Trải nghiệm thi Sales Fresher FrieslandCampina Việt Nam (FCV) của chị Bảo Trâm

0
1585

17. chuong khoi diem next management trainee kinh nghiem thi Sales Fresher Sales Trainee FrieslandCampina Bao Tram

Bạn nào chưa biết Management Trainee là gì thì xem lại trọn bộ chia sẻ kinh nghiệm thi tất cả các vòng từ các Management Trainee/Fresher/Intern ở đây nhé: Kinh nghiệm thi Management Trainee – Trọn bộ hơn 150 bài viết chi tiết và đừng quên tham gia group Next Management Trainee: fb.com/groups/thenextmt để nhận được cập nhật những bài chia sẻ kinh nghiệm thi tuyển sớm nhất nha!

—————————

Chào các bạn, mình là Ngô Thị Bảo Trâm, nhận được lời mời từ chị Thư, mình rất vui khi chia sẻ lại những trải nghiệm ứng tuyển chương trình Sales Fresher của FrieslandCampina Việt Nam (FCV), mong là sẽ giúp được những bạn trẻ có cùng chí hướng nhé! Mình cũng rất sẵn lòng kết nối chia sẻ thêm qua Facebook: https://www.facebook.com/baotram.clover, nhớ giới thiệu sơ về bạn để mình làm quen trước nha.

Đôi chút về mình

Mình may mắn là thủ khoa đầu vào của trường Đại Học Kinh Tế Huế, khoa Kinh Doanh Thương Mại, bên cạnh đó thì Tiếng Anh mình học cũng khá ổn nên từ đầu đã được thầy trưởng khoa định hướng học ngành xuất nhập khẩu vì ngành này đang hot trên thị trường. 2 năm đầu thì không có vấn đề gì nhưng đến năm 3 mình dần cảm thấy không phù hợp, đôi khi học hoài cũng không nhớ.  Phải nói là có vẻ như mình và ngành xuất nhập khẩu đúng kiểu “chúng ta không thuộc về nhau” . Đó là lúc mình nhận ra mình phù hợp với những ngành nghề khác linh động hơn.

Song song mình cũng thấy mình rất thích làm những đồ handmade  và bán cho những người yêu thích những món quà nhỏ xinh đó. Và rồi mình bán thử – sản phẩm chính là những quà tặng dành cho cặp đôi với hình ảnh và thông điệp đáng yêu, và nghiệm ra rằng mình cũng khá là thích Sales đó. Thời điểm ban đầu hầu như không có ai mua hàng cả. Nhưng rồi cuối cùng may mắn mình đã làm được với lượng đơn hàng ổn định mỗi tháng và đem về một mức thu nhập khá tốt cho bản thân. Từ đó mình thêm tin tưởng là mình có khả năng và phù hợp với Sales.

Nhưng mình vẫn đặt mục tiêu là có một công việc ổn định tại các công ty và tập đoàn uy tín vì qua đó mình có thể học được quy trình, cách làm việc chuyên nghiệp. Và rồi mình dành nhiều thời gian tìm hiểu về các chương trình Management Trainee và Fresher.

Trở thành Sales Fresher tại công ty FrieslandCampina Việt Nam (FCV) đối với mình chuyện này xảy ra như một cơ duyên vậy.

Trải nghiệm thi vòng CV/Application Form của Sales Fresher FrieslandCampina Việt Nam (FCV)

Vòng CV mình đầu tư thời gian rất kĩ càng, mình tự học và phát hiện rất nhiều thông tin hữu ích trên mạng, và đúng là bể kiến thức thì rất bao la, càng tìm hiểu lại càng thấy khó vì quá nhiều thứ mới mẻ, rất nhiều vòng thi trong khi thời gian để mình chuẩn bị cũng khá ngắn. Mình chọn chiến thuật là đậu vòng nào chuẩn bị toàn lực 100% cho chắc vòng đó vì nếu mình tham lam ôm đồm tìm hiểu hết tất cả thì  sẽ không đủ thời gian. Và rồi một buổi chiều đẹp trời mình nhận được mail báo pass vòng 1.

Trải nghiệm thi vòng Aptitude Test của Sales Fresher FrieslandCampina Việt Nam (FCV)

Vì lần đầu tiên trải nghiệm dạng thi này nên mình cực kì lo lắng vì câu hỏi dạng IQ test khá giống với câu hỏi trong Đường lên đỉnh Olympia. Nhưng khi nghiên cứu kĩ hơn thì duyên số đưa mình đến với chị Thư và Chương Khởi Điểm – một người lạ trên mạng internet nhưng sao những bài viết lại rất cặn kẽ và hết lòng, chia sẻ kĩ càng những dạng test phổ biến, những trang thi thử v.v… Và từ đó mình dành thời gian nghiên cứu thêm, phát hiện vòng thi này nếu chuẩn bị kỹ càng và nắm thông tin trước các dạng thi thì sẽ không khó như mình nghĩ. Mình dùng 1 tuần để làm quen, rồi thực hành nhiều.

Mình muốn nhắn nhủ là vòng thi này không quá “khủng khiếp” như các bạn tưởng tượng. Một số bạn có sẵn tư duy logic thì có thể làm mà không gặp nhiều khó khăn, nhưng để chắc chắn các bạn cứ luyện tập thật nhiều để có thêm kinh nghiệm và phản xạ làm bài. Mình nhớ thời gian mình thi vòng Test này cũng gặp áp lực về thời gian chuẩn bị nhưng không sao, cực mà thu lượm được kết quả xứng đáng thì cũng tốt mà, đúng không?

Hơn nữa, khi thi thì nhớ xem xét cẩn thận để tránh bị đề lừa, đừng vội vì áp lực thời gian vội chọn mà nên bình tĩnh xem có quy luật gì khác nữa hay không vì có thể các câu hỏi sau sẽ có 2, 3 quy luật – tóm lại là làm đâu chắc đó. Bản thân mình cũng từng mắc lỗi chọn quá nhanh nên sai sót.

Một số công ty cũng có một dạng test khá thú vị không phải là IQ test dạng số, mà yêu cầu các bạn sắp xếp lịch trình cuộc họp một cách hợp lý. Nếu bạn có tư duy logic và cũng khá quen thuộc với các từ ngữ về kinh doanh thì không quá khó khăn. Với các chương trình Management Trainee thì đề thi thường là Tiếng Anh nên nếu bạn có tiếng Anh không vững thì áp lực thời gian sẽ càng làm khó bạn, nên nhớ chuẩn bị khả năng đọc – hiểu Tiếng Anh cho mình nhé.

Trải nghiệm thi vòng Initial Interview của Sales Fresher FrieslandCampina Việt Nam (FCV)

Và mình nhận được mail từ FCV – “Ôi tôi lại đậu vòng 2 rồi!” – mình lại may mắn có cơ duyên đến với vòng tiếp theo của chương trình.

Vòng thi này sẽ hỏi nhiều về bản thân (điểm mạnh, điểm yếu), về định hướng công việc, lí do muốn làm việc tại công ty, những kỳ vọng cho công việc, v.v…  Thời gian phỏng vấn tầm khoảng 1 tiếng và trực tiếp với 3 anh chị – 1 người phòng HR, 1 người phòng Sales và 1 người phòng Marketing.

Mình chuẩn bị khá nhiều câu chuyện của bản thân để kể trong vòng thi này.

  • Ví dụ như lý do biết đến FrieslandCampina Việt Nam (FCV), mình kể rằng mình đã thấy rất quen thuộc với công ty vì từ nhỏ đã xem quảng cáo về đèn đom đóm, rồi còn nhận được vở Đèn Đom Đóm ở trường nữa.
  • Về hiểu biết của mình với công ty: trước khi thi, ngoài việc chuẩn bị 1 file để reflect lại bản thân mình, mình còn chuẩn bị thêm 1 file data tìm hiểu những chiến dịch marketing/ bán hàng của FCV. Mình vào web của FCV tìm hiểu sản phẩm công ty gồm có là gì, phân khúc khách hàng thế nào, v.v… Nhờ vậy mà khi HR hỏi bạn biết gì về Cô Gái Hà Lan, về FCV, thì mình có thể kể rất chi tiết về việc FCV xây dựng đa dạng sản phẩm phù hợp phân khúc khách hàng từ trẻ nhỏ đến thanh thiếu niên, những người như mẹ thai sản, cho đến người lớn tuổi. Mình nêu rõ từng sản phẩm, từng nhãn hàng là dành cho phân khúc khách hàng nào. Với phản ứng tích cực từ HR, mình tin đây là một điểm cộng giúp mình vượt qua vòng thi này.
  • Về định hướng với ngành Sales: mình kể về câu chuyện kinh doanh sản phẩm thủ công của chính mình – lí do mình bắt đầu: đam mê đem sản phẩm của bản thân đến tay người tiêu dùng, kết hợp với năng khiếu cá nhân; cho đến việc tìm tòi xây dựng kênh truyền thông cho sản phẩm thế nào, tiếp cận khách hàng ra sao, cách hướng khách hàng đến các loại sản phẩm phù hợp. Mình cũng chia sẻ về việc mình bắt tạo kênh Tiktok để xây dựng một nơi tiếp thị sản phẩm, thiết kế riêng những sản phẩm dành theo yêu cầu của các bạn – một thành tựu nho nhỏ là từ con số 0, ngày nay mình cũng gây dựng được một kênh Tiktok với 10 triệu lượt like và hơn 480.000 followers.

Ngoài những câu hỏi này, HR cũng đưa thêm một số câu hỏi tình huống khác để đánh giá kỹ năng và kinh nghiệm làm việc của mình.

  • Ví dụ mình được hỏi về cách xử lý thực tế khi làm việc với người lớn tuổi hơn nhưng họ không tuân thủ quy trình hoặc gây lỗi. Mình cũng chia sẻ là khi mình làm ở công ty cũ thì có một bác nhân viên cũng khá là lớn tuổi và họ có những mẹo làm việc để bỏ một số giai đoạn của quy trình. Sau khi tìm hiểu và nắm thông tin, mình góp ý với bác nhưng bác khá khó chịu vì bác nghĩ là cả bác và khách hàng đều quen với cách làm việc của bác hiện tại. Vì vậy mình mời bác uống cà phê sau 1 buổi làm việc và tỉ mỉ giải thích lại quy trình, mình cũng chia sẻ sự trân trọng của mình với bác vì bác đã cống hiến rất nhiều sau một khoảng thời gian dài ở công ty – tuy nhiên những quy trình của công ty cũng là để bảo vệ quyền lợi của khách hàng và kể các bác nên mình có trách nhiệm phải tuân theo. Dần dà hai bác cháu cũng hiểu nhau hơn, và đó cũng là tầm quan trọng của việc kiên nhẫn phân tích chứ không chỉ ép buộc làm theo quy trình thì sẽ gặp lại sự phản kháng. Hơn thế nữa, sau này hai bác cháu cũng càng thân nhau hơn và bác còn giúp mình nhiều thứ khác kể cả trong đời sống.
  • Tình huống thứ 2 là việc mình xử lý khi gặp khách hàng khó tính – không tiếp nhân viên và không nhập hàng. Mình cũng thành thật chia sẻ là mình chưa gặp tình huống này ở ngoài đời nhưng có gặp tình huống tương tự khi khách hàng có kỳ vọng cao và phản hồi tiêu cực khi dịch vụ công ty không như họ mong muốn. Với những trường hợp đó, mình luôn xin lỗi trước vì không quan trọng khách hàng hay công là người đúng, mà mình cần xin lỗi để thể hiện sự tôn trọng khách hàng. Sau đó mình sẽ giải thích kỹ càng và để hai bên cùng nói ý kiến, để hiểu nhau hơn rồi linh hoạt điều chỉnh dịch vụ.

Một vài điểm lưu ý ở vòng này của Sales Fresher FrieslandCampina Việt Nam (FCV)

Mình nghĩ phỏng vấn không nhất thiết phải là một chiều, bạn có thể tạo nên tương tác cho cả đôi bên trong buổi này. Ví dụ như sau khi mình trả lời ở trên thì mình cũng hỏi ngược lại các anh chị tuyển dụng là các chị có từng gặp khách hàng khó tính chưa và các chị giải quyết thế nào. Dù bất ngờ vì được đặt câu hỏi nhưng chị tuyển dụng rất dễ thương và chia sẻ chi tiết trải nghiệm của chị ấy, nhờ vậy mà mình thấy không khí của buổi phỏng vấn rất nhẹ nhàng, thoải mái, hai chiều.

Hơn nữa, hảy cẩn thận đừng để bị lạc đề nhé. Đôi khi flow kể chuyện của bạn sẽ khác với flow mà HR nghĩ nên nếu không chuẩn bị trước bạn sẽ dễ dàng bị hướng đi sang câu chuyện khác, lạc đề và chưa kịp thể hiện được tố chất bản thân.  Đặc biệt là vòng này mình gặp những anh chị nói chuyện cực nhẹ nhàng và dễ thương nên càng dễ lạc đề nếu không “tỉnh táo”. Tips của mình là bạn nên có những khoảng dừng để định thần, sắp xếp lại những gì bạn muốn nói, những điểm mạnh mà mình muốn thể hiện.

Cuối cùng, mình nghĩ là sự chân thành rất quan trọng, bạn cần phải thể hiện bản thân mình nhưng cũng đừng nên quá lố và thổi phòng nhé.

Trải nghiệm thi vòng thị trường (Field Sales)

Ở vòng thi này, mình và các bạn được chia thành team 2 người và được giao nhiệm vụ tìm hiểu thị trường trong vòng 3 ngày, tự nhìn nhận những vấn đề ở thị trường đó và đề xuất hướng giải quyết.

3 ngày Field Sales của Sales Fresher FrieslandCampina Việt Nam (FCV)

Vì mình ở Huế nên công ty cũng chu đáo sắp xếp nhân sự để mình đi thị trường tại Huế và thuyết trình với ban giám khảo ở Đà Nẵng.

Khi nhận đề mình cực kì ngạc nhiên vì đề thật sự rất mở và mới mẻ nên chưa biết sẽ xử lý thế nào. Sau khi bình tâm lại, mình lên kế hoạch là ngày đầu tiên sẽ dành để hiểu về quy trình bán hàng và cách nhà phân phối hoạt động, từ đó ra được một bảng khảo sát để hiểu sâu hơn về thị trường. Ngày thứ 2 mình sẽ dùng để lấy số liệu để xác định vấn đề với facts rõ ràng. Và ngày thứ 3 dành để làm nội dung, lên Powerpoint thuyết trình và nộp bài.

Ngày đầu tiên mình đến Nhà phân phối (NPP) để xin phép các anh chị được vào phòng họp, rồi ngồi nghe họp đầu ngày.

Khi nghe các anh chị giới thiệu về bản thân mới thấy sự gắn bó của các anh chị với Cô Gái Hà Lan, có người làm 10 năm, người 20-30 năm, gắn bó với NPP từ những ngày đầu tiên. Trải qua những hoạt động cùng các anh chị giúp mình có cái nhìn rất thực tế về nghề Sales hơn. Ban đầu mình không nghĩ là Sales cần phải họp đầu ngày mà chỉ nghĩ đơn thuần là mình giao chỉ tiêu cho các anh chị nhân viên bán hàng (NVBH) và theo dõi tiến độ thôi. Từ đó mình càng thêm hiểu rõ là đằng sau 1 hộp sữa đến với người tiêu dùng là cả một hệ thống khổng lồ với nhiều quy trình và nhiều sự phối hợp như vậy.

Sau họp đầu ngày thì mình và bạn cùng team chia ra 2 người đi 2 tuyến khác nhau. Mình được sắp xếp đi bán tuyến huyện với 1 anh khá lớn tuổi nhưng rất nhanh nhẹn và yêu đời. Anh chở mình ngồi sau xe cùng 1 thùng sữa mà chia sẻ đủ thứ chuyện: như là làm Sales thì quan trọng nhất là phải biết phục vụ khách hàng vì nghề Sales cũng như là một nghề dịch vụ vậy – vì thế mà suốt hơn 10 năm qua, dù khách hàng lớn hay nhỏ lẻ anh đều rất hết lòng và phục vụ tối đa. Mình thấy thật may mắn vì gặp 1 anh Sales quá tuyệt vời.

Rồi khi bán hàng, mình nhận thấy là thị trường có rất nhiều thứ cần phải học và giải quyết. Sales không chỉ là bán hàng lấy đơn mà còn phải phục vụ khách hàng, phân tích lợi nhuận, trưng bày sản phẩm ở vị trí bắt mắt, làm thế nào để đường phân phối sản phẩm thuận tiện hơn cho NVBH, v.v… Song song, khi nảy sinh những ý tưởng mới mình sẽ chia sẻ với anh Sales để anh giải thích vì sao hiện tại anh chưa áp dụng những cách đó. Ví dụ, khi mình thấy khu vực trưng bày Cô Gái Hà Lan khá sâu và xa tầm nhìn của người tiêu dùng, mình đặt ra câu hỏi vì sao không trưng bày ở chô nào dễ thấy hơn – và anh Sales chia sẻ lí do là hàng hóa dễ mất cắp và côn trùng phá. Từ đó mình đưa ra ý tưởng là sẽ làm thêm bọc nilong trong và để kế tủ kính, anh cũng khá thích hướng giải quyết này còn bản thân mình thì cũng vui vì có thể hỗ trợ được mọi người.

Mình cũng nghiệm lại là làm ngành FMCG thì rất nhiều công ty và mỗi chủ cửa hàng sẽ phải tiếp xúc rất nhiều NVBH trong một ngày – vậy thì vì sao họ phải tiếp Sales của công ty, điều đó càng chứng minh tầm quan trọng của việc xây dựng mối quan hệ với khách hàng qua việc quan tâm đến của hàng, hay phân tích lợi nhuận chương trình thế nào nếu cửa hàng quan tâm tới giá cả, v.v… . Mình đặt mình vào tâm thế đi học, và tâm thế của anh Sales, của chủ cửa hàng để phân tích và nhìn nhận vấn đề. Cách làm đó giúp mình ghi nhận được nhiều vấn đề của thị trường và khó khăn của thị trường. Đây cũng là lúc mà mình thấy đề thi quá hay vì gợi mở và tạo cơ hội cho mình khám phá được Sales kỹ càng hơn cũng như độ phù hợp của mình với nghề.

Sang ngày thứ 2, mình tạo sẵn form Google Sheet để điền những thông tin chính cần thu thập dữ liệu vào – đây là kết quả của ngày đầu quan sát. Trong lúc anh NVBH bán hàng thì mình sẽ thu thập số liệu, chụp hình. Có những số liệu khác cũng sẽ giúp mình đưa ra các giải pháp bán hàng tốt hơn cho công ty, như khi mình thu thập số liệu về nhập hàng thì biết được có 1 cửa hàng có sức mua rất tốt nhưng tần suất NVBH ghé cửa hàng lại thấp, đào sâu hơn thì được biết nguyên do là tuyến đường không thuận tiện nên chưa khai thác được hết shop này, những chương trình hot của công ty cũng chưa được triển khai cho họ sớm. Và từ đó mình đưa ra giải pháp về hướng bán hàng chuyên biệt cho những cửa hàng trái tuyến nhưng sức mua tốt giống vậy.

Cuối ngày 2, mình rà soát, phân tích dữ liệu rồi suy nghĩ slide trình bày, xử lý số liệu. Mình tập trung và làm bài nghiêm túc 1 ngày 1 đêm. Trong bài viết mình không chỉ đưa ra những phân tích về sản phẩm của công ty mà còn cả những sản phẩm đối thủ mà mình đã thu thập dữ liệu được. Ngoài những dữ liệu tự có, mình cũng xin thêm thông tin từ chị Điều hành kinh doanh  của nhà phân phối – như các sản phẩm chủ lực mang lại doanh số lớn của công ty và sản phẩm đối thủ.

Tổng kết lại, giai đoạn này mình nghĩ có những điểm sau giúp mình làm bài đỡ bối rối hơn:

  • Lên kế hoạch cho cả hành trình: mỗi ngày làm gì, hình dung cần thu hoạch kết quả thế nào, số liệu gì, và cách làm ra sao
  • Tận dụng nguồn lực hỗ trợ sẵn có: là các anh chị NVBH và Giám sát nhà phân phối
  • Chủ động đặt câu hỏi
  • Suy nghĩ vấn đề một cách rộng và toàn diện hơn – ví dụ không chỉ nhìn mặt bán hàng, doanh số mà còn là dịch vụ khách hàng
  • Đảm bảo mình có số liệu, có dẫn chứng trong bài trình bày để các giải pháp đưa ra thuyết phục hơn
  • Dành thời gian để tổng kết và làm bài trình bày hoàn thiện

Ngày thuyết trình tại Đà Nẵng của Sales Fresher FrieslandCampina Việt Nam (FCV)

Phần hùng biện

Mình cũng từng trải qua những cuộc thi hùng biện từ thành phố đến quốc gia và cũng có một số thành tựu nên nghĩ là phần này sẽ không quá khó khăn, giai đoạn căng thẳng nhất là Field Sales mình cũng đã hoàn thành khá ổn và cũng đã có số liệu, thông tin, hướng giải quyết rồi. Trước khi trình bày, mình cũng cẩn thận gửi chị Điều Hành Kinh Doanh xem qua góp ý thêm và cũng khá tự tin để “chiến”.

Nhưng đời không như là mơ, khi bước vào phòng thi thì mình “khớp” hết sức: phòng thì khá tối vì mới xong phần trình chiếu slide của nhóm trước nên không bật quá nhiều đèn, ban giám khảo thì có hẳn 4 anh chị: 2 anh Giám sát vùng (ASM), 1 anh giám sát chi nhánh (RSM), 1 chị HR, không khí siêu nghiêm túc và chuyên nghiệp. Với mình thì buổi hôm đó còn căng thẳng hơn cả lên sân khấu rất nhiều lần!

Ở phần trình bày, mình và bạn chung team sẽ chia sẻ những gì team thu thập được sau 3 ngày Field Sales – và phần giải pháp chung của team.

Ngay từ đầu mình cũng được “phủ đầu” trước từ các anh chị là bài làm cần súc tích ngắn gọn, to-the-point để tránh mất thời gian, lan man nên càng áp lực. Trong lúc trình bày, nếu có câu hỏi ngay phần mình đang nói các anh sẽ dừng ngay tại đó để đặt câu hỏi liền.  Qua những phần Q&A từ các anh, mình mới thấy là chính những số liệu và dẫn chứng khách quan là yếu tố then chốt giúp mình có những câu trả lời thuyết phục được. Hơn nữa, có thể không phải các anh chị cần mình trả lời thật chính xác mà là cần hiểu được suy luận của mình đằng sau câu trả lời để đánh giá kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề.

Ví dụ như khi mình chia sẻ một trong những yếu tố mình quan sát là thời gian mua hàng công ty, anh giám khảo ngay lập tức dừng phần trình bày và hỏi lí do vì sao phải tìm hiểu yếu tố này. Mình phân tích là với những cửa hàng có trên 5 năm thời gian bán sản phẩm thì lượng khách hàng ổn định, lượng đơn hàng bán vào và ra tần suất rất tốt và phải chăm sóc kĩ càng ưu tiên. Tiếp theo anh sẽ đào sâu thêm những câu hỏi follow-up như vì sao không ưu tiên các cửa hàng mới, v.v… Khi có số liệu và dẫn chứng thì mình sẽ đỡ bị “đứng hình” khi bị hỏi dồn, bị hỏi “why” liên tục, và thắc mắc về việc mình có lường trước vấn đề này hay chưa. Nếu mình không nắm vững số liệu, tình huống thực tế thì sẽ gặp tình huống thời gian chết và lộ khuyết điểm không hiểu rõ tình hình, giải pháp đặt ra.

Một bí quyết nho nhỏ mà mình đã dùng và cũng khá thành công là câu hỏi nào quá khó mình sẽ lịch sự xin phép được giải đáp ở cuối slide để có thêm thời gian suy nghĩ và chuẩn bị. Bên cạnh đó, ngoài những phần giải pháp chính mà team nêu ra, nên có những giải pháp dự phòng. Với trường hợp đó, khi được các anh chị hỏi về việc nếu kế hoạch A mình đưa ra chưa thành công thì sao – lúc đó mình sẽ vẫn có thể hướng sang kế hoạch B và C mà mình đã chuẩn bị trước.

Vì phần trình bày là trình bày team 2 người, vậy làm sao để ban giám khảo biết được bạn nào có tố chất và hiểu rõ vấn đề hơn? Câu trả lời là với cả 10 giải pháp mà team đưa ra thì các anh chị sẽ hỏi kĩ cả 10 phần, qua đó bạn nào hiểu rõ vấn đề, trả lời sâu hơn thì sẽ thuyết phục được ban giám khảo. Vì vậy bạn cứ tập trung làm tốt phần của mình, hiểu rõ những gì bạn đang làm, có lập luận logic, dẫn chứng thì không phải quá lo lắng về chuyện khả năng của bạn không được nhìn nhận.

Vòng phỏng vấn cuối cùng

Thuyết trình xong thì mình được đưa đến phòng tiếp theo để phỏng vấn cùng với các anh chị ở bộ phận Nhân Sự, lúc đó là một anh thuộc phòng Sales Capability (Phát triển đội ngũ bán hàng) phỏng vấn mình.

Lại thêm một vòng mà mình cũng run không kém vì anh phỏng vấn cực kì nghiêm khắc. Buổi phỏng vấn xoay quanh về định hướng nghề nghiệp và độ phù hợp, cam kết của mình với nghề Sales.

Những câu hỏi đưa ra rất xoáy như: “Em nghĩ tố chất Sales cần là gì, vì sao em gắn bó với Sales, em là con gái có làm nổi không, nếu điều phối em đi các tỉnh xa em có đi không, v.v…”.

Ngoài ra, vòng này cũng hỏi tập trung hoàn toàn vào trải nghiệm và cách ứng xử thực tế trên thị trường mà mình đã làm trong 3 ngày Field Sales (khác với vòng Initial Interview trên thì tập trung vào những trải nghiệm của quá khứ khi mình chưa thi).

Trước khi kết thúc buổi phỏng vấn, khi được hỏi có thắc mắc gì không, mình thắc mắc đâu là những tố chất cần có của Sales và được chia sẻ là “Sự kỉ luật – chi tiết –  chân thành”. Mình từng nghĩ Sales sẽ cần sự linh hoạt hơn là kỉ luật, nhưng sau này đi làm mới hiểu được chính sự kỉ luật mới là thứ đảm bảo đưa công ty đi xa và lớn mạnh hơn.

Ở vòng này mình nghĩ có một vài lưu ý sau:

  • Cần trả lời một cách mạnh mẽ và có khí thế của Sales
  • Chân thành
  • Vững vàng với định hướng của mình
  • Quyết tâm cao độ (vòng này đã là vòng cuối cùng nên đừng nghĩ là mình thi để vui mà cần có quyết tâm để có thể mạnh mẽ vượt qua)
  • Nên chuẩn bị sẵn câu hỏi để trao đổi vào cuối buổi phỏng vấn

Và thế là kết thúc buổi phỏng vấn. Mình có chút lo lắng vì phần thuyết trình cũng như phần phỏng vấn cũng có đôi chỗ va vấp. Nhưng thật vui vì cuối cùng mình cũng đã được nhận offer letter, điều đó cũng có nghĩa là thật ra đôi khi bạn không cần phải hoàn hảo, cứ làm hết sức mình và các anh chị sẽ nhận ra được tố chất cũng như châm chước cho một vài thiếu sót của bạn. Dù gì đi nữa, mình cũng không thể nào biết hết mọi thứ và cũng sẽ được học hỏi lâu dài sau này.

Bài chia sẻ của mình tạm dừng lại ở đây nhé. Mình cũng rất vui vì có những trải nghiệm quý giá này cũng như thời gian qua đồng hành cùng công ty FrieslandCampina Việt Nam. Mong là có thể giúp các bạn một phần để chuẩn bị cho những kì tuyển dụng sắp tới nhé!

Bảo Trâm

Bài viết tổng hợp trọn bộ kinh nghiệm thi Management Trainee (Quản trị viên tập sự): Kinh nghiệm thi Management Trainee – Trọn bộ hơn 150 bài viết chi tiết

Cập nhật thông tin về công việc đầu đời tại

Disclaimer: Article includes photos created by Freepik.com

Lưu ý: Tất cả các bài viết thuộc bản quyền của Chương Khởi Điểm, hoặc đã được Chương Khởi Điểm xin phép tác giả. Vui lòng không đăng tải lại hoặc sao chép dưới bất kỳ mọi hình thức trước khi được sự đồng ý của Chương Khởi Điểm.

 

- Advertisement -

FACEBOOK COMMENTS

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here