Bí quyết thi và tận hưởng cuộc thi Business Case dành cho sinh viên

0
1365

chuong khoi diem next management trainee tips de thi va tan huong cuoc thi business case

Bạn nào chưa biết Management Trainee là gì thì xem lại trọn bộ chia sẻ kinh nghiệm thi tất cả các vòng từ các Management Trainee/Fresher/Intern ở đây nhé: Kinh nghiệm thi Management Trainee – Trọn bộ hơn 150 bài viết chi tiết và đừng quên tham gia group Next Management Trainee: fb.com/groups/thenextmt để nhận được cập nhật những bài chia sẻ kinh nghiệm thi tuyển sớm nhất nha!

—————————

Chỉ còn vài ngày nữa là UFLL – Unilever Future Leader’s League 2022 – cuộc thi tình huống kinh doanh toàn cầu dành cho sinh viên đóng đơn rồi nè. Nên chị lại viết thêm 1 bài nữa đặng các bạn có thêm chút “vũ khí” trước khi bước vào ngày thi đấu tập trung nha ^^, và còn tận hưởng được cuộc thi nữa chứ! Bạn nào chưa ghi danh nhớ đăng ký liền ở đây nhé” https://chuongkhoidiem.com/unilever-future-leaders-league-ufll-2022-da-mo-don!

Trước khi đọc bài này thì hãy chắc chắn là bạn đã xem combo 2 bài chị viết trước đây rồi nha – vì đọc theo thứ tự bạn sẽ dễ tiếp thu hơn những điều chị chia sẻ đó ^^. http://bit.ly/bizcasetip1, http://bit.ly/bizcasetip2.

 Mặc dù các bài viết có hơi hướng marketing một chút nhưng các bạn có thể yên tâm là đây đều là những kiến thức mà các bạn có thể tự tìm hiểu, và UFLL khuyến khích các bạn sinh viên tất cả mọi background, chuyên ngành tham gia – đừng nghĩ ai mê Marketing mới phù hợp nhé! Quá trình làm bài bạn sẽ có cơ hội để vận dụng điểm mạnh của mình để hoàn thiện bài làm từ mảng supply chain, công nghệ, marketing hay những kiến thức bạn tự học hỏi, quan sát và cập nhật được từ sách báo và thực tế nữa. Với lại bật mí luôn là UFLL cũng là “đòn bẩy” giúp các anh chị sau khi “tốt nghiệp” UFLL hiểu rõ hơn về business, về consumer để sau đó có thể “hạ cánh” về những phòng ban mình yêu thích như HR, Supply Chain, Sales, v.v..chứ không chỉ là Marketing thôi nên cứ yên tâm mà đăng ký nghen! Chỉ cần bạn chủ động và có khả năng nghiên cứu thì chị tin là bạn sẽ làm được!

Lưu ý giai đoạn làm bài

1. Những gì đã nói/đưa lên slide/video… đều phải “nói có sách, mách có chứng”
Chị đã từng xem những đêm chung kết mà các bạn mắc phải lỗi sai cực kì lớn – đó là nói mà không kèm “fact and figure”. Và bạn vừa kết thúc phần trình bày là ngay lập tức bị đội bạn phản biện những phần đó (chứ chưa cần phải chờ đến BGK nữa). Ví dụ khi đề bài là công ty cần làm gì khác đi trong tình huống Covid – bạn để thông tin vào phần trình bày nhóm là “Vì đây là mùa Covid nên mọi người tập trung mua hàng có nguồn gốc, nhãn mác nhiều hơn” và “Công ty lớn dễ sụp đổ mùa Covid, trong khi công ty nhỏ lại dễ tăng trường hơn”. Các thông tin này hoàn toàn chỉ là “assumption” – giả định từ phía của bạn mà không có bất cứ bằng chứng nào để “back up” – bổ sung và củng cố nhận định này cả. Vì vậy thà không nói – còn nói thì phải chắc chắn là mình không đang tự “bịa” ra thông tin nhé
2. Hãy xem kĩ đâu là “ý tưởng nổi bật” của dự án của bạn
Đôi khi chỉ một ý tưởng nổi bật cũng có thể đánh bật được nhiều yếu tố khác Ví dụ như năm ngoái, phần trình bày của các đội thi UFLL thực sự là cực kì ngang tài ngang sức, đội này mạnh ở điểm này, trong khi đội khác lại mạnh ở mặt khác. Khi trao giải cho đội chiến thắng UFLL năm ngoái, ban giám khảo đã nhấn mạnh việc đưa ra quyết định là cực kì khó khăn – và đôi khi 1 ý tưởng nổi bật và khả thi lại chính là yếu tố quan trọng nhất giúp các đội thi “ăn điểm”. Đó cũng là một trong những lí do mà đội thi đưa ra ý tưởng nêu bật tính sạch, xanh, an toàn của sản phẩm Seventh Generation bằng cách demo rõ ràng là “sản phẩm vẫn có thể tưới cây mà không ảnh hưởng đến cây” – đã thu hút được người xem cũng như ban giám khảo. Vì vậy khi làm bài hãy xem đâu là ý tưởng “hook” của bạn, hay liệu bạn có đang an toàn chỉ làm những hoạt động mà hàng trăm, hàng nghìn brand và các đội thi khác đều làm y chang nhau hay không. Tóm lại đừng làm cho ban giám khảo và người xem có cảm giác phần trình bày của team bạn rất “all over the place” – lan man không có điểm nhấn, nhắm mắt lại là quên ngay team bạn mới nói gì liền là chưa ổn nhé!
3. Hãy xây dựng big idea và cách thực hiện chiến dịch thực sự từ insight của người tiêu dùng – đừng vì những ý tưởng bạn đã nghĩ ra mà quay ngược lại nêu thành big idea
Chị hiểu là đôi khi bạn sẽ quá vui vẻ và hào hứng trước một ý tưởng hay ho nào đó của team mình – nhưng đừng vì vậy mà làm cả 1 chiến dịch chỉ xoay quanh sự hào hứng nhất thời đó. Chị đã từng thấy một team lấy big idea bắt nguồn từ…quà tặng khuyến mãi đi kèm với sản phẩm. Ví dụ công ty bán sản phẩm nước ngọt, thế là team bảo rằng mùa này khẩu trang và nước rửa tay đang hot, nên big idea của chiến dịch sẽ là “Tặng bạn món quà sức khỏe” và tặng khẩu trang, nước rửa tay kèm sản phẩm xuyên suốt mọi kênh thông tin và cho toàn chiến dịch. Không hiểu là team còn có ý tưởng nào khác ẩn sâu không, nhưng trước mắt là đã thấy flow trình bày không ổn và xuất phát điểm quá lệ thuộc vào quà khuyến mãi rồi.
4. Nếu bạn đã “hứa” thì phải “làm” – đã lên kế hoạch tập trung ở đâu thì phải có ý tưởng minh họa cho chiến lược đó.
Ví dụ như có team làm rất ấn tượng khúc đầu, chiến lược rõ ràng, lập kế hoạch tập trung vào kênh siêu thị và chỉ tập trung 2 sản phẩm trong thời gian Covid để tối ưu hóa ngân sách và hiệu quả thay vì đầu tư dàn trải. Và đội còn nói đến một ý tưởng rất hay là tập trung vào big pack – sản phẩm gói lớn/chai lớn. Nghe tới mọi người đều thấy hay, có focus. Ấy mà hào hứng chưa được bao lâu thì phần còn lại của bài các bạn không hề đả động đến việc tập trung kênh siêu thị hơn như thế nào, hai sản phẩm kia làm gì khác đi, hoạt động nào để kích cầu sản phẩm chai lớn, v.v.. mà vẫn… quay xe về làm kế hoạch dàn trải hết tất cả sản phẩm như chưa hề có cam kết gì. Vậy là thành nói một đằng làm một nẻo, bài bị thiếu tính nhất quán và lại cho thấy khoảng cách xa nhất không phải là một vòng trái đất mà là từ khâu planning tới khâu execution (thực hiện) ^^. Ban giám khảo không có dễ quên đâu nha, nên lên kế hoạch sao thì phần thực hiện phải có minh họa rõ ràng nhé!
5. Làm gì cũng phải có lí do cụ thể
Nếu có làm partnership thì hãy nêu rõ lí do cho sự hợp tác đó Thường đề bài sẽ gợi ý các bạn làm partnership, hoặc các bạn sẽ tự để thêm vào vì đây là một hình thức phối hợp đôi bên cùng có lợi giữa nhiều nhãn hàng với nhau. Tuy nhiên một khi bạn đã chọn “bạn cùng chơi” – “partner” hãy nói rõ lí do vì sao bạn chọn nhé, đừng tự cho rằng ai cũng có thể ngầm hiểu lí do vì chắc gì mọi người hiểu giống như bạn. Ví dụ có team chọn kết hợp hãng nước của mình với snack và không hề nói lí do vì sao, làm cho người nghe hụt hẫng và bâng khuâng hơi bị nhiều ^^. Tương tự, không chỉ là partnership mà tất cả những gì bạn thiết kế trong plan hãy nói rõ lí do để tăng thêm tính chặt chẽ của bài làm nha.
6. Hãy tận dụng nghiên cứu và tìm hiểu thị trường cũng như những case tương tự nhiều nhất có thể
Một lỗi khác chị thấy các bạn hay mắc phải là bị tập trung và xoay quanh đề bài quá nhiều mà quên hết thế giới xung quanh – nơi có rất nhiều thông tin và những dự án hay ho mà bạn có thể tham khảo. Lại ví dụ tiếp với chủ đề Covid, chị ngạc nhiên khi thấy các đội dường như không trả lời được câu hỏi từ ban giám khảo: “Thế các công ty khác thì mùa Covid này người ta làm thế nào để cắt giảm ngân sách, em có biết không?” – Trong khi các bạn có hẳn 1,2 tuần để làm đề bài tương tự cho công ty giả định của chính mình – lẽ nào thời gian đó các bạn chưa hề từng thử liên lạc với các anh chị đang đi làm để nghe những case practice thật sự từ môi trường, mà chỉ chăm chăm tự mình suy nghĩ giải pháp ư? Tóm lại là, nhớ nhé – hãy “đứng trên vai người khổng lồ” – tìm hiểu thông tin từ đề bài qua nhiều kênh thông tin khác nhau – từ các bài thi của những năm trước , xin lời khuyên từ các anh chị chuyên gia trong ngành, xem các chiến dịch tương tự ở các quốc gia khác, v.v… Ví dụ như lục nát hết Facebook và website của nhãn hàng (và cả đối thủ nữa) đi, xem thử nhãn hàng đang làm gì; rồi ra siêu thị đi, xem ngoài đó tình hình hàng hóa khuyến mãi bán hàng ra sao, ra tiệm tạp hóa đi, xem thử vấn đề khó khăn, thuận lợi của nhãn hàng ở đâu…. Đừng chỉ tự nghĩ, tự mặc định thôi nhé!

Giai đoạn thuyết trình

1. Luyện tập thuyết trình trước – có script rõ ràng

Chị biết các bạn tốn rất nhiều công sức làm bài và muốn trình bày thật nhiều – nhưng thời gian của cuộc thi thì giới hạn nên nếu đến phần thuyết trình theo nhóm hãy dành thời gian để thực hành trước với nhau. Các bạn hay xem nhẹ phần này, dẫn đến việc đa phần các nhóm hay bị thuyết trình kiểu “đầu voi đuôi chuột” – các bạn đầu thì thong thả nói, minh họa các kiểu, rổi đến ngay phần triển khai kế hoạch sales, marketing, tài chính… những thứ quan trọng phía sau thì các bạn phía sau có bắn súng liên thanh cũng không kịp giờ. Cách để hạn chế “phần người trước ăn phần người sau” là các bạn phải lên script rõ ràng và chỉ nói đúng như nội dung đã thống nhất, thực hành trước với nhau – có như vậy mới tránh bị lấn thời gian của nhau và ảnh hưởng đến phần trình bày cá nhân cũng như của nhóm. Chưa kể, việc ghi script rõ ràng sẽ giúp tránh được những phút cao hứng nhất thời và nói những luận điểm không có fact and figure như chị dặn ở trên. Tinh hoa của nhóm thực sự là nằm ở phần thuyết trình vì ban giám khảo khó mà theo sát bạn suốt quá trình thi được (ấy vậy mà thường các nhóm lại cực xem nhẹ phần này hic) – vì vậy phần script hãy cùng nhau làm và bổ sung cho nhau để có phần trình bày tốt nhất nhé!
2. Về phần cá nhân – hãy biết cách tỏa sáng!
Có nhiều bạn đã vào tận chung kết mà vẫn hiền ơi là hiền, nếu ai đưa mic đến cho mình thì nói, không thì ngồi… cười hiền thôi. Nhưng đây là một cuộc thi, các bạn được chấm theo cả cá nhân lẫn nhóm – nên bạn cần phải biết cách để tỏa sáng. Nếu bạn có vất vả làm nhưng chỉ tỏa sáng ở hậu trường thì cũng khó có ai có thể phát hiện ra tài năng của bạn được. Vậy đâu là những cách bạn tỏa sáng:
  • Nêu những lập luận ở phần phản biện các đội thi khác: nếu bạn bắt được những vấn đề chính của nhóm đối thủ (key problem) như luận điểm nhóm đối thủ nói không có fact and figure mà chỉ là assumption, hoặc những lập luận ngược logic, hoặc kế hoạch một đường execution làm một nẻo, v.v… như chị nói ở phần trên thì bạn sẽ là một ứng viên rất đáng quan tâm đó! Mà để làm được điều này có gì khó đâu – chỉ cần vừa nghe vừa tự chạy bộ dò thông tin made by chính bạn với 1 câu thần chú duy nhất: “Bằng chứng đâu?” là bạn sẽ tìm ra được kẽ hở ngay!
  • Biết cách vừa phản biện người khác vừa củng cố luận điểm chính mình: đôi khi phần trình bày của nhóm thời lượng quá ngắn nên bạn bị lỡ một vài ý quan trọng. Không sao hết, chị đã thấy có nhóm tận dụng thời gian phản biện để vừa nói thêm ý của mình, vừa đặt câu hỏi cho đối phương – 1 công đôi chuyện, hay chứ!
  • ▪ Hãy ít nhất một lần được cầm micro! Hãy để ban giám khảo được biết bạn là ai – nếu bạn có ý tưởng hãy tự tin trả lời thay vì rụt rè nhé. Nếu bạn nhút nhát, hãy đặt mục tiêu cầm micro ít nhất 1 lần – rồi từ từ những cuộc thi sau mỗi lần mỗi tiến bộ hơn một chút là được.

Hãy tận hưởng cuộc thi!

Lời khuyên cuối cùng của chị dành cho các bạn là đừng xem đích đến thắng-thua là tất cả, mà hãy tận dụng khoảng thời gian này để học hỏi và tận hưởng nhiều nhất có thể!

1. Tận hưởng network những người bạn bạn biết trong cuộc thi và giữ liên hệ kể cả sau cuộc thi.

Có hội bạn biết và chơi thân với nhau từ sau một cuộc thi và trở thành “cạ cứng” sau đó, rồi tiếp tục cùng nhau thi và học hỏi ở nhiều sân chơi khác. Thậm chí trước khi thi Management Trainee, các bạn còn cùng nhau lập hội học tập, tự làm những buổi Assessment Center giả định với nhau, tự ngồi suy nghĩ ra chiến lược làm thế nào để thi online mà vẫn chứng tỏ được bản thân mình, v.v… để rồi có rất nhiều bạn thành công gia nhập công ty mong ước. Thi thố cũng là một cách để tìm ra những người bạn cùng chí hướng, ngại ngùng gì không giữ để cùng nhau tiếp tục phát triển lâu dài! (Đấy là chị chưa kể có hơi bị nhiều couple dễ thương mà chị quen biết đều được những cuộc thi mai mối đó :”> )

2. Tận hưởng network những anh chị mà bạn có dịp gặp gỡ nhờ cuộc thi

Có bạn nhờ cuộc thi mà kết thân được với những anh chị mentor, và sau đó còn được làm chung với các anh chị ở những dự án ngoài lề với tư cách là assistant (trợ lý), để từ đó lại được học hỏi nhiều hơn. Có bạn thì nhờ duyên thắc mắc về bài thi mà add friend và thân với các anh chị phòng tuyển dụng của công ty, v.v… Hãy quý trọng và giữ gìn từng mối quan hệ nhé!

3. Tận hưởng những training mà bạn được cung cấp xuyên suốt cuộc thi

Rất hiếm để bạn có cơ hội được nghe các anh chị chuyên gia chia sẻ về những vấn đề hay ho – vì vậy hãy tận hưởng những buổi training mà BTC dành tặng cho các bạn nữa nhé. Đừng để áp lực tâm lý đè nén quá, hãy mở lòng để sẵn sàng tiếp thu kiến thức mới để ứng dụng, hoặc ít nhất để duy trì được cảm hứng cho chính mình.

4. Nếu chưa có duyên có giải, đừng nản mà hãy tiếp tục bước đi!

Nếu bạn có giải ngay lần đầu, bạn đã rất giỏi và may mắn! Nhưng nếu bạn chưa, thì cũng đừng nản chí mà hãy tiếp tục nỗ lực cho những lần sau. Bạn nghĩ là ai cũng có thể giật giải ngay từ lần đầu ư, không có đâu! Có những bạn trẻ mà chị biết dành cả thanh xuân để đi thi – từ thi Tiếng Anh, đến thi Business Case, đến Marketing, và cả những cuộc thi khác nữa – vì bạn thấy rằng bạn thêm dũng cảm, thêm “chai sạn” và mạnh mẽ sau mỗi lần thi. Có bạn thì mới năm ngoái chị chỉ thấy vào Top 30 của một cuộc thi mà năm sau ở một cuộc thi khác bạn đã giành ngôi Á Quân – ở giữa là nguyên chặng được học, thi, luyện, cố gắng nỗ lực không ngừng của bạn. Chưa kể, đôi khi bạn có thể không chiến thắng ở cuộc thi này kia vì những yếu tố khách quan hoặc chủ quan, nhưng sau đó bạn lại bứt phá và gia nhập vào công ty mình mơ ước thì sao – đời còn rất là dài và có nhiều mục đích cho cuộc sống hơn cả chỉ đơn thuần là dành giải ở cuộc thi nghen ^^.

Hãy luôn nỗ lực hết mình nhưng kể cả kết quả có thế nào, hãy tự hào vì bạn đã cố gắng rất nhiều và đừng từ bỏ nhé! À mà chị vẫn lặp lại câu thần chú như mọi lần đây: Thi xong phải reflect – để biết mình làm được gì và chưa được gì – có vậy mới có thể tiến bộ hơn sau mỗi lần được nghen! (tự reflect hoặc nhờ bạn bè/ các anh chị khác chia sẻ feedback nè!)

Ôi dặn lòng ngắn ngắn mà bài lại dài như dòng sông nữa rồi. Tạm thời chị lại dừng bút đây, mong các bạn trẻ của chị thêm tự tin, thêm nỗ lực và mạnh mẽ nhé! 😘 Và nhớ đăng ký thi UFLL liền liền đi nghen, chị đợi (để ủng hộ) nèeeee!

Yêu thương,

Chị Thư ❤ 

Bài viết tổng hợp trọn bộ kinh nghiệm thi Management Trainee (Quản trị viên tập sự): Kinh nghiệm thi Management Trainee – Trọn bộ hơn 150 bài viết chi tiết

Cập nhật thông tin về công việc đầu đời tại

Disclaimer: Article includes photos created by Freepik.com

Lưu ý: Tất cả các bài viết thuộc bản quyền của Chương Khởi Điểm, hoặc đã được Chương Khởi Điểm xin phép tác giả. Vui lòng không đăng tải lại hoặc sao chép dưới bất kỳ mọi hình thức trước khi được sự đồng ý của Chương Khởi Điểm.

 

- Advertisement -

FACEBOOK COMMENTS

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here