Trải nghiệm thi Management Trainee Pepsi (Suntory Pepsico) từ anh Minh Khoa Phần 2

0
4846

chuong khoi diem next management trainee generali management trainee pepsi minh khoa p2

Cảm ơn Minh Khoa đã đồng ý chia sẻ với chị Thư và các bạn trẻ của Chương Khởi Điểm – Next Management Trainee nghen. Các bạn cũng có thể liên hệ chính chủ ở FaceBook này nha: https://www.facebook.com/techman.khoa 

Bạn nào chưa xem phần 1 thì xem lại ở đây trước khi đọc tiếp nhé: https://chuongkhoidiem.com/trai-nghiem-thi-management-trainee-suntory-pepsico-spvb-tu-anh-minh-khoa-p1/

—————

4. Vòng làm việc nhóm (AC) – Dù ai nói ngả nói nghiêng, mình thấy gì mình cứ nói thẳng

Nội dung thi

Quay lại về nội dung, vòng AC được chia làm 2 phần, cá nhân và làm việc nhóm.

  • Vòng cá nhân:
    • Đề đưa ra một business case và giải trong vòng 45 phút
    • Mới đọc lướt qua thì anh ngộp về mặt nội dung vì đề dài hơn 70 slide (PDF) chữ chiếm 60-70% slide, toàn bộ bằng tiếng Anh, gồm những thông tin về công ty và vấn đề hiện có.
    • Ở vòng này, anh giải trên quan điểm của một người làm nhân sự. Và đối với anh, vấn đề của nhân sự không chỉ gói gọn trong nhân sự mà trước tiên phải hiểu bối cảnh chung của doanh nghiệp là gì. Vì thế nên anh dành gần hết thời gian đọc qua đề để hiểu rõ được tình hình hiện tại của doanh nghiệp đang như thế nào, từ đó đứng dưới vai trò là quản lý nhân sự sẽ có những đề xuất gì. Kết quả là anh mất 35 phút đọc đề, 5 phút suy nghĩ và đúng 5 phút ghi lời giải. Tay anh gõ muốn mỏi rụi. Và đúng như dự đoán, kết quả bài cá nhân của anh bị đánh giá là “tệ” vì lời giải ngắn gọn, không đủ chi tiết (5 phút không đủ để anh ghi hết những gì anh nghĩ). Một phần cũng do lúc đó anh hơi dại, ghi nháp ra giấy trước để hệ thống hóa lại ý rồi mới đánh vào máy nên hơi lâu. Tuy nhiên phần này cũng có cái hay, lát nữa khúc dưới anh sẽ quay lại ;).
  • Vòng thi nhóm:
    • Đi vào phần làm việc nhóm, phòng anh gồm 6 người. Ngay khi ban giám khảo nói là “Bắt đầu” và anh chưa định hình được gì thì một bạn đã lên tiếng. Nếu mấy em có tìm hiểu các bài viết về “Những điều nên làm khi thi vòng AC”, thì các em sẽ biết là gồm có những bước như xác định vấn đề, phân việc trong nhóm, nhớ chia cả time keeper, quy định nhường nhau khi nói… (hồi đó anh cũng có tìm hiểu). Nó gồm 1 check-list á, và cái bạn anh nói lúc đầu đã check hết list đó trong vòng 1 nốt nhạc! Lúc đó anh mới thấy “Ủa sao giống y như “template” mẫu vậy ta?”. Vì thế nên hầu hết thời gian là bạn đó nói. Một số bạn khác cũng có nhiều ý kiến và thay nhau như vậy. Vì biết là online nên các bạn cũng đợi nhau nói xong mới nói nên không loạn. Có anh thì ngồi 5 phút đầu vẫn bị tư tưởng “Tại sao mình không nói gì? Các bạn nói nhiều quá mình chen vào có kì không? Sao vé Thương Gia khó quá vậy trời?”.
    • Sau khi định hình lại thì anh dùng kĩ năng lắng nghe của mình theo dõi cuộc thảo luận. Tính anh là một người suy nghĩ theo hướng logic và có hệ thống, nên vừa nghe anh vừa hệ thống hóa lại cần phải giải quyết vấn đề gì trước, để giải quyết nên làm những bước gì, thứ tự ra sao, mọi người đang ở bước nào. Các bạn tranh luận một hồi thì anh nhận ra mọi người đang chỉ nêu ra ý tưởng và phân tích sâu vào ý tưởng đó, chứ chưa chỉ ra nó giải quyết được vấn đề nhỏ nào trong bức tranh lớn, nên mất thời gian khá nhiều lúc đầu chỉ để tranh luận. Vậy nên anh mới chen vào cắt mọi người và giải thích rõ ra để tránh phí thời gian nữa, rồi đưa ra các vấn đề cần giải quyết abc rồi sẽ đi từng vấn đề để giải quyết. Anh cũng đem những ý tưởng các bạn vừa nói để vào từng vấn đề, rồi từ đó phân tích tiếp để đi tới thống nhất quan điểm. Lúc đó mọi người mới “bình tĩnh” lại và các bạn đi nhanh hơn ban đầu. Việc take note cũng dễ hơn và có hệ thống, lát sau tụi anh chỉ cần lấy note đó để trình bày vì cũng khá dễ nhìn, đỡ làm slide.
    • Khi hết giờ thì từng bạn phân ra nói một vài ý và được hỏi thêm, mọi người trong nhóm cũng bổ sung câu trả lời cho nhau. Anh thấy nhóm anh có tinh thần đồng đội khá tốt, mọi người thống nhất được quan điểm cuối, có vài chỗ thì cũng chưa được thuyết phục nên vẫn bám vào ý cá nhân nhưng không lớn lắm. Sau này anh nghe 1 bạn Management Trainee phòng khác kể lại thì ở phòng bạn khi mà bạn đó trình bày ý tưởng cho giám khảo, 1 bạn khác chen vào và phản biện lại ý đó. Chắc do người làm HR thường hiền :”> (mỗi người tự định nghĩa “hiền” nha haha).
    • Khi thuyết trình xong tụi anh đánh giá kết quả nhóm, đứa nào cũng cho 7-8đ. Anh nghĩ một phần do các bạn thấy được sự hợp tác của nhóm để cùng đi đến thống nhất và chất lượng của các ý tưởng đưa ra. Nhưng anh giám khảo nhận xét bài tụi anh chỉ có 6 điểm. Nhận xét của ảnh là: “Các ý tưởng của các em đưa ra tốt, nhưng nó chỉ mới giải quyết được vấn đề của Nhân sự, chứ chưa cho thấy rằng sẽ giải quyết vấn đề của Doanh nghiệp.

Sau khi thi xong thì tụi anh được nghỉ trưa để giám khảo thảo luận và chọn ra danh sách được vào vòng phỏng vấn trong. Thú thật với mọi người cảm giác anh lúc đó không bị áp lực về kết quả, nhưng không phải kiểu cảm giác tự tin, như “mình sẽ vào được vòng trong.”. Lúc đó anh thấy vui vui, vì câu nhận xét của anh giám khảo nãy rất giống với suy nghĩ của mình *nếu bạn nào thấy đoạn ở trên có suy nghĩ nào của anh giống vậy thì inbox anh kết bạn nhé 😉 *. Kiểu từ trước giờ anh đã quyết định theo đuổi một ngành không phải chuyên môn đại học, đồng nghĩa là phải hình dung các kiến thức, quan điểm, lối suy nghĩ đó theo cách mà mình hiểu chứ không phải được “kiểm chứng” như giáo trình đại học. Và câu nói đó cũng lại 1 lần nữa khẳng định rằng anh đang hiểu đúng. Lần này khác chút là từ một người Director của công ty mình đang ứng tuyển, tức khả năng cao việc mình phù hợp với định hướng phát triển, thậm chí là văn hóa của công ty. Ừ thì vậy nên thấy vui. Có kết quả ra cũng vui thêm tí và ngủ được 1 giấc trước khi vào vòng cuối.

5. Vòng phỏng vấn sâu – Bạn “sâu” được tới mức nào:

Trước khi vào phỏng vấn thì anh cũng hơi lo một cái: ca mình là gần áp chót nên các anh chị cũng gần hết năng lượng rồi, dễ bị ảnh hưởng tới kết quả của mình. Nhưng lát sau anh tự trấn an bản thân bằng 2 ý: một là mấy anh chị làm công ty phải chuyên nghiệp rồi, sẽ có khả năng cân bằng năng lượng nên mình không cần phải lo chi, lo mình đã; hai là mấy anh chị mệt thì để em nói thêm cho mấy anh chị hỏi :D. Ở vòng này thì anh nghĩ không có format chung là sẽ hỏi những câu gì, tùy mỗi người muốn biết thêm gì từ ứng viên. Và tất nhiên nó cũng sẽ tùy thuộc vào từng người phỏng vấn, có người sẽ muốn sâu về hướng này nhưng có người lại sâu hướng khác. Và mục tiêu của anh vẫn là cứ trả lời sao cho mình cảm thấy rằng người nghe có thể hiểu rõ về mình nhất.

Khi vừa bắt đầu phỏng vấn (sau khi chào hỏi và giới thiệu với nhau) thì một chị đã hỏi anh “Em nhận xét thế nào về bài làm cá nhân của mình?”. Anh cũng nói thẳng luôn (vẫn nói giảm nói khéo vì bản năng sinh tồn của 1 người đang phỏng vấn): “Dạ em thấy không hài lòng ạ. Chất lượng bình thường, không tốt vì…”. Xong chị nói luôn là “Bài của em chị đánh giá là không tốt nếu không muốn nói là tệ.” và chị hỏi anh lí do. Thật ra nghe chị nói vậy anh lại không bị nao núng gì cả, vì bản thân anh thấy nó tệ thật (như anh đã giải thích phần trên). Việc chị nói ra cũng chỉ là xác nhận lại thôi. Nhưng có điều vui vui là dù kết quả tệ nhưng mình vẫn ở đây, chứng tỏ khả năng mình đánh giá về bản thân ở vòng làm việc nhóm là chính xác. Sau sự kiện này, anh thấy kết quả của mình dù có tệ đi chăng nữa, nhưng nếu mình biết vì sao nó tệ và biết cách thay đổi, thì đó là một bước tiến và nó càng khiến mình tự tin hơn.

Tiếp theo các anh chị tìm hiểu kỹ hơn về định hướng, nhận định và quan điểm của anh về ngành HR và vị trí mà anh chọn để phát triển trong tương lai. Anh nhớ là không hỏi nhiều về tính cách và kỹ năng, cũng không hỏi về chuyên môn nhiều. Có một khúc anh được hỏi về ý kiến của mình trong vòng làm việc nhóm và nhận xét ý kiến các bạn, anh cũng có nói là “Dạ ý bạn kia em hiểu nhưng có một số thuật ngữ chuyên ngành bạn dùng em chưa tìm hiểu kĩ.” Ở đây không phải nói là kiến thức chuyên môn không quan trọng nhe, apply nhân sự mà chưa biết gì về kiến thức là không được nhe, mà lời khuyên ở đây vẫn là không biết thì hãy nói “Dạ em chưa biết, để em tìm hiểu thêm” thay vì giải thích bừa mà không đúng.

Thay lời kết

“Và thế là hết…”. Nội dung trên anh nghĩ cũng đủ để trả lời 2 mục tiêu ban đầu. Mỗi công ty sẽ có một trải nghiệm khác nhau, thậm chí là mỗi phòng ban trong cùng công ty trải nghiệm cũng khác nhau rồi. Nên là dù cho bài viết về trải nghiệm hay kinh nghiệm thi Management Trainee thì anh mong các bạn hãy xem như một nguồn tài liệu tham khảo nhe. Trứng gà còn không có cái nào giống nhau mà 😀

Bật mí thêm cho những lần chia sẻ tiếp theo (nếu có duyên hoặc có cơ hội hehe): Khi làm công ty cũ (trước SPVB), công việc của anh là nhân viên chính thức của phòng ban về Shared Service, dạng về HR Operation. Sau khi làm 6 tháng anh quyết định nghỉ và chuyển hướng làm HRBP vì thấy rằng mình không phù hợp với công việc của phòng ban về C&B như vậy. Khi ứng tuyển thì anh cũng thể hiện quan điểm đó rõ ràng luôn rồi á, không hiểu lầm nổi được luôn á. Và sau khi SPVB báo đậu anh nhận được tin rằng anh sẽ được làm ở phòng ban làm về C&B (ở SPVB gọi là Total Reward) chứ không phải HRBP.

Vậy là từ một đứa Bách Khoa ra làm HR, rồi quyết định không theo C&B mà theo HRBP, và cuối cùng đáp lại ở C&B. Bạn nào đang cảm thấy định hướng hay công việc mình cũng khó hiểu như câu vừa rồi thì kết bạn anh nhe 😉

Stay strong and stay safe nha!

Minh Khoa

P/s: khi kết bạn các bạn thả nhẹ cho anh cái inbox giới thiệu sơ sơ về bản thân để tiện làm quen luôn he. Anh cũng không quen accept người lạ nên vậy để đỡ miss nhau ấy mà

Bài viết tổng hợp trọn bộ kinh nghiệm thi Management Trainee (Quản trị viên tập sự): Kinh nghiệm thi Management Trainee – Trọn bộ hơn 150 bài viết chi tiết

Cập nhật thông tin về công việc đầu đời tại

Disclaimer: Article includes photos created by Freepik.com

Lưu ý: Tất cả các bài viết thuộc bản quyền của Chương Khởi Điểm, hoặc đã được Chương Khởi Điểm xin phép tác giả. Vui lòng không đăng tải lại hoặc sao chép dưới bất kỳ mọi hình thức trước khi được sự đồng ý của Chương Khởi Điểm.

 

- Advertisement -

FACEBOOK COMMENTS

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here