Cách viết CV sinh viên – Phần Kinh nghiệm làm việc/Hoạt động ngoại khóa

2
28266

Cách viết CV sinh viên - Phần Kinh nghiệm làm việc/Hoạt động ngoại khóa

Mục “Thành tựu” là phần sinh viên hay bỏ sót nhất khi viết CV, trong khi đó là nội dung quan trọng để ghi điểm với nhà tuyển dụng và chứng tỏ năng lực của mình. Khi viết CV sinh viên nên ghi những gì trong phần này? Những lỗi sai hay gặp và cách sửa chữa? Xem thêm minh họa siêu kĩ ví dụ về cách viết tốt ở mục này nhé!

Trước khi đọc bài này, hãy chắc chắn là các bạn đã đọc 5 phần trước:

  1. 4 nguyên tắc vàng khi xin việc THÀNH THẬT – TỰ TIN – TÌM HIỂU – THỰC HÀNH: https://chuongkhoidiem.com/4-nguyen-tac-vang-khi-xin-viec-phong-van-sinh-vien-can-biet
  2. 5 giai đoạn viết CV sinh viên thường bỏ sót: https://chuongkhoidiem.com/5-giai-doan-viet-cv-sinh-vien-thuong-bo-sot
  3. Những lưu ý về hình thức khi viết và gửi CV: https://chuongkhoidiem.com/nhung-luu-y-ve-hinh-thuc-khi-viet-va-gui-cv-sinh-vien-can-nho/
  4. Cách viết CV sinh viên – Phần Thông tin cá nhân & Về bản thân: https://chuongkhoidiem.com/cach-viet-cv-sinh-vien-phan-thong-tin-ca-nhan-ve-ban-than/
  5. Cách viết CV sinh viên- Phần Quá trình học tập & Kĩ năng: https://chuongkhoidiem.com/cach-viet-cv-phan-qua-trinh-hoc-tap-va-ki-nang/

Ukie, nếu đã đảm bảo trăm phần trăm đọc rồi thì mình sẽ cùng xem những lưu ý khi viết CV ở phần quan trọng nhất – “Kinh nghiệm làm việc” (hoặc “Hoạt động ngoại khóa” nếu bạn nào chưa có kinh nghiệm làm việc ở công ty)

1⃣ Những thông tin nhất định phải có trong phần này
  • Chức danh/ vị trí của bạn
  • Công ty/CLB/ Tổ chức bạn tham gia
  • Thời gian làm việc:  Bạn làm trong khoảng thời gian nào, bao lâu
  • Nhiệm vụ cụ thể của bạn ở mỗi vị trí
✏ Mẫu CV sinh viên chưa tốt

Cũng như những phần trước, cùng xem mẫu số 1 ở dưới đây và chỉ ra những điểm CV này chưa tốt nhé! Những phần không liên quan chị đã che mờ rồi nha.

  • Trước hết, phần “Kinh nghiệm hoạt động” và “Thành tựu” là xương sống của CV và cần được giành nhiều “đất” nhất để bạn có thể kể chuyện với nhà tuyển dụng về những kinh nghiệm, khả năng và những điều bạn đã gặt hái được trong quá khứ. Vậy nhưng CV này lại chỉ giành có 1/3 diện tích ít ỏi cho phần này, chưa đủ để tạo nên một bức chân dung về bạn! Nên giành ít nhất một nửa diện tích để cho 2 phần cực kì quan trọng này bạn nhé! 😃
  • Thay vì ghi “Thành viên ban truyền thông” bạn lại lười biếng ghi tắt vô tội vạ thành “TV”. Không được viết tắt các bạn nhé!😲
  • Cảm giác đầu tiên khi nhìn phần này là “LƯỜI ĐỌC” đúng không? Đo là vì CV này chỉ gồm một đống thông tin liệt kê hết sức sơ sài và quan trọng là thông tin cần thiết về vị trí và thời gian làm việc của bạn  nhìn lướt qua không thể nắm được một cách nhanh chóng. Nhắc lại lần nữa là nhà tuyển dụng chỉ lướt qua dưới 10s để có ấn tượng về CV của bạn, nên đừng phí phạm thời gian của họ và cơ hội của bạn bằng một phần đầy nhóc chữ không sắp xếp như thế này, hãy biết sử dụng in đậm, xuống dòng một cách hợp lý để làm nổi bật thông tin quan trọng. 😉
  • Nhìn vào bạn có biết công việc nào làm trước, làm sau không? Hoàn toàn không đúng không, vì CV này bạn đã quên ghi thời gian đầy đủ vào tất cả công việc.
  • Đừng viết văn! Chính việc nghiêm túc thêm chủ ngữ, vị ngữ quá đầy đủ nguyên câu đã làm cho CV của bạn dài dòng và hết sức lê thê. 😠
  • Nhiều bạn sẽ gặp lỗi giống CV này đó là không mô tả trách nhiệm công việc hoặc mô tả trách nhiệm công việc chung chung, giống như là copy nguyên mẫu mô tả công việc. Hãy nhớ là nhà tuyển dụng cần biết là khi bạn làm công việc đó bạn đã làm những gì – những đóng góp của CHÍNH BẠN – càng cụ thể càng tốt, chứ không phải là những mô tả mẫu về công việc đó!

👉 Ví dụ như mẫu CV trên: “Thành viên ban truyền thông – tổ chức sự kiện cho câu lạc bộ Tiếng Anh – quảng bá cuộc thi qua nhiều kênh thông tin khác nhau”. Trời, bạn viết thiệt là trớt quớt đó. Bạn tổ chức sự kiện, cụ thể là sự kiện gì, bạn đóng vai trò nào – chạy logistic, hay làm MC, hay chịu trách nhiệm về nội dung quảng bá, v.v…? Và nhiệm vụ của ban truyền thông dĩ nhiên là truyền thông cho câu lạc bộ qua nhiều cổng thông tin khác nhau rồi nhưng vấn đề là CHÍNH BẠN bạn đảm nhiệm những cổng thông tin nào: bạn chuyên làm Facebook, hay đăng tin trên mạng, v.v..? Nhưng thông tin này mới là quan trọng và cần thiết!

  • Ngoài những điểm sai chính như CV kể trên, một lỗi thường gặp , đặc biệt là ở những bạn có bề dày hoạt động kinh nghiệm lâu năm đó là quá tham lam dẫn đến chiếc CV siêu dài dòng! Các bạn có xu hướng liệt kê hết tất cả hoạt động của mình và thậm chí ghi luôn cả những hoạt động mà bạn chỉ tham gia thôi chứ không đóng góp gì vì tư tưởng là “thà dư còn hơn thiếu” – ví dụ như “Tham gia hội thảo Ngành công nghiệp 4.0”, “Tham gia hội thảo “Sinh viên thời đại, v.v…”. Và chính vì tham lam nên nhiều khi chiếc CV kéo dài những 4 trang mà hết sức lan man và nhạt nhòa. Các bạn ghi quá nhiều, không tập trung thì sẽ càng dễ làm ấn tượng về bản thân mình mờ nhạt.

👉 Chị kể ví dụ thực tế để minh họa cho các bạn luôn nhé, lần đó chị tham gia phỏng vấn cho một chương trình học bổng, có một bạn nữ cũng rất lanh lẹ và đang ở vị trí lãnh đạo của một câu lạc bộ trong trường. Khi đến phần chia sẻ hoạt động của bạn, bạn liệt kê hết tất tần tật từng tháng một bạn làm gì. Ban đầu mọi người còn tập trung lắng nghe nhưng sau khí hết 15 phút mà bạn vẫn chưa nói xong hoạt động thì thật sự mọi người cũng đã khá là mất kiên nhẫn, không thực sự nắm được vai trò của bạn ở từng hoạt động và phải dừng câu trả lời của bạn để hỏi phần tiếp theo rồi. Lẽ ra bạn chỉ cần chắt lọc 1,2 nội dung thôi nhưng nêu bật vai trò của mình thì sẽ thật sự rất tốt thay vì nêu hết tất cả mà không có cái gì đáng lưu ý. Và tương tự, khi chị nhận được những chiếc CV dài hút mắt mà mỗi vị trí chỉ ghi được vài dòng nhiệm vụ hết sức nông cạn thì chị cũng sẽ không dành thời gian để đọc tiếp làm gì cả!

  • Và điều cuối cùng, nhưng cũng là quan trọng nhất, đó là CV này hoàn toàn không có phần “Thành tựu”. Đây là phần mà bạn có thể nêu bật được những đóng góp cụ thể của bạn qua những gì bạn đẫ gặt hái được, nên tuyệt đối không được quên nhé!
✏ Mẫu CV sinh viên đã chỉnh sửa

Ok, nãy giờ mình cùng “ngâm cứu” lỗi sai hết sức rõ ràng rồi đúng không, giờ thì cùng nhau xem 1 phiên bản tốt hơn nhé!

Tuy phiên bản này chưa hẳn là đã tốt 100% nhưng đã sửa được rất nhiều lỗi các bạn hay mắc phải và minh họa khá tốt cách sửa, vậy nên giờ chúng ta cùng xem từng phần chi tiết nhé!

  • Nhìn tổng quan CV sinh viên đã dành đến hơn 1 nửa diện tích cho phần này. Vậy lỗi thứ 1 đã được sửa rồi nhé, vì xem như đảm bảo đủ đất để chia sẻ những thông tin quan trọng cho phầ này.
  • Hình thức  được sửa lại với phần vị trí ,tên câu lạc bộ, thời gian ghi rõ, in đậm và tách biệt với nội dung để dễ dàng lướt nhanh vẫn thấy
  • Các công việc được sắp xếp thời gian theo thứ tự từ gần nhất đến xa nhất/ dùng kí hiệu đầu dòng phân định rõ những nhiệm vụ khác biệt. Nhờ cách trình bày mà nhìn CV mới gọn gàng,chỉnh chu hơn và làm người khác cũng không ngại đọc
  • Phần hoạt động ngoại khóa được chọn lọc và nêu ngắn gọn lại bao gồm 2 hoạt động chính tại câu lạc bộ tiếng anh và clb hđ xh đại học dân dã vì đây là những kinh nghiệm liên quan tới ngành nghề bạn đang nộp (Marketing) nhất.
  • Ở mỗi phần hoạt động chính, mô tả công việc được ghi hết sức cụ thể và đây là những hoạt động mà CHÍNH BẠN đã làm được trong thời gian đó. Cùng hoạt động nhưng khi bạn đầu tư thời gian suy nghĩ hơn, điểm lại những gì mình đã làm được thì sẽ ghi cụ thể hơn rất nhiều đúng không nào! Nếu ở mẫu CV số 1 chỉ đơn thuần ghi “tổ chức sự kiện” thì mẫu này ghi rõ là “tổ chức cuộc thi tiếng anh”, và hoạt động quảng bá cụ thể mà bạn chịu trách nhiệm là viết báo và quảng bá tại trường đại học, thiết kế nội dung quảng bá, v.v… Hoạt động fan page cũng ghi rõ những đóng góp của chính bạn như đề ra hướng truyền thông cả năm, triển khai nội dung trả lời fan page, v.v….
  • Cách viết ở phần này hết sức ngắn gọn và súc tích, bắt đầu bằng động từ thay vì nguyên câu văn dài dòng. À, mà lưu ý hành động thì có hành động chính và phụ nữa nha. Chị đã từng sửa CV cho các bạn mà các bạn chuyên môn để hành động phụ lên đầu. Ví dụ: “Làm việc một nhóm 5-6 người để gây quỹ từ thiện cho học bổng của trường” “Trực tiếp liên lạc với các phòng ban liên quan và tư vấn khách hàng để giải quyết mâu thuẫn, khiếu nại của công ty”. Lần nữa, các bạn hãy tiết kiệm thời gian cho những người đọc CV của các bạn bằng cách ghi vào vấn đề chính nhanh nhất. Nên ghi hành động chính lên trước và phương tiện-cách làm ở sau. Hãy sửa thành “Gây quỹ từ thiện cho học bổng cùng nhóm bạn 5 người” / “Giải quyết khiếu nại của khách hàng cho công ty bằng việc thường xuyên giữ liên lạc với khách hàng và liên lạc với các phòng ban liên quan để xử lý vấn đề nhanh chóng”

🍀 Nếu so sánh mẫu CV sinh viên 1 và 2: mẫu 1 sẽ bị cho rớt từ vòng gửi xe, hoặc nhà tuyển dụng phải tốn thời gian ở vòng phỏng vấn chỉ để hỏi những câu như “bạn đóng góp được gì, cụ thể là quảng cáo cái gì, qua kênh nào, v.v…. Còn với phiên bản đã chỉnh sửa ở mẫu 2, doanh nghiệp có thể đào sâu hơn được thông tin hữu ích cũng trong bằng ấy thời gian phỏng vấn, ví dụ như họ hỏi được là “khi viết báo cho các clb và báo thanh niên em có lưu ý gì không, về số lượng chữ, thông tin, v..v hay khó khăn em gặp phải khi quảng cáo tại trường đại học là gì và em đã vượt qua như thế nào… Từ đó bạn có thêm cơ hội để chinh phục và gây ấn tượng với nhà tuyển dụng, chia sẻ về bản thân trong thời gian ngắn ngủi, lợi thế hơn hẳn những bạn khác đúng không! Hãy cung cấp cho nhà tuyển dụng 1 CV  sinh viên nhưng lại chất lượng như một người đi làm giàu kĩ năng nhé các bạn!

❓ Ngành nghề của em muốn nộp vào khá đặc thù như supply chain, manufacturing nên không có hoạt động ngoại khóa nào có phòng ban này hết, làm sao để CV sinh viên có kinh nghiệm liên quan đây?
  • Thực ra ở những trường hợp này thì các bạn hoàn toàn có thể dùng kinh nghiệm làm việc, kĩ năng mềm ở các hoạt động ngoại khóa để chứng minh khả năng của mình. Ví dụ những kĩ năng mềm cần thiết cho công việc như “Quản lý dự án”, “Kĩ năng giao tiếp”, “lập kế hoạch”, v.v… các bạn có thể học được ở bất cứ hoạt động ngoại khóa nào. Đừng lo vì một người bạn của chị cũng là MT của Unilever hoàn toàn không có kinh nghiệm làm Supply chain ở công ty nào nhưng có một thành tích khá ổn ở CLB Tiếng Anh thì vẫn được nhận như bình thường nhé, quan trọng là bạn học được kĩ năng trong quá trình làm việc. Nhà tuyển dụng khi tuyển dụng sinh viên mới ra trường đều chấp nhận là sẽ đào tạo kiến thức nghề nghiệp cho bạn nên đừng quá lo lắng nhé, miễn sao bạn chứng minh được tiềm năng của mình, sự xông xáo của bạn thông qua hoạt động quá khứ là được nhé.
  •  Hoặc tốt hơn là bạn có thể học thêm những khóa học bổ sung về chuyên ngành để thêm sự tự tin từ doanh nghiệp khi tuyển bạn. Phần này bạn có thể ghi trong mục “Quá trình học tập” như là điểm sáng cho chiếc CV của bạn.
  • Các bạn cũng có thể học hỏi các anh chị đi trước cùng làm phòng ban bạn thích để hiểu sơ qua về công việc và yêu cầu của ngành nghề, sau đó tự tin chia sẻ ở vòng phỏng vấn nhé!
  • Và cuối cùng, nếu bạn có những môn học trong chuyên ngành phù hợp với nghề thì đó cũng là một điểm cộng nhé!

Chà chà, phần này dài quá ta, các bạn đã có mỏi mắt chưa nè? 😉 Vì đây là phần quan trọng nhất của CV sinh viên cần lưu ý nên chị cũng phải toát mồ hôi hột viết và chia sẻ thật kĩ với các bạn đó, không mong gì hơn là các bạn sẽ áp dụng được hiệu quả! 😃

Còn giờ thì tạm chia tay, mình hẹn gặp ở bài sau nghen! Chúc các bạn thành công chinh phục công việc đầu đời mơ ước, đặc biệt là với chương trình Management Trainee (Quản trị viên tập sự) nhé!

Yêu thương,

Chị Thư 

———

Bài viết tổng hợp trọn bộ kinh nghiệm thi Management Trainee (Quản trị viên tập sự): Kinh nghiệm thi Management Trainee – Trọn bộ hơn 150 bài viết chi tiết

Cập nhật thông tin về công việc đầu đời tại

Disclaimer: Article includes photos created by Freepik.com

Lưu ý: Tất cả các bài viết thuộc bản quyền của Chương Khởi Điểm, hoặc đã được Chương Khởi Điểm xin phép tác giả. Vui lòng không đăng tải lại hoặc sao chép dưới bất kỳ mọi hình thức trước khi được sự đồng ý của Chương Khởi Điểm.

 

- Advertisement -

FACEBOOK COMMENTS

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here