#Liều và #Lăn Xả

0
7534

Vừa tốt nghiệp, may mắn có được công việc ở vị trí là quản trị viên tập sự phòng Marketing của Unilever, sau đó chị trở thành Brand Manager của nhãn hàng Huggies và ở hiện tại chị đang theo đuổi đam mê của riêng mình với dự án dành cho sinh viên và nhân viên văn phòng. Thoạt nhìn, người ta dễ ngộ nhận là con đường sự nghiệp của chị có chút suôn sẻ vì đã có được công việc mình mơ ước ngay khi rời khỏi ghế nhà trường. Ấy nhưng, thực ra mấy ai biết quãng đường “mài ghế nhà trường” khi là sinh viên của chị cũng bao phen sóng gió :).

Sau bao năm, chị nghiệm ra là, thấm vào trong máu, nâng bước và làm bệ đỡ cho sự cố gắng và những thành tựu nho nhỏ của chị là 2 chữ  “LIỀU” và “LĂN XẢ”

🍀 LIỀU là dám thử thách bản thân mình dù dập dìu thất bại, dù thử thách luôn ở phía trước.

Chị thất bại nhiều lắm chứ :). Chị đã từng thất bại khi nộp vào đoàn trường, thất bại khi phỏng vấn làm MC cho chương trình “Chào sân tân sinh viên” và thất bại cho cả một công việc part-time đơn giản dành cho sinh viên. Chị nhớ từng lần đóng cửa toilet khóc một mình vì xấu hổ, không muốn cho ai biết, nhớ những khi cảm thấy bản thân mình thật vô dụng và ngốc nghếch, nhớ cả những lúc chỉ muốn từ bỏ hết và chấp nhận một cuộc sống dễ dàng, yên bình hơn.

Nhưng cũng may là chị đã không từ bỏ. Khóc cho đã, nước mắt đã ráo thì cuối cùng cũng có được quyết tâm dũng cảm bước lên và đi tiếp. Ừ, mình vốn là cô Út Nhã nổi tiếng liều lĩnh của ba mẹ mà, mình là cô bé Thư người bé tẹo teo nhưng cứ hay xung phong điều khiển lớp, mình là con bé hát không hay nhưng mà hay hát mà, cái liều nó còn đó và mình sẽ tiếp tục liều.

Và chị nhận ra là từng thất bại nhỏ giúp chị hiểu được bản thân mình rất nhiều. Lần thất bại khi phỏng vấn xin việc part time đã giúp chị thấy là vốn dĩ cứ tưởng kĩ năng làm việc nhóm của mình là “số dzách” nhưng thật ra trong lúc phỏng vấn nhóm mình đã thể hiện rất tệ, suốt ngày chỉ chăm chăm thể hiện mình, giành quyền nói, không hề biết lắng nghe và đóng góp cho ý kiến của người khác. Hóa ra, tưởng là 10 nhưng thực tế kĩ năng của mình chỉ mới ở con số 0 tròn trĩnh. Và, cũng lần đó, chị đã được học bài học về sự “Thành thật”, về chuyện là dù ra rả “Em là leader của ngày hội thiện nguyện đội công tác xã hội” khi được phỏng vấn nhưng chỉ cần bị hỏi vài ba câu thôi là người ta cũng đã phát hiện cô bé này chả hiểu tẹo nào về công việc, chắc chắn là đang ba hoa. Ba hoa thật mà, lần đó chị chỉ có hát và múa thôi…

Nghiệm ra những sự thật có chút phũ phàng về bản thân, chị quyết định “Liều một cách có cơ sở”. Đã biết mình chưa tốt điểm nào, thì càng cố gắng rèn luyện, tham gia thật nhiều và cho bản thân thật nhiều cơ hội để thử sức và sửa sai. Chị tiếp tục đăng ký tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa khác. Cứ thất bại, liều lĩnh làm lại và đi tiếp, để rồi những cơ hội mới cuối cùng đã mở ra cho chị – một bạn Thư tốt hơn, tiến bộ hơn xưa. Đó là khi chị vỡ òa niềm vui vì được vào mái nhà chung của Đội phát thanh FTU Zone, và được tự hào mang tên thành viên của phòng nhân sự tổ chức AIESEC.

Từ những cái liều be bé, chị tiếp tục mở cửa bản thân cho những cơ hội mới, cho cuộc thi Quản trị viên tập sự của Unilever dù biết trước mắt là hàng nghìn đối thủ, rồi lại thử sức ở một công ty đa quốc gia với một sản phẩm dành riêng cho trẻ em dù mình vẫn chưa là “mẹ trẻ” để rồi bước liều cuối cùng là tạo nên một hướng đi mới, một con đường mới hoàn toàn ở Shinow Media.

Bây giờ nghĩ lại, nếu trên từng chặng đường chị đi mà chị vẫn bám dính tư tưởng “Chim ngã sợ cành cong” , không dám liều mình thử sức cho những cơ hội mới, sợ thất bại, sợ thử thì có lẽ bây giờ chị đã là một cô Thư rất khác, có thể đang yên phận ở một công việc văn phòng đơn giản rồi 🙂

🍀 Ừ, Liều là điều kiện cần, nhưng Lăn xả mới là điều kiện đủ để chị phát triển bản thân mình tối đa.

🍀 LĂN XẢ là không ngại vất vả để hoàn thành nhiệm vụ, không phải đợi người ta cầm tay chỉ việc mà chính bản thân mình phải biết vạch ra hướng đi cho chính mình.

Chị còn nhớ khoảng thời gian khó khăn khi chuyển từ phòng nhân sự của tổ chức AIESEC sang làm một mảng hoàn toàn mới – mảng Marketing, và lại còn đóng vai trò đầu tàu của phòng ban, thiết lập mọi thứ từ con số 0 vì đó là năm đầu tiên bộ phận marketing được thành lập ở AIESEC FTU HCMC. Đó là lúc chị phải mò đường với biết bao nhiêu kiến thức mới, từ những thứ to to như vạch ra chiến lược, hướng đi của phòng ban đến những thứ tỉ mỉ và cực kì technical như phải ráng tìm hiểu xem từng dòng code trên website là gì, cách viết newsletter và hàng ti tỉ những thứ khác ra sao. Đã vậy lại còn lần đầu chập chững làm leader, phải hướng dẫn cho những đồng đội của mình cách làm, tập hiểu và tập quen với một team mỗi người mỗi cá tính quá khác biệt. Nếu ngày đó không lăn xả, không lục tung từng ngóc ngách, tưng người quen để hỏi han về kiến thức marketing, về kĩ thuật, hay không ráng dành thời gian trò chuyện với từng thành viên một để hiểu hơn về team, về công việc thì có lẽ chị đã phải đầu hàng.

Hành trình “lăn xả” lả một hành trình không hề dễ dàng, đầy mồ hôi và nước mắt nhưng cũng kì xứng đáng. Chị hãy còn giữ dòng tin nhắn của một cậu bé trong team khi biết tin team đạt giải phòng marketing tốt nhất của AIESEC Việt Nam, cậu bé bảo rằng cảm ơn chị đã cố gắng, cậu bé sẽ  cũng cố gắng hơn nữa vì ngày càng tin tưởng hơn vào con đường mình đi. Và chính cậu bé đó, 1 năm sau đã trở thành người kế thừa cho công việc trưởng bộ phận Marketing mà chị đã làm ngày nào. Cũng nhờ lăn xả, mà chị được học nhiều hơn các kiến thức về marketing, được quen biết với nhiều anh chị trong nghề hơn, chủ động học hỏi và khám phá.

Và cũng nhờ “Liều và lăn xả” mà chị đã tích lũy được kha khá cho cái rổ kinh nghiệm của mình cho công việc đầu đời, để có những dẫn chứng hùng hồn về kiến thức của marketing, kĩ năng làm việc cũng như đam mê ngùn ngụt với nghề khi tham gia quá trình tuyển dụng quản trị viên tập sự của Unilever.

#LIỀU và #LĂN XẢ không chỉ cần khi các bạn là sinh viên

Ngay cả khi đã là nhân viên công ty, chị lại càng  phát hiện ra sự kì diệu của 2 chữ “LIỀU” và “LĂN XẢ” – đó là khi chị LIỀU chấp nhận và xung phong đón nhận những thử thách mới như nhận một dự án to hơn, thực hiện một kế hoạch khó nhai ở phút chót hay chỉ đơn giản là dám làm một sự kiện nho nhỏ cho phòng marketing thì chị cũng đã học được hàng tá thứ. Và LĂN XẢ chính là thứ giúp chị “sống sót” trong muôn vàn những khó khăn thử thách của môi trường doanh nghiệp, tự kiếm tài liệu để học, tự làm quen với các anh chị lớn hơn để xin ít thời gian hướng dẫn, tự đưa ra những ý tưởng mới. Liều và lăn xả cũng giúp chị có một hình ảnh tốt hơn trong mắt mọi người, đó không phải là một bé Thư nhỏ xíu xiu, nhìn hiền hiền quê quê nữa mà là một cô bé nhỏ mà bạo gan, chịu khó, tự học được, tự tìm được hướng đi cho mình và là một người có tố chất để nên đầu tư đào tạo nhiều hơn và là một người có thể khiến mọi người tin tưởng khi giao nhiệm vụ, là một người mà mình vui lòng giúp đỡ và chia sẻ. Có lẽ cùng vì thế mà chị gặp được những anh chị hướng dẫn, những người sếp tốt trên con đường sự nghiệp của mình.

Mà nói đâu xa, kể cả là chị, chị cũng trân trọng những bạn biết Liều và Lăn xả thay vì ngồi yên một chỗ. Và nhà tuyển dụng cũng thế, họ sẽ thích một bạn Lăn xả tìm hiểu về công ty, về công việc của mình thay vì chỉ chăm chăm hỏi “Chị ơi, công ty mình làm cái gì? Công việc làm cái gì?” ở 5 phút cuối giờ. Một người leader sẽ thích một bạn member chủ động học hỏi, lăn xả tìm hướng đi và giải pháp riêng cho mình thay vì cứ chăm chăm đi hỏi ngược lại sếp

Và đó là kim chỉ Nam cho chị, để nỗ lực hết mình và mỉm cười vì mình đã không từ bỏ. Còn bạn, bạn đã sẵn sàng cho hành trình “Liều” và “Lăn xả” của chính mình chưa?

- Advertisement -

FACEBOOK COMMENTS

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here