Ra trường làm gì? Chọn ngành dễ xơi hay chọn nghề mình thích?

0
6492

chuong khoi diem next management trainee chon nghe

Ra trường làm gì? Một trong những câu hỏi chị hay được hỏi khi các bạn đăng ký thi chương trình Quản Trị Viên Tập Sự hoặc ngay cả đi xin việc bình thường là : “Em nên chọn nghề “dễ xơi” hay chọn nghề mình thích?”

Trước hết, nghề “dễ xơi” là gì? Các bạn thường định nghĩa như sau:

  • Làm những nghề đúng chuyên ngành của mình: ví dụ bạn đang học Tài Chính Ngân Hàng thì sẽ nộp vào phòng tài chính, kế toán của công ty.
  • Làm những ngành nghề có khả năng ít người nộp:ví dụ các bạn thường nghĩ Sales, Marketing là cạnh tranh nhiều nhất, nên những ngành nghề khác như Human Resources (Nhân Sự), Supply Chain (Chuỗi cung ứng), Manufacturing (Sản xuất) là dễ có cơ may trúng tuyển nhất
  • Làm những ngành nghề  (mà bạn cho là) nhàn hạ, ít lao lực và có nhiều thời gian cho bản thân, ví dụ như làm ngân hàng (?), làm quản lý bán hàng (?), v.v…

Câu trả lời của chị như sau!

Không có nghề nào là nghề “dễ xơi”.

Bạn nghĩ bạn nộp đúng chuyên ngành, cơ hội cạnh tranh của bạn sẽ cao hơn?

Thực tế đây không phải là một tư tưởng chính xác. Nên nhớ có rất nhiều bạn sinh viên học đúng chuyên ngành của mình nhưng lại để lỡ cơ hội cho một người làm trái ngành. Đúng là Việt Nam có quan trọng bằng cấp, nhưng quan trọng hơn cả bằng cấp đó chính là năng lực và kinh nghiệm của bạn.  Ví dụ như chị học Tài Chính ngân hàng nhưng cuối cùng cũng thuyết phục được Unilever lựa chọn mình vào phòng Marketing, vì mặc dù không có tấm bằng tốt nghiệp ngành Marketing nhưng những công việc hoạt động ngoại khóa của chị trong suốt 4 năm học Đại Học rất liên quan đến ngành nghề này và tạo nên lợi thế khi chị ứng tuyển. Ngược lại, một số bạn tốt nghiệp hẳn chuyên ngành Marketing nhưng chỉ biết có học và học, lý thuyết và lý thuyết, thiếu những kiến thức và kỹ năng cơ bản của ngành và kinh nghiệm sống nên cũng vụt mất cơ hội của mình.

Tóm lại, làm đúng chuyên ngành vẫn là một ưu điểm và lợi thế của bạn, nhưng không đảm bảo chắc chắn ràng bạn sẽ có công việc mơ ước dễ dàng. Trừ khi bạn thật sự đầu tư cho ngành nghề đó, như học thêm những bằng cấp liên quan (chẳng hạn học thêm các bằng CFA, ACCA … cho dân tài chính, hay học thêm những khóa học Marketing với những bạn mê Marketing, v.v…). Ngoài ra, tích lũy một số kinh nghiệm đi làm phù hợp thì cơ hội kiếm được công việc đúng chuyên ngành mới rộng mở cho bạn.

Bạn nghĩ chỉ có Sales, Marketing mới là ngành hot, nhiều người đăng ký, khó có cơ hội đậu, còn những ngành nghề còn lại dễ đậu hơn?

Lại là một sai lầm khác bởi vì công ty không lựa chọn người theo tiêu chí số lượng, mà quan trọng là chất lượng. Nếu bạn nộp những ngành nghề mà bạn nghĩ là không hot, kể cả chỉ có 10, 20 người ứng tuyển, trong đó có bạn, nhưng bạn không đủ tiêu chuẩn, không đủ khả năng thì công ty cũng sẽ không sẵn sàng nhận bạn. Chuyện có thực nhé, kể cả kì thi Management Trainee (Quản Trị Viên Tập Sự), một kì thi mà công ty đã bỏ ra rất nhiều tiền của và công sức để quảng bá – nhưng nếu không có ứng viên phù hợp thì công ty sẵn sàng không lựa chọn ai cả. Đơn giản vì việc lựa chọn đại một người và sau đó người đó không phù hợp với yêu cầu công ty, không hoàn tất được chương trình đào tạo thì công ty cũng chỉ đang phí tiền đào tạo mà thôi, nên thà không chọn từ ban đầu còn hơn chọn đại.

Và chưa chắc ngành nghề nào đã có “tỉ lệ chọi” thấp hơn, nên nếu không có thông tin chính xác đừng dựa vào những lập luận mơ hồ mà tự cho rằng ngành nghề nào đó “dễ đậu”.

Hơn thế nữa, nếu bạn chọn một ngành chỉ vì bạn nghĩ ngành đó dễ đậu, rõ ràng bạn chưa chuẩn bị đủ thông tin và chưa sẵn sàng để làm một chú ngựa chiến của ngành đó. Bạn đang tham gia một chiến trường mà những dũng sĩ khác – những người quyết tâm có bằng được công việc đó – là những chiến binh rất mạnh với đầy đủ “vũ khí” mà một “người mới lơ tơ mơ” như bạn khó thể nào giành được chiến thắng.

Và cuối cùng, chắc gì những ngành bạn nghĩ là không hot thực sự là không hot? Nhân sự, Supply Chain, Manufacturing ,v.v… đều là những ngành rất hay và ngày càng có nhiều người đầu tư công sức, nỗ lực cho nó. Nên đừng đánh giá thấp một ngành nghề nếu chỉ nhìn thiển cận và suy nghĩ chủ quan.

Còn nếu bạn nghĩ nên chọn những ngành nhàn hạ, thoải mái thay vì ngành bạn thực sự yêu thích thì sao?

Phải nói rõ, nhàn hạ hay không là do bạn lựa chọn. Kể cả những công việc đơn giản nhưng nếu bạn thật sự đầu tư tâm huyết thì cũng sẽ không thể nào gọi là “nhàn hạ” được. Nhớ  năm 4  Đại Học chị đã từng làm 6 tháng trợ giảng ở ILA. Có rất nhiều bạn vẫn làm trợ giảng và nói là rất thích công việc bởi vì thoải mái. Chị thì ít khi thấy mình rảnh rỗi, kể cả giờ ra chơi chị cũng tự lựa chọn lấy khoảng thời gian đó để bồi dưỡng cho những em còn yếu và cần kèm cặp thêm, hoặc thậm chí cuối giờ cũng sẽ ngồi lại để xem bài chỉnh bài cho các em. Cùng một công việc, nhưng chị lựa chọn cực hơn người khác, sẽ có người nghĩ là “chi cho cực thân vậy, tiền cũng như nhau thôi mà”. Nhưng chị thấy vui vì với lựa chọn của mình, chị nhận được nhiều hơn. Chị nhận được tình cảm của các bạn, sự yêu thương của các bạn, nhận được kết quả khảo sát tốt từ phụ huynh, đánh giá cao của nhóm trưởng và cảm thấy vui cũng như học được sự kiên nhẫn và trách nhiệm với việc được giao. Không nhàn hạ nhưng chị vẫn vui, vì đó là lựa chọn của bản thân chị.

Tư tưởng của chị khi đi làm những năm đầu đời vẫn là làm hết sức và cống hiến hết mình, vì đây là bước khởi nghiệp của bạn, lúc bạn còn đầy đủ năng lượng tuổi trẻ, khả năng học hỏi và tiếp thu cao. Bạn học nhiều, đầu tư nhiều, làm nhiều sẽ cho bạn nhiều kinh nghiệm và một bước khởi đầu vững chắc. Từ đó những nấc thang tiếp theo của sự nghiệp sẽ dễ dàng mở rộng với bạn hơn. Chị công nhận chị đã có những năm tháng tuổi trẻ vất vả, có lúc phải làm đến 9-10h đêm và nhiều lần mệt mỏi đến muốn nghỉ việc. Nhưng rồi tự động viên mình và được nhiều người ủng hộ, chị cũng đã vượt qua những giai đoạn khó khăn đó để rồi nhờ đó mới có những bước chuẩn bị vững chắc về kỹ năng, mối quan hệ cũng như tài chính cho những dự án riêng của mình trong hiện tại.

Còn nếu bạn thực sự không có nhu cầu làm hết mình trong những năm tháng tuổi trẻ mà chỉ muốn sống cuộc sống thoải mái thì chị không phản đối. Chỉ là những bạn muốn tiền thật nhiều, phát triển thật nhanh mà đòi hỏi công việc an nhàn thì chị thực sự không có câu trả lời. Bên cạnh đó, một số bạn nghĩ mình thực sự thích công việc nhàn hạ nhưng đến khi làm công việc thoải mái rồi thị lại nghĩ là quá chán và thấy mình sống không có ích, không học hỏi gì được mỗi ngày. Nếu bạn không muốn mình giống tình trạng như vậy thì hãy suy nghĩ kỹ khi chọn nghề.

Một điều quan trọng khác nữa là, hãy cẩn thận, những nghề mà bạn nghĩ là nhàn hạ thực chất nhiều khi chẳng nhàn hạ chút nào. Tùy công ty mà môi trường và tính chất công việc cũng thay đổi. Chẳng hạn nhiều bạn nghĩ làm ngân hàng thoải mái, nhưng bạn có biết đằng sau giờ đóng cửa 4:00 chiều của ngân hàng là bạn phải ngồi chốt sổ sách cho xong việc mới về. Hay bạn nghĩ làm nhân viên bán hàng cũng dễ ợt nhưng thực tế để đạt được doanh số ở khu vực bạn được giao nhiều khi lại là cả một vấn đề lớn. Vậy nên muốn biết công việc thế nào, phải tìm hiểu thật kỹ, đừng chỉ chủ quan đánh giá “nhàn” hay “không nhàn” dựa trên cái tên ngắn gọn của công việc.

Kể cả có nghề thật sự dễ đậu, liệu bạn có hạnh phúc với lựa chọn đó?

Kinh nghiệm gần 5 năm đi làm và tiếp xúc với khá nhiều các bạn ít tuổi hơn, chị nghiệm ra là làm nghề mình thích dù vẫn sẽ có những lúc cực kinh khủng khiếp, thức đến 2-3h sáng, những lúc nản lòng đến nỗi muốn bỏ cuộc nhưng ít ra chị vẫn cảm thấy được niềm yêu nghề của mình níu kéo mình ở lại. Cũng giống như bạn yêu thôi, yêu một  người thiệt nhiều, đôi lúc cũng sẽ có cãi vã giận hờn nhưng cảm xúc đọng lại vẫn là yêu thương và muốn nắm giữ người đó. Còn nếu bạn lấy một người bạn không có tình cảm thì những lúc cãi nhau, bất đồng sẽ thật sự muốn bạn chấm dứt mối quan hệ vì quá đau khổ, đúng không? Vậy nên, đừng vì một lí do trẻ con, nỗi sợ mông lung mà bỏ mất đi “tình yêu đích thực của mình”.

Một bé sinh viên năm 3 trường Kinh tế ngại ngùng nói với chị “Chị ơi em học kiểm toán, nên nộp tài chính phải không chị?” – thì câu trả lời của chị là “Em có thực sự thích làm kế toán không”, để rồi em bẽn lẽn “Dạ em làm Sales bữa giờ và thấy thích công việc đó hơn chị ạ, em học kế toán mới thấy mình không phù hợp”. Nếu vậy tại sao phải chọn một công việc mà mình rõ ràng là không yêu? Cũng như một người bạn của chị, dấn thân 3 năm trời làm Sales, mỗi năm trôi qua đều tự nhủ là mình không phù hợp, không thích nhưng vì phóng lao phải theo lao nên cứ cố gắng kéo đi mỗi ngày, để rồi đến năm thứ 4 mới đủ dũng khí từ bỏ, lựa chọn công việc khác mà bạn yêu thích và cho đến bây giờ, dù rất bận rộn nhưng bạn cũng cảm thấy hạnh phúc hơn so với 3 năm làm Sales đó. Hãy nghĩ đi, thà chọn kỹ bây giờ, còn hơn là vài năm nhìn lại nuối tiếc thời gian, tuổi trẻ vì quyết định của mình trong một phút bồng bột.

Và nên nhớ là, không có công việc nào lý tưởng đến mức bạn sẽ yêu hết tất cả về nó

Như bản thân chị, vào đời với ngành Marketing. Nếu chị mơ mộng Marketing là một ngành nghề lung linh hoành tráng, mọi người được làm việc với người nổi tiếng, được ngồi vẽ nên một chiến lược truyền thông rầm rộ thì chắc chắn chị sẽ phải thất vọng ngay từ những ngày đầu tiên và nộp đơn xin nghỉ. Vì sao ư. Bước chân vào ngành này, bạn sẽ làm vị trí thấp nhất – Marketing Assistant. Và với công việc này, đúng, bạn sẽ vẫn có cơ hội làm tất cả những thứ trên, nhưng đôi khi chỉ chiếm có 20% khối lượng công việc một ngày của bạn. Còn 80% còn lại là hàng tá những giấy tờ khuyến mãi phải làm, những mã số sản phẩm phải đưa lên hệ thống, những hóa đơn thanh lý vặt vãnh của Agency. Nếu bạn nghĩ là mình quá chán những thứ linh tinh này, thì ra đây không phải là công việc mơ ước, mình nghỉ thôi, v.v… thì bạn đang quá vội vã. Cái gì cũng cần có thời gian, khi bạn đã dần quen việc, bạn sẽ làm nhanh hơn và nở rộng 20% yêu thích của bạn ra để làm được điều mình muốn. Và khi bạn được thăng chức, bạn sẽ lại có cơ hội làm những thứ chiến lược hơn mà bạn vẫn rất mê. Đừng vội vàng gấp gáp, nhé!

Một ví dụ thứ 2 là về nghề thầy giáo. Chị đã có một cuộc trò chuyện khá dễ thương với một thầy giáo Tiếng Anh của trường Đại Học. Thầy hoàn toàn đồng tình với chuyện sẽ có những lúc 80% khối lượng công việc là làm những thứ mình không ưa lắm. Như nghề giảng viên, thầy đã từng nghĩ là muốn làm vì được trò chuyện với sinh viên, được đứng lớp. Nhưng đằng sau công việc đó là hàng tá những công việc văn phòng khác như chấm thi, soạn giáo án, làm giám thị, trực trường, v.v… Vậy nên chỉ có xác định tâm lý thật kỹ, và biết chấp nhận những phần việc phải làm để được làm thứ mình thích thì bạn mới vững vàng trên con đường sự nghiệp của mình.

Chị ơi, nhưng mà em còn không biết mình yêu ngành nào, làm sao bây giờ hả chị?

À, đó sẽ là một câu hỏi rất lớn khác, mà chị sẽ chia sẻ với các bạn ở những bài tiếp theo, hén! Còn bây giờ thì bài cũng đã rất dài rồi, đành phải hẹn các bạn lần khác vậy! Mong là những chia sẻ trên của chị đã giúp các bạn bớt hoang mang với câu hỏi “ra trường làm gì?” nhé!

Chúc các bạn thành công chinh phục công việc đầu đời mơ ước, đặc biệt là với chương trình Management Trainee (Quản Trị Viên Tập Sự) nhé!

Yêu thương,
Chị Thư ❤

Bài viết tổng hợp trọn bộ kinh nghiệm thi Management Trainee (Quản trị viên tập sự): Kinh nghiệm thi Management Trainee – Trọn bộ hơn 150 bài viết chi tiết

Cập nhật thông tin về công việc đầu đời tại

Disclaimer: Article includes photos created by Freepik.com

Lưu ý: Tất cả các bài viết thuộc bản quyền của Chương Khởi Điểm, hoặc đã được Chương Khởi Điểm xin phép tác giả. Vui lòng không đăng tải lại hoặc sao chép dưới bất kỳ mọi hình thức trước khi được sự đồng ý của Chương Khởi Điểm.

 

- Advertisement -

FACEBOOK COMMENTS

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here