Làm sao để thôi lạc lối trong thất bại?

0
2740

Mỗi lần các bạn thất bại, mọi người đều thương và an ủi. Bảo là cố lên nào, từ từ thì duyên sẽ tới, cố lên nào, thất bại là mẹ thành công mà, rồi thì, cố lên nào, quan trọng là bạn học được gì sau mỗi thất bại. Túm lại là “Phải biết học từ những thất bại “ – Ôi, câu nói xạo sự nhất trong năm!😣

🍀
 Học từ những thất bại kiểu gì bây giờ? Không biết vì sao mình thất bại nên bạn mới thất bại đó chứ! Bạn đã thất bại hơn chục lần rồi, mà vẫn chưa thành công đây! Rõ ràng ai bung ra lời khuyên này toàn là những người thành công – mà họ thành công thì họ nói gì chả đúng, chứ lời khuyên này là tầm phào và vô ích!

Rồi, chị hiểu. Vậy giờ chị hỏi bạn nè. Bạn kể chị nghe bạn học từ những thất bại như thế nào đi? Lúc rớt một cuộc thi rồi bạn thường làm gì?

🍁 Bạn sẽ trả lời khẽ khàng rằng – Bạn dành thời gian nhìn lại bản thân, bạn lên kế hoạch tiếp tục thi thật nhiều và đăng ký liền tay cho những cuộc thi sắp tới để cải thiện kết quả. Bạn chiêm nghiệm, bạn suy tư về bản thân mình.

Vậy bạn có biết những người khác học từ thất bại thế nào không?

🍁 Bạn của chị – làm marketing của một công ty lớn hẳn hoi, nhưng lại từng thất bại trong cuộc thi Marketing Young Lions khi dự thi lần đầu tiên, ngay ở vòng loại. Cách chị ấy học từ thất bại là gì – là đi mượn GẦN NHƯ TẤT CẢ những bài thi được vào vòng trong, và ĐỌC THẬT KĨ từng bài để hiểu được mình thiếu ở những điểm nào. Cuối cùng nhờ đọc hết các bài đậu và so sánh với bài của mình, chị ấy phát hiện một trong những thất bại là do bài viết của team chị ấy đang trình bày theo quan điểm của nhãn hàng và khá khô khan, trong khi ban giám khảo sẽ là những người đứng từ phía agency – họ có những style khác và kì vọng khác mà những bài trình bày khác đáp ứng được. Vậy quan trọng nhất đó là chị ấy cần phải hiểu đối tượng khán giả mà mình nhắm tới kĩ hơn. Và nhiều nhiều bài học khác sau khi chị ấy dành hàng chục tiếng đồng hồ để nghiền ngẫm hết tất cả những bài khác. Kết quả – 1 năm sau, chị ấy đã trở thành quán quân của chính cuộc thi đó 🌈

🍁Vậy bạn và cô bạn Marketing của chị khác nhau ở điểm nào?

💥 Khác ở chỗ bạn nghĩ học từ thất bại là học từ chính mình. Còn chị ấy biết rằng – học từ thất bại sẽ còn thông qua việc học hỏi ở những người khác cùng thi với mình nữa.

💥
 Khác ở chỗ bạn dành 2 tiếng để nghiền ngẫm về thất bại bản thân và thấy nhiêu đó đã là nhiều, còn chị ấy sẽ dành hàng chục tiếng, thậm chí là vài ngày liền để đọc và nghiền ngẫm hết những bài thi khác của đội bạn.

💥
Khác ở chỗ – dù có năng lực, nhưng chị ấy tin rằng nếu chị ấy không được chọn thì không phải do thiên vị, mà phải có lí do cho chính việc đó. Vì vậy chị ấy sẽ cố gắng để tìm được lí do đó. Còn bạn, đôi khi vẫn nghĩ rằng mình thất bại là vì hên xui.

🍀 Hôm nay chị cũng mới vừa nhận được bức thư dễ thương từ bạn sinh viên của chị. Bạn tâm sự rằng bạn đã thất bại 13 lần trước đó và cảm thấy rất chán ghét mình, tưởng như không thể nào thành công được. Nhưng sau 2 tháng làm sự kiện cùng với nhóm bạn chung khóa học kĩ năng, bạn đã có một sự kiện đáng nhớ với vai trò leader, nhận được feedback rất tốt không chỉ từ người tham dự mà còn từ chính diễn giả nữa. Và chính bạn cũng ngạc nhiên vì sự thay đổi của bản thân 😊. Điểm khác của bạn-rớt-13-lần và bạn-sau-này là ở việc bạn không một mình khi làm dự án mà bạn có cả một team, và có cả những người kinh nghiệm hơn với vai trò là mentor sẵn sàng quan sát, hướng dẫn bạn, giúp bạn nhìn bản thân ở góc độ khách quan hơn, để bạn biết rằng “Ồ – thì ra xưa giờ mình rớt là vì mình có những cách cư xử như vậy, kĩ năng mình còn yếu ở điểm này, điểm kia”. Và một khi bạn biết mình thiếu ở đâu thì bạn biết được mình phải lấp thêm vào đó để hoàn thiện hơn mỗi ngày.

🍁Rồi, vậy tiếp tục hỏi câu hỏi tương tự – bạn và cô bé sinh viên của chị giống và khác nhau ở điểm nào?

💥 Giống là đều cùng thất bại rất nhiều, đến nản chí và muốn bỏ cuộc. Khác ở chỗ, bé ấy biết là mình cần phải tìm người để cùng đánh giá bản thân mình, thay vì chỉ trông cậy vào “Sức mạnh siêu nhiên tự hiểu bản thân”.

Mới có 2 ví dụ thôi đó, mà bạn đã thấy cũng là “Học từ thất bại” mà sao người ta học khác với mình quá trời rồi đúng không? 😅

🍀 Học từ thất bại – không phải là thất bại thiệt nhiều để học thiệt nhiều, mà là qua mỗi lần thất bại bạn đều thực sự học được những bài học cho riêng mình. Còn nếu thất bại thật nhiều mà mù mờ không rõ lí do qua mỗi lần thì cũng chẳng khác nào bạn đang đi lạc đường vì không biết đích đến của mình ở đâu, và vì vậy, bạn sẽ tiếp tục lạc lối…

🍀Hãy dành thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu lí do – không chỉ học ở chính mình mà còn học ở người khác, không chỉ tự mày mò mà nên tìm sự hỗ trợ từ những người xung quanh để cho bạn những lời nhận xét khách quan và hữu ích hơn.

Vậy giờ sao nè, bạn sẽ tiếp tục lạc lối trong thất bại, hay bạn sẽ có chiến lược tốt hơn cho lần thất bại tiếp theo để tìm ra được con đường ánh sáng của chính mình? Chị để câu hỏi mở cho chính bạn của ngày hôm nay trả lời nhé! 😉

Như mọi lần, yêu thương các bạn của chị ^^
Chị Thư 

>> Tặng các bạn thêm bài viết này liên quan nữa để đọc nhé ^^:  https://chuongkhoidiem.com/viet-cho-nhung-ban-tre-dang-hoang-mang-ve-chinh-minh/

Bài viết tổng hợp trọn bộ kinh nghiệm thi Management Trainee (Quản trị viên tập sự): Kinh nghiệm thi Management Trainee – Trọn bộ hơn 150 bài viết chi tiết

Cập nhật thông tin về công việc đầu đời tại

Disclaimer: Article includes photos created by Freepik.com

Lưu ý: Tất cả các bài viết thuộc bản quyền của Chương Khởi Điểm, hoặc đã được Chương Khởi Điểm xin phép tác giả. Vui lòng không đăng tải lại hoặc sao chép dưới bất kỳ mọi hình thức trước khi được sự đồng ý của Chương Khởi Điểm.

 

- Advertisement -

FACEBOOK COMMENTS

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here