4 nguyên tắc vàng khi xin việc, phỏng vấn sinh viên cần biết

1
12681

4 nguyên tắc vàng khi xin việc, phỏng vấn sinh viên cần biết

Khoan nói đến việc CV lung linh thế nào, phần phỏng vấn sinh viên trả lời trôi chảy tới đâu – trước hết hãy nhớ nằm lòng 4 nguyên tắc vàng với 4 chữ T dưới đây để chinh phục nhà tuyển dụng một cách hiệu quả nhé! Đây cũng là bí quyết giúp chị Thư Chương Khởi Điểm có được công việc tại các công ty đa quốc gia uy tín.

Chia sẻ với các bạn 4 nguyên tắc vàng khi xin việc đã theo chị cho tới tận bây giờ và là viên ngọc quý giúp chị có được công việc mơ ước: THÀNH THẬT – TỰ TIN – TÌM HIỂU – THỰC HÀNH

🍀 Nguyên tắc 1⃣: Phải THÀNH THẬT

Nhiều bạn thường mang tâm lý, phải làm sao để mình thật “oách”, thật nổi bật trước nhà tuyển dụng để được lựa chọn vào những vòng tiếp theo. Chính vì vậy khi xin việc, phỏng vấn sinh viên có xu hướng tặc lưỡi viết thêm một số điều không chính xác vào CV hay nói quá lên về bản thân. Thực ra, những thông tin của CV không chỉ để dùng ở vòng 1 mà sau này sẽ được sử dụng cho vòng phỏng vấn nữa. Vì vậy, nếu các bạn cố ý nói sai sự thật ở CV thì dù có lọt qua vòng nộp đơn thì bạn cũng sẽ bị phát hiện ra ở vòng phỏng vấn, thậm chí lại còn mất uy tín trầm trọng nữa đó. Còn nếu bạn nghĩ với những chiêu trò, lách léo ở vòng phỏng vấn sinh viên có thể dễ dàng qua mặt nhà tuyển dụng, thì bạn đang sai lầm đó, và chị cũng đã từng là nạn nhân của cái tật “nói không thành có” này.

Đó là khi còn là sinh viên, chị phỏng vấn làm part time của 1 công ty của các anh chị sinh viên năm cuối trong trường thành lập. Khi đến vòng phỏng vấn, chị không muốn mình thua kém bất cứ ai nên khi được hỏi về kinh nghiệm hoạt động chị đã kể về hoạt động tại đội công tác xã hội, là tổ chức sự kiện thiện nguyện, là múa hát, v.v… Khi được hỏi rõ hơn là em làm nhiệm vụ gì, chị suy nghĩ một hồi và quyết đinh nói “ Dạ em là leader” mặc dù thực tế vai trò của chị chỉ là múa hát, chơi trò chơi và phát bánh kẹo cho các em nhỏ. Lúc đó chị cũng hơi chột dạ vì cảm giác là mình hơi bị hớ và lo lắng bị phát hiện. Mà hớ thiệt, các anh chị phỏng vấn hỏi thêm là chính xác chị làm những gì thì chị kể lan man, không rõ ràng, vì ngay từ đầu chị đã không thành thật rồi thì những gì chị kể cũng không nhất quán và dễ dàng lộ ngay điểm yếu. Kết quả dĩ nhiên là rớt đau rớt đớn. Đợt đó chị cũng khóc dữ lắm, nhưng mà chính nhờ vậy chị mới hiểu được giá trị của sự thành thật và từ đó dặn lòng về nguyên tắc thành thật khi xin việc.

Các bạn à, không khó để phát hiện ra liệu khi phỏng vấn sinh viên có đang nói dối hay không đâu. Thường chỉ cần cùng 1 vấn đề, cách đặt câu hỏi khác nhau và hỏi cách xa nhau một chút , nếu nói dối các em sẽ thường cho ra những câu trả lời khác nhau. Hoặc nếu các em nói sai về vai trò của mình thì càng dễ nhận diện vì những anh chị phỏng vấn sinh viên dư kinh nghiệm và bản lĩnh để hiểu được từng vị trí có vai trò như thế nào. Vải thưa không che được mắt thánh nên đừng nói những thứ mà mình không có.

Và hơn nữa, là chính mình nhiều khi sẽ cho bạn nhiều lợi thế hơn đó. Nếu ngày xưa chị khẳng khái nhận đúng nhiệm vụ của mình là múa hát và chơi với các bé, sau đó kể chi tiết hơn về những đóp góp của mình thì dù vai trò có nhỏ nhưng nếu thấy được nhiệt huyết của chị với những gì chị làm thì biết đâu được chị đã có thể vượt qua cuộc phỏng vấn đó. Nên, hãy luôn là chính mình các bạn nhé!

🍀 Nguyên tắc 2⃣: Hiểu rõ bản thân – Không TỰ CAO nhưng cũng không TỰ TI, hãy TỰ TIN

Trong quá khứ chị đã từng trải qua nhiều giai đoạn: TỰ TI – TỰ KIÊU – TỰ TIN

TỰ TI: Từ đợt rớt công ty nọ, chị bắt đầu có chút hoang mang về bản thân và nghĩ là ngoài việc không nói dối, mình phải luôn khiêm tốn nữa. Và có nhiều lúc “khiêm tốn quá đà” đã biến chị thành một con người tự ti đến mức không đánh giá nhận thức đúng về bản thân mình. Tự ti gây hại rõ nhât là lần nộp cho cuộc thi P&G Business Challenge, chị lại rớt ngay từ vòng gửi xe – vòng nộp đơn. Có thể có nhiều lí do nhưng nghiệm lại, một phần cho việc chị rớt là vì chị đã tự đánh giá thấp bản thân mình trước khi nhà tuyển dụng đánh giá. 1 trong những câu hỏi ở vòng nộp đơn là “trình độ tiếng Anh của bạn thế nào”, chị đánh vào “intermediate” – “trung cấp” trong khi lúc đó lẽ ra chị phải đánh đúng giá trị của bản thân mình là “advance” vì chị đã có thể nói, viết và giao tiếp tốt bằng tiếng anh, điểm thi đầu vào đại học ngoại thương cũng ngót nghét 8-9 điểm. Và không chỉ dừng lại ở đó, những câu hỏi khác tương tự chị cũng đánh giá mình khá thấp so với khả năng của mình. Trong vô vàn những bạn bè giỏi giang khác, những người đánh giá đúng về bản thân, dĩ nhiên chị đã tự đánh rớt chính mình. Vậy nên, đừng quá tự ti các bạn nhé!

TỰ KIÊU: 

Tự kiêu cũng lại là câu chuyện của chị khi phỏng vấn ở công ty nọ. Trước đó chị cứ nghĩ là mình lanh lẹ, thông minh, và tài giỏi. Thành ra chị không xem những người chung nhóm ra gì hết, đến khi làm ở phần thảo luận nhóm chị liên tục phủ nhận những ý tưởng của người khác và giành hết quyền nói cho mình. Khi các anh chị phỏng vấn hỏi em đánh giá thế nào về những ý tưởng của nhóm đã đưa ra, chị không màng đến việc phân tích những điểm tốt hay không tốt mà chỉ một mực khen ý tưởng của mình, thậm chí còn phủ nhận công sức của người khác vì luôn nghĩ mình mới là người quan trọng nhất của nhóm. Tuyển một người tự kiêu vào công ty sẽ không chỉ làm phá đi không gian làm việc nhóm thoải mái của mọi người mà còn tuyển một người không đóng góp và phát triển công ty được bởi vì họ nào có lắng nghe và tiếp thu ý kiển của người khác, đúng không?

TỰ TIN:  Vậy thì, khi phỏng vấn sinh viên hãy TỰ TIN thay vì tự ti và tự kiêu nhé. Trước khi đặt bút vào viết CV hay bước chân vào buổi phòng vấn sinh viên cần đánh giá đúng năng lực bản thân mình, để sau đó có thể tự tin kể lại những thành tựu bản thân mình đã gặt hái được và dám thừa nhận những lỗi sai và thiếu sót của mình nếu được chỉ ra. Hãy dành cho mình một khoảng thời gian lắng đọng, nhìn lại những gì mình đã làm tốt, chưa tốt, và đồng thời hỏi thăm ý kiến của bạn bè, gia đình và người xung quanh để hiểu rõ về mình nhất. Và tự tin cũng là bí quyết đã giúp chị có được công việc mà chị mong muốn, nên chị tin các bạn cũng sẽ làm được!

🍀 Nguyên tắc 3⃣: TÌM HIỂU kĩ về công ty mình đang ứng tuyển

Luôn luôn phải hiểu rõ mình đang nộp cho công ty gì, phòng ban nào, vị trí ứng tuyển nào, họ cần gì ở mình. Nếu không các bạn sẽ rơi vào cái bẫy là “chìa khóa vạn năng” – 1 CV sinh viên làm ra với mong muốn có thể đáp ứng tất cả mọi công việc nhưng hóa ra lại quá chung chung đến mức công việc nào cũng quá sơ sài hoặc một buổi phỏng vấn thất bại chỉ vì bạn trả lời một cách quá chung chung và khuôn mẫu cho câu hỏi “Vì sao bạn nộp vào công ty chúng tôi” thay vì tìm hiểu kĩ và có một câu trả lời thích hợp cho riêng công ty đó . Nên nhớ, mỗi công ty có một văn hóa khác nhau, tầm nhìn khác nhau và điều kiện ứng tuyển cũng có thể khác nhau đôi chút. Mỗi công việc lại cần một kĩ năng, kinh nghiệm và những tính cách riêng. Do đó phải tìm hiểu thật kĩ trước khi nộp cho bất cứ công ty nào để có thể thu hút được nhà tuyển dụng.

🍀 Nguyên tắc 4⃣ : THỰC HÀNH

Nếu bạn nghĩ chỉ cần chơi bời thong thả, để rồi đến năm 4 kiếm những tips viết CV sinh viên, tips để phỏng vấn và làm theo đúng tips thì sẽ có công việc tốt thì chị xin lỗi, một lần nữa bạn sai rồi.  Không có một bí quyết nào có thể giúp bạn vượt qua những vòng thi nếu như bạn không hề có kĩ năng, kinh nghiệm và kiến thức cần thiết. Một CV được thiết kế đẹp lung linh, một buổi phỏng vấn bạn nói liến thoắng từ đầu đến đuôi không đảm bảo cho bạn khả năng đậu mà quan trọng là bạn chia sẻ được những kinh nghiệm, những kĩ năng gì của chính mình. Điều này cũng giống như một quyển sách bán chạy không chỉ đơn thuần là nhờ bìa sách đẹp mà còn quan trọng là nội dung trong quyển sách đó. Và dĩ nhiên kiến thức, kĩ năng không thể nào có được trong một sớm một chiều. Cần phải rèn luyện từ rất sớm để chính bạn có thể tự hào về chính mình và chinh phục nhà tuyển dụng. Chia sẻ riêng về kinh nghiệm cá nhân chị là từ khi mới chân ướt chân ráo vào trường ngoại thương, chị đã lăng xăng tham gia khá nhiều câu lạc bộ và hoạt động, cũng như trau dồi vốn tiếng Anh và chuyên môn của mình, giúp cho những kĩ năng mà chị còn yếu được trau dồi và hoàn thiện hơn, những kiến thức cũng nhờ vào đó mà được bồi lấp thêm mỗi ngày. Hơn nữa, xăng xái tham gia đã giúp chị trải qua không biết bao nhiêu lần viết CV và phỏng vấn, đậu có, rớt có và từ đó tôi luyện chị dày dạn hơn, “chai mặt hơn” để sau này có thể tự tin bước vào một buổi phỏng vấn chuyên nghiệp. Vậy nên, hãy bắt đầu chuẩn bị cho công việc đầu đời thật sớm, các bạn nhé!

Chúc các bạn thành công chinh phục công việc đầu đời mơ ước, đặc biệt là với chương trình Management Trainee (Quản trị viên tập sự) nhé!

Yêu thương,
Chị Thư 

Bài viết tổng hợp trọn bộ kinh nghiệm thi Management Trainee (Quản trị viên tập sự): Kinh nghiệm thi Management Trainee – Trọn bộ hơn 150 bài viết chi tiết

Cập nhật thông tin về công việc đầu đời tại

Disclaimer: Article includes photos created by Freepik.com

Lưu ý: Tất cả các bài viết thuộc bản quyền của Chương Khởi Điểm, hoặc đã được Chương Khởi Điểm xin phép tác giả. Vui lòng không đăng tải lại hoặc sao chép dưới bất kỳ mọi hình thức trước khi được sự đồng ý của Chương Khởi Điểm.

 

- Advertisement -

FACEBOOK COMMENTS

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here