– Ra trường làm gì? – Nên chọn công việc dựa trên tiêu chí nào

0
6744

chuong khoi diem next management trainee tieu chi chon cong viec.jpg

Tiếp tục với series “Ra trường làm gì?” là những trăn trở của các bạn gửi cho chị về cách chọn công việc đầu đời. Vậy với chị, đâu là những tiêu chí chị đã lựa chọn cho công việc đầu đời?

1. Đam mê với công việc

Nhưng nên nhớ, đừng tìm công việc nào em sẽ thích 100% vì điều đó gần như là không thể

“Em có thích công việc em làm hay không?” Tuy nhiên, phải suy nghĩ thật kỹ, đam mê không có nghĩa là em phải thích 100% bản chất công việc, vì hầu như công việc nào cũng có những phần rất “ngán và nản” mà em phải làm. Như chị làm Marketing đi, chị rất thích làm nó vì những lúc chạy event, lên ý tưởng, gặp khách hàng, thấy event thành công, v.v… chị thích lắm và cảm thấy rất mãn nguyện nên dù làm đến khuya đến tối cũng ráng làm vì đây là thứ mình thích. Nhưng, những việc chị thích có thể chỉ chiếm 20% – 30% khối lượng công việc của chị mà thôi, còn lại 80% sẽ là những việc chị phải làm, nếu không làm chị sẽ không thể làm việc chị thích được. Ví dụ như chị phải tạo mã code sản phẩm suốt hàng tiếng đồng hồ, rồi đưa qua người này người kia duyệt, rồi phải làm những báo cáo về phát mẫu thử ở bệnh viện mà cần đọc từng dòng excel một cực kì mất thời gian, rồi phải xử lý những vấn đề trên trời rớt xuống như mã sản phẩm sai tổn thất cả trăm triệu, trong 2 tiếng đồng hồ phải liên lạc hơn chục người để xử hậu quả, v.v…- những việc này, không thích tí nào. Nhưng, cũng giống như nguyên lý nửa cốc nước – đầy hay vơi là do cách mình nhìn nhận. Liệu công việc em làm có đủ để em chấp nhận sẽ phải làm hàng tá thứ em không thích nhưng vẫn được làm việc em đam mê không? Nếu đủ, hãy nhìn nó một cách tích cực và tiếp tục làm. Vì nếu em đang tìm kiếm một công việc lý tưởng 100% thì có lẽ hành trình của em sẽ khó mà có điểm dừng.

“Em không biết mình thích gì, phải làm sao? Hay, làm sao để biết được được mặt tốt, mặt trái của ngành ? Hoặc em có một vài cơ hội khác em chưa làm nhưng em nghĩ là em không phù hợp, giờ làm thế nào?”. Một cách để tìm thêm nguyên liệu cho câu trả lời là em có thể hỏi kinh nghiệm từ người đi trước, nhưng những điều này chỉ mang tính tham khảo thôi vì mỗi người mỗi tính cách, mỗi điểm mạnh điểm yếu khác nhau nên có thể việc phù hợp với người đó mà không hợp với em.  Nên, dĩ nhiên chị hay bất cứ ai sẽ không có câu trả lời cuối cùng, vì người trả lời được câu hỏi này chỉ có em mà thôi. Vậy giờ thử hỏi ngược lại tí nhé, liệu em đã thử làm những công việc đó bao giờ chưa? Nếu chưa thì điều duy nhất chị có thể khuyên em được là “Hãy thử đi”. Chị thì may mắn đã từng thử từ thời sinh viên, thử làm nhân sự, thử làm phát thanh, thử làm biên tập, thử làm Marketing… và sau “n” lần thử thì cuối cùng đã tìm được bến đỗ Marketing của mình. Nếu em chưa tìm được, hãy xem công việc là cơ hội để mình thử, và dĩ nhiên phải làm hết mình mới biết được mình có tìm ra được phần 20% quý giá đó không, chứ nếu chỉ làm cho có, làm cho qua ngày thì có thể em sẽ chỉ nhìn được nửa cốc nước vơi mà thôi. Em hãy xem thử với công việc hiện tại, em đã làm hết sức mình để thực sự hiểu về công việc đủ để quyết định “Thích” hay “Không thích” chưa.

“Tiếp theo, nên làm đúng ngành hay trái ngành? Nếu làm trái ngành thì em sợ phí phạm 4 năm học, không có lợi thế xin việc vì trái ngành, v.v… nhưng làm đúng ngành thì em sợ mình không thích?”. Nhưng chị hỏi, nếu em kiên quyết làm đúng ngành nhưng em lại không thích nó, vậy sau này em có phí phạm thêm mấy năm nữa của đời mình vào việc mình không yêu không. Kể cả em không làm việc đúng ngành, đừng nghĩ là mình sẽ phí 4 năm Đại Học, vì 4 năm đó đã cho em nhiều kinh nghiệm về việc tiếp thu kiến thức, tập học, tập làm, bạn bè, v.v. Chị học Tài Chính Ngân hàng, nhưng làm Marketing và chưa bao giờ hối hận vì quyết định này cũng như tiếc nuối 4 năm học Đại Học của mình, vì chị đã học được rất nhiều thứ, từ logic, cách suy nghĩ, đến các kiến thức khác phần nào cũng giúp cho cách tư duy của chị để áp dụng trong công việc. Nên cơ hội việc làm vẫn rộng mở cho những ngành khác vì họ không chỉ quan tâm đến bằng cấp mà họ cần là kỹ năng và thái độ của em nữa (dĩ nhiên lời khuyên của chị là trừ những ngành đặc thù như bác sĩ, kiến trúc, v.v… nhé). Vậy nên, trái ngành hay đúng ngành không nên là một vấn đề quá đắn đo, mà vẫn nên tự hỏi mình là em có thích công việc đó hay không. Vẫn như trên, chị khuyên em nếu không có câu trả lời chắc chắn – hãy thử cả 2. Còn thử trái ngành trước hay đúng ngành trước thì em hãy suy nghĩ và chọn theo lý trí cũng như con tim của mình nhé.

2. Cơ hội học hỏi

Công việc có giúp em học hỏi được nhiều không, có đủ thử thách không – và, trừ một số lí do khách quan ra, chủ yếu học hỏi sẽ phải xuất phát từ hành động và thái độ của chính em

Nên chọn một công việc giúp em học hỏi được nhiều, kể cả khó khăn và chông gai, đặc biệt là khi em còn rất trẻ, đây là thời gian cực kì quý giá để tiếp thu kinh nghiệm, và em học được càng nhiều thì cơ hội cho con đường phát triển tương lai càng tốt. Nếu em thấy công việc hiện tại đang quá khó khăn, thử thách, nhưng em vẫn có thể cố gắng được, thì đó chính là cơ hội để em học hỏi, để em trưởng thành. Nếu công việc quá dễ dàng thì đó có nghĩa là em chỉ làm những việc trong khả năng của mình và không có cơ hội rướn mình để tập học và làm nhiều hơn. Nói dễ hình dung và xôi thịt thì giống như bao tử của em, em ăn ít thì từ từ nó sẽ teo lại, nhưng nếu em ăn ráng mỗi ngày thì từ từ bao tử sẽ to ra, em sẽ ăn nhiều hơn. Nếu em cứ làm hoài trong khả năng của mình em sẽ không biết giới hạn của mình là ở đâu và phá vỡ giới hạn đó.  Những năm đầu đi làm được “quăng quật” vào Unilever, chị sốc nhiều thứ lắm, sốc từ chuyện phải quản lý cả một cái event to đùng mấy tỉ, dĩ nhiên là vẫn có sếp hỗ trợ nhưng mọi người đặt rất nhiều niềm tin và quyền quyết định (ownership) để chị tự bơi lội, tự tìm hiểu. Có những lúc bơi lội muốn “chết chìm” trong hàng tá thứ không biết lắm chứ, nhiều lúc nản đến cực độ vì thấy mình quá tệ, nhưng rồi cứ nỗ lực, cứ làm hết sức, chịu khó nghe sếp nói, học hỏi thêm đồng nghiệp đi trước, v.v… rồi mới thấy, “à thì ra mình cũng làm được”. Đến lúc xong việc nhìn lại thì thấy mình đã đi được một quãng đường rất xa mà mình không thế hình dung được là mình có thể làm như vậy. Kể cả sau này khi đảm nhiệm những trọng trách lớn hơn, chị vẫn sợ nhiều thứ chứ, sợ mình làm không nổi, sợ mọi người tin mình quá mà để mọi người thất vọng, v.v… nhưng sợ thì sợ , cứ làm thì sẽ dần vượt qua nỗi sợ và để nó vào quá khứ. Nếu sợ khó khăn, thử thách và chọn một công việc dễ dàng để dừng chân thì khả năng của em sẽ là một con số cố định và không tăng tiến được. Điều quan trọng là nên quý những khó khăn thử thách mà em có vì không phải ở đâu em cũng được trao quyền làm việc nhiều, được tin tưởng để “ôm” những trọng trách lớn. Cực thì cực thật, mệt thì mệt thật nhưng nếu cùng tuổi, cùng công việc, em so sánh 1 bạn được thảy vào môi trường khắc nghiệt và một bạn được thảy vào môi trường dễ dãi, em sẽ dễ nhìn ra điểm khác biệt trong thực lực của 2 người.

Nếu em thích công việc Sales, nhưng yêu cầu công việc không cho phép em được học hỏi nhiều hoặc do môi trường vì lí do nào đó như đồng nghiệp, sếp, … kiềm hãm sự phát triển của em thì nên cân nhắc lại công việc của mình. Còn nếu vì quá nhiều thứ làm em hoảng sợ, chị mong em hãy bình tĩnh vượt qua, nếu không tự mình vượt qua được hãy chia sẻ cùng sếp những khó khăn của mình để sếp theo sát và hỗ trợ em hơn.

3. Sếp và môi trường làm việc

Chọn sếp/môi trường làm việc mà em tin tưởng có thể giúp em phát triển, nhưng, đừng lý tưởng hóa tìm kiếm một người sếp/môi trường hoàn hảo và hãy tập cho mình khả năng thích ứng với nhiều tính cách sếp khác nhau nếu em muốn cho mình nhiều cơ hội học tập và tiến bộ.

Chị nghĩ rất nhiều người đi làm đều có chung quan điểm này – đi làm thì chọn sếp, vì đó là người mình sẽ học hỏi rất nhiều, là người quyết định có trao quyền cho mình làm nhiều thứ hay không, là người sẽ giúp mình phát triển. Tuy nhiên, con người không có ai hoàn hảo, sếp cũng vậy, và em cũng vậy. Đừng chọn sếp lí tưởng theo những tiêu chí như “Giỏi – Không la lối, quát nạt mình – luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu , chỉ tận tay từng bước một những gì em làm, không thiên vị, v.v…” vì nếu em là sếp, hàng trăm công việc trước mắt mà vì lí do nào đó bạn nhân viên của em vắng mặt mà báo quá gấp thì em cũng bực chứ, mình là người mà, đâu phải thánh thần đúng không? Hơn nữa, khi em được tuyển vào, em được kỳ vọng là có khả năng phát triển dựa trên sự hỗ trợ của sếp, chứ không phải là chỉ có thể phát triển khi có người cầm tay chỉ việc, nên đừng trông cậy quá nhiều vào chuyện được chỉ từng li từng tí. Vì vậy, nếu em thấy sếp tương lai hoặc hiện tại của em là người giỏi để em có thể học hỏi, người trao quyền cho em làm và phát huy khả năng, người xem em là nhân viên, để đào tạo và phát triển chứ không phải bán đứng hay đưa em làm bia đỡ đạn, hay để vùi dập em và nâng mình lên, … thì chị nghĩ bao nhiêu đó đã là một người sếp rất tốt rồi.

Sẽ có những sếp cực kì nóng tính, em làm sai ý là sẵn sáng la mắng em rất nhiều, làm cho em tổn thương. Nhưng, khi đứng trước mặt những phòng ban khác hay đặc biệt là nhân sự sẽ chỉ nói về những điểm tốt của em, những thái độ tích cực từ em vì những lúc sếp la em chỉ vì mất kiên nhẫn, vì mong em học nhanh hơn, vì áp lực công việc, v.v… mà thôi chứ không phải là ghét bỏ em. Hoặc sẽ có những sếp cứ thoay đổi ý kiến xoành xoạch làm em phải làm đi làm lại hàng chục lần thì thật ra không phải vì họ muốn thay đổi mà bởi vì họ cần thay đổi cho phù hợp nhu cầu kinh doanh, hay vì họ thay đổi theo đường hướng khác hay hơn mà họ nghĩ ra, v.v… ”. Hơn nữa, từ từ em sẽ học được cách “manage sếp”. Ví dụ như sếp thay đổi liên tục em sẽ vẫn cố gắng hết mình nhưng em nói cho sếp hiểu là với những thay đổi này, em cần thời gian, v.v… Cứ làm từ từ em sẽ quen thôi. Rất khó khăn đó, nhưng đây là cơ hội học hỏi của em mà  đúng không?

Tóm lại, những yếu tố ngoài lề mà em không thích lắm ở sếp nhưng không ảnh hưởng đến tiêu chí chọn sếp chính của em như chị đã nói ở trên thì em hãy tập thích nghi, vì nếu không tập thích nghi em sẽ dễ dàng từ chối rất nhiều cơ hội tốt chỉ vì lí do “không thích nghi với sếp”, rất uổng em nhỉ? Trừ khi sếp không đúng như tiêu chí em mong muốn – chẳng hạn như xúc phạm và không tôn trọng em, nói xấu em, v.v… thì có thể suy nghĩ lại về việc đổi công việc nếu không thể xử lý được ở công ty.

Tương tự môi trường cũng thế, không có môi trường nào hoàn hảo 100% vì môi trường thật ra cũng là do rất nhiều người tạo nên. Và nếu ở công ty này em ghét điểm này, em muốn nghỉ, sang công ty khác không có điểm em ghét đó, nhưng chắc gì sẽ không xuất hiện những điểm đáng ghét khác? Và thật ra cái gì cũng có hai mặt, công việc và môi trường nào cũng có cái tốt, chưa tốt, không lẽ mình cứ nhảy việc hoài vì thấy “Cỏ bên kia đồi luôn xanh hơn”?. Nên phải suy nghĩ thật kỹ xem điểm mình không thích ở môi trường đó có thật sự quá lớn để mình phải thay đổi hay không, nếu có, những nơi khác mà mình thay đổi công việc sẽ có điểm nào tiêu cực mà mình sẽ phải đối mặt nếu thay đổi công việc? Hãy “cân não” thật kỹ trước khi quyết định.

4. Tài chính

Với yếu tố này thì cần tùy vào ưu tiên của em từng thời điểm để quyết định

Nếu em thật sự bí bách về tài chính và cần kiếm nhiều tiền, ngay và luôn bằng mọi giá thì em sẽ phải hi sinh một vài tiêu chí để chọn công việc cho em một mức lương tốt nhất.

Nếu em không thật sự cần quá nhiều tiền, hạy chọn dựa trên thứ tự ưu tiên của mình thay vì cứ chăm chăm vào tiền lương. Có nhiều công việc khởi điểm sẽ không quá cao vượt bậc, ngay cả tên chức danh nghe cũng nhỏ bé, nhưng lại đặt em vào một môi trường thử thách với cơ hội phát triển cực kì nhiều, từ đó khả năng thăng tiến cũng tốt hơn. Với những trường hợp đó, hãy nhìn về đường dài đường xa, em nhé. Nhưng dĩ nhiên, đừng chọn công việc đánh giá quá thấp khả năng của em và mức lương không đủ để em tồn tại, vì chúng ta vẫn cần nguồn thu nhập để duy trì năng lượng và nguồn cảm hứng của chính mình.

Cuối cùng, em sẽ hỏi: “Vậy thứ tự ưu tiên nào để chọn công việc đây hả chị?”

Cái này, lần nữa, tùy thuộc vào em. Còn những thứ tự ở trên đã sắp xếp theo thứ tự ưu tiên của chị chọn khi mới ra trường. Lí do là vì chị cần được làm công việc mình thích để không phải sống mỗi ngày một cách uổng phí, cần có cơ hội học hỏi để không phí phạm tuổi trẻ của mình, rồi sau đó sếp/ môi trường làm việc sẽ hỗ trợ chị nhưng cái chính là chị cũng phải luyện cho mình cách thích nghi vì ở đâu cũng sẽ có khó khăn riêng của nó. Tài chính thì tùy thuộc vào hoàn cảnh cá nhân của mỗi người nên chị không đề cập tới nhé.

Có lẽ đây là một trong những bài viết dài nhất của chị từ trước tới nay. Chị đã suy nghĩ rất nhiều nhưng quyết định sẽ không tách thành nhiều bài, vì đây là một vấn đề mà các bạn cần nhìn một cách toàn diện. Chị không mong làm gì to tát, chỉ mong các bạn có thể phần nào hình dung được những hướng đi cho mình, cả bây giờ và trong tương lai.

Thay lời kết, chị gửi tặng bài viết “Làm sao để quyết đoán hơn”: https://chuongkhoidiem.com/lam-sao-de-quyet-doan-hon cho những bạn nào còn đang do dự và lưỡng lự với công việc của mình nghen.

Chúc các bạn thành công chinh phục công việc đầu đời mơ ước, đặc biệt là với chương trình Management Trainee (Quản Trị Viên Tập Sự) nhé!

Yêu thương,
Chị Thư ❤

Bài viết tổng hợp trọn bộ kinh nghiệm thi Management Trainee (Quản trị viên tập sự): Kinh nghiệm thi Management Trainee – Trọn bộ hơn 150 bài viết chi tiết

Cập nhật thông tin về công việc đầu đời tại

Disclaimer: Article includes photos created by Freepik.com

Lưu ý: Tất cả các bài viết thuộc bản quyền của Chương Khởi Điểm, hoặc đã được Chương Khởi Điểm xin phép tác giả. Vui lòng không đăng tải lại hoặc sao chép dưới bất kỳ mọi hình thức trước khi được sự đồng ý của Chương Khởi Điểm.

 

- Advertisement -

FACEBOOK COMMENTS

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here