Trải nghiệm thi Sales Fresher, CD Fresh công ty đa quốc gia từ chị Thu Hương

0
2726

11. chuong khoi diem next management trainee kinh nghiem thi CDFresh Sales Fresher Thu Huong

Bạn nào chưa biết Management Trainee là gì thì xem lại trọn bộ chia sẻ kinh nghiệm thi tất cả các vòng từ các Management Trainee/Fresher/Intern ở đây nhé: Kinh nghiệm thi Management Trainee – Trọn bộ hơn 150 bài viết chi tiết và đừng quên tham gia group Next Management Trainee: fb.com/groups/thenextmt để nhận được cập nhật những bài chia sẻ kinh nghiệm thi tuyển sớm nhất nha!

—————————

Ngoài chương trình Management Trainee thì những chương trình tuyển Fresher của các công ty vẫn thuộc dạng “hot hit” và được các bạn trẻ săn đón rất nhiều vì những ưu đãi, phúc lợi và lộ trình phát triển nghề nghiệp tốt. Vì vậy ngày hôm nay, chị Thư rất vinh dự mời được bạn Thu Hương – CDFresh 2020 chia sẻ về chặng đường trải nghiệm kì tuyển dụng này với phòng Sales – hay còn gọi là Customer Development ở một số công ty. Cảm ơn Hương vì đã nhận lời chia sẻ cùng chị và các bạn của Chương Khởi Điểm nha, các bạn có thể kết nối với chính chủ tại đây nhé https://www.facebook.com/profile.php?id=100016304834239.

Giới thiệu về bản thân

Mình học ngành kinh tế đối ngoại trường Ngoại Thương. Trước đây, mình đã từng thử làm công việc đúng chuyên ngành là Forwarder cho một công ty trong 2 tháng, nhưng cảm thấy ngành đó không thú vị lắm. Mình nhận ra mình thích giao lưu nhiều hơn, làm việc về con người nhiều hơn nên quyết định ko làm xuất nhập khẩu nữa mà sẽ chọn một công việc phù hợp với tính cách và sở thích của mình.

Ban đầu mình nghĩ là mình không có cơ hội vì hoàn toàn chưa từng có kinh nghiệm gì về Sales, và tiếng Anh của mình cũng không tốt lắm trong khi nghe đồn là các chương trình tuyển dụng của công ty đa quốc gia phải vận dụng Tiếng Anh nhiều lắm. Tuy nhiên sau đó mình nghĩ tại sao phải giợi hạn bản thân, và thử thì cũng có mất mát gì đâu, nên quyết định ứng tuyển cho chương trình.

Với chương trình CDFresh 2020, mình trải qua 4 vòng: Application Form, Online Test, Group Work, Initial Interview, Field Challenge, Final Interview.

Trải nghiệm thi vòng Application form

Mình nghĩ là các bạn nên đầu tư vào phần điền form vì đây là vòng đầu tiên – ấn tượng đầu tiên mà bạn được trực tiếp tạo ra với nhà tuyển dụng. CV có thể chưa nêu bật lên được hết những điểm nổi bật của chính bạn, hay thể hiện được sự quan tâm, đam mê của bạn với ngành nghề nên cách bạn trả lời các câu hỏi essay nhỏ trong form cũng giúp bạn giải đáp được những thắc mắc này của nhà tuyển dụng.

Những câu hỏi này không phải là để test kỹ năng viết của bạn mà là để nhà tuyển dụng thật sự hiểu bạn, với những nội dung như một buổi “phỏng vấn mini” với các mục phổ biến như:

  • Hỏi về công ty, về lí do bạn chọn công ty và chọn chương trình
  • Hỏi về bản thân bạn: như điểm mạnh, điểm yếu, tính cách, lộ trình sự nghiệp mong muốn của bạn, hay những thành tích bạn từng đạt được, đặc biệt là những cơ hội bạn đã từng đảm nhiệm những vai trò dẫn dắt team (vì chương trình Fresher hay Management Trainee đều là chương trình đào tạo nhân tài của công ty hướng tới mục tiêu giúp bạn phát triển và trở thành Manager trong vài năm nên bạn cần có sẵn tố chất Leadership).

Với các câu hỏi dạng essay bạn có thể thể hiện sự sáng tạo của mình. Tuy nhiên, mình nghĩ ở vòng này quan trọng nhất vẫn là sự chân thật. Hơn nữa, công việc mình đang ứng tuyển là Sales với đặc tính thường cần những người nhanh gọn, đi thẳng vào vấn đề nên mình cũng theo định hướng đó mà điền form.

Mình rất đầu tư cho chương trình tuyển dụng này nên thay vì chỉ làm CV, nghiền ngẫm về bản thân, mình dành thêm nhiều thời gian để đọc hết bài giới thiệu về công ty, về chương trình, bài livestream, v.v… để có định hướng và thông tin cho những phần trả lời của mình trong form. Nhấn mạnh lại lần nữa là các bạn nên nắm rõ yêu cầu công việc vì bạn sẽ thể hiện được sự tìm tòi, chân thành và phù hợp của mình.

Trải nghiệm thi vòng Online test

Đề online test năm nay khá thú vị gồm tổng hợp nhiều dạng câu hỏi (từ các phép nhân đơn giản, IQ, verbal, number, tính tăng trưởng, kiến thức kinh tế…  đến những câu phân tích vấn đề – như cho đoạn văn đơn giản và bạn sẽ chọn những vấn đề rút ra được từ câu chuyện đó, v.v…). Theo như mình trò chuyện cùng các bạn cùng thi thì đợt này đề của mỗi người mỗi khác và nghe đâu độ khó cũng khác nhau.

Online test diễn ra trong khoảng 30 phút với đâu đó 20-30 câu hỏi. Có thể là đề mỗi câu không khó nhưng trong thời lượng quá ngắn mà phải trả lời nhiều câu hỏi thì đây thực sự là một thách thức. Hoặc có những câu rất khó mà vài ngày sau mình cố gắng tìm câu trả lời cũng không suy nghĩ được, nên cần phải có chiến lược để không quá tốn thời gian vào những câu hỏi này với thời lượng ngắn ngủi.

Bạn nên lên mạng tìm hiểu tham khảo các dạng online test trước, dĩ nhiên bạn sẽ không thể nhớ hết các quy luật nhưng làm nhiều sẽ giúp bạn có được một độ nhanh nhạy nhất định.

Trải nghiệm thi vòng Group work

Vì đã được Ban Tổ Chức (BTC) thông báo các vòng thi từ sớm nên mình và các bạn cũng đã chuẩn bị tâm lý trước là sẽ có vòng thuyết trình nhóm. Sau khi có kết quả vòng 2 (vòng online test) thì BTC công bố danh sách nhóm. Thời điểm biết nhóm là khoảng 4 ngày trước khi thi và mỗi nhóm có khoảng 5 người. Công ty không hướng dẫn cụ thể 5 ngày bạn sẽ làm gì, và cũng không công bố đề trước.

Nhóm của mình tự giác kết nối, làm quen nhau trước, bầu nhóm trưởng, tự đưa ra những thông tin mà nghĩ là công ty có thể đề cập như background công ty, ma trận công ty, SWOT của công ty cũng như tự đặt ra những câu hỏi có thể xảy ra. Sau đó nhóm phân công mỗi bạn tìm hiểu những vấn đề thị trường như ảnh hưởng của dịch Covid tới tình hình kinh doanh của công ty, tự đặt ra những case study giả định và quy định trước với nhau cách phân công trong nhóm thế nào, thời gian làm bài ra sao, ai làm slide, ai sẽ là người bấm thời gian, v.v… Ngày nào nhóm của mình cũng hẹn tụ họp và làm thử với nhau với một quy trình và đề thi giả định.

Đến ngày thi thật, công ty cho đề với thời lượng 15 phút để mỗi bạn tự chuẩn bị, sau đó là 30 phút để nhóm làm chung và thuyết trình. Trong 30 phút làm chung, tụi mình dùng 20 phút để thảo luận nhóm và 10 phút để thuyết trình. Sau phần thảo luận là 30 phút cho phần Q&A từ ban giám khảo – Q&A cho cả nhóm hoặc từng người. Dù chuẩn bị kỹ thì tụi mình cũng cảm giác thời gian vẫn hơi gấp vì còn quá nhiều điều mà nhóm muốn truyền đạt.

Mình sẽ không nói quá kỹ về đề thi, nhưng có thể tiết lộ là đề thi rất cập nhật với thị trường và nhóm mình cũng chuẩn bị tạm gọi là “hơi trúng tủ”. Và đề thi nào thì cũng thường gồm những phần chính như tình huống – cơ hội/thách thức – giải pháp để nhóm đưa ra ý kiến của mình.

Trong vòng thi này mình là nhóm trưởng nhưng mình nghĩ là làm nhóm trưởng hay không cũng không quá quan trọng vì chủ yếu là cách bạn dẫn dắt team, đưa ý kiến và tổng hợp ý kiến thế nào chứ không chỉ là chức danh. Ngoài ra nhóm cũng phân công thêm time-keeper, người ghi chú, và với phần thuyết trình thì bạn nào cũng được phân công nói 1 phần.

Một vài kinh nghiệm mà mình rút ra được từ vòng này

Chuẩn bị kỹ là rất quan trọng vì nhờ đó mà nhóm mình áp dụng được rất nhiều thông tin đã nghiên cứu từ trước cũng như có khung sườn thảo luận và phân công giúp mọi chuyện diễn ra suôn sẻ và nhanh chóng hơn.

Cần thể hiện được bề sâu khi tranh luận với fact and figure rõ ràng. Với trường hợp của nhóm mình, vì mọi người cùng chuẩn bị chung quá kĩ nên hầu như khi thảo luận một số bạn không đưa ra được ý kiến riêng mới mẻ, hoặc chỉ nói được những gì trong slide đã ghi. Các bạn nên tự tìm hiểu, tự đào sâu và có những kiến thức, số liệu và lập luận của riêng mình. Trong phần thể hiện của mình, mình nghĩ điểm giúp mình thuyết phục được các anh chị chấm thi là vì sự tìm hiểu và chiều sâu trong hiểu biết vấn đề. Ví dụ với câu hỏi được đặt ra là “Liệu trong tương lai, máy móc có thể thay thế con người  được hay không?”, ngoài việc nêu nhận định của bản thân, mình còn bổ sung với những con số mà mình đã tìm hiểu trước đó – chẳng hạn như  mạng lưới rộng khắp của kênh truyền thống chiếm bao nhiêu % doanh số với ngành hàng FMCG và mối quan hệ giữa người và người đóng vai trò quan trọng thế nào trong việc bán hàng – từ đó dẫn đến kết luận là con người vẫn là nhân tố khó có thể thay thế được.  Mình cũng so sánh ngành hàng FMCG với các ngành hàng công nghệ, start-up khác để nêu được điểm khác biệt giữa Unilever và các ngành hàng khác.

Về cách làm việc nhóm: nhìn chung vì nhóm đã chuẩn bị khá kỹ trong những ngày trước đó nên những ý chính đều được thống nhất chung và không gặp nhiều vấn đề về tranh luận ý kiến. Nhưng điều đó đồng thời cũng có nghĩa là mỗi bạn phải biết chọn thời điểm và ý kiến phù hợp nêu ra để bản thân mình cũng nổi bật trong quá trình thảo luận, có đóng góp cá nhân cụ thể. Nói cách khác, quá trình đưa ý kiến cá nhân sẽ giúp các anh chị tuyển dụng thấy ai thực sự hiểu biết, đào sâu được vấn đề và có tố chất phù hợp với Sales.

Nên thể hiện tố chất phù hợp với công việc của Sales, văn hóa công ty: như nhanh nhẹn, giao tiếp tốt, đi thẳng vào vấn đề. Mình thấy có trường hợp các bạn nói nhiều nhưng nửa vời, không rõ nghĩa thì cũng không ấn tượng bằng các bạn nói ít nhưng chắc. Kể cả nếu bạn không phải là người bắt đầu vấn đề nhưng biết cách tiếp tục hoặc tổng hợp vấn đề một cách ngắn gọn, súc tích thì bạn vẫn thể hiện được thế mạnh của mình.

Với câu hỏi “ai là người đóng góp nhiều nhất”, mình nghĩ câu hỏi này cũng khá khó để trả lời. Chỉ lưu ý là miễn sao bạn nhớ rằng bạn cũng có vai trò rất quan trọng trong nhóm và làm sao để mọi người cũng thấy được điều đó nhé.

Một số bạn hỏi mình là nữ tham gia ứng tuyển Sales thì có thiệt thòi gì không – mình nghĩ là không hẳn. Vì mình thấy rất thoải mái nêu ra ý kiến của mình, chỉ cần có những tố chất phù hợp với Sales là được.

Sau vòng này thì nhóm mình đậu 3 bạn và rớt 2 bạn.

Trải nghiệm thi vòng Initial Interview

Vòng thi này diễn ra trong cùng 1 ngày, sau vòng thuyết trình nhóm khoảng vài tiếng. Sau khi vượt qua vòng Field Challenge, các anh chị sẽ dựa trên những gì bạn đã thể hiện ở vòng thuyết trình nhóm để hỏi sâu thêm. Các anh chị phỏng vấn thường là Area Sales Manager và các anh chị phòng Đào tạo và phát triển Sales.

Với mình thì các anh chị không hỏi nhiều về Sales mà về tính cách, kỹ năng của bản thân hơn như hổi về gia đình, sở thích, thành tích quá khứ, v.v… Mình nghĩ một phần vì trong quá trình thuyết trình nhóm, mình đã tận dụng cơ hội để nói kiến thức chuyên ngành của mình khá nhiều rồi. Một số bạn khác thì được đưa ra các case tình huống để giải quyết trong quá trình phỏng vấn.

Vì có thời gian nghỉ giữa lúc thuyết trình nhóm với phỏng vấn sơ bộ nên mình nghĩ những bạn nào cảm thấy phần thuyết trình chưa thể hiện được nhiều kiến thức với công việc thì nên tận dụng thời gian nghỉ trưa để xem kỹ lại hơn phần trình bày của mình, những điểm nổi bật của công ty, phần thuyết trình của nhóm, các thách thức mà anh chị đã đặt ra ở vòng Q&A để có thể tận dụng cơ hội nói sâu hơn khi phỏng vấn.

Trải nghiệm thi vòng Field Challenge

Ở vòng thi Field Challenge, công ty sẽ cung cấp đề trước kèm theo hướng dẫn thông qua một buổi họp online, đính kèm email đề chi tiết gửi đi sau đó. Chủ yếu vòng thi này để giúp công ty và chính các bạn nhận thấy mình có phù hợp với định hướng của Sales không: từ môi trường, tính cách, cho đến kỹ năng.

Mình cũng sẽ không nói quá kỹ càng về đề thi nhé, đại khái là công ty sẽ cho bạn 1 đề và yêu cầu bạn tự đi khảo sát thị trường để phân tích tình hình kinh doanh cũng như các vấn đề mà công ty có thể gặp phải và giải pháp.

Sau khi nhận đề, nhóm mình đã quyết định gặp nhau trực tiếp mỗi ngày để thảo luận đề, và vì đề khá rộng nên nhóm quyết định chọn 1 vấn đề chính để phân tích và khảo sát. Sau đó nhóm bắt đầu lên kế hoạch cụ thể gồm: lên khung khảo sát, nền tảng lấy thông tin thị trường, khảo sát thử, hoàn thiện lại form khảo sát, khảo sát thật tại khu vực do công ty phân công, sau đó phân tích kết quả và hoàn thiện bài làm.

Một vài kinh nghiệm mà mình rút ra được khi đi thị trường:

Hình ảnh và con số rất quan trọng – nên ngoài việc ghi chú, các bạn nên chụp hình minh họa kỹ càng nhé.

Mình nhận thấy đây cũng là một vòng thi khá thử thách – vì các bạn phải khảo sát mà không có một chức danh thực tế từ công ty, phải chấp nhận “bị phũ” khá nhiều từ các anh chị, cô chú bán hàng vì mọi người lúc đầu sẽ không tin tưởng để bạn tiếp cận. Dù vậy, mình nghĩ đây cũng là một cách hay để các bạn thấy được mình có bản lĩnh của Sales không, và có nên tiếp tục đi tiếp hành trình này không. Sau vòng này cũng có kha khá bạn tự rút lui – vì lí do sức khỏe hoặc vì tự thấy mình không phù hợp với Sales.

Ở vòng này, nhóm mình gặp khó khăn do 1 thành viên rút lui giữa chừng nên các bạn phải gánh khối lượng công việc nhiều hơn dự kiến ban đầu cho mỗi người. Bản thân mình dù vậy vẫn cố gắng hoàn thành mục tiêu của mình và thậm chí đạt số lượng khảo sát nhiều hơn dự kiến và san sẻ cùng các bạn chung nhóm. Mình nghĩ với Sales, việc đạt mục tiêu đặt ra ban đầu là cực kỳ quan trọng nên không thể lơ là.

Có thể nói đây là một vòng thi khá vất vả vì hầu như ngày nào mình và các bạn cũng gặp nhau, hẹn nhau ráo riết và làm liên tục cả ngày không ngừng nghỉ. Hơn nữa, làm việc nhóm cũng có nhiều khó khăn vì ai đã vào vòng này đều là những người có khả năng nhất định, có cái tôi và ý kiến riêng của bản thân. Vì vậy cùng một đề bài mà sẽ có nhiều ý tưởng khác nhau và mất nhiều thời gian để thống nhất ý kiến. Bên cạnh đó, vì nhóm mình chọn lựa hướng làm hơi chi tiết quá nên mất nhiều thời gian để hệ thống hóa trong khi thời gian gửi bài lại gấp. Vì vậy, khi gửi slide cả nhóm cũng chưa thỏa mãn cách làm lắm.

Sau khi hoàn thành phần đi thị trường và nộp bài, nhóm có 1 tuần để chuẩn bị trước khi tiến vào vòng thuyết trình kết quả phân tích thị trường. Thời gian này nhóm mình dùng để tự nhìn lại, phân tích sâu hơn và cùng suy nghĩ cách để có thể thuyết trình hiệu quả. Vào ngày thuyết trình, nhóm có 30 phút thuyết trình và hỏi đáp.

Trước đó nhóm có tập dợt với nhau, phân công và chia thời gian cụ thể. Các anh chị giám khảo cũng không quá gò bó và có thể hỏi xuyên suốt quá trình chứ không chỉ hỏi sau khi nhóm thuyết trình xong. Mình nghĩ  được hỏi là một điều tốt, vì khi được hỏi nhiều thì ban giám khảo khai thác được nhiều từ nhóm, mình cũng có “đất” để thể hiện được nhiều hơn.

Một vài trải nghiệm thực tế của mình trong vòng thuyết trình bài phân tích thị trường

Nhóm mình được nhận xét là có quá nhiều số liệu trong khi hình ảnh  minh họa thực tế lại ít, và các luận điểm cũng quá nhiều nên nhìn chung nhóm chưa đưa ra một bức tranh tổng quan cho vấn đề hay cách giải quyết cụ thể. Vì vậy lần này bài của nhóm chưa được đánh giá cao. Đó cũng là lí do mà ở phần trên mình có nhấn mạnh sự quan trọng của hình ảnh khi đi thị trường.

Mình nghĩ là không nên nói quá dài mà cần tập trung vào những vấn đề chính để phân tích – bản thân slide của nhóm mình đã khá dài và mọi người cố gắng bám vào slide để nói nên phần trình bày không được tập trung lắm. Hơn nữa, dù nhóm đã vất vả khảo sát nhưng không chuẩn bị sẵn file kết quả để làm bằng chứng nên mình cũng hơi tiếc ở phần này.

Cách các anh chị ban giám khảo hỏi sẽ thể hiện mình có hiểu vấn đề hay không, thông tin có được truyền tải đồng đều trong nhóm hay không. Mình tập trung vào việc nghĩ Sales mọi người hay ưu tiên nhìn những yếu tố nào (ví dụ bao phủ hàng hóa, trưng bày, v.v…) nên đi sâu vào những phần này, thể hiện ngắn gọn, súc tích phần trình bày của mình.

Nếu quay lại để thay đổi, mình nghĩ là mình và nhóm sẽ chọn vấn đề phân tích một cách tập trung và có chiều sâu hơn thay vì nói quá nhiều vấn đề nhưng lại hời hợt, dài dòng vì bị giới hạn bởi thời gian.

Khi được hỏi, mọi người đều có quyền trả lời. Với những bạn chưa may mắn tiếp tục được hành trình, mình nghĩ một phần vì các bạn chưa chủ động xung phong trả lời khi được  hỏi vì nghĩ là ai nói phần nào thì người đó trả lời. Trường hợp khác là các bạn hiểu sai câu hỏi của các anh chị giám khảo mà không xác nhận lại và trả lời theo cách nghĩ của mình nên bị lạc đề. Thời gian của vòng thi này rất ngắn nên không thể đòi hỏi các anh chị kiên nhẫn mà bản thân mình cần phải rõ ràng trong cách trả lời cũng như khi lắng nghe câu hỏi.

Kết quả cuối cùng – mặc dù công ty không đánh giá cao bài nhưng vẫn có 2 người được vào vòng trong – vì dù phần trình bày của team chưa tốt nhưng nhìn chung team vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, team work tốt, lúc thuyết trình thể hiện cũng khá ổn, nói được mình đã làm gì, sẵn sàng tiếp thu feedback, v.v…

Trải nghiệm thi vòng Final Interview

Sau khoảng 1 tuần của vòng phỏng vấn sơ bộ thì mình được gọi cho vòng phỏng vấn cuối cùng. Ở vòng này, mình nghĩ nên có tâm lý thoải mái nhưng không nên chủ quan vì đến vòng này rồi bạn vẫn có thể rớt.

Mình được hỏi nhiều về quan điểm sống, về những thách thức mà anh chị nghĩ mình sẽ gặp phải khi làm Sales, và quan trọng là hỏi về định hướng – ví dụ như nếu được chọn giữa công việc văn phòng và Sales thì mình sẽ ưu tiên việc nào hơn. Bản thân mình hiểu rõ mình rất thích công việc Sales nên cứ một hướng mà nhắm – chọn Sales làm đích đến cuối cùng cho mình.

Sau vòng thi Final Interview thì cuối cùng công ty đã chọn được những bạn Sales Fresher phù hợp, có cả nam lẫn nữ luôn nhé. Và mình thấy mình cũng rất vinh dự và may mắn vì được bắt đầu hành trình này với công ty mà mình thích!

Mong rằng những trải nghiệm này của mình có thể giúp các bạn hiểu hơn về chương trình tuyển dụng Fresher ở vòng Sales và sẵn sàng ứng tuyển hơn nhé! Chúc các bạn may mắn.

Thu Hương

Bài viết tổng hợp trọn bộ kinh nghiệm thi Management Trainee (Quản trị viên tập sự): Kinh nghiệm thi Management Trainee – Trọn bộ hơn 150 bài viết chi tiết

Cập nhật thông tin về công việc đầu đời tại

Disclaimer: Article includes photos created by Freepik.com

Lưu ý: Tất cả các bài viết thuộc bản quyền của Chương Khởi Điểm, hoặc đã được Chương Khởi Điểm xin phép tác giả. Vui lòng không đăng tải lại hoặc sao chép dưới bất kỳ mọi hình thức trước khi được sự đồng ý của Chương Khởi Điểm.

 

- Advertisement -

FACEBOOK COMMENTS

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here