Trải nghiệm thi Management Trainee Maersk từ chị Lê Giang Thùy Linh

0
3834

14. chuong khoi diem next management trainee kinh nghiem thi Management Trainee Maersk Thuy Linh

Bạn nào chưa biết Management Trainee là gì thì xem lại trọn bộ chia sẻ kinh nghiệm thi tất cả các vòng từ các Management Trainee/Fresher/Intern ở đây nhé: Kinh nghiệm thi Management Trainee – Trọn bộ hơn 150 bài viết chi tiết và đừng quên tham gia group Next Management Trainee: fb.com/groups/thenextmt để nhận được cập nhật những bài chia sẻ kinh nghiệm thi tuyển sớm nhất nha!

—————————

Chào các bạn, mình là Lê Giang Thùy Linh. Nhận được lời mời từ chị Thư, mình rất vui khi chia sẻ những trải nghiệm của mình khi chương LEAD – Management Trainee của Maersk. Bạn có thể kết nối với mình tại: https://www.facebook.com/thuylinh.le.9406 , khi inbox bạn nhớ để lại đôi lời để mình làm quen nhau mà không bỡ ngỡ nha!

Giới thiệu sơ về mình

Mình năm nay 24 tuổi, tốt nghiệp trường đại học Kinh Tế TPHCM năm 2019, hiện đang theo học Thạc Sĩ Kinh doanh Quốc tế trường Đại Học Kinh Tế UEH và dự kiến tốt nghiệp Thạc Sĩ vào tháng 3 năm 2022. Vào năm 2021, mình đậu vào chương trình LEAD của Maesk  (Sealand A Maersk Company) – một trong những hãng tàu hàng đầu trên thế giới và trong ngành Logistics nói chung năm 2021.

Đôi nét về chương trình Management Trainee Maersk

Mình thích chương trình Management Trainee của công ty từ lâu vì Maersk là một cái tên lớn trong lĩnh vực Logistic và những anh chị tốt nghiệp từ chương trình MISE (tên gọi cũ của chương trình vào năm 2019) và Maersk Lead đều có đóng góp to lớn trong công ty và có thành tựu nhất định kể cả khi đã “tốt nghiệp”.

LEAD 2021 có lộ trình 2 năm, luân chuyển qua 4 phòng ban. Lộ trình này sẽ do chính các bạn Management Trainee và các Manager cùng thiết kế để phù hợp với nhu cầu học hỏi và tố chất của bạn. Vì vậy có thể cùng tham gia một năm nhưng mỗi bạn sẽ có hướng đi rất khách nhau. Lộ trình của mình tập trung ở phòng Customer Service – Delivery chuyên về vận chuyển trucking, khai báo hải quan, dịch vụ liên quan Logistic &Service. Sau 6 tháng tham gia LEAD, hiện mình đang đến giai đoạn cuối cùng của Rotation (Kì luân chuyển) đầu tiên trong phòng Dịch vụ Khách hàng, chuẩn bị sang Rotation tiếp theo.

Ngoài luân chuyển phòng ban, một điểm hay khác là những bạn tham gia đều được có các anh chị Mentor (cố vấn) và buddy để đồng hành hỗ trợ xuyên suốt chương trình. Các anh chị không phải là người chỉ ra cách làm mà sẽ  giúp mình tự tìm ra hướng đi thông qua những chia sẻ và trải nghiệm của họ.

Tại LEAD, mình được trao quyền và có cơ hội thể hiện, thỏa sức sáng tạo.

Con đường đưa mình tới Management Trainee Maersk

Khi học ngành Kinh doanh Quốc tế chuyên ngành Ngoại Thương tại trường và, mình nhận thấy mình không hứng thú với các môn về Marketing, Kế Toán mà lại thấy thích những môn như Logistic, Supply Chain, xuất nhập khẩu. Từ đó mình tìm hiểu kĩ hơn và thấy ngành này khá là hay và định hình dần dần, đến năm 4 thì càng rõ hơn về đam mê của mình. Việc học với mình thì học môn nào cũng không bổ bể ngang thì bổ bề dọc, một phần giúp mình tìm ra sở thích, một phần giúp mình hiểu được rộng hơn ở nhiều lĩnh vực khác.

Năm 3 mình đi làm thực tập cho một công ty Logistic, và đến năm 4 làm ở công ty Yusent Logistic với vai trò là Business Development – Sales. Tuy không thích Sales lắm nhưng làm việc trong môi trường Logistic càng giúp mình khẳng định niềm yêu thích với ngành. Từ đó, mình định hình mình có thể làm các công việc liên quan mật thiết đến Supply Chain/Logistic hơn như chứng từ, chăm sóc khách hàng hoặc Procurement (mua hàng). Đầu năm 4 mình làm khóa luận tốt nghiệp và thi vào các công ty FMCG lẫn Logistic khối ngành Supply Chain và cuối cùng đậu vào Management Trainee của ITL (Indo Tran Logistic) và vị trí chăm sóc khách hàng (Customer Service Agent) tại Maersk.

Có thể nói Maersk đến với mình như một cái duyên, 12/7 là ngày làm lễ tốt nghiệp thì 15/7 đi làm tại công ty gặp được ngay công việc mình yêu thích. Khi làm tại Maersk mình như cá gặp nước vì môi trường, văn hóa công ty và tính chất công việc đều giúp mình có nguồn cảm hứng và động lực đi làm mỗi ngày. Mình như bùng nổ về năng lượng, làm hết sức và chu toàn nên dần dần được giao nhiều công việc quan trọng hơn và sếp rất tin tưởng. Sau đó LEAD mở cơ hội ứng tuyển cho cả những bạn bên ngoài công ty (external) và cho những bạn đang làm tại công ty (internal) như mình, dĩ nhiên là mình không ngần ngại ứng tuyển ngay.

Vì vậy lời khuyên của mình dành cho các bạn trẻ khi chuẩn bị cho công việc đầu đời là:

  • Hãy thật sự bình tĩnh, cứ từ từ thử trải nghiệm

Bạn có thể không hợp với lựa chọn ban đầu nhưng biết đâu qua đó bạn sẽ khám phá được lĩnh vực mình thích như câu chuyện của mình. Không phải ai cũng có thể tìm được công việc yêu thích, mức lương cạnh tranh mà đôi khi bạn cần thời gian để đến được mục tiêu đó.

  • Hãy trân trọng các kiến thức ở trường

Hãy tin tưởng là sơ đồ các môn học do các thầy cô trên khoa thiết kế là có mục đích. Đừng lo lắng và thắc mắc vì sao mình không được học giống trường này trường kia vì không phải ai ra trường cũng làm đúng ngành, ở trường mình được trang bị những kiến thức gì thì cứ tích cực tiếp thu vì sẽ giúp bạn được sau này, cho bạn góc nhìn tổng quát. Chẳng hạn như ai nói vô Logistic không cần kiến thức Marketing – khi mình làm ở công ty thì có những lúc kiến thức Marketing đã từng học ở trường giúp mình có đóng góp giá trị hơn cho công việc, được mọi người nhìn nhận và đánh giá tốt.

Trải nghiệm thi vòng CV

Những điểm quan trọng mà nhà tuyển dụng sẽ nhìn vào CV của bạn:

Khả năng Tiếng Anh

Điều quan trọng với ngành Logistic là kỹ năng Tiếng Anh (nghe-nói-đọc-viết) vì công việc đòi hỏi bạn giao tiếp và làm việc giấy tờ nhiều bằng Tiếng Anh.

Khi đi học mình học TOEIC để đổi điểm Anh Văn trong trường và vừa hay có chứng chỉ để ứng tuyển vào các công ty sau này. Bên cạnh đó, khả năng giao tiếp trong quá trình ứng tuyển cũng giúp các anh chị đánh giá được năng lực của mình.

Lời khuyên của mình là các bạn nên thi Tiếng Anh sớm, vừa giúp cho điểm số trong trường mà lại tốt khi ứng tuyển sau này.

Kiến thức liên quan đến business, chuyên ngành

Bạn cũng cần có những kiến thức liên quan đến ngành. Vì mình học trái ngành nên sớm dành thời gian tìm hiểu, tham gia khóa học ngắn hạn liên quan từ năm 3 để định hình trước. Mình ưu tiên đầu tư cho các môn học sẽ giúp cho công việc tương lai như Logitsic, Xuất Nhập Khẩu, Supply Chain, và vẫn đảm bảo học những môn khác để bổ trợ kiến thức tổng quan.

Kỹ năng mềm qua các hoạt động ngoại khóa

Nhà tuyển dụng đánh giá cao sự năng động của sinh viên nên các bạn có thể tham gia các hoạt động ngoại khóa, nếu tham gia các CLB liên quan như CLB Logistic tại trường thì càng tốt. Vì mình xác định muốn làm cho Maersk từ năm 3 và nhìn thấy Maersk rất quan tâm những hoạt động có ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng nên đã đầu tư thời gian một cách chiến lược, quyết định sẽ tập trung cho một vài hoạt động chính nhưng gắn bó làm lâu dài để có kỹ năng, trải nghiệm và thành tựu thay vì ôm đồm nhiều thứ. Đó cũng chính là lí do mình tham gia chương trình “Tiếp sức mùa thi” 3 năm liên tiếp và các hoạt động của Hội sinh viên. Ngoài ra, lúc học đại cương mình từng là lớp trưởng nên khả năng lãnh đạo và quản lý khá tự tin. Các hoạt động ngoại khóa giúp mình học được các kỹ năng mềm như giao tiếp, ứng phó với thay đổi. Ví dụ như làm thế nào để sự thay đổi của các ca trực không ảnh hưởng đến thời gian biểu của các bạn tham gia, làm sao để cân bằng thời gian vừa hoạt động, học tập, và làm sao để hỗ trợ team để mọi thứ diễn ra trôi chảy. Vì thời gian của mỗi người là có hạn nên các bạn nên có tầm nhìn từ sớm, lên kế hoạch và chọn lọc các hoạt động phù hợp để vừa mang lại lợi ích cho xã hội vừa giúp bạn có thêm những kỹ năng hữu ích cho công việc tương lai.

Học vấn

Nhiều bạn nghĩ lên Đại Học điểm số không quan trọng nhưng thật ra điểm số sẽ thể hiện sự cam kết với con đường học, cũng một phần nói lên việc sau này bạn đi làm cũng sẽ đầu tư và cam kết đóng góp cho các hoạt động của công ty.

Trải nghiệm thi vòng Phỏng vấn với HRBP (Phòng nhân sự)

Trước khi tham gia LEAD, mình từng tham gia vòng phỏng vấn nhân sự cho vị trí Customer Service Agent nên kể lại trải nghiệm này để những bạn nào chưa tham gia cũng có thêm chút thông tin chuẩn bị nhé.

Mình hơi bất ngờ khi nhận được điện thoại lúc gần 6h tối, nhận được lời đề nghị phỏng vấn trực tiếp. Nhưng mình cũng cố gắng bình tĩnh lại và nghĩ là có sao thì thể hiện vậy, dù gì mình cũng đã luyện tập cho vòng phỏng vấn khá nhiều từ sau giai đoạn làm CV cũng như có kinh nghiệm thi ở những công ty khác.

Nhưng nếu được mình vẫn khuyên các bạn nên xin thời gian chuẩn bị trước để sẵn sàng về tâm lý hơn, và vì sẽ có những tình huống bất ngờ như vậy nên các bạn cũng nên tập dợt mỗi ngày, có thể chỉ dành ra nửa tiếng cũng được. Mình thường ghi chú trên sổ và thực tập cách nói chuyện, phỏng vấn trước gương. Bạn nào thấy đánh máy tiện hơn thì cứ dùng máy tính.

Cuộc phỏng vấn kéo dài khoảng 45 phút xoay quanh những câu hỏi về bản thân, mong muốn và định hướng công việc, vì sao muốn làm với Maersk, định hướng 3-5 năm sau và cung cấp cho mình một số thông tin về công việc như giờ giấc, mô tả nhiệm vụ, v.v… Tất cả đều bằng Tiếng Anh. Mình cũng phần nào cảm nhận được văn hóa, môi trường của công ty.

Sau khi kết thúc phỏng vấn, các anh chị thông báo thông tin cho vòng tiếp theo. Lúc đó mình cũng vui vì đây là dấu hiệu tích cực cho kết quả của vòng thi.

Và những ngày sau mình được sắp xếp tới vòng Functional Manager Interview (phỏng vấn với quản lý phòng ban) trong khoảng hơn 1 tiếng.

Trải nghiệm thi vòng phỏng vấn với Functional Manager (Quản lý phòng ban) của Management Trainee Maersk

Khi thi LEAD, vòng này mình phỏng vấn qua teamsite của công ty và có bật camera cho cả mình và anh chị phỏng vấn để tiện tương tác hơn.

Ngay từ khi hoàn thành vòng trước là mình đã chuẩn bị cho vòng tiếp theo, follow trang Chương Khởi Điểm của chị Thư để xem những câu hỏi thường hay hỏi, rồi soạn câu trả lời phù hợp, tìm hiểu thật kỹ công ty về  tầm nhìn, sứ mệnh, định hướng công ty, cũng như đánh giá độ phù hợp của mình với công việc, các điểm chính cần thể hiện để trở thành ứng viên tiềm năng.

Cuộc sống luôn có những bất ngờ thú vị, cũng may là mình chuẩn bị trước và không ngủ quên trong chiến thắng nên khi được gọi phỏng vấn chỉ 1 buổi trước khi buổi phỏng vấn bắt đầu thì mình cũng đã sẵn sàng.

Phỏng vấn mình là hai anh chị Country Manager và Customer Service Manager  – cùng “song kiếm hợp bích” để hỏi. Vì mình là ứng viên nội bộ, đã có một số kinh nghiệm nhất định và phần nào hiểu được công ty nên các anh chị sẽ có kỳ vọng rất cao.

Các câu hỏi xoanh quanh những đóng góp của mình cho định hướng phát triển tương lai của công ty. Chị Customer Service Manager cũng là mentor của mình nên mình hơi run một chút nhưng mình cũng trấn an bản thân là cứ trả lời theo cái mình đã chuẩn bị và mình đã có cống hiến với công ty nên chỉ cần chứng minh mình mang lại được thành tựu gì trong quá trình làm việc thì sẽ thuyết phục được mọi người.

Mình cũng để ý là công ty rất chú trọng Customer-centric (hướng tới khách hàng) và nhất là với công việc của mình ở phòng dịch vụ khách hàng sẽ tiếp xúc với khách hàng rất nhiều nên mình tập trung nêu bật những thành tựu trong quá trình làm việc, cách mình đạt được kết quả nhờ quan tâm và thấu hiểu khách hàng. Ví dụ nhờ vào việc cống hiến hết mình nên mình được giao những đối tác lớn như Nike, Puma, Coca-Cola, BAT, v.v… Từ lúc mình được giao cho Nike, mình có những đột phá trong giúp số lượng sản phẩm phục vụ đối tác tăng lên nổi trội. Mình cũng được nhận lời khen từ phía khách hàng khi giảm thiểu sai sót chứng từ từ 20% xuống còn 0% và follow up trong vòng 1 tháng.

Vì vậy, khi đi làm hãy cố gắng làm hết mình để có thành tựu thì khi có vị trí mở tuyển, bạn sẽ có bằng chứng thuyết phục hơn về năng lực cũng như sự cam kết gắn bó với công ty. Và đã làm được gì, nỗ lực ra sao, cần hỗ trợ gì thì phải nói ra, đừng đợi hữu xạ tự nhiên hương, đặt bản thân vào trung tâm vũ trụ vì không ai có thời gian để tìm hiểu, để ý mình.

Song song có một câu hỏi các bạn nên chuẩn bị trước: “Trong quá trình em đi làm sẽ có những công việc em thích và không thích. Em có thể nói công việc nào em có cảm giác không thích không?”. Mình cũng được “phủ đầu” trước là “Đừng nói là không có gì em không thích nha” nên phải cân nhắc lựa chọn cái phù hợp nhất và trả lời một cách thành thật nhưng lèo lái từ việc mình không thích đến việc đã điều chỉnh thế nào để phù hợp với nhu cầu của công ty. Đặc biệt với tính chất của Management Trainee phải luân chuyển nhiều phòng ban nên các bạn cần phải chứng minh khả năng thích nghi tốt của mình, đừng để câu trả lời làm cho không khí nặng nề, mà nên tích cực trong cách nhìn nhận. Mình trả lời về việc mình chưa thích lắm việc gọi khách hàng lấy hàng hóa lưu kho quá hạn ngoài cảng. Nhưng mình cũng học được là thay vì gọi như kiểu “đòi nợ” thì mình linh hoạt chuyển sang việc quan tâm đến khách hàng, hỏi tình hình của họ, có khó khăn gì cần hỗ trợ không, tìm hiểu gốc rễ vấn đề để xử lý nhanh hơn. Từ đó mình chuyển cái mình không thích – bị động sang một hành động chủ động và tích cực, phù hợp với ưu tiên Customer-centric của công ty. Mình cũng cảm nhận đó là một câu trả lời giúp mình ghi điểm, biến bàn thua sang bàn thắng. Đây cũng là câu hỏi rất hay mà bản thân mình chưa lường trước.

Kết thúc vòng thi, sang tuần sau mình được nhận kết quả đậu và chuẩn bị cho vòng tiếp theo – Assessment Center. Điều mình muốn nhắn gửi các bạn khi thi vòng này là cần tìm hiểu kỹ về định hướng công ty để trong quá trình mình soạn ra câu trả lời có thể liên kết phù hợp và chứng minh đam mê của bạn với công ty, công việc.

Trải nghiệm thi vòng Assessment Center của Management Trainee Maersk

Đây là vòng thi chỉ có khi ứng tuyển LEAD còn trước đây ở vị trí Customer Service Agent thì mình nhận được offer ngay sau khi kết thúc vòng Functional Manager Interview.

Vì tình hình Covid vào tháng 6, 7 rất căng thẳng nên mình và các bạn thi online.

1 tuần chuẩn bị làm bài nhóm

Mỗi nhóm được chia gồm 4 bạn và được giao đề bài, làm trong khoảng 1 tuần trước khi thuyết trình trước các anh chị Manager. Đề bài liên quan tới việc chọn một mô hình thành công của một công ty theo tiêu chí của đề bài và phân tích.

Nhóm mình lập team online tiện trao đổi và họp qua Teams, Google Form, chia ra đầu việc cụ thể cho từng bạn, theo dõi tiến độ từng phần, từng giai đọan. Cả nhóm tìm hiểu và nghiên cứu trên mạng để đưa ra câu trả lời, sau đó thảo luận, làm Powerpoint và họp lại để lường trước những câu hỏi mà các anh chị có thể sẽ hỏi khi thuyết trình.

Cả 3 bạn còn lại trong nhóm đều nghiên cứu và đưa ra mô hình của công ty A còn mình thì chọn công ty B. Mình phải tranh biện và cuối cùng thành công thuyết phục 3 bạn chọn mô hình giống mình.

Ở vòng này mình không xem các bạn là đối thủ cạnh tranh mà nghĩ là mình là đồng đội, nếu cùng nhau phát triển tốt thì sẽ được đậu hết, vì vậy mình dành không gian cho các bạn khác thể hiện khi thật sự cần thiết. Hơn nữa, nếu bạn làm nhiều, nghiên cứu và đưa ra ý tưởng nhiều thì bạn sẽ hiểu rõ vấn đề và  buổi thuyết trình sẽ tự tin, trôi chảy.

Mình cũng sắp xếp lại công việc đang làm để ưu tiên cho vòng thi – ưu tiên theo thứ tự về tính chất quan trọng, gấp của công việc, còn lại những công việc khác nếu có thể hoãn được mà không ảnh hưởng tiến độ mình sẽ giải quyết sau khi thi.

Vòng thuyết trình

Sáng hôm đó mình choáng ngợp vì sự tài năng của tất cả các 12 bạn của 3 nhóm vì các bạn đều có sự chuẩn bị kỹ càng. Vòng Assessement Center của Maersk có điểm hay là các nhóm có quyền đặt câu hỏi cho nhóm khác. Phần lắng nghe các nhóm khác trình bày cũng giúp các bạn rút kinh nghiệm cho phần thể hiện của nhóm mình, lường trước những câu hỏi ban giám khảo có thể đặt ra.

Nhóm có 15 phút để thuyết trình, tương đương với mỗi người chưa tới 4 phút. Ban giám khảo là hơn mười anh chị Manager và 4-5 anh chị phòng Nhân Sự (HRBP – Human Resources Business Partner).

Khi thuyết trình, hãy tự tin, bình tĩnh, thể hiện teamwork và có sự liên kết, dẫn dắt giữa các phần.

Các bạn đừng thể hiện mình quá hiếu thắng – cứ chậm mà chắc, quan tâm đến đồng đội và biết tỏa sáng đúng lúc. Ví dụ như có nhiều bạn hấp tấp câu hỏi nào cũng giành trả lời nhưng không gãy gọn, đến thẳng vấn đề thì cũng không phải là điểm sáng. Vì các bạn sẽ không có quá nhiều thời gian để thể hiện nên cứ chậm lại một chút, suy nghĩ kĩ rồi trả lời – tip của mình là đếm từ 1-3 trước khi trả lời để bắt đầu sắp xếp làm sao cho thật sự phù hợp nhất và đưa câu trả lời gãy gọn, ghi điểm với các anh chị giám khảo. Thay vì dành qua dành lại, nên bổ sung cho nhau để thể hiện tinh thần đồng đội, khéo léo, khiêm nhường mà vẫn tỏa sáng được qua việc lắng nghe và bổ sung, đưa ra ý tưởng mới. Làm được điều đó thì bạn đã có đến 70%-80% chiếm được cảm tình từ các anh chị.

Nhờ có sự chuẩn bị trước nên các câu hỏi các anh chị đặt ra có đến khoảng 70% nằm trong danh sách câu hỏi nhóm đã nghĩ tới từ trước. Nhưng vẫn có những câu hỏi khó – ví dụ: “Theo các bạn, công ty B làm tốt vậy thì còn điểm nào có thể làm gì tốt hơn nữa hay không?”. Vì mình và nhóm chọn mô hình sai nên câu trả lời cũng chưa được xuất sắc nhưng mình vẫn thể hiện quan điểm rõ ràng. Đôi khi mình làm sai đề, hoặc mình ko làm theo đúng kỳ vọng dù nghiên cứu kĩ lưỡng, và đặc biệt là khi mình làm lâu trong một lĩnh vực sẽ dễ rơi vào mindset là mọi thứ đã tốt rồi. Lời khuyên là hãy bỏ lớp vỏ người cung cấp dịch vụ mà khoác lên tấm áo khách hàng, nghĩ xem nếu mình là khách hàng thì cần công ty cải thiện thế nào hoặc hỏi thêm nhận xét từ những người đứng bên ngoài để góc nhìn hoàn thiện hơn.

Khi đậu rồi các anh chị cũng nói nhóm mình chưa chọn tốt mô hình thành công. Nhưng điều đó cũng chứng tỏ là bạn không nhất thiết phải chọn ra đáp án đúng để được đậu, miễn là bạn tự tin với mô hình của mình, nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận và chứng minh được khả năng tư duy phân tích, teamwork. Tính mình thì gan lì nên đến đó dù có lúng túng một chút vẫn bình tĩnh để có câu trả lời hoàn chỉnh nhất, sau đó học hỏi quan điểm các anh chị. Đáp án không phải là quan trọng nhất mà hướng suy nghĩ, nghiên cứu, cách trình bày và làm việc nhóm mới là yếu tố cần thiết.

Lúc nhóm khác trình bày các anh chị cũng quan sát mình nên phải thật sự bình tĩnh và để ý, tránh xao nhãng mất tập trung để tôn trọng những người đang nói.

Bên cạnh đó, kinh nghiệm lãnh đạo từ khi đi học cũng sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc dẫn dắt, phối hợp với nhóm.

Nhờ vào kinh nghiệm làm lớp trưởng, lãnh đạo các dự án nhóm trong lớp, Hội sinh viên, v.v… nên mình cũng từng hợp tác với nhiều bạn với nhiều màu sắc cá tính riêng và cũng được học từ cả những thất bại. Có những bạn sôi nổi, có những bạn trầm lắng, có những bạn không tham gia hoạt động nhóm tích cực. Có lần mình làm việc nhóm rất nhiệt tình nhưng lại có một bạn trong nhóm hay trễ deadline, ít đóng góp ý kiến. Mình thường xuyên đặt ra cho bạn câu hỏi để quan tâm đến bạn nhưng vô hình trung, tính cách hơi mạnh mẽ của mình làm bạn sợ. Trong khi một bạn khác cũng hỏi thì lại nhận được câu trả lời chi tiết hơn là vì sức khỏe bạn không tốt và bạn đang trải qua giai đoạn khó khăn. Từ đó mình học được về sự khéo léo trong cách quan tâm, ứng xử thích nghi với cá tính từng người, không đánh đồng. Mình cũng cần hiểu rõ căn nguyên vấn đề và không chỉ tay năm ngón, thay vào đó là đồng hành, quan sát và đưa ray ra hỗ trợ khi bạn cần, không la mắng mà thấu hiểu các bạn nhiều hơn.

Cũng nhờ đó mà mình thể hiện tốt trong quá trình 1 tuần làm Assessment Center, hỗ trợ đồng đội trả lời câu hỏi khó trong quá trình Q&A của các anh chị ở giai đoạn thuyết trình. Các bạn hãy tin là không phải ai cũng sinh ra là có kỹ năng, bạn cần có sự rèn luyện và trải nghiệm. Mình chỉ có 4 năm để học rất nhiều kỹ năng, càng phải xông pha nhiệt tình, tạo cho mình những cơ hội học hỏi để kết quả của 4 năm Đại học không chỉ là học mà là cả những hành trang quan trọng sau này.

Các anh chị cũng hỏi mọi người đánh giá gì về nhau và mình rất vui vì được cả team công nhận là người làm nhiều nhất. Nhưng đến câu hỏi dễ mất lòng hơn là “nếu được chọn ai là người đi tiếp em sẽ chọn người nào”, mình và 2 bạn còn lại chọn bản thân và mình có thêm 1 phiếu ủng hộ từ bạn khác. Đó cũng là một trong những điểm cộng giúp mình được chọn. Vậy nên cứ làm đi, cống hiến đi, chắc chắn những người khác sẽ có cách để nhìn nhận, đánh giá đúng khả năng của bạn, nỗ lực của bạn sẽ được đền đáp xứng đáng.

Kết

Khi ứng tuyển và tham gia LEAD, mình được nhiều hơn là mất. Được ở đây chính là học hỏi qua quá trình thi, cơ hội được luân chuyển ở các phòng ban, có được một mentor hiện đang là giám đốc dịch vụ khách hàng siêu có tâm và có tầm hướng dẫn, được trao quyền để đưa ra các sáng kiến và cống hiến, và hiện tại  được chia sẻ cho các bạn trẻ cùng chí hướng để các bạn có sự chuẩn bị trước ứng tuyển. Mình cũng mong sẽ gặp được các bạn tại Management Trainee Maersk để cùng nhau đồng hành trên con thuyền này!

Chúc các bạn thành công nhé!

Thùy Linh

Bài viết tổng hợp trọn bộ kinh nghiệm thi Management Trainee (Quản trị viên tập sự): Kinh nghiệm thi Management Trainee – Trọn bộ hơn 150 bài viết chi tiết

Cập nhật thông tin về công việc đầu đời tại

Disclaimer: Article includes photos created by Freepik.com

Lưu ý: Tất cả các bài viết thuộc bản quyền của Chương Khởi Điểm, hoặc đã được Chương Khởi Điểm xin phép tác giả. Vui lòng không đăng tải lại hoặc sao chép dưới bất kỳ mọi hình thức trước khi được sự đồng ý của Chương Khởi Điểm.

 

- Advertisement -

FACEBOOK COMMENTS

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here