ cục diện, có khả năng ứng phó với những tình huống, câu hỏi bất ngờ và phải giỏi solving problem skills.

Có một trải nghiệm vui là khi mình làm bài luận này, mình cũng gần như có sẵn nội dung vì khi mình hoàn thành dự án, trước khi chuyển lại cho team leader mới, mình đã viết thư dành cho bạn và đây cũng là một trích đoạn trong lá thư đó.

Trải nghiệm chính là sự chuẩn bị tốt nhất. Bạn cũng không cần đặt nặng việc thi Management Trainee cần gì, mà hãy nghĩ rằng bản thân bạn luôn cần phát triển, đi lên mỗi ngày, và cũng chỉ có trải nghiệm mới giúp bạn biết được bạn thật sự mạnh chỗ nào, yếu ở đâu, yêu thích điều gì và cần học hỏi thêm gì. Trải nghiệm thật nhiều sẽ cho bạn nhiều thứ, đặc biệt là vùng nguyên liệu 1001 câu chuyện của riêng mình.

Ngoài ra, có một chia sẻ rất hay từ các anh chị Management Trainee đi trước, mình cũng rất đồng quan điểm với chia sẻ này nên mình xin phép trích lại ở đây để các bạn có thể tham khảo nhé:
“Vòng thi này các bạn không phải quá “cứng nhắc” rằng leadership là phải từng làm leader cho một group/club/organization… nào đó. Leadership đôi khi chỉ đơn giản là khả năng giải quyết một vấn đề, tình huống rất nhỏ trong cuộc sống, bằng cách involve và connect mọi người và không nhất thiết phải có chức danh cho cá nhân thực hiện điều đó. Quan trọng là thể hiện bạn đã làm được điều gì (What) và như thế nào (How)”.

Trải nghiệm thi Vòng 3 Test năng lực – Cognitive Ability and Behavioral Competency Assessments của Vinamilk Management Trainee

Với mình đây là vòng khó khăn nhất. Kinh nghiệm của mình là hãy luyện tập thật nhiều để làm quen với dạng câu hỏi và áp lực thời gian. Có một số nguồn sau bạn có thể tham khảo để luyện tập:

  • Tham gia các chương trình tương tự có vòng thi Test để thực hành và xem mức độ khó của các dạng đề thi. Có đề thi rất căng thẳng, mình chỉ kịp hiểu câu hỏi và tính ra kết quả, chưa kịp nhìn và chọn đáp án thì đã hết thời gian.
  • Những bài Test này mình thấy dạng câu hỏi khá giống đề thi cho chứng chỉ GMAT, GRE nên mọi người có thể tham khảo thêm.
  • Ngoài ra có nhiều website cung cấp các bài test dạng này các bạn có thể tìm kiếm thêm, một số là miễn phí tuy nhiên một số bài có thể mất phí.

Trải nghiệm thi vòng Case Study của Vinamilk Management Trainee

Vòng thi này kéo dài khoảng 1,5 tiếng và chia làm 2 phần.

  • Phần 1: bạn sẽ được phát 1 đề bài và có 20 phút để tự trả lời các câu hỏi trên đề bài đó. 20 phút sau: bạn sẽ tham gia thảo luận nhóm với các ứng viên khác khoảng 5-6 người (gồm nhiều ứng viên cho vị trí ở các phòng ban khác nhau để mọi người có góc nhìn tổng thể, đa chiều khi tiếp cận và giải đề). Hội đồng đánh giá ngồi xung quanh và đi vòng quanh để quan sát đánh giá.
  • Phần 2: 40 phút trình bày câu trả lời của nhóm và trả lời các câu hỏi từ Hội đồng đánh giá.

Đề Case Study đưa ra tình huống giả định của công ty khi doanh số sụt giảm – bạn nghĩ lý do xuất phát từ đâu và đưa ra đề xuất gì. Song song, đề cũng cung cấp các số liệu tham khảo khác như doanh thu các sản phẩm qua các năm, tăng trưởng, v.v…

Với mình thì đây là một đề bài rất hay khi không đưa ra quá nhiều thông tin hay dấu hiệu nhận biết vấn đề công ty đang gặp phải là gì. Cách ra đề này sẽ giúp công ty đánh giá được tầm nhìn của các ứng viên, xem các ững viên có thể nhìn thấy gì, nghĩ được tới đâu, những nguyên nhân nào dẫn đến doanh thu giảm. Team mình cố gắng đưa ra hết tất cả những vấn đề có thể xảy ra từ góc nhìn của các phòng ban khác nhau.

Trước khi tham gia vòng case study, bạn nên chuẩn bị tìm hiểu thêm những điểm sau:

  • Mission, vision cũng như chiến lược sắp tới của công ty là gì: sự chuẩn bị này sẽ giúp bạn tự tin hơn về hiểu biết của mình đối với công ty, và hơn hết sẽ giúp bạn đưa ra được suggestion phù hợp với định hướng của công ty, tăng tính khả thi cho ý tưởng.
  • Những gì công ty đang tìm kiếm ở ứng viên: giúp bạn cư xử phù hợp xuyên suốt quá trình tham gia. Sự thật là, nếu bạn đã vào được đến vòng case study thì thật sự bạn đã là một ứng viên xuất sắc. Mình tin rằng việc bạn có thể bước tiếp sau vòng này hay không, không nằm ở yếu tố bạn có giỏi hơn so với các ứng viên còn lại, mà yếu tố quyết định chính là bạn có phù hợp với công ty hay không. Một số công ty cần những bạn có cá tính mạnh và aggressive (hiếu thắng), bên cạnh đó cũng có những công ty đánh giá cao những ứng viên có tính điềm đạm, biết lắng nghe, tổng hợp ý kiến và hỗ trợ đồng đội hơn. Nên việc quan trọng hơn hết, hãy hiểu rõ bản thân bạn sẽ thích và phù hợp môi trường, văn hóa công ty như thế nào, và tìm hiểu xem công ty bạn đang ứng tuyển đang tìm kiếm những nhân tố có tính cách như thế nào, và liệu đó có phải là bạn hay không?

Trải nghiệm tranh luận thực tế

Trong phần thảo luận nhóm, thời gian khá ngắn, group lại đông người và nhiều anh chị quan sát đánh giá nên tâm lý chung mọi người luôn muốn mình có cơ hội được thể hiện ý kiến và để lại ấn tượng, cũng vì vậy mà mọi người sẽ có phần tranh nhau thể hiện quan điểm. Team phải giải quyết 3 câu hỏi, tuy nhiên vì thời gian quá ngắn và có quá nhiều ý kiến nên đến khi thời gian gần hết team mình vẫn còn chưa giải quyết trọn vẹn các câu hỏi trong đề. Vấn đề này cũng xuất phát từ việc nhóm thiếu time-keeper và leader – và thật chất thì cũng rất khó để cả nhóm có thể chọn ra một leader trong một cuộc thi tìm kiếm leader tương lại như MT vì bản thân mỗi người đều hướng đến mục tiêu trở thành “future leader” cơ mà :D.

Kinh nghiệm mình muốn chia sẻ lại với các bạn khi tham gia vòng thảo luận nhóm này chính là ngoài việc chủ động tìm lấy cơ hội thể hiện ý kiến thì hãy chủ động trở thành time-keeper của team để lead nhóm đi đúng hướng và hoàn thành nhiệm vụ. Nhắc các bạn trong team về thời gian còn lại, các câu hỏi cuối cần giải quyết, bên cạnh đó đóng vai trò lắng nghe và tổng hợp ý kiến của cả team, đây sẽ là điểm cộng lớn giúp bạn có kết quả tốt hơn thay vì tham gia vào cuộc tranh dành “đất diễn”.

Mặc dù Vinamilk không đánh giá cao những bạn quá hiếu thắng (aggressive), nhưng không có nghĩa là bạn ngồi im, bạn vẫn cần tự tìm cơ hội để tỏa sáng vì sẽ không ai biết bạn giỏi nếu bạn không lên tiếng. Cũng giống như một chiếc đàn tốt, sẽ không ai biết nó tốt cho đến khi nó phát ra những âm thanh tuyệt vời.

Trong vòng thảo luận nhóm mọi người tranh luận khá nhiều kiến thức về business và đa số các bạn đều có business mindset từ kinh nghiệm thực tập và đi làm. Riêng cá nhân mình học chuyên về Economics (Kinh Tế Học) và cũng chưa từng có kinh nghiệm thực tập thời sinh viên nên mình khá bị “ngộp” trong 20 phút thảo luận này :D. Nhưng may mắn thay, “thiên thời – địa lợi – nhân hòa” mình may mắn vô tình tạo được cơ hội tỏa sáng cho bản thân để được bước tiếp. Còn câu chuyện mình đã vô tình tạo ra cơ hội đó như thế nào thì mình xin giữ bí mật và sẽ chia sẻ riêng với những bạn nào đang chuẩn bị bước vào vòng thi này hoặc đang thực sự quan tâm nhé ^^.

Thêm một chia sẻ khác cho các bạn ở vòng thi này đó là không nên khẳng định một vấn đề, giả thuyết khi bạn chưa có đầy đủ thông tin và chắc chắn về nó. Hãy khiêm tốn, cởi mở và sẵn sàng đón nhận những chia sẻ, góc nhìn khác từ các anh chị trong Hội đồng đánh giá. Luôn nhìn nhận được rằng nếu bạn không có đủ thông tin, hiểu biết về công ty thì chưa chắc những đánh giá, nhận xét của bạn về công ty đã đúng. Thực tế, có những insight bạn không biết được, có những phương pháp mình nghĩ là tốt nhưng có thể công ty cũng nghĩ được – nếu công ty chưa thực hiện có thể có lí do đằng sau. Vì vậy, khi đề nghị ý tưởng, mình có thể hỏi thêm chia sẻ từ các anh chị như là “Em tò mò muốn biết vì sao mình không triển khai phương án này vì em tin các anh chị đều có thể nghĩ đến và biết tới phương án đó”. Đây cũng có thể là một câu hỏi thông minh sau khi bạn đưa ra đề xuất.

Tóm tắt lại, những điểm mình nghĩ sẽ giúp bạn rất nhiều khi thi vòng này là:

  • Tìm hiểu về mission, vision và chiến lược sắp tới của công ty để thật sự hiểu biết về công ty và tự tin hơn nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng của mình.
  • Nếu có thể hãy tạo cơ hội để bản thân được thể hiện ý kiến, suy nghĩ, những điều bạn ấp ủ hay thậm chí là những điều bạn thật sự tò mò, thắc mắc về công ty nhé vì biết đâu nó lại là cơ hội tỏa sáng mà bạn không ngờ tới.
  • Nên bổ sung thêm những góc nhìn, ý kiến, quan điểm từ góc nhìn của phòng ban bạn ứng tuyển khi đưa ra các đề xuất, chia sẻ .
  • Hãy khiêm tốn, đừng quá khẳng định về tất cả mọi thứ nếu bạn không thực sự có đủ thông tin chính xác về nó.

Trải nghiệm thi vòng Final Presentation & Interview của Vinamilk Management Trainee

Bài kiểm tra tính cách

Mình được làm bài test tính cách (Traits & Drivers Assessments)  từ công ty và nhận kết quả, sau đó dựa vào kết quả này để thực hiện bài thuyết trình giới thiệu về bản thân và tính cách (nội dung bài thuyết trình cần trả lời được các câu hỏi yêu cầu).

Bài test sẽ đưa ra kết quả đánh giá về mức độ điểm mạnh, yếu của bạn đối với từng kỹ năng theo bộ kỹ năng mà công ty chọn ra để đánh giá ứng viên. Một điều lưu ý là các bạn nên thật thoải mái để trả lời đúng với cá tính của mình. Khi nhận kết quả báo cáo, các bạn cũng hãy thật cởi mở và khách quan vì đôi lúc kết quả có thể chưa chính xác do câu hỏi chưa đủ sâu sắc để hiểu hết về bạn. Bạn không nên lệ thuộc hoàn toàn vào kết quả bài test mà nên reflect – nhìn nhận lại bản thân và đánh giá độ chính xác của kết quả test.

Một vài điểm mình rút ra được ở vòng thi này

  • Phản biện lại những thông tin mà bài test đưa ra chưa chính xác về bạn.

Ví dụ có 1 điểm bài test chưa hiểu hết về mình. Ở phần đánh giá độ hợp tác với mọi người, kết quả test của mình là mức độ 2/5 và dễ làm các anh chị hiểu nhầm khả năng teamwork của mình không tốt. Khi trình bày, mình giải thích lí do có thể bài test chưa đánh giá đúng vì mình là người có 2 cách sống khác biệt và rạch ròi: ở cuộc sống cá nhân, mình là người kín tiếng (ít dùng và tương tác trên Facebook, ít chia sẻ về chuyện cá nhân, nhìn qua sẽ thấy thấy trầm lặng khó gần), nhưng trong công việc mình lại rất thoải mái, dễ gần, dễ trao đổi nói chuyện, sẵn sàng hợp tác hỗ trợ đồng đội.

Mình đưa ra đánh giá của mình với kết quả và chứng minh cho lập luận của mình với ví dụ cụ thể.

  • Hãy làm bài thuyết trình của bạn thật sự ngắn gọn và ưu tiên thời gian chia sẻ về những điểm khác biệt

Có thể bạn sẽ muốn đưa hết tất cả những điều mình muốn nói để chia sẻ trong bài thuyết trình, nên làm nội dung bài thuyết trình bị dài.  Ví dụ bài test đánh giá 10 tính cách thì bạn nói hết cả 10, trong khi có tới vài chục bạn thuyết trình thì BGK sẽ rất dễ bị nhàm chán.  Vì vậy, nên tránh nói lại những thông tin tương tự người khác hay những điểm mà CV bạn đã nêu rõ, thay vào đó dành thời gian tập trung cho những chia sẻ đặc biệt và unique từ bạn như cá tính rất riêng của bạn, quan điểm, trải nghiệm cá nhân, v.v…

Vòng thuyết trình và interview

Sau vòng thuyết trình là vòng Q&A với BGK trong 40 phút – nội dung tập trung đa số để tìm hiểu nhiều hơn về tính cách, định hướng nghề nghiệp cũng như sự phù hợp với công ty của bạn. Interviwers gồm có các anh chị phòng Nhân sự, Sếp trực tiếp tại Home function – cũng sẽ là coach của bạn trong 18 tháng lộ trình Management Trainee, Giám đốc phòng, và Giám đốc điều hành Khối.

Thường mọi người có xu hướng sẽ xem vòng interview là một cuộc thi và tâm lý khi đi phỏng vấn nói chung cũng như thi Management Trainee nói riêng thường sẽ là “phải đậu” hay “cố gắng để được chọn”. Với mình, đừng nên xem buổi phỏng vấn là 1 cuộc thi và mình cần phải đậu –  vì đôi khi đậu chưa chắc là điều bạn  thật sự cần. Hãy xem đây là cuộc nói chuyên trao đổi với Interviewer để công ty hiểu bạn có phù hợp hay không và cũng là cơ hội để xem bạn có thực sự thích công việc, môi trường ở đây hay không và đặc biệt đây có phải là người sếp trực tiếp bạn muốn được đồng hành và học hỏi trong hành tình sắp tới hay không. Nếu cả hai phù hợp thì sẽ có thể đi xa cùng nhau, còn nếu đã không phù hợp nhưng bạn vẫn cố gắng xây dựng hình ảnh “phù hợp với công ty” trong mắt nhà tuyển dụng, cho dù bạn thành công và có được chọn thì hành trình sau đó bạn sẽ phải tiếp tục gồng mình để giữ đúng “hình tượng phù hợp bạn đã xây dựng” – đối với mình đó sẽ là một hành trình thật sự rất mệt mỏi. Lúc đó đi làm sẽ không thực sự vui vẻ, khó tiến nhanh và xa hơn. Vì vậy, đừng cố để trở thành một người không phải là bạn, hãy tiết kiệm thời gian cho cả đôi bên.

Thay vì chỉ để công ty tìm hiểu bạn và chỉ đóng vai trò là người trả lời những câu hỏi của Interviewer thì đừng quên rằng đây cũng là cơ hội để bạn tìm hiểu về công ty về sếp trực tiếp của mình. Bạn có thể đặt câu hỏi cho các anh chị để tìm hiểu xem môi trường công ty có phải là điều bản thân tìm kiếm, và sếp trực tiếp có phải là người bạn muốn được đồng hành học hỏi hay không. Bạn có thể chuẩn bị sẵn những điểm bạn muốn tìm kiếm ở công ty, ở sếp trực tiếp để đặt câu hỏi ngược lại trong quá trình phỏng vấn.

Với mình thì công việc đầu đời cần được lựa chọn kỹ càng vì người sếp sẽ ảnh hưởng đến mindset của bạn sau này. Mới tốt nghiệp, mình như là một trang giấy trắng dễ bị ảnh hưởng, nếu đi với người sếp có tư duy không phù hợp sẽ dễ hình thành những quan điểm sai lệch sau này. Mình muốn chọn được một nơi làm việc phù hợp, một người sếp mình muốn được học hỏi từ họ để bản thân có thể phát triển tốt hơn trong tương lai. Mình đặt câu hỏi tìm hiểu về định hướng của công ty, cơ hội phát triển để chắc chắn tìm được “vùng đất” phù hợp để “dụng võ”.

Mình không đặt áp lực trong vòng interview mà chọn tâm lý thoải mái thể hiện đúng con người mình (be yourself) vì thay vì cố gắng trở thành ứng viên phù hợp với công ty để được chọn, mình lại muốn tìm một nơi họ thật sự chấp nhận mình. Cũng nhờ cho bản thân nhiều trải nghiệm thời sinh viên nên mình mới hiểu rõ chính mình như vậy: điểm mạnh, điểm yếu của bản thân cũng như những gì mình muốn trong công việc. Nhờ đó mà sau này khi đi làm thực tế, sếp không bị bất ngờ về tính cách, cá tính hay những điểm yếu của mình và chọn cách hướng dẫn để mình tốt hơn . Bản thân mình cũng không phải thay đổi bản thân quá nhiều vì một khi chọn mình, sếp và công ty đã quyết định chấp nhận mình.

Lời nhắn gửi cho những bạn ứng tuyển Management Trainee

1. Đừng cố gắng trở thành hình tượng công ty đang tìm kiếm nếu đó thật sự không phải là bạn. Hãy là chính mình một cách khôn ngoan trong tất cả các vòng thi.

2. Hãy rèn luyện sự bền bỉ và kiên trì

Có một câu mình rất thích, trải nghiệm từ thời sinh viên cho tới hiện tại thì đối với mình câu này chưa từng sai: “Thế giới này không thiếu người giỏi, cũng không thiếu người biết cố gắng, chỉ thiếu người có thể đi đến cuối cùng.” Mình gặp rất nhiều bạn trẻ xuất sắc và cũng rất nỗ lực, thật sự cái này cũng không quá khó để tìm kiếm, nhưng để tìm được người bền bỉ, kiên trì, có thể vượt qua được những thử thách khó khắn nhất để đi đến cuối cùng thì thật sự không nhiều. Có lẽ cũng vì vậy mà “món quà lớn” thường không dành cho người giỏi nhất hay người cố gắng nhất mà sẽ được trao cho người kiên trì nhất, người có thể đi đến cuối cùng.

3. Hãy chuẩn bị tinh thần khi bạn trở thành Management Trainee.

Khi bạn đậu Management Trainee mới chính là lúc cuộc chơi thật sự bắt đầu, đậu là một thành tựu nhưng đừng ngủ quên trên chiến thắng vì có thể bạn sẽ gặp hai thứ:

  • Cuộc chơi quá sức, nhiều kỳ vọng từ phía công ty, từ sếp, vượt quá khả năng, kiến thức của bạn: Khi bạn nhận được mức lương cao hơn, đãi ngộ đặc biệt so với mức thị trường của một sinh viên mới ra trường thì đây là cái giá bạn phải trả. Nếu bạn đi nhanh, áp lực nhiều thì sẽ học hỏi nhanh, phát triển nhanh. Cũng như đi học, người ta mất 12 năm để tốt nghiệp phổ thông, nếu bạn muốn nhanh hơn, tốt nghiệp trong 6 năm thì phải học dồn, học vượt. Mình tin rằng, cái gì cũng có giá xứng đáng của nó. Vì vậy, hãy hỏi chính mình bạn có thật sự sẵn sàng để trả cái giá này không. Nếu bạn đã sẵn sàng thì cứ tiến về phía trước, hành trình thú vị phía trước đang chờ bạn khám phá; còn nếu bạn chưa thật sự sẵn sàng thì cứ chậm lại một nhịp vì nếu chưa thật sự sẵn sàng thì bạn cũng không đi xa được mà lại mất thời gian chính mình và cả công ty.
  • Ảo tưởng quá nhiều khi tham gia Management Trainee: Các bạn có thể nghĩ Management Trainee chỉ làm những project lớn và mang tính chiến lược, nhưng hãy luôn chuẩn bị tinh thần bạn là người mới, chưa biết gì về công ty, phòng ban, cách vận hành. Vì vậy hãy khiêm tốn, sẵn sàng làm cả những việc nhỏ nhất, những quy trình phức tạp mà bạn không nghĩ sẽ làm ở vai trò này. Điều này giúp bạn hiểu để thực hiện một công việc nào đó phía sau nó là những quy trình, là bao nhiều công việc nhỏ lẻ khác phải thực hiện v.v… Đây là bước đệm để bạn có nền tảng vững chắc, và là một bài học, một trải nghiệm mà bạn cần trải qua trước khi trở thành một nhà lãnh đạo thực sự (hiểu về công việc, có được sự thông cảm, thấu hiểu đối với nhân viên, có thể đặt bản thân ở góc độ của nhân viên để hiểu những khó khắn trong công việc của họ,…). Nếu đôi lúc bạn không đủ kiên nhẫn làm những công việc nhỏ thì hãy nhớ là “hành trình vạn dặm bắt đầu từ bước chân đầu tiên.”

4. Chủ động một khi đã trở thành Management Trainee

Sẽ cần rất nhiều yếu tố để trở thành một Management Trainee thành công nhưng chủ động luôn là điều cần thiết nhất. Khi bạn luân chuyển sang những phòng ban khác ngoài Home Function (phòng ban chính) trong thời gian ngắn, mọi người khó có thể dồn tâm sức cho bạn nếu bạn không chủ động. Biết rõ mục tiêu muốn học, mục tiêu luân chuyển qua mỗi phòng ban và chủ động sẽ giúp bạn học hỏi được nhiều và vui vẻ hơn. Còn nếu bạn chỉ ngồi chờ mọi người chỉ, giao việc thì rất khó để học hỏi được nhiều. Đôi khi bạn phải tự tạo cơ hội và đề xuất nhiệm vụ cho chính mình.

Ví dụ sau 6 tháng ở Home Function thì mình luân chuyển sang ban Đối ngoại – thời gian 1.5 tháng. Bản chất ban Đối ngoại đòi hỏi phải có network, kỹ năng làm việc với các sở ban ngành và cần thời gian lâu nên một bạn mới như mình thì khó đảm nhiệm những trọng trách lớn mà sẽ bắt đầu với những công việc hỗ trợ. Hơn nữa, mình chỉ luân chuyển thời gian ngắn nên các anh chị sẽ thường mang tâm lý mình vừa kịp hiểu quy trình là đã đi nên cũng ít hướng dẫn, giao nhiệm vụ. Vì vậy, mình dành ra 2 tuần để hiểu câu trúc, tính chất công việc, sau đó book buổi chia sẻ 1 -1 với manager, nội dung:

  • Chia sẻ về cấu trúc, công việc chính của phòng ban: để xem mình hiểu đúng hay có thiếu sót gì không, khi đó manager của mình sẽ chia sẻ thêm để mình có cái nhìn toàn diện, đẩy đủ hơn.
  • Từ đó, mình đề xuất những công việc bản thân có thể làm và muốn đóng góp cho phòng ban. Mình không giới hạn bản thân trong kế hoạch ban đầu vì đôi khi không đúng với tình hình thực tế, không thực hiện được, hoặc ít cơ hội cho mình học hỏi.

Sau buổi chia sẻ, mình chốt được lộ trình cho 1 tháng còn lại, mọi người thấy được tinh thần học hỏi nên cũng sẵn sàng hướng dẫn những công việc mới cho mình và để mình phụ trách nhiều công việc hơn vì thấy mình sẵn sàng. Đó là lí do mình rất hài lòng về 1.5 tháng luân chuyển: hiểu phòng ban, làm tốt nhất có thể, song song nhận lại đánh giá tốt từ sếp. Đôi khi thái độ cũng góp phần lớn trong kết quả công việc.

5. Management Trainee không phải là con đường duy nhất và tốt nhất với tất cả mọi người.

Dù đãi ngộ tốt nhưng không phải ai cũng sẵn sàng và phù hợp với lộ trình này nên sẽ có khá nhiều bạn quyết định rời đi sau vài tháng vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu bạn muốn trở thành Management Trainee thì phải xem động lực của bạn là gì và Management Trainee có đáp ứng đúng mục tiêu bạn đang tìm kiếm không, ví dụ một số công ty đào tạo Management Trainee cho vị trí quản lý chuyên môn, một số công ty lại đào tạo chung để các bạn trở thành General Director. Nếu bạn muốn phát triển chuyên môn, đi chuyên sâu trong một lĩnh vực nhưng lại ứng tuyển vào chương trình MT của các công ty mục tiêu đào tạo xây dựng đội ngũ General Director, hoặc ngược lại, như vậy sẽ sai kỳ vọng và mục tiêu ban đầu bạn theo đuổi. Hãy xem bạn thật sự muốn gì, có phù hợp và sẵn sàng cho chương trình hay không. Hãy luôn mở cửa cho tất cả những cơ hội dành cho bạn chứ không chỉ theo đuổi Management Trainee.

Đến đây thì bài chia sẻ đã quá dài rồi, mong là nó sẽ giúp ích ít nhiều cho các bạn trên con đường lựa chọn và ứng tuyển cho công việc đầu đời nhé. Nếu các bạn cần thêm những chia sẻ hoặc hỗ trợ thì đừng ngại để liên hệ mình qua địa chỉ facebook ở đầu bài viết nha! Hy vọng có duyên với bạn, hẹn gặp!

Anh Phương.

Bài viết tổng hợp trọn bộ kinh nghiệm thi Management Trainee (Quản trị viên tập sự): Kinh nghiệm thi Management Trainee – Trọn bộ hơn 150 bài viết chi tiết

Cập nhật thông tin về công việc đầu đời tại

Disclaimer: Article includes photos created by Freepik.com

Lưu ý: Tất cả các bài viết thuộc bản quyền của Chương Khởi Điểm, hoặc đã được Chương Khởi Điểm xin phép tác giả. Vui lòng không đăng tải lại hoặc sao chép dưới bất kỳ mọi hình thức trước khi được sự đồng ý của Chương Khởi Điểm.

 

- Advertisement -

FACEBOOK COMMENTS

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here