Vì sao khi phỏng vấn sinh viên bị đánh trượt?

0
11448

Có bao giờ khi đi phỏng vấn sinh viên bị đánh trượt mà không biết lí do? Đừng nghĩ là công ty đang chèn ép bạn hay không nhận ra khả năng của bạn. Cái gì cũng có lí do cả. Hãy đọc bài viết này để khám phá một vài nguyên nhân và lỗi sai mà bạn mắc phải khi phỏng vấn, kèm 2 bí quyết phỏng vấn hiệu quả ở cuối bài nhé!

Chị Thư ơi, em mới thi phỏng vấn của một công ty và bị trượt mất rồi. Em không biết lí do vì sao. Theo chị nghĩ thì tại sao có những bạn không đậu như em vậy chị?

“Chị cần thêm thông tin mới trả lời được, vậy em nghĩ vì sao em không đậu nè?”.”Dạ có thể vì khi được hỏi tại sao bạn chọn công ty của chúng tôi, em trả lời vội vàng mà không thật lòng lắm chị ạ. Em nói là em thích công ty vì công ty đa quốc gia, môi trường chuyên nghiệp, giúp em có nhiều cơ hội phát triển và học hỏi. Em thấy mình trả lời không có gì đặc biệt lắm.”

Chị nghĩ bạn đã có câu trả lời đúng, bạn chưa cho nhà tuyển dụng thấy được “cái tâm” và sự trân trọng với công ty. bạn đưa ra một câu trả lời mà có thể thay bất cứ tên công ty nào vào cũng được, có thể là Unilever, hoặc công ty đối thủ như P&G, hoặc một công ty công nghệ thông tin như ELCA. Nhà tuyển dụng hỏi để biết bạn có hiểu đúng về công ty chưa và hơn hết, nếu một chuyện nhỏ và dường như mặc định cho mọi cuộc phỏng vấn, đó là tìm hiểu công ty mà bạn còn chưa làm tốt thì mai này ai sẽ dám giao việc lớn hơn cho bạn ở công ty, đúng không? ? Chưa kể, sau này khi đi làm sẽ còn biết bao nhiêu khó khăn và áp lực trước mắt. Bạn là sinh viên, chắc chắn sẽ có nhiều kì vọng và nhiều mơ ước đôi khi khá”màu hồng” và không thực tế, nhà tuyển dụng cần hiểu được điều này từ sớm.

Bạn gái ở trên không phải là trường hợp đầu tiên trả lời như vậy. Vậy tại sao các bạn thường hay đưa ra câu trả lời chung chung❓ Điều này thường do hai trường hợp: hoặc là bạn trả lời rập theo khuôn mẫu, hoặc là vì bạn chưa chuẩn bị đủ kĩ.

1⃣  Đừng trả lời rập khuôn theo “template”, hãy Cá-Nhân-Hóa câu trả lời của bạn!

 Chị biết trên mạng có rất nhiều câu hỏi và câu trả lời theo khuôn mẫu được cho là “Cách trả lời tốt nhất cho buổi phỏng vấn”.  Và nhiều bạn áp dụng nó như một bài học thuộc lòng, không chỉ cho câu hỏi này mà còn cho rất nhiều câu hỏi khác nữa. Lời khuyên của chị là hãy né những câu trả lời rập khuôn tưởng chừng hay nhưng sáo rỗng vô cùng đó. Mỗi người là mỗi câu chuyện, mỗi cá tính khác nhau. Và công ty muốn nghe câu chuyện của chính bạn, để xem bạn đã tìm hiểu đến đâu về công ty, bạn có thực sự yêu thích công ty như mình nói không. Hay với những câu hỏi về kĩ năng, họ cần bạn chứng minh với câu chuyện của chính bản thân bạn trong quá khứ chứ không phải là những lời đối đáp mà họ phải nghe đi nghe lại ở bất cứ ứng viên nào như bài “đề cương”.

Đừng biến mình thành một con robot được tô vẽ bởi những lời lẽ của người khác, hãy là chính bản thân mình. Tin chị đi, các bạn có thể đặc biệt theo cách của riêng mình!

 Hồi xưa, khi được phỏng vấn “Vì sao em chọn công ty Unilever?”, chị đã dùng những câu chuyện không đụng hàng của chính mình để trả lời. Chị kể về tình yêu những nhãn hàng của công ty từ thuở bé xíu: câu chuyện cả nhà chị đều mê sản phẩm Dove và quảng cáo “nói vậy thôi biết đâu mai mốt ổng cũng xài”, hay luôn luôn xài mỗi sản phẩm OMO vì bột giặt sạch mà quảng cáo có con nít thấy ghét. Chị kể về sự ngưỡng mộ những anh chị làm ở Unilever mà chị có dịp quen biết và làm việc chung, những người đã truyền lửa và cảm hứng bất tận cho chị với vốn kiến thức phong phú và sự khiêm tốn, điềm tĩnh lạ kì. Chị cũng không quên lồng ghép niềm tự hào với những sứ mệnh xã hội công ty đang làm với nhãn hàng Lifebuoy như hướng dẫn rửa tay đúng cách cho sinh viên vùng sâu vùng xa , v.v… cũng như mong muốn được đóng góp một phần vào sứ mệnh to lớn đó.  Và dĩ nhiên không thể quên kể về ước muốn cháy bỏng được làm ở một môi trường chuyên nghiệp vốn nổi danh như “trường đại học cho những người đi làm” dù biết rằng đó là một nơi đòi hòi sự cố gắng mỗi ngày chứ không phải là “thảm hoa hồng trải sẵn” . 4 lí do trên được nêu rất rõ với những câu chuyện “đo ni đóng giày” của chính chị mà thôi, và cũng phần nào giúp công ty thấy được chị chấp nhận môi trường khắc nghiệt, chấp nhận phải cố gắng hết mình chứ không phải là một cô sinh viên mơ ước hão huyền. Đó cũng là điểm nhấn giúp cho nhà tuyển dụng tin tưởng vào đam mê của chị với công ty đó.

Vậy còn câu chuyện của bạn thì sao, hãy kể nhà tuyển dụng nghe nhé! Không chỉ đối với câu hỏi này mà kể cả những câu hỏi khác như “Bạn mong đợi gì ở công ty”, “Vì sao bạn nghĩ bạn phù hợp với công ty”, “Thành công nào bạn tự hào nhất”, “Thất bại nào đáng nhớ nhất”… tất tần tật đều áp dụng nguyên tắc Cá-nhân-hóa này, đừng quên nha!?

2⃣ Đừng để sự thiếu chuẩn bị làm hại chính bạn!

Có thể bạn trả lời qua loa không phải vì bạn trả lời theo khuôn mẫu, mà vì đến lúc được hỏi bạn mới bối rối nghĩ trong đầu xem mình nên trả lời thế nào, và vì vậy một câu trả lời vô thưởng vô phạt, nhạt phếch sẽ được bạn đưa ra làm “bia đỡ”. Bạn có thể biện minh là “Em không biết người ta sẽ hỏi gì” hoặc chấp nhận sự thật là bạn hoàn toàn có thể dự đoán người ta hỏi gì, chẳng qua là bạn chưa chuẩn bị hoặc chuẩn bị chưa đủ kĩ mà thôi.

Vậy chuẩn bị kĩ thể nào đây?

 List sẵn câu hỏi dự kiến

Trước khi chị đi phỏng vấn, chị luôn có sẵn một checklist những câu hỏi mà chị nghĩ người ta sẽ hỏi. Bạn chỉ cần google ví dụ như “common interview questions” là sẽ có được hàng tá những câu hỏi mẫu khi phỏng vấn (lưu ý tốt nhất là tìm bằng tiếng Anh sẽ ra được nhiều kết quả siêu hay nhé!). Thường nội dung chính sẽ gồm 3 phần:

  • Phần 1: Thông tin về bản thân. Phần này thường gồm những câu hỏi như: hãy giới thiệu bản thân ngắn gọn trong 30s, điểm mạnh, điểm yếu, thành công tự hào nhất, thất bại đáng nhớ nhất.
  • Phần 2: Kĩ năng – kiến thức liên quan tới công việc:

Mỗi công việc đều yêu cầu một set kĩ năng riêng biệt. Các bạn có thể google ngành nghề của mình với key word “skill set”, “competency” (kĩ năng), v.v.. và thêm chữ “entry level”, hoặc “for graduate” hoặc “assistant”, v.v (vì các bạn mới ra trường). Chị ví dụ như marketing các bạn có thể dùng key word “skills set for marketing entry level” thì sẽ ra được ngay những kết quả hữu dụng như thế này.

Khi biết được công việc đòi hỏi cần những kĩ năng gì rồi thì bạn sẽ tìm câu hỏi người ta thường hỏi để đánh giá kĩ năng đó. Lại dùng google thần thánh với key word như “communication skill interview questions”, hay bạn có thể search key word cho ngành nghề của bạn luôn, chẳng hạn như “marketing competency based questions” thì sẽ ra được một bài rất hay như thế này

  • Phần 3: Mức độ hiểu và cam kết với công ty (Commitment). Câu hỏi thường là “Vì sao bạn chọn công ty chúng tôi”, “Vì sao bạn nghĩ bạn phù hợp với công ty”, “Bạn trông đợi gì khi làm việc ở công ty”v.v.

 Tự trả lời câu hỏi với những dẫn chứng và câu chuyện thiết thực

Có câu hỏi rồi thì ghi hết câu trả lời vào giấy hoặc file word, đừng trả lời bằng miệng vì bạn sẽ dễ quên mất ý cho những lần sau, và ghi ra giấy sẽ còn có điểm mạnh là giúp bạn hệ thống câu trả lời logic hơn nữa đó. Hãy ghi câu trả lời, đặc biệt nhấn mạnh các câu chuyện và bằng chứng để chứng minh cho từng lời bạn nói nhé. Ví dụ bạn tự tin là mình có kĩ năng “problem solving” tốt thì hãy kể ra một tình huống “khó nhai” trong quá khứ mà bạn đã từng gặp phải, và bạn đã làm gì để vượt qua. Bước này sẽ giúp các bạn có dịp ôn lại những gì mình đã làm được trong suốt 4 năm đại học đó! ?

 Luyện tập, luyện tập, luyện tập!

Khi đã có câu trả lời, chị in nguyên file word ra và nhai đi nhai lại để có thể trả lời mượt mà hơn khi phỏng vấn mà không sót ý quan trọng. Động tác này cũng rất hay ở chỗ có thể câu hỏi không khớp 100% với những gì bạn chuẩn bị, nhưng bạn sẽ vẫn có thể trả lời rất dễ dàng vì bạn đã có sẵn một tủ những câu chuyện và dẫn chứng ở nhà để lắp ghép một cách phù hợp vào câu hỏi mà không tốn quá nhiều thời gian suy nghĩ và bối rối. Khi đã chuẩn bị kĩ, bạn sẽ luôn tự tin để trả lời!?

Cả 2 cách này chị đã áp dụng từ khi còn là sinh viên, thi vào các câu lạc bộ đội nhóm, cho đến khi thi quản trị viên tập sự và rồi phỏng vấn ở những công ty sau này nữa. Rất hiệu quả nhé! Giờ thì, bài đã dài lắm rồi nên hẹn bữa sau sẽ chia sẻ thêm với các bạn ? Chúc các bạn lên tinh thần, phấn chấn để chuẩn bị hành trang cho công việc đầu đời mơ ước nhé! Hãy nhớ  nguyên tắc Cá-nhân-hóa và Luyện tập nghen!

Chúc các bạn thành công chinh phục công việc đầu đời mơ ước, đặc biệt là với chương trình Management Trainee (Quản trị viên tập sự) nhé!

Yêu thương,

Chị Thư ❤

Bài viết tổng hợp trọn bộ kinh nghiệm thi Management Trainee (Quản trị viên tập sự): Kinh nghiệm thi Management Trainee – Trọn bộ hơn 150 bài viết chi tiết

Cập nhật thông tin về công việc đầu đời tại

Disclaimer: Article includes photos created by Freepik.com

Lưu ý: Tất cả các bài viết thuộc bản quyền của Chương Khởi Điểm, hoặc đã được Chương Khởi Điểm xin phép tác giả. Vui lòng không đăng tải lại hoặc sao chép dưới bất kỳ mọi hình thức trước khi được sự đồng ý của Chương Khởi Điểm.

 

 

- Advertisement -

FACEBOOK COMMENTS

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here