Trải nghiệm thi Mondelez Sales Trainee từ anh Trần Quang Huy

0
1239

chuong khoi diem next management trainee kinh nghiem thi Sales Fresher Sales Trainee Mondelez Sales Trainee

Bạn nào chưa biết Management Trainee là gì thì xem lại trọn bộ chia sẻ kinh nghiệm thi tất cả các vòng từ các Management Trainee/Fresher/Intern ở đây nhé: Kinh nghiệm thi Management Trainee – Trọn bộ hơn 150 bài viết chi tiết và đừng quên tham gia group Next Management Trainee: fb.com/groups/thenextmt để nhận được cập nhật những bài chia sẻ kinh nghiệm thi tuyển sớm nhất nha!

—————————

Chào các bạn, mình là Trần Quang Huy, nhận được lời mời từ chị Thư, mình rất vui khi chia sẻ những trải nghiệm của mình khi tham gia chương trình Sales Trainee của Mondelez (Mondelez Sales Trainee), mong là sẽ giúp các bạn có thêm thông tin tham khảo khi ứng tuyển các chương trình tuyển dụng của công ty đa quốc gia nhé. Mình cũng rất sẵn lòng kết nối chia sẻ thêm qua Facebook: https://www.facebook.com/quanghuy.tran.102. Khi inbox bạn nhớ nhắn vài lời để mình làm quen nhau mà không bỡ ngỡ nha!

Sơ lược về mình

Học chuyên ngành Kiểm Toán, nổi loạn chuyển ngành sang Marketing, và rẽ hướng sang làm Sales

Mình sinh năm 98, học Đại Học Kinh Tế TPHCM (UEH). 2 năm đầu mình học kiểm toán theo nguyện vọng gia đình, phát hiện ra bản thân mình không thích ngành này kể từ những ngày đầu học môn nguyên lý kế toán. Sau đó mình đấu tranh suốt cả 2 năm để được chuyển ngành sang Marketing vì mình không thích ngồi một chỗ và làm việc kế toán văn phòng, theo một con đường mà mình không đam mê. Vì vậy mình cũng tốt nghiệp trễ hơn các bạn một chút.

Xuyên suốt thời gian học tại UEH, mình cũng tham gia các chương trình tình nguyện như mùa hè xanh, vui hội trăng rằm, tổ chức trung thu cho các bạn trẻ ở Vĩnh Long, Bình Phước, tham gia CLB Kế Toán Kiểm Toán và một số hoạt động khác. 2 năm cuối ở giảng đường Đại Học mình cũng khá tích cực tham gia các cuộc thi dành cho sinh viên và cũng gặt hái được một số giải ở các cuộc thi liên quan đến hùng biện như Chuỗi bình luận sự kiện kinh tế, khám phá thế giới bất động sản 2018, Lead The Change 2017, v.v… Tổng kết lại là cuộc đời sinh viên của mình có thể nói là không quá bình thường, không quá lớn lao, nhưng lại đúng như mình mong muốn là có một quãng thời gian trẻ tuổi sôi nổi.

Khi học Đại Học, mình không đặt mục tiêu tham gia các chương trình tài năng của các tập đoàn lớn mà chỉ nghĩ đơn thuần là ra trường với mức lương 7-8 triệu để đủ nuôi sống bản thân ở đất Sài Gòn, rồi từ từ chứng minh năng lực của mình để có được mức thu nhập cao hơn mà thôi. Nhưng rồi mình được nhận bất ngờ ngoài mong đợi khi đậu Sales Trainee (một số công ty khác thì đặt tên là Sales Fresher hay Giám sát kinh doanh tài năng) của Mondelez. Mình nghĩ cũng chính nhờ sôi nổi và nhiệt tình, một tấm lòng chân thành mà các anh chị tuyển dụng, Area Sales Manager  chọn mình vào Mondelez.  Đây cũng là một điểm thú vị mà mình nhận ra – đó là chương trình thi Management Trainee và Fresher sẽ có điểm khác nhau về tiêu chí, ví dụ như cùng là phòng Sales nhưng khi thi Sales Trainee, với tính chất công việc là làm Giám Sát Điều Hành tại nhà phân phối, bạn sẽ cần có cách giao tiếp, ngôn ngữ, suy nghĩ chân thành và dân dã hay mình gọi vui là “tần số Sales’’ để phù hợp, còn nếu bạn theo hướng khá học thuật như Management Trainee thì cũng có thể sẽ có một vài bất lợi nhỏ.

Trước khi thi Sales Trainee, mình hoàn toàn không có kinh nghiệm làm tại phòng Sales thực tế, nhưng mình nghĩ những trải nghiệm qua đa dạng các hoạt động ngoại khóa ở thời sinh viên đã giúp mình thể hiện được cá tính phù hợp với một người làm Sales.

Những trục trặc đầu đời nhưng không làm mình từ bỏ

Dù không đặt mục tiêu tham gia các chương trình tuyển dụng tại những công ty đa quốc gia nhưng vô tình năm 2020 Unilever có mở CDFresh (Chương trình Sales Fresher của Unilever), mình được 1 người bạn giới thiệu tham gia. Rồi mình cũng thử sức và may mắn được chọn vào những vòng cuối – đi thị trường (field sales), thuyết trình và phỏng vấn cùng hội đồng giám khảo. Ở vòng thi đó sẽ có các anh chị ở phòng Sales Capability (nói dễ hiểu nôm na là phòng đào tạo và phát triển những người làm Sales), phòng Nhân Sự, và các anh Area Sales Manager (ASM – Quản lý vùng). Qua những trải nghiệm Đại Học, mình nhận thấy mình khá phù hợp tính cách với Sales và tin rằng nếu giữ vững phong độ và tư duy, có thể mình sẽ được lựa chọn nếu có duyên với Unilever.

Tuy nhiên, mình lại gặp một sự cố trong quá trình viết luận tốt nghiệp ở trường Đại Học ngay tuần cuối cùng trước khi nộp bài – cũng là thời gian thi vòng này của Unilever. Vì vậy mình buộc phải lựa chọn giữa việc dành thời gian này để sửa khóa luận hoặc thi Unilever và chấp nhận tốt nghiệp trễ. Sau khi suy nghĩ kĩ,  mình quyết định ưu tiên việc làm luận và tốt nghiệp vì nghĩ là nếu chưa có duyên thì thời gian sau mình thi cũng được, còn việc học, tốt nghiệp đúng hạn vẫn là quan trọng và gửi mail cho Unilever thông báo về việc này.

Và mối duyên với Mondelez và Mondelez Sales Trainee

Sau lần “hụt” với chương trình CD Fresh, mình biết đến và quyết định thi Sales Trainee của Mondelez, may mắn được công ty lựa chọn. Mình thấy đó là một quyết định sáng suốt và một con đường phù hợp với mình. Có những nơi mình từng thi, không khí và cách mọi người làm việc làm mình cảm thấy đó là một tổ chức lớn, vận hành theo quy trình và mình chỉ là một bánh răng nhỏ bé sẽ dễ bị văng ra khi sai nhịp. Nhưng với Mondelez thì từ thời điểm làm thí sinh cho đến lúc làm việc chính thức, mình gặp gỡ các anh chị phòng Sales, phòng Nhân Sự, v.v…, mọi người đều chịu khó lắng nghe và tạo cho mình cảm giác như 1 gia đình. Quá trình thi các anh chị cũng hết sức kiên nhẫn, không cắt lời, xen ngang và chịu khó lắng nghe làm cho mình không cảm giác khó chịu, hụt hẫng.

Mặc dù Sales ở đâu cũng áp lực nhưng bạn nào thích môi trường thoải mái như gia đình giống mình thì mình nghĩ là Mondelez là điểm đến phù hợp. Cũng phải có lí do thì mới có rất nhiều anh chị làm lâu năm ở đây, đúng không?

Quy trình thi Mondelez Sales Trainee

Theo mình được biết, năm 2015, Mondelez International mua lại mảng bánh kẹo Kinh Đô. Sau đó công ty bắt đầu triển khai những chương trình tài năng trẻ như Edge Stars (Management Trainee), Edge Sparks (SEA Internship), riêng ở Việt Nam có thêm chương trình Sales Trainee – tương tự chương trình Fresher của những công ty khác.

Các vòng thi của Mondelez Sales Trainee gồm:

  • Vòng 1: Application form/CV
  • Vòng 2: Online Test
  • Vòng 3: HR Interview (phỏng vấn với phòng Nhân Sự)
  • Vòng 4: Khảo sát thị trường (field sales) và Presentation (thuyết trình trước hội đồng tuyển dụng)
  • Vòng 5: Panel Interview (Phỏng vấn lần cuối với hội đồng tuyển dụng)

Năm mình thi, tại khu vực TPHCM có 12 bạn được chọn để vào vòng Panel Interview (hay còn gọi Final Interview), và 5 bạn được chọn làm Sales Trainee 2021.

Trải nghiệm thi vòng CV và vòng Test của Mondelez Sales Trainee

Với mình thì vòng CV không quá khó khăn vì thời đi học mình tham gia khá nhiều hoạt động và điểm học tập cũng khá ổn, vòng Test cũng khá vừa sức nên mình sẽ không nói nhiều về 2 vòng này mà dành thời gian để tập trung những vòng thú vị phía sau nhé. Các bạn có thể xem thêm CV của mình ở đây nha: https://chuongkhoidiem.com/wp-content/uploads/2022/01/CV-Tran-Quang-Huy.pdf

Trải nghiệm thi vòng HR Interview

Khi thi CDFresh của Unilever, vòng thi này khá căng thẳng. Một team được chia gồm 5-7 bạn để thảo luận 1 vấn đề về kinh doanh, ví dụ như vai trò công nghệ trong việc bán hàng ở kỉ nguyên 4.0, hay đưa ra Case study là bạn sẽ thuyết phục các cô chú tiểu thương sử dụng phần mềm mà công ty mới triển khai như thế nào. Sau đó 3 bạn sẽ được chọn để phỏng vấn 1-1 với ASM (Area Sales Manager – Quản lý khu vực) trong thời gian khoảng 40 phút, nếu phù hợp sẽ được tiến đến vòng Final (Field Sales, thuyết trình, phỏng vấn).

Còn với Mondelez thì vòng này chủ yếu để đánh giá xem mức độ phù hợp của bạn với Sales.

Trải nghiệm thi vòng Field Sales của Mondelez Sales Trainee

Có thể nói đây là vòng thi cam go nhất.

Thời gian đó Covid đang bùng lại tại TPHCM, nơi mình ở – kí túc xá cũng cách ly nên không ra ngoài được. Rất may là công ty cho nhóm làm bài mà không cần ra ngoài thị trường – chỉ cần gọi điện thoại cho cô chú tiểu thương để nắm insight của khách hàng và thị trường là được.

Mình thấy may mắn cũng một phần vì có kinh nghiệm thi Field Sales khi thi CDFresh của Unilever nên nắm được khá nhiều điều. Dù thị trường của Mondelez sẽ khác nhưng mình cũng hiểu được những điều cơ bản như cách Sales hoạt động ở thị trường như thế nào, quản lý đội ngũ ra sao.

Khi thi Mondelez, dù đi thi với các bạn nhưng mình sẵn sàng chia sẻ kiến thức mình đã có – như thể hiện tố chất gì, cách nói chuyện ra sao để phù hợp với “tần số của dân Sales thị trường”, trình bày nhấn mạnh những gì để được chọn. Mình cũng không quá quan tâm chuyện lộ bí quyết vì mình thấy vui khi được cho đi.

Ở vòng này, lời khuyên của mình là hãy tư duy, diễn đạt và cư xử như một người làm Sales và phù hợp với “tần số Sales”.

Một vài lời khuyên nhỏ của mình khi các bạn thi vòng này:

1. Suy nghĩ một cách thực tế

Một số bạn dù thi Sales Trainee nhưng vẫn trình bày như tư duy và ngôn ngữ của một người ở văn phòng và chưa thực tiễn.

  • Ví dụ khi được hỏi ở Sales yếu tố nào cần thiết – bạn trả lời: “Sự nhiệt huyết, làm hết khả năng dù KPI là bao nhiêu. Ví dụ anh chị cho tháng đó kiếm được 100 triệu thì em phải làm 200 triệu, 300 triệu”. Nếu bạn đặt tư duy của một người làm Sales, bạn sẽ hiểu là KPI được đặt ra đã là một con số khá tham vọng và cần bạn nỗ lực để đạt được – chứ chưa nói tới chuyện vượt KPI mà gấp đôi và gấp 3.
  • Hay ví dụ khi mình được hỏi làm thế nào để Nhân viên bán hàng đạt KPI, mình trả lời như sau:

“Sau khi phỏng vấn những anh Giám sát bán hàng (Supervisor), em đúc kết là khi mà công ty giao KPI là giao cho cả 1 mắt xích – từ quản lý vùng, quản lý chi nhánh, Giám sát, và nhân viên bán hàng chứ không phải là nhiệm vụ của chỉ riêng nhân viên bán hàng (NVBH).  Vì vậy với cương vị là Giám sát, mình phải xem  đây là mục tiêu chung, một người không làm tốt sẽ ảnh hưởng đến thành tích chung, làm người khác phải gánh nên anh em phải đồng cam cộng khổ.

Bên cạnh đó, phải làm cho các anh NVBH hiểu được là khi họ đạt KPI họ sẽ có lương cao, và một khi đạt KPI thì khi đó họ có thể yên tâm lo được cuộc sống gia đình và con cái của họ.

Tóm lại, mình chạm vào được nhu cầu của NVBH và đồng cam cộng khổ thì sẽ giải quyết được vấn đề thay vì trình bày lý thuyết và những cái vĩ mô, quản trị học.”

Nhờ đó mà anh ASM đã chia sẻ là anh rất tâm huyết với phần trả lời của mình – “làm Sales cần đảm bảo cuộc sống của anh em”.

2. Đừng than phiền quá nhiều, hãy tìm giải pháp

Một bạn khác chuẩn bị rất chu đáo và kỹ càng, thậm chí làm luôn cả phần design cho phần thuyết trình của team. Tuy nhiên, bạn lại dành thời gian để than phiền với Ban Tổ Chức quá nhiều. Phần này bạn bị mất bình tĩnh, nhưng vì đang trong meeting phỏng vấn nên mình không thể nhắc bạn được. Khi đi phỏng vấn, đúng là team có gặp khó khăn vì không phỏng vấn được một số chủ cửa hàng do danh sách và số điện thoại có một vài thông tin không chính xác. Theo mình, bạn vẫn có thể nêu lên khó khăn này nhưng không nên mất quá nhiều thời gian. Chính vì vậy mà các anh chị giám khảo đã phải nhắc bạn nên tìm giải pháp thay vì than phiền. Thực tế khi bạn làm Sales cũng vậy, bạn sẽ gặp nhiều vấn đề thị trường nhưng cần tìm cách để xử lý nó, nếu bạn không bình tĩnh vượt qua khi đi thi thì làm sao có thể chứng minh bạn phù hợp với công việc về lâu, về dài.

3. Lên kế hoạch, nói một cách chất lượng, biết ưu tiên nội dung quan trọng, chân thành

Mình cũng thực hiện các bước như chị Thư chia sẻ ở các bài viết trên Chương Khởi Điểm – như không tham lam nói quá nhiều mà chọn lọc các ý hay để nói, và nói có chất lượng với bằng chứng rõ ràng. Mình lên kế hoạch và liệt kê những ý mình nghĩ ra, ý nào tâm huyết nhất thì mình sẽ dành thời gian nói nhiều nhất, các ý khác thì nêu sơ lược. Mình cũng dành khoảng lặng để quan sát tình hình và lắng nghe khi cần thiết.

Có nhiều bạn muốn thuyết trình nhiều hơn để có thể gây ấn tượng với ban giám khảo nhưng chưa chắc đạt hiệu quả cao vì họ chỉ quan tâm đến chất lượng những ý chính mà bạn nói.

Mình thì thuyết trình phần giải pháp – làm thế nào để người Sales đạt được KPI – chỉ tiêu về doanh số. Và đây là nội dung quan trọng mà các anh muốn lắng nghe.

4. Dùng ngôn ngữ Sales, đặt góc nhìn như một người làm Sales

  • Ví dụ khi được hỏi 3 lí do chọn Sales, mình trả lời như sau và nhận được phản hồi tích cực từ các anh Sales:

“Ý thứ 1 có thể thô nhưng thật – Sales nhiều tiền. Nếu không thì thay vì tụi em ra trường làm ở văn phòng máy lạnh, vì sao phải ra đường nắng mưa sương gió làm gì. Học hành ở Đại học đàng hoàng 4 năm trời mà phải chở hàng vất vả, nhiều bạn còn có thể tủi thân nữa. Vì vậy mức lương là yếu tố quan trọng để tụi em gắn bó với Sales – em nghĩ không chỉ em mà nhiều bạn cũng cùng quan điểm này”.

  • Hay như khi được hỏi “Nếu các anh chị nhân viên bán hàng không làm đúng quy định của công ty thì em giải quyết thế nào?”. Một số bạn khác có thể trả lời là xử lý nội bộ, làm theo quy trình và quy định của công ty. Quan điểm của mình lại khác:

“Mọi người nghĩ xem, lương thấp, còn chở hàng, còn ra ngoài đường, nắng mưa bất chợt, đủ thứ cực nhọc, mình còn hở một chút là dọa dẫm, lấy quy định này nọ để đè các anh chị thì về lý là đúng nhưng về tình lại không. Kết quả các anh chị sẽ sợ sệt, không thoải mái, e dè và chắc gì vấn đề được giải quyết. Vì vậy, em sẽ hẹn anh chị đó ra cà phê tâm sự để hiểu được anh chị khó khăn ở đâu và cùng anh chị giải quyết từ từ, chứ không thể chỉ rập khuôn và vội vàng xử lý.”

Mình nghĩ cũng nhờ cách trả lời rất gần với Sales này mà các anh chị nhận thấy mình phù hợp với Sales.

  • Và một ví dụ nữa là khi bạn giới thiệu với cửa hàng lúc đi thị trường thực tế (Field sales), bản thân bạn cũng có thể nghiệm lại xem mình có phù hợp với Sales không. Chẳng hạn như mình thấy có bạn giới thiệu về công ty và bản thân với những từ ngữ khá đao to búa lớn và hoành tráng như nói chuyện với nhà tuyển dụng, để rồi cô tiểu thương “đứng như trời trồng” vì cảm thấy xa lạ trong cách giao tiếp của bạn. Ở trường hợp đó, có thể bạn sẽ chưa phù hợp với Sales, đặc biệt là kênh truyền thống

Tóm lại, các bạn cứ chân thành, giản dị, đừng quá trừu tượng và quá lý thuyết để phù hợp với tố chất Sales.

4. Nhiệt tình

Có thể đôi khi góc nhìn của bạn bạn tự đánh giá là không quá xuất sắc nhưng nếu bạn thể hiện ra thì biết đâu ý đó cũng được ban giám khảo đánh giá cao, hơn nữa nếu bạn thể hiện tâm huyết của mình qua cách trình bày thì càng là một điểm cộng nữa. Sự nhiệt huyết trong từng câu chữ đóng góp vai trò rất lớn trong việc được chọn hay không.

Trải nghiệm thi vòng Final Interview – vòng cuối của Mondelez Sales Trainee

Final interview của Mondelez chia ra theo 3 miền: Bắc, Trung, Nam. Có một điểm các bạn có thể yên tâm là công ty rất quan tâm đến chất lượng ứng viên, ví dụ ban đầu TPHCM chỉ có kế hoạch tuyển 4 người nhưng vì có đến 5 ứng viên mà công ty ưng ý nên cả 5 người đều được lựa chọn. Vì vậy bạn hãy cứ làm tốt phần mình thay vì để ý quá nhiều vào số lượng ứng viên cuối cùng nhé.

Ở vòng này, có rất nhiều anh chị giám khảo đánh giá, nhưng lại tạo cho mình cảm giác thoải mái đáng kinh ngạc, tạo điều kiện tối đa trong quá trình phỏng vấn.

Một vài câu hỏi trong quá trình phỏng vấn

Câu hỏi mở màn là mình có tìm hiểu về Mondelez chưa – về công ty, sản phẩm, v.v… Những câu hỏi này bạn đều có thể tự chuẩn bị và tìm hiểu trước.

ASM đặt câu hỏi về sự giống nhau và khác nhau giữa 1 người thẩm phán và nhân viên bán hàng. Câu hỏi này khá khó nên thay vì trả lời liền, mình xin 3 phút suy nghĩ chứ không nói bừa. Phản hồi của mình là:

  • Giữa người thẩm phán – 1 bên là pháp luật 1 bên là bị cáo, họ phải cân bằng được giữa 2 bên; người bán hàng cũng vậy: 1 bên là công ty, 1 bên là khách hàng, phải biết cân bằng cả hai, không thể vì quyền lợi công ty mà thiếu quan tâm đến khách hàng và ngược lại. Ví dụ như không thể vì chạy doanh số mà ép tiểu thương nhập hàng, vì họ nhập hàng mà không bán được thì họ cũng thiệt thòi, và về lâu dài cũng sẽ ngừng nhập hàng ở công ty. Phải có trách nhiệm với cả 2 bên thì mới có thể hợp tác lâu dài, không thể nghiêng hẳn bên nào.
  • Hơn nữa, cả hai đều cần tư duy logic. Người bán hàng không chỉ ăn nói giỏi, “chém gió mồm” mà còn phải biết cách tư duy và phân tích để thuyết phục khách hàng hay lên kế hoạch cho chính mình.

Một anh khác cũng đưa ra tình huống để mình thuyết phục cửa hàng mua bánh Kinh Đô thay vì sản phẩm công ty đối thủ ở mức giá thấp hơn. Mình cũng đưa ra cách làm nhấn mạnh vào độ nhận biết thương hiệu cao của Kinh Đô sẽ giúp hàng dễ bán hơn, chênh lệch 1000-2000 chưa quá lớn so với mức thu nhập hiện tại của người dân, đặc biệt là khi chất lượng của bánh Kinh Đô hơn hẳn sản phẩm khác và sẽ đảm bảo chiều lòng được khách hàng. Trừ trường hợp giá cao quá vượt trội thì các cô chú có thể cân nhắc, nhưng ở mức giá này Kinh Đô vẫn sẽ giúp cô chú bán hàng tốt hơn.

Hãy liên kết trải nghiệm thực tế trong quá khứ với tố chất Sales trong bạn

Bạn không cần có kinh nghiệm làm Sales – tư duy phân tích sẽ giúp bạn liên kết được tố chất phù hợp qua từng trải nghiệm cá nhân dù là nhỏ nhất.

Xuyên suốt các vòng thi, đặc biệt là vòng Final Interview, dù chưa có kinh nghiệm làm thực tế ở Sales nhưng điểm giúp mình thuyết phục các anh chị tuyển dụng là khi thể hiện được những tố chất của mình hợp với Sales qua những trải nghiệm thực tế từ thời còn đi học.

  • Tăng doanh số bán hàng dù không phải là nhân viên bán hàng qua cách phân tích tình hình cụ thể

Ví dụ thực tế: mình đã giúp cải thiện việc bán hàng tại căn tin như thế nào. Ngày xưa mình từng bị rớt môn Nguyên lý Kế toán vì không thích môn học, mình quyết định nổi loạn – bỏ học và nhận về 1 điểm 1. Nhà mình kiên quyết không cho tiền mình học lại, và mình nhận thấy việc học là cần thiết nên đã nghiêm túc lại và dành mùa hè phụ bàn cho căn tin kí túc xá để có tiền đi thi. Dù xuất phát từ sự cố nhưng việc mình dành 2 tháng hè kiếm tiền học lại đã giúp mình hiểu nhiều về khách hàng, cách bán hàng hơn và thậm chí là có những giải pháp giúp căn tin tăng doanh số.

Vị trí: Mình nhận thấy là căn tin thiếu “địa lợi” – ở tầng 8 nên sinh viên phải đi bộ lên lầu để lấy hộp cơm và sẽ lười đặt hàng hơn là đi xuống lầu ghé quán cơm sát bên. Vì vậy, mình sẵn sàng đi ship tới tận phòng cho các bạn để bán được nhiều hơn.

Dich vụ khách hàng: hộp cơm của căn tin với chỗ khác thì gần như tương tự nhau. Nhưng mình có thể cải thiện để các bạn thích không gian ở căn tin hơn, tận dụng lợi thế thân thuộc vì nằm trong khuôn viên kí túc xá, mình cũng sẵn sàng lau bàn, tưới cây tạo không gian ăn uống sạch sẽ gọn gàng để các bạn muốn ghé đến ở những lần sau.

  • Phân tích nhóm khách hàng và đưa ra chiến lược hiệu quả

Khi là thành viên CLB Kế Toán Kiểm Toán, mình có nhiệm vụ bán vé cho CLB cho những bạn ở kí túc xá, qua đó mình chia ra những tệp khách hàng khác nhau và cách tiếp cận khác nhau:

Nhóm thực sự quan tâm sản phẩm: những bạn có sẵn nhu cầu, là những bạn biết đến cuộc thi và câu lạc bộ Kế toán – Kiểm toán và có nhu cầu mua từ trước – không cần nói quá lâu, chỉ cần giới thiệu sơ những điểm chính là bạn mua liền.

Nhóm đã biết về sản phẩm: biết về CLB rồi nhưng chưa biết về cuộc thi – mình cần chia sẻ sơ về sự kiện và thêm một ít điều kiện để kích thích nhu cầu của bạn như các bạn biết là tham gia được điểm rèn luyện thì sẽ mua vé.

Nhóm không quan tâm nhưng có thể thay đổi quyết định: những bạn chưa biết về CLB – với nhóm này cần chuẩn bị tâm lý và nội dung chi tiết đầy đủ hơn, sẵn sàng giải thích kỹ để bạn lựa chọn mua vé.

Nhóm chưa phù hợp: ví dụ các bạn nói ngay từ đầu là không có nhu cầu và đang tập trung cho khóa luận hay công việc khác – đây là nhóm mình nên rời bỏ để tránh mất thời gian của cả các bạn và kể cả mình.

  • Sự tinh tế khi tìm hiểu và tiếp xúc với khách hàng

Ví dụ ngày xưa bán vé ở kí túc xá là phải gõ cửa. Mình hiểu rằng với phòng của những bạn nữ các bạn sẽ không thích bị săm soi và cần thời gian chuẩn bị trước khi mở cửa nên mình cần nép qua một bên khi gõ cửa. Điều đơn giản này nhưng sẽ giúp các bạn nữ cảm thấy thoải mái và sẵn sàng tiếp nhận cuộc trò chuyện hơn.

  • Chịu khó

Hồi trước mình có tham gia chương trình “Tiếp sức đến trường”, đứng đầu 1 nhóm với nhiệm vụ khảo sát nhà trọ địa bàn quận 6 để cung câp cho các bạn tân sinh viên. Công việc này khá gần với Sales vì phải ra nắng, tiếp xúc người lạ. Mới đầu mình cũng bị xua đuổi khá nhiều vì các cô chú nghĩ là “cò nhà trọ”. Lúc sau phải giới thiệu kĩ chương trình thì các cô mới yên tâm hơn.  Mình quan niệm không thể vì thất bại ban đầu mà nghỉ được, có thất bại thì phải cố đến lần thứ 2.

Và thể hiện khéo léo những kỹ năng khác qua những câu chuyện bạn kể

Hãy là chính bạn – nhưng có chiến lược. Chọn những câu chuyện thực tế thể hiện được kỹ năng của mình và cũng là kỹ năng mà công ty đang tìm kiếm.

  • Khả năng phân tích và sự kiên nhẫn

Khi được hỏi kể về 1 thất bại và vượt qua thất bại thế nào – mình kể về việc bị rớt môn và cách mình đạt 9.0 sau khi rớt môn Nguyên lý Kế toán lần đầu với 1 điểm.

Mình phân tích từ việc dù mỗi người có một khả năng khác nhau nhưng mình không thể quá chênh lệch với số đông vì yêu cầu của bộ môn này không khó như thi học sinh giỏi quốc gia mà chỉ cần chịu học. Mình đã dành thời gian phỏng vấn những bạn đạt 9.0 để học từ các bạn, đúc rút được là để 1 môn trên 8.0 thì tổng số lượng thời gian cần có là 60h/môn, 1 ngày các bạn dành tầm 2 tiếng – 4 tiếng cho việc học, quan trọng nhất là các bạn làm được một điều: học một cách đều đặn giúp kiến thức được lặp đi lặp lại trong não và nhờ đó các bạn rất chắc kiến thức. Mình đã thực hiện dựa trên phương pháp đó và cuối cùng gần được 9.0.  Mình tin là người khác làm được mình làm được , miễn là mình phải biết cách làm.

  • Sự sáng tạo:

Cũng là câu chuyện về nhà trọ, để có thể lấy nhiều thông tin nhanh hơn, mình search trên google có nhà trọ nào để khoanh vùng khu vực, và đặc biệt tập trung hỏi các cô chú ở đầu hẻm – những người thường được xem như là “loa phường” – nắm rất nhiều thông tin của cả xóm. Nhờ vậy mà tụi mình có được thông tin nhanh chóng, quy hoạch được nhiều nhà trọ hợp lý và chụp lại được nhiều hình ảnh cho các bạn tân sinh viên lựa chọn tốt hơn.

  • Kỹ năng lãnh đạo, tư duy chiến lược:

Mình kể về việc mình dựa vào khả năng của mỗi người để đưa họ vào ở vị trí, vai trò và đưa ra deadline phù hợp để phát huy điểm mạnh của từng người. Ví dụ như khi học Đại Học, nhóm của mình thường không phải là nhóm thân quen mà là những thành viên còn sót lại của lớp, có bạn học bình thường nhưng làm Powerpoint rất giỏi, bạn giỏi về tìm kiếm thông tin, v.v… Mình sẽ phân chia các bạn vị trí các bạn có lợi thế, còn bản thân với khả năng tư duy chiến lược thì mình lên sườn bài và phân chia công việc quản lý nhóm. Kết quả là dù nhóm có độ nổi trội kiến thức không bằng nhưng mình tự tin là team mình phối hợp tốt để tạo thành một team mạnh. Dù điểm không phải hạng nhất nhưng cũng không ít lần hạng 2,3, và có lúc giảng viên cũng công nhận là ngạc nhiên vì dù đây là nhóm cô lo nhất nhưng lại làm rất tốt và đánh giá xứng đáng với điểm 9.

Mình cũng linh hoạt trong việc giao deadline và tôn trọng quyền cá nhân của mỗi người. Mình không quở trách teammate mà sẵn sàng hỗ trợ vì mục đích chung, quan trọng là bức tranh lớn chứ không vì một vài tiểu tiết mà gây mất đoàn kết nhóm. Ví dụ bạn cần đi chơi với người yêu – chỉ cần báo trước để team sắp xếp lịch họp phù hợp, miễn là deadline bạn đảm bảo. Mình cũng có đọc 1 case study là 1 công ty công nghệ của Mỹ có cách làm thông minh vì múi giờ Mỹ và Ấn độ trái ngược nhau nên khi giao deadline ở khung giờ phù hợp thì gần như quy trình sẽ không có khoảng trống mà tận dung được thời gian tối đa. Mình cũng ứng dụng nguyên lý này – khi quan sát thấy team có 1 bạn thức khuya, 1 bạn ưa dậy sớm nên mình giao đầu việc cho bạn thức khuya làm với deadline làm sao để 7h sáng bạn còn lại nhận được phần đó để làm tiếp tục. Mình không áp đặt chuẩn mà linh hoạt phù hợp với khung giờ của từng bạn, nhờ vậy dù nhóm thường chạy sát deadline nhưng điểm luôn ổn định ở mức trên 8.

Trải nghiệm – phân tích – đúc rút – diễn đạt là quy trình giúp mình thể hiện bản thân tốt nhất.

Những câu chuyện bạn kể trong quá trình này vừa thể hiện bạn có tố chất phù hợp với Sales, vừa giúp thể hiện sự logic, kỹ năng phân tích của bạn khi đưa mọi ví dụ dẫn chứng vào một trật tự dễ hiểu và dễ nắm bắt – những yếu tố cần thiết của một người làm Sales cũng như nhân viên của các tập đoàn đa quốc gia.

Vì vậy, hãy yên tâm là chính bản thân mình – để quyền lựa chọn cho các anh chị ban giám khảo. Đây cũng là lời mà các anh chị tuyển dụng Mondelez nhắn gửi qua các livestream về chương trình tuyển dụng tài năng trẻ. Hãy kể những gì mình đã trải qua từ những chuyện bình thường nhất, đừng bịa chuyện hay trở thành một ai khác

Một vài điểm thú vị khác về chương trình tuyển Sales Fresher/Sales Trainee mà mình muốn chia sẻ

1. Vì sao lại tuyển các bạn trẻ để trở thành đội ngũ lãnh đạo tương lai của phòng Sales?

Sales không chỉ làm ở kênh truyền thống; các cửa hàng tạp hóa, chợ mà còn phát triển lên những kênh siêu thị, các đối tác doanh nghiệp, v.v…  Những bạn Sales Fresher được công ty lựa chọn dựa trên cả yếu tố về độ phù hợp với Sales cũng như về kiến thức kinh doanh, kỹ năng, tư duy, cũng như sự chuyên nghiệp. Vì vậy khi các bạn đi làm và thăng tiến thì các bạn không chỉ giao tiếp được với các anh chị tiểu thương theo cách giản dị, mà cũng có thể làm việc chuyên nghiệp với các đối tác lớn như các kênh siêu thị, cơ quan xí nghiệp, và kể cả những đối tác nước ngoài. Ngoài khả năng bán hàng và “ra số”, khả năng tư duy, phân tích chiến lược của các bạn trẻ cũng được đánh giá cao, góp phần để các mục tiêu của công ty được triển khai thông suốt giữa phòng Sales và với khối văn phòng, giúp doanh nghiệp phát triển Sales không chỉ trong ngắn hạn mà cả dài hạn.

2. Những “mặt trái” của Sales mà bạn nên chuẩn bị tâm lý trước

Sales có thể khắc nghiệt hơn bạn nghĩ.

Khi làm sales, đặc biệt là ở kênh truyền thống (General Trade – GT), môi trường và văn hóa có thể rất khác biệt so với môi trường giảng đường sinh viên. Sẽ có những điều bạn thấy, những người bạn gặp, những việc người khác làm mà bạn cảm thấy không hài lòng, chưa kể bạn sẽ phải làm việc ở môi trường nắng mưa, sương gió. Thử tượng tượng nếu bạn làm ở công ty bánh kẹo, bạn có thể sẽ vừa bán hàng vừa chở thùng hàng phía sau, bánh mì treo đầy cả xe, đôi khi nhìn còn “bần hơn cả shipper”. Rồi sẽ có lúc bạn bán được hàng, nhưng có lúc chủ cửa hàng không nhập hàng thêm, bao nhiêu là áp lực. Có lúc buồn ngủ cũng phải chong mắt lên để đi thị trường, hay mưa ầm ầm ngoài trời lỡ làm thùng bánh ướt mẹp. Và có cả những việc nằm ngoài khả năng kiểm soát của bạn hay không giống với lý thuyết và quy trình kiểu mẫu mà bạn đã từng nghĩ về Sales, bạn có sẵn sàng đối mặt chưa?

Với kênh Key Account (những đối tác lớn, những điểm bán hàng có doanh số lớn như căn tin ở nhà máy, công ty,…), bạn ít khi phải chở quá nhiều hàng hóa như ở kênh GT. Bên cạnh đó, khách hàng của bạn cũng sẽ dễ chịu và “mềm mại hơn” trong cách nói chuyện nên ở kênh này, các anh Sales cảm giác rất thoải mái khi trao đổi với khách hàng. Tuy nhiên, việc đàm phán những hợp đồng lớn với rất nhiều chi tiết phía sau, cũng như khi làm sao tìm ra người ra quyết định mua hàng ở cơ quan, tổ chức cũng là một điều không dễ dàng gì. Tuy nhiên, đối với mình, được làm việc ở kênh này là một trải nghiệm tuyệt vời và mình học hỏi được rất nhiều.

Sẽ còn khó khăn hơn khi bạn so sánh mình với bạn bè – những bạn được làm việc trong môi trường văn phòng, mát mẻ. Bạn sẽ không tránh khỏi những lúc tủi thân. Đó cũng là lí do mà tỉ lệ đào thải của chương trình Sales Fresher/Sales Trainee thường khá cao, nhiều khi không phải do công ty mà là do chính các bạn lựa chọn.

Tuy nhiên, nếu bạn chuẩn bị tâm lý sẵn và tuân thủ “luật chơi”, chấp nhận cả những điểm tích cực lẫn chưa được màu hồng của nghề thì bạn sẽ trụ được. Bạn có thể sẽ phát triển sự nghiệp của mình trong dài hạn rất tốt với khởi điểm này như từ Sales Trainee lên Sales Supervisor, ASM, RSM, hoặc hướng khác là luân chuyển nội bộ đến các phòng ban như Sales Operations, Trade Marketing, Sales Capability – những công việc sẽ vẫn giúp bạn gần gũi với thị trường nhưng cũng cân bằng với một lượng thời gian tương đối ở văn phòng.

3. Sales Trainee/Fresher có mức phúc lợi và lộ trình đào tạo khá tốt. Nên tìm hiểu môi trường công ty khi bạn ứng tuyển.

Các chương trình này của những công ty đa quốc gia thường có mức lương, phụ cấp, thưởng KPI khá ổn, thăng tiến nhanh đồng nghĩa với mức độ tăng phúc lợi cũng tăng nhanh tương ứng. Ví dụ như bạn mới vào thì thực nhận có thể từ 10-20 triệu (thường là ở mức trên 15 triệu), lên vị trí Supervisor thì có thể 20-30 triệu tùy vào đánh giá kết quả làm việc của bạn.

Mức lương đầu vào của các công ty thường chênh lệch không quá nhiều, các bạn nên nhìn tiềm năng dài hạn của công việc chứ không chỉ đơn giản là điểm khởi đầu. Hơn nữa, môi trường làm việc cũng là một yếu tố các bạn nên cân nhắc, một số môi trường khắc nghiệt tuy cực nhưng sẽ giúp bạn phát triển nhanh, nhưng môi trường như gia đình lại giúp cho bạn tâm lý thoải mái hơn – bạn cũng nên cân nhắc xem mình phù hợp với môi trường nào. Con người mà, có thể mình cạnh tranh ở một giai đoạn ngắn nào đó chữ gồng mình mãi cũng mệt đúng không?

Còn với bản thân thì mình thấy Mondelez là một môi trường rất tốt để cống hiến khi các chương trình tuyển dụng và đào tạo tài năng trẻ đang được đầu tư với nhiều phúc lợi tốt, và lộ trình phát triển lên quản lý cũng khá nhanh chóng.

3. Sales là sự cân bằng giữa bức tranh thực tế và tầm nhìn lý thuyết

Đôi khi một số bạn làm Management Trainee được đi thực tế tại Nhà Phân Phối, hoặc một số bạn Fresher trong giai đoạn đầu làm việc sẽ bị “sốc” vì  có những điều thực tiễn không giống lý thuyết được dạy, hay có những thiếu sót, những điều chưa chuyên nghiệp tại thị trường, dẫn tới thất vọng khi làm việc.

Nhưng quan niệm của mình là là Sales không chỉ đơn thuần là ép mọi thứ vô khuôn khổ – vì nếu mình quá khô cứng và ép buộc thì có thể sẽ gặp phải sự không đồng lòng và phản đối từ lực lượng bán hàng, thậm chí tệ hơn là sẽ không còn nhân viên để xây dựng và phát triển thị trường, nhưng nếu thả thị trường vận hành tự do thì sẽ gây ra hỗn loạn và thiếu trật tự, ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của công ty.

Vì vậy mình cần nắm được đâu là những điểm chính để ưu tiên. Ví dụ như độ phủ cửa hàng, độ phủ hàng hóa là quan trọng vì để đảm bảo hàng của công ty không bị thay thế – đặc biệt với những ngành hàng mà người tiêu dùng dễ chuyển đổi thương hiệu như bánh kẹo. Điều này góp phần tạo tâm lý và thói quen mua hàng, đảm bảo độ nhận diện cho sản phẩm của công ty. Hàng hóa bán được là nhờ sự phối hợp nhịp nhàng giữa Sales và Marketing (thị trường tốt, chiến lược marketing/slogan tốt), cũng như những phòng ban hậu cần khác.

Phủ nhận chuẩn mực sẽ làm thị trường đi xuống, nhưng quá rập khuôn cũng sẽ khó để đảm bảo lực lượng đồng lòng phát triển cho công ty. Vì vậy, thay vì chỉ chăm chăm vào khuôn mẫu, người làm Sales cần cân bằng cách làm việc, quản lý để khoảng cách giữa kỳ vọng công ty và bức tranh thị trường không quá khác biệt.

4. Làm sao để biết mình có phù hợp với Sales Trainee không?

Sau khi thi tuyển và quan sát, mình có một vài gợi ý như sau:

  • Nếu bạn từng tham gia cuộc thi liên quan đến chiến lược, kế hoạch, Marketing thấy mình phù hợp với khối văn phòng, có kỹ năng Tiếng Anh tốt thì bạn nên thi Management Trainee – một chương trình với mức lương tốt, môi trường phù hợp kỳ vọng của bạn.
  • Còn nếu bạn là một người thích di chuyển, xông xáo làm việc ở những vị trí “tiền tuyến” tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, tạo ra doanh số cho CLB, cân bằng được lí thuyết thực tiễn, hay thích tham gia những chương trình tình nguyện, chịu khó chịu khổ, mong muốn bức phá phát triển với một chương trình có lộ trình đào tạo rõ ràng và nhanh chóng, hay có một chút hạn chế về Tiếng Anh thì Sales Trainee/Sales Fresher sẽ rất phù hợp với bạn. Theo mình biết, cả 4 chương trình lớn của các công ty Unilever, Suntory Pepsico, Masan và FrieslandCampina đều dùng Tiếng Việt hoàn toàn trong cả 4 vòng nên đây cũng là một điểm để bạn yên tâm ứng tuyển.
  • Ngoài ra, bạn cũng có thể rèn luyện kỹ năng cho mình với các chương trình có những vòng thi tương tự các chương trình tuyển dụng này như Doanh Nhân Tập Sự, Ứng Viên Tài Năng, v.v…

Cảm ơn các bạn đã đọc bài chia sẻ rất dài của mình – vì mình mong là có thể truyền đạt thật chi tiết và đầy đủ hành trình của mình để các bạn nắm rõ thông tin về chương trình Sales Trainee/Sales Fresher này, và hơn nữa là thêm tự tin ứng tuyển. Chúc các bạn thật thành công nhé!

Quang Huy

Bài viết tổng hợp trọn bộ kinh nghiệm thi Management Trainee (Quản trị viên tập sự): Kinh nghiệm thi Management Trainee – Trọn bộ hơn 150 bài viết chi tiết

Cập nhật thông tin về công việc đầu đời tại

Disclaimer: Article includes photos created by Freepik.com

Lưu ý: Tất cả các bài viết thuộc bản quyền của Chương Khởi Điểm, hoặc đã được Chương Khởi Điểm xin phép tác giả. Vui lòng không đăng tải lại hoặc sao chép dưới bất kỳ mọi hình thức trước khi được sự đồng ý của Chương Khởi Điểm.

 

- Advertisement -

FACEBOOK COMMENTS

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here